Vô minh là gì

VÔ MINH LÀ GÌ❓

by

Sumangala Bhikkhu Viên Phúc – Thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon, Yangon, Myanmar

VÔ MINH LÀ GÌ

––––––––––––––––––––––––––––––

Theo kinh Phật dạy, vô minh là không biết bốn Thánh đế, tức là:

① không biết khổ đế,

② không biết tập đế,

③ không biết diệt đế, và

④ không biết đạo đế.

Xét về ý nghĩa, vô minh có nghĩa là quan niệm sai lầm hay ảo tưởng. Nó khiến chúng ta lầm tưởng cái sai và không thật là đúng và có thật, nó dẫn chúng ta đi sai đường, do đó nó được gọi là tà hành vô minh (micchàpatipatti–avijjà).

Vô minh khác với sự ngu dốt bình thường, không biết tên của một người hay một ngôi làng nào đó thì chưa gọi là hiểu sai, trong khi vô minh trong pháp duyên khởi có ý nghĩa rộng hơn sự ngu dốt, nó có trạng thái lầm lạc như người hoàn toàn mất khả năng định hướng, lầm lẫn hướng Ðông là hướng Tây, hướng Nam là hướng Bắc.

❶ Vô Minh Về Khổ

–––––––––––––––––––––––––

Người không biết chân lý về khổ thường lạc quan về đời sống mà bản chất thực sự của nó đầy đau khổ.

Tìm chân lý về khổ trong kinh sách quả là điều sai lầm, điều ấy chỉ được tìm thấy trong bản thân của chính mình mà thôi.

Sự thấy, sự nghe hay nói chung, tất cả danh sắc đang sanh lên từ sáu căn đều là khổ, sự hiện hữu của các pháp đều mang tính chất vô thường, bất lạc và không đáng ưa thích, nó có thể diệt mất bất cứ lúc nào, nên tất cả đều là khổ, nhưng với người xem sự hiện hữu của họ là phúc lạc thì khó giác ngộ cái lý về sự khổ.

Như vậy, họ tầm cầu các cảnh lạc, sắc khả ái, tiếng khả ái, vật thực tốt v.v… Mọi cố gắng đạt cho được những thứ mà họ cho là tốt đẹp trong cuộc sống đều xuất phát từ ảo tưởng về đời sống của họ.

Vô minh ở đây giống như cái kính màu xanh che mắt, khiến con ngựa ăn nhằm cỏ khô lại tưởng là cỏ non. Chúng sanh chìm đắm trong dục lạc, vì họ nhìn mọi thứ qua cặp kính màu hồng, họ mang nặng ảo tưởng về dục trần và danh sắc (bản thân và thế giới chung quanh).

Cũng như người mù dễ bị người ta lừa gạt, một người nào đó bán cho ông ta một món hàng, y bảo đó là vật đắc giá kèm theo những lời tô son vẽ phấn khác, người mù tin thật và suốt ngày yêu thích, gìn giữ vật ấy.

Chỉ khi nào mắt sáng trở lại, anh ta sẽ nhận ra tính chất giả tạm của món đồ và sẽ quăng bỏ ngay vật ấy.

Cũng vậy, người bị vô minh che mờ, đam mê đời sống mà không biết tánh chất vô thường, khổ và vô ngã của nó, chỉ khi nào thực hành pháp quán về danh sắc, nhờ đó người kia mới thấy được tánh chất bất thiện và đầy đau khổ của kiếp sống, khi ấy anh ta mới tỉnh ngộ.

Pháp quán danh sắc hay thiền Minh sát không nằm trong kiến thức của sách vở, đó là cái nhìn thông suốt và quan sát không gián đoạn quá trình đang diễn ra của danh sắc, tức là các cảnh trần và những tâm thức tương ứng.

Pháp hành này giúp hành giả nhận biết đầy đủ về bản chất của chúng.

Khi sự định tâm được phát triển mạnh, hành giả sẽ thấy rõ tánh chất đang sanh và đang diệt rất nhanh của chúng, nhờ đó đắc được tuệ quán về tánh chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng.

Vô minh làm chúng ta mê mờ, không thấy được bản chất hiện thực, vì chúng ta không chánh niệm.

