Cuộc Đời Là Đau Khổ Hay Không Đau Khổ
[lwptoc]
⚁ Cuộc đời là đau khổ hay không đau khổ?
Có lối thoát hay không có lối thoát?
(Tà Kiến Cho Khổ Là Lạc – Bài 2/2)
✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵
– CH: Cuộc đời là đau khổ hay không đau khổ?
Có lối thoát hay không có lối thoát?
– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc:
Sở dĩ con người khổ đau là do không ngừng trốn khổ tìm vui, tìm kiếm, mong ước cuộc đời hạnh phúc như ý.
Sở dĩ họ mong cầu, tìm kiếm hạnh phúc là vì vô minh và tham ái nên không thể thấy và biết sự thật “cuộc sống bất kỳ dưới dạng hiện hữu nào khắp mọi nơi trong Tam giới đều là vô thường, đều là khổ”. Còn bám víu, chấp thủ vào cuộc sống vì cho là cuộc sống không phải là khổ đau thì chắc chắn sẽ lại gặp khổ.
Rồi cứ lặp đi lặp lại hoài, mãi mãi trong vòng tròn luân hồi sinh tử bất tận của khổ đau này…
Vô số người vì vô minh, theo tà kiến cho rằng cuộc đời không đau khổ, chỉ vì con người tham đắm, mong ước như ý mình nên mới bị khổ, và cho rằng con người có thể chuyển hóa khổ đau, chế tác hạnh phúc trong cuộc sống thế gian.
Đây là những tà kiến đảo điên, cho khổ là lạc, cho cuộc đời là không khổ đau, là tốt đẹp, là hạnh phúc nên họ bám víu và tìm kiếm theo đuổi hạnh phúc trong cuộc sống. Nếu cuộc sống không phải là khổ thì thì cần gì phải mong ước như ý?, cần gì phải chuyển hóa khổ đau?, cần gì phải chế tác hạnh phúc?
Chỉ khi nào có Chánh kiến, thấy và biết rõ như thật cuộc đời cũng như ngũ uẩn thế gian là khổ thì mới không mong đợi, không ước muốn, không chấp trước bất kỳ điều gì trên đời, và do vậy mới được giải thoát khỏi mọi khổ đau phiền não.
Đương nhiên là ước mong cuộc đời như ý là một trong những nguyên nhân của Khổ (“Cầu bất đắc là khổ”), nhưng với tà kiến cho rằng cuộc đời không phải là khổ (nhắm mắt trước sự thật chân lý) thì sẽ luôn có sự bám víu, chấp thủ vào cuộc đời, không khi nào thoát ra khỏi luân hồi, mãi mãi đắm chìm trong khổ đau của sinh tử trong Tam giới.
Với những niềm tin và những lời thuyết giảng sai lạc như vậy, họ đã vì sự không hiểu biết của mình mà phủ nhận chân lý tự nhiên trong vũ trụ được Đức Phật chứng ngộ và truyền dạy là: tất cả các pháp, bao gồm cả cuộc đời của chúng sinh, đều là vô thường, vì là vô thường nên là là khổ, là vô ngã – nên không có gì trong tam giới này đáng để tìm cầu, mong muốn, chấp thủ, bám víu, an trú.
Mọi hạnh phúc thế gian có được, kể cả hạnh phúc, lạc thú cõi trời, thiên đường sau khi chết, cũng chỉ là tạm thời, chốc lát, luôn biến đổi, luôn tiến tới hoại diệt, chỉ là ảo vọng, ảo tưởng, là viên thuốc phiện độc hại, ru ngủ nhân loại trong những lời hứa hẹn phi lý, trong việc tìm kiếm, mong cầu, bám níu vào những hạnh phúc tạm bợ – đó chỉ là tìm kiếm, mong cầu, bám níu vào khổ, lấy khổ nọ thay cho khổ kia, và chắc chắn lại có kết quả là bất toại nguyện, là khổ đau.
Chỉ có Bát Thánh Đạo, tu tập Giới Định Tuệ theo lời Phật dạy, mới là con đường duy nhất dẫn chúng sinh thoát khỏi luân hồi sinh tử, chấm dứt tái sinh, chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự – Niết Bàn bởi Tuệ Giác (Đạo Quả Tuệ) liễu tri sự thật về Khổ, đoạn tận Nguyên nhân của Khổ, thực chứng Khổ Diệt, thành tựu Con Đường dẫn đến Khổ Diệt.
