Cuối cùng tất cả chúng ta, đều lên nóc tủ

CUỐI CÙNG TẤT CẢ CHÚNG TA, ĐỀU LÊN NÓC TỦ

– Thưa thầy tại sao phải Niệm Chết?

– @:

“Có một pháp, này các Tỳ–khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Chết. Chính một pháp này, này các Tỳ–khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.” [Tăng Chi 1.16].

“Hãy suy niệm về hiện tượng chết để khỏi bị nỗi sợ hãi về cái chết vây bủa và để sống một đời sống tràn đầy ý nghĩa.” (Thiền sư U Pandita).

“Nếu chúng ta quán tưởng sự chết mỗi ngày, mỗi buổi sáng, mỗi buổi chiều và mỗi buổi tối, sự tinh cần thận trọng sẽ sinh khởi và thái độ đúng đắn sẽ đi theo.

Không có sự nghĩ nhớ về cái chết chắc chắn của chính mình, người ta trở nên phóng dật. Nếu người ta thật sự chấp nhận rằng sớm hay muộn gì họ cũng sẽ từ giã cõi đời, họ sẽ thận trọng hơn và không quá tự hào và quan trọng hóa chính mình. Với nhiều khả năng rằng họ sẽ khiêm tốn, rằng họ sẽ sống một cách khiêm tốn.

“Nếu người nào quán tưởng về cái chết của chính mình mỗi ngày, người đó sẽ hòa nhã. Tâm người đó sẽ nghiêng về phía nghiệp thiện hơn là nghiệp bất thiện. Họ sẽ chủ yếu chọn làm các điều lành. Do vậy chúng ta thấy rằng những khổ đau bắt nguồn từ tham ái, sân hận, đố kỵ và bủn xỉn có thể được giải quyết bởi việc quán xét sự chết, đặc biệt là cái chết của chính mình.” (Thiền sư Revata).

Năm Điều Không Biết:

Đối với các hạng phàm–nhân bình thường có 5 điều không thể biết là:

1– Jīvita: Sinh–mạng sẽ chết lúc tuổi ấu niên, hoặc trung niên, hoặc lão niên, điều này không thể biết được.

2– Byādhi: Sẽ chết do bệnh gì hoặc nguyên nhân gì, điều này cũng không thể biết được,

3– Kāla: Sẽ chết vào lúc ban ngày hoặc lúc ban đêm, điều này cũng không thể biết được.

4– Dehanikkhepana: Sẽ chết tại trong nhà hoặc ngoài nhà, điều này cũng không thể biết được,

5– Gati: Sau khi chết rồi, nghiệp nào cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi nào, điều này cũng không thể biết được.

Có 4 nguyên nhân chết:

1. Một số chết do sự chấm dứt của thọ mạng (Āyukkhaya–marana).

2. Một số chết vì nghiệp lực tái sanh chấm dứt (Kammakkhaya–marana).

3. Một số chết vì cả thọ mạng và nghiệp lực tái sanh chấm dứt (Ubhayakkhaya – marana).

4. Một số chết vì đoạn nghiệp (nghiệp có quả làm cắt đứt quả của một sanh nghiệp khác) (Upacchedaka–marana).Họ có thể chết trong một tai nạn. Thọ mạng của họ vẫn còn và nghiệp lực của họ vẫn còn, nhưng vì đoạn nghiệp, họ bị tiêu diệt và chết.

Thiền sư Revata chia sẻ kinh nghiệm như sau: “Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với tất cả quý vị. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất gia của tôi là thấy sự chết.

Thời gian đó một trong những học trò của tôi có người mẹ bị bệnh lâu ngày. Tôi là một trong những người chăm sóc bác ấy. Trong khi bác dường như đang khỏe lên từng ngày và nó có vẻ như sẽ hồi phục, nhưng sau một thời gian tình trạng bác lại suy sụp và cuối cùng bác ấy chết.

Trước lúc đó, tôi đã không nghĩ gì đến cái chết của chính mình. Tôi hoàn toàn tập trung vào việc cố gắng xây dựng cuộc đời tôi. Tôi làm việc để kiếm tiền. Tôi làm việc để tích lũy của cải. Thật là dễ để chẳng nghĩ đến cái chết của mình khi tôi chăm chỉ làm việc thu gom “các thứ” để tự mãn và cải thiện đời sống tôi. Nhưng khi bác ấy chết, đó là một cú gọi đánh thức tôi tỉnh dậy. Một ý thức cấp bách khởi sinh trong tôi.

Chúng tôi đã chăm sóc bác ấy rất tốt, cung cấp cho bác các thứ thuốc thượng hạng, đồ ăn tốt, chỗ nghỉ tốt. Nhưng không có thứ gì có thể cứu được bác. Khi thời điểm chín muồi, bác ấy chết. Mặc dù chúng tôi đã cho bác dùng các thứ thuốc tốt nhất, đắt tiền nhất và bác ấy trông có vẻ khỏe lên, nhưng cuối cùng tình trạng của bác ấy biến chuyển một cách không mong đợi và bác ấy chết. Bác vẫn còn trẻ. Cái chết của bác ấy thình lình xảy ra làm tôi sửng sốt và làm khởi lên một ý thức cấp bách trong tôi.

Lúc đó, tôi hiểu rằng một ngày nào đó, mạng sống tôi cũng sẽ chấm dứt. Cũng vậy, tôi sẽ chết. Nhưng dĩ nhiên, tôi không biết khi nào tôi chết, nơi tôi sẽ chết và tôi chết như thế nào. Tôi tự hỏi: “Ta sẽ sống được bao lâu”? Tôi không biết. Tôi quán xét: “Chết là chắc chắn. Cuộc sống là không chắc chắn. Ta chắc chắn sẽ chết”.

Tôi xem xét khả năng mà tôi có thể rơi vào một trong bốn cõi dữ. Chỉ nghĩ thôi mà đã làm tôi sợ hãi. Tôi biết chắc chắn rằng tôi muốn thoát khỏi khổ đau trong bốn cõi dữ. Câu hỏi “bằng cách nào” lúc đó tràn ngập tâm trí tôi. Tôi nhận thấy rằng tôi cần phải thay đổi cách sống của mình trong khi tôi vẫn còn thời gian và cơ hội để làm những gì cần làm. Tôi thấy cần thiết phải có sự thay đổi ngay bấy giờ, trước khi tôi chết.

Vào lúc đó, ý thức cấp bách tràn ngập trong tâm tôi. Nó rất mạnh; tôi không muốn làm bất kỳ điều gì ngoại trừ việc hành thiền. Không lâu sau đó, tôi tìm thấy chính mình trong bộ y casa.”

“Tôi muốn kể với quý vị một câu chuyện. Câu chuyện này được lấy từ Kinh Tương Ưng Bộ (Saṃyutta Nikāya). Trong thời Đức Phật, có một thiên nam tên là Subrahmā, là vị sống hạnh phúc trong lâu đài ở Thiên giới với đoàn tùy tùng một ngàn thiên nữ. Trong câu chuyện này, Subrahmā đang ngồi dưới một cội cây, trong Khu Rừng Nandana, giữa năm trăm thiên nữ.

Năm trăm thiên nữ khác đã trèo lên trên cây. Họ đang ca hát và ném hoa trên cây xuống. Những thiên nữ còn lại ở dưới cội cây cùng với Subrahmā lượm những bông hoa và làm một vòng hoa cho vị thiên nam. Đoàn tùy tùng của vị thiên nam đều ca hát nhảy múa một cách rất hạnh phúc. Nhưng đột nhiên, các thiên nữ trên cây ngừng ca hát. Có sự im lặng. Subrahmā tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Vị ấy nhìn lên trên cây và thấy rằng chẳng có ai ở trên cây cả. Năm trăm thiên nữ tùy tùng của Subrahmā đơn giản là đã biến mất.

Tâm vị thiên nam khởi lên mong muốn biết được họ đã đến nơi nào. Khi vị ấy tìm kiếm bằng thiên nhãn của mình, vị ấy phát hiện ra rằng họ đã đột nhiên chết và ngay tức khắc đã tái sanh ở địa ngục A–tỳ (Avīci). Đó là một địa ngục cực kỳ khủng khiếp. Năm trăm thiên nữ trong đoàn tùy tùng của vị ấy đang ca hát và ném hoa từ trên cây xuống thì đột nhiên chết và rơi vào địa ngục khủng khiếp ấy.