Nên đối chiếu mọi lời thuyết giảng với lời Phật dạy trong kinh điển, kẻo sai một ly, đi một dặm: Lãng phí đời người!
Nguyện cầu mọi người được uống nước Phật Pháp từ tận nguồn tinh khiết.
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala.
⚀ Phân Biệt Tà Với Chánh Như Thế Nào? (Tà Kiến Cho Khổ Là Lạc – Bài 1/2), Web, FB
Ghi chú:
[KHỔ CỦA CUỘC ĐỜI]
… khổ sanh đi theo, đi đến gần, đạt đến được;
khổ già … khổ bệnh… khổ chết…
khổ do sầu bi khổ ưu não… khổ ở địa ngục… khổ ở thai bào của loài thú… khổ ở cảnh giới ngạ quỷ… khổ ở nhân gian… khổ do việc nhập thai… khổ do việc trụ thai… khổ do việc ra khỏi thai… khổ gắn liền sau khi sanh ra… khổ do kẻ khác áp đặt sau khi sanh ra… khổ do sự hành xử của bản thân… khổ do sự hành xử của kẻ khác… khổ do (thọ) khổ đi theo, đi đến gần, đạt đến được, khổ do sự tạo tác… khổ do sự biến đổi… bệnh ở mắt, bệnh ở tai trong, bệnh ở mũi, bệnh ở lưỡi, bệnh ở thân, bệnh ở lỗ tai, bệnh ở miệng, bệnh ở răng, ho, suyễn, sổ mũi, nhiệt, cảm sốt, đau bụng, xây xẩm, kiết lỵ, đau bụng bão, dịch tả, phong cùi, mụt nhọt, chàm, lao phổi, động kinh, mụt, nhọt, ghẻ ngứa, sảy, loét tay chân, ói ra máu, bệnh tiểu đường, bệnh trĩ, ghẻ lở, loét hậu môn, bệnh do mật, bệnh do đàm, bệnh do gió, bệnh tổng hợp do mật–đàm–gió, bệnh sanh lên do thay đổi thời tiết, bệnh sanh lên do bốn oai nghi không đồng đều, bệnh cấp tính, bệnh sanh lên do quả của nghiệp, lạnh, nóng, đói, khát, tiêu, tiểu, các xúc chạm với ruồi muỗi gió nắng và các loài bò sát là khổ… cái chết của mẹ là khổ… cái chết của cha là khổ… cái chết của anh em trai là khổ … cái chết của chị em gái là khổ… cái chết của con trai là khổ… cái chết của con gái là khổ… sự mất mát về thân quyến là khổ… sự mất mát về của cải là khổ… sự mất mát vì bệnh tật là khổ… sự mất mát về giới là khổ… sự mất mát về kiến thức là khổ đi theo, đi đến gần, đạt đến được cá nhân ấy;
‘do việc ấy khổ đau đi theo người ấy’ là thế ấy.
…
[LỐI THOÁT]
Khổ của vị ấy đã được biết toàn diện, có Tập đã được dứt bỏ, có Đạo đã được tu tập, có Diệt đã được chứng ngộ.
Điều cần được biết rõ đã được biết rõ, điều cần được biết toàn diện đã được biết toàn diện, điều cần được dứt bỏ đã được biết dứt bỏ, điều cần được chứng ngộ đã được chứng ngộ.
Vị ấy đã hất tung rào chắn (vô minh), đã san lấp mương rãnh (luân hồi tái sanh), đã nhổ lên cột trụ (tham ái), không còn chốt cửa, là thánh thiện, đã hạ xuống ngọn cờ (ngã mạn), đã đạt xuống gánh nặng, đã tháo khỏi ách, đã dứt bỏ hẳn năm dục, đã thành tựu sáu căn, có một sự bảo hộ (niệm), có bốn sự nâng đỡ, đã xua đi sự độc đoán, có sự tầm cầu đã được hoàn toàn cởi bỏ, có tâm tư không bị xáo trộn, có thân hành đã được an tịnh, có tâm khéo được giải thoát, có tuệ khéo được giải thoát, được đầy đủ, đã sống, là con người tối thượng, con người tột đỉnh, đã đạt được sự thành đạt tột đỉnh.
…
“Đối với vị ấy, sự hiện hữu này là cuối cùng, xác thân này là sau chót, luân hồi sanh tử, việc hiện hữu lần nữa không có đối với vị ấy.”