Như quý vị biết, sự chia lìa với những người mà ta thương yêu là khổ đau. Chư thiên cũng đau khổ không kém; Subrahmā cảm thấy rất, rất đau buồn. Vị ấy đau khổ rất nhiều. Vị ấy cảm nhận nỗi đau đớn dữ dội. Vào lúc đó, sự tinh cần tỉnh thức khởi sinh trong tâm vị ấy. Vị ấy xem xét thọ mạng của chính mình và thấy rằng chính vị ấy cùng với năm trăm thiên nữ còn lại sẽ phải chết trong bảy ngày nữa và họ cũng sẽ tái sanh trong cùng địa ngục.

Hãy để tôi hỏi quý vị một câu hỏi. Quý vị nghĩ như thế nào? Nỗi sầu khổ nào sẽ lớn hơn, nỗi sầu khổ sanh ra trong tâm vị thiên nam trẻ khi vị ấy chia lìa với năm trăm thiên nữ mà vị ấy yêu thương hay nỗi sầu khổ sanh ra trong tâm vị ấy khi vị ấy thấy rằng chính mình và đoàn tùy tùng còn lại sẽ sớm chịu khổ đau trong cùng địa ngục?

Chắc chắn, nỗi sầu khổ cho chính mình và đoàn tùy tùng còn lại thì mạnh mẽ hơn đã sinh khởi trong tâm vị thiên nam khi vị ấy thấy nỗi đau đớn khủng khiếp mà tất cả bọn họ cũng sẽ phải đối mặt. Trước đó, vị ấy đã khổ đau cho những người mà vị ấy thương yêu và mất mát.

Giờ đây, vị ấy đau khổ cho chính bản thân mình. Nỗi sầu khổ dữ dội khởi lên trong tâm vị ấy. Sự sợ hãi với nỗi khổ trong địa ngục quá sâu sắc và khủng khiếp khiến một ý thức cấp bách tức khắc phát sinh nơi vị ấy.

Bị dồn ép bởi ý thức cấp bách và sự sợ hãi tuyệt đối, Subrahmā đã đến gặp Đức Phật để thỉnh cầu sự an ủi và giúp đỡ. Trước Đức Phật, vị ấy ngâm câu kệ này:

Tâm này thường sợ hãi,

Ý này thường dao động,

Ðiều mong ước không khởi,

Ðiều không mong lại khởi,

Nếu có, chỗ không sợ,

Xin giải điều con hỏi.

Mặc dù chư thiên thường rất hạnh phúc, nhưng Subrahmā giờ đây thì vô cùng lo âu và cảm thấy khiếp sợ. Sự sợ hãi của vị ấy thì quá khủng khiếp và liên tục khiến vị ấy thốt lên lời “Tâm này thường sợ hãi, Ý này thường dao động,” Vị ấy đã liên hệ đến cả vấn đề đã nảy sinh và vấn đề chưa nảy sinh.

Trong trường hợp này, vấn đề đã nảy sinh là cái chết bất ngờ và đích đến gây sửng sốt của năm trăm vị thiên nữ trong đoàn tùy tùng của vị ấy. Vấn đề chưa sinh khởi thậm chí còn khó khăn hơn – cái chết sắp đến và việc rơi xuống địa ngục của chính Subrahmā cùng với năm trăm thiên nữ tùy tùng còn lại. Bị thúc đẩy bởi ý thức cấp bách, vị ấy thỉnh cầu Đức Phật cho biết cách để giải thoát.

Đức Phật đã trả lời như sau:

Không ngoài khổ, giác chi

(ví dụ như khổ hạnh đầu đà…),

Không ngoài hộ trì căn,

Không ngoài bỏ tất cả,

Ta thấy các pháp ấy,

Ðưa đến sự an toàn,

Cho tất cả chúng sinh.

Đức Phật đã dạy Subrahmā rằng thực hành thiền là nguồn giải thoát. Ý thức cấp bách trong tâm vị thiên nam quá mạnh đến nỗi, sau khi nghe điều đó, vị ấy và cả đoàn tùy tùng thể nhập được ý nghĩa lời Đức Phật dạy và vào lúc đó, họ chứng đắc quả Nhập Lưu, họ trở thành các bậc thánh Tu–đà–hoàn. Tất cả họ đã hoàn toàn giải thoát khỏi khổ đau trong bốn cõi dữ. Đạo Trí đã nhổ tận gốc rễ các phiền não ô nhiễm có thể dẫn họ đến khổ đau trong bất kỳ cõi dữ nào. Thật là tuyệt vời biết bao!

Ở đây tất cả chúng ta nên nghĩ đến rủi ro tái sanh ở một trong bốn cõi dữ so với việc được tái sanh ở một trong các cõi lành. Quý vị có thể nhớ, trong bài pháp trước tôi đã trích dẫn một bài Kinh, một lần nọ, Đức Phật hỏi một nhóm các Tỷ–kheo của Ngài, cái gì là nhiều hơn, một ít đất bám trên đầu móng tay của Ngài hay đất trên quả đất to lớn này. Chư Tỷ–kheo trả lời, tất nhiên, là đất trên quả đất to lớn này.

Theo Đức Phật, như là đất của quả đất nhiều hơn đất ở trên đầu móng tay của Ngài, cũng vậy sau khi con người chết đi, phần nhiều hơn là con người bị rơi vào một trong bốn cõi dữ so với số được tái sanh vào một trong các cõi lành.

Vòng luân hồi (Saṃsāra) thì không thể khám phá ra được điểm khởi đầu. Trong vô số các kiếp sống, tất cả chúng ta đã tích lũy cả nghiệp bất thiện và nghiệp thiện. Thật không may mắn, hầu hết chúng ta tích lũy nhiều nghiệp bất thiện trong cuộc đời mình hơn là các nghiệp thiện.

Nếu chúng ta không thực hành thiền trước khi chúng ta chết, nếu chúng ta không chuẩn bị cho cái chết trong khi vẫn còn thời gian, chúng ta sẽ không thể thấu suốt các Pháp như nó thực sự là, vậy thì, chúng ta cũng giống như năm trăm thiên nữ kia, có thể rơi xuống một trong bốn cõi khổ khi chúng ta chết đi.

Subrahmā và đoàn tùy tùng thiên nữ còn lại thấy trước rằng họ sẽ phải chịu khổ đau trong địa ngục trừ khi họ thay đổi cách sống của mình. Sự cấp bách phát sinh nơi họ. Theo cách tương tự, nếu chúng ta biết được rằng chúng ta sẽ chết trong bảy ngày và sẽ phải chịu khổ đau trong địa ngục, chúng ta có thay đổi cách sống không? Chúng ta có tập trung hành thiền để giải thoát khỏi số phận đó hay không?”

Đức Phật đã chỉ cho các Tỷ–kheo con đường đến bất tử phát sinh qua niệm sự chết:

“Niệm sự chết, này các Tỷ–kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các Tỷ–kheo, các Thầy hãy tu tập niệm chết”. [Tăng Chi 6.19]

Tu tập niệm chết như thế nào, làm cho sung mãn niệm chết như thế nào thời đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử?

“Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ trở ngại cho ta. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể khuấy động ta, đàm có thể khuấy động ta. Các loại bệnh tật có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta”.

Này các Tỳ–khưu, Tỳ–khưu ấy cần phải suy xét như sau: “Nếu ta còn có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”.

Này các Tỳ–khưu, nếu Tỳ–khưu trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: “Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”, thời này các Tỳ–khưu, Tỳ–khưu ấy, để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác.

Ví như, này các Tỳ–khưu, áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Cũng vậy, này các Tỳ–khưu, Tỳ–khưu ấy, để đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác.

Nhưng nếu Tỳ–khưu ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: “Ta không có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”. Này các Tỳ–khưu, vị Tỳ–khưu ấy cần phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.” [Tăng Chi 6.19]

Trong tâm từ

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

Chánh pháp được lan tỏa bởi quí vị đã đọc, đã thích & chia sẻ, thực hành. Lành thay!

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 13 tháng 12, 2017