Nguồn trích dẫn: MAHĀNIDDESA – ĐẠI DIỄN GIẢI, Diễn Giải Kinh về Dục– TK Indacanda dịch
🔥🔥🔥🔥🔥
Đã Là Quá Đủ Luân Hồi Trong Khổ Đau!
“Xin hãy đừng phí phạm, dù chỉ mỗi một giây”
– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc.
🔥🔥🔥🔥🔥
[Chánh Kinh]
Cái này là nhiều hơn, này các Tỷ–kheo, tức là dòng nước mắt tuôn chảy do các Ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các Ông phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này chớ không phải nước trong bốn biển lớn.
Trong một thời gian dài, này các Tỷ–kheo, các Ông chịu đựng mẹ chết.
… các Ông chịu đựng con chết…
… các Ông chịu đựng con gái chết…
… các Ông chịu đựng tai họa về bà con…
… các Ông chịu đựng tai họa về tiền của…
Trong một thời gian dài, này các Tỷ–kheo, các Ông chịu đựng tai họa của bệnh tật.
Cái này là nhiều hơn, là dòng nước mắt tuôn chảy do các Ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì mình không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các Ông phải chịu đựng tai họa của bệnh tật chớ không phải nước trong bốn biển.
Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ–kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.
Cho đến như vậy, này các Tỷ–kheo, là vừa đủ để các Ông nhàm chán, là vừa đủ để các Ông từ bỏ, là vừa đủ để các Ông giải thoát đối với tất cả các hành.
(Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya
Tập II – Thiên Nhân Duyên
[15] Chương IV – Tương Ưng Vô Thỉ (Anamatagga)
III. Nước Mắt (Tạp, Ðại 2, 240c) (S.ii,179) (Biệt Tạp 16.2 Ðại 2, 486a) (Tăng 51,I, Ðại 2, 814a))
**********
Cái này là nhiều hơn, này các Tỷ–kheo, tức là dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, không phải là nước trong bốn biển lớn.
Này các Tỷ–kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu các Ông bị thương tích khi các Ông là bò, sanh ra làm bò trong thời gian dài, hay là nước trong bốn biển lớn?
… là trâu, sanh ra làm trâu…
… là cừu, sanh ra làm cừu…
… là dê, sanh ra làm dê…
… là nai, sanh ra làm nai…
… là gia cầm, sanh ra làm gia cầm…
…là heo, sanh ra làm heo…
… làm đạo tặc, làm kẻ trộm làng, bị bắt…
… làm đạo tặc, ăn cướp đường, bị bắt…
… làm đạo tặc, tư thông vợ người, bị bắt trong thời gian dài chớ không phải là nước trong bốn biển lớn.
Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ–kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.
Cho đến như vậy, này các Tỷ–kheo, là vừa đủ để các Ông nhàm chán, là vừa đủ để các Ông từ bỏ, là vừa đủ để các Ông giải thoát đối với tất cả các hành.
Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập II – Thiên Nhân Duyên
[15] Chương IV – Tương Ưng Vô Thỉ (Anamatagga), III. Khoảng Ba Mươi (Tạp, Ðại 2, 240b) (S.ii,187)
**********
7) – Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do tự mình làm ra?
Thế Tôn đáp:
– Không phải vậy, này Kassapa.
8) – Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do người khác làm ra?
Thế Tôn đáp:
– Không phải vậy, này Kassapa.
9) – Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do mình làm ra và do người khác làm ra?
Thế Tôn đáp:
– Không phải vậy, này Kassapa.
10) – Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?
Thế Tôn đáp:
– Không phải vậy, này Kassapa.
11) – Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?
– Này Kassapa, không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa.
12) – Như vậy, Tôn giả Gotama không biết, không thấy khổ.
– Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ.
13) – Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, khổ có phải tự mình làm ra”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, khổ có phải do người khác làm ra?”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, khổ có phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra?”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?”, Ngài trả lời: “Không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Như vậy Tôn giả Gotama, không biết, không thấy khổ?”, Ngài trả lời: “Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ”. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên cho con về khổ, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết cho con về khổ.
14) – Một người làm và chính người làm ấy cảm thọ (kết quả). Này Kassapa, như Ông gọi ban đầu “khổ do tự mình làm ra”, như vậy có nghĩa là thường kiến.
Một người khác làm và một người khác cảm thọ. Này Kassapa, như vậy đối với người bị cảm thọ, được xảy ra như: “Khổ do người khác làm ra”, như vậy có nghĩa là đoạn kiến.
15) Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo. Vô minh duyên hành, hành duyên thức… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham và đoạn diệt hoàn toàn vô minh, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt… (như trên)… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
16) Khi được nghe nói vậy, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Và nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ–kheo. Bạch Thế Tôn, con xin xuất gia với Thế Tôn, con xin thọ đại giới.
Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ. – Samyutta Nikaya, Tập II – Thiên Nhân Duyên – [12] Chương I – Tương Ưng Nhân Duyên, XVII. Loã Thể (Tạp 12.20, Ðại 2,86a Ðại 14,768) (S.ii,18)
**********
“Này các Tỷ–kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai?
⚀ Người độc ác với tâm đầy sân hận, và
⚁ người có lòng tin với tà kiến.
Này các Tỷ–kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai.”
Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ Kinh – Chương hai pháp – Phẩm Người ngu.
**********
“… trong khi có một Niết Bàn, có một con đường đưa đến Niết Bàn và trong khi có mặt Ta là người chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh Niết Bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà la môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường”.
Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya, 107. Kinh Ganaka Moggallàna
Những Câu Hỏi Về Tư Tưởng Của Sư Viên Minh Về Thiền, Do Ngài Chánh Minh Trả Lời, FB
Bài viết liên quan
- Phân Biệt Tà Với Chánh Như Thế Nào? (Tà Kiến Cho Khổ Là Lạc – Bài 1/2), Web, FB
- Lộn Ngược Là Thế Nào, Web, FB
- Thế Nào Là Hão Huyền? Thế Nào Là Vọng Tưởng?, Web, FB
- Thế Nào Là Tưởng Điên Đảo? Tâm Điên Đảo? Kiến Điên Đảo?, Web, FB
- Tà Kiến: “Tánh Biết Không Sinh Không Diệt”, Web, FB
- Người Già Cao Tuổi, Đầy Bệnh Hoạn, Luôn Ốm Đau Bằng Cách Nào Có Thể Đạt Tới Hạnh Phúc, An Lạc Lâu Dài?, Web, FB
- Cuộc Đời Là Đau Khổ Hay Không Đau Khổ? Có Lối Thoát Hay Không Có Lối Thoát?, Web, FB
- Khổ – Dukkha, Web, FB
- Xóa Tan Sân Hận 1/2, Web, FB
- Xóa Tan Sân Hận 2/2, Web, FB
- Hàng Ngày Không Quên: Sám Hối – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB
- Video Tụng Kinh Rải Tâm Từ, Youtube
- Có Cần Tu Tập Thiền Hay Không, Web, FB
- Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
- Phân biệt Tà với Chánh, Web, FB
- Chớ Lầm Đường Lạc Lối, Kẻo Hoài Phí Đời Người, Web, FB
- Tà Kiến: “Tánh Biết Không Sinh Không Diệt”, Web, FB
- Như Thế Nào Là Phá Hòa Hợp Tăng Và Quả Báo Của Phá Hòa Hợp Tăng, Web, FB
- Con Là Cái Gì Mà Sao Con Khổ Thế Này?, Web, FB
- Ngu Thì Khổ, Web, FB
- Học Gì Hết Ngu, Tu Gì Hết Khổ, Web, FB
- Hãy Đứng Dậy, Lên Đường, Web, FB
- Who Am I, Ta Là Ai, Web, FB
- Ngoài Chuyện Sinh – Tử Chẳng Có Gì Là Quan Trọng Cả., Web, FB
- Bát Thánh Đạo, Web, FB
- Bát Chánh Đạo Là Con Đường Tối Thượng:, Web, FB
- Dukkha Là Gì? Phải Chăng “Đời Là Bể Khổ?”(Tứ Thánh Đế – Bài 1/4), Web, FB
- Dukkha Samudaya: Chân Lý Về Nguyên Nhân Của Khổ Là Gì? (Tứ Thánh Đế – Bài 2/4), Web, FB
- Dukkha Nirodha – Khổ Đoạn Diệt: Chân Lý Về Sự Chấm Dứt Khổ – Niết Bàn Là Gì? (Tứ Thánh Đế – Bài 3/4), Web, FB
- Magga – Con Đường: Chân Lý Thứ Tư – Đạo Đế: Con Đường Chấm Dứt Khổ Là Gì?(Tứ Thánh Đế – Bài 4/4), Web, FB
- Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada:, Youtube