Thất niệm làm sanh khởi ảo tưởng, cho rằng có đàn ông, đàn bà, tay, chân… Xét theo ý nghĩa thường dùng của các tên gọi.

Chúng ta không biết rằng sự thấy (đây là ví dụ) chỉ là quá trình của danh và sắc hay quá trình của tâm lý và vật lý rằng, các pháp có sanh và có diệt, tức là có tánh chất vô thường, bất toại nguyện và vô ngã.

Người không hề thực hành thiền quán cuối cùng nhắm mắt mà chẳng biết gì về danh sắc.

Người có chánh niệm sẽ nhận thấy bản chất của quá trình danh sắc, nhưng ở giai đoạn đầu, tuệ quán chưa phát sanh được vì định chưa phát triển mạnh.

Vô minh hay con đường diễn tiến tự nhiên của tâm thức thường đi trước pháp quán, nên hành giả tu tập bước đầu không đạt được tuệ quán về bản chất của danh–sắc.

Chỉ khi nào pháp hành được kiên cố, khi ấy Ðịnh và Tưởng mới mạnh và dẫn đến tuệ quán.

Ví dụ: Trong khi đang thực hành pháp Niệm, nếu hành giả cảm thấy ngứa, vị ấy chỉ biết trạng thái đang ngứa đó thôi, không nghĩ là tay ngứa, chân ngứa hay chỗ nào bị ngứa, cũng không nghĩ rằng: “Ta ngứa”, chỉ có cảm thọ ngứa đang sanh khởi liên tục mà thôi.

Cảm thọ ấy không kéo dài mãi, mà diệt mất khi hành giả chú tâm niệm vào đó.

Tâm quan sát ghi nhận đúng lúc mỗi hiện tượng của danh và sắc, không để cho ảo tưởng về tay, chân, v.v… sanh khởi lên.

Vô minh ngự trị con người không có chánh niệm và làm cho người ấy không thấy được bản chất bất toại nguyện của tất cả cảnh trần, nó thay khổ bằng lạc.

Thật ra, Vô minh có hai ý nghĩa: không biết cái chân thực và quan niệm sai lầm làm méo mó bản chất của hiện thực.

Vì không biết sự thật của khổ (khổ đế) nên người ta mới tầm cầu dục lạc.

Như vậy, Vô minh dẫn đến cố gắng tạo nghiệp, tức là Hành (Sankhàra).

Theo các bài kinh thì do Vô minh, Hành sanh.

Nhưng có hai mắt xích là Ái và Thủ ở giữa Vô minh và Hành.

Vô minh làm duyên cho Ái sanh khởi, rồi Ái phát triển thành Thủ, Ái và Thủ nảy sanh từ lòng tham muốn khoái lạc và rõ ràng được nêu ra ở phần giữa của giáo lý duyên khởi.

Khi quá khứ được mô tả đầy đủ, thì Vô minh, Ái, Thủ, Nghiệp hữu và Hành được nói đến.

❷ Vô Minh Về Nguồn Gốc Của Khổ

–––––––––––––––––––––––––

Chúng sanh không biết rằng ái dục là nguồn gốc của khổ, ngược lại, họ cho rằng chỉ có đam mê mới làm cho họ hạnh phúc, không có đam mê thì đời sống thật là buồn chán. Vì thế, họ không ngừng tầm cầu dục lạc, vật thực, y phục, thân hữu, v.v… Nếu không có những thứ nầy thì họ cảm thấy không thoải mái và đời sống đối với họ trở nên đơn điệu.

Phần đông đều cho rằng đời sống mà không có sự lạc quan yêu đời thì quả thật hoàn toàn mất hết khoái lạc.

Chính ái dục che mờ tánh chất bất lạc của đời sống và tạo ra hương vị khoái lại cho cuộc đời, nhưng đối với vị A–la–hán đã đoạn trừ ái dục thì sự vui thích với cuộc sống không hề xảy ra, vị ấy hằng hướng đến Niết–bàn, là sự chấm dứt hoàn toàn tất cả khổ.

Ái dục không thể gây ảnh hưởng nhiều đối với những hành giả đã thực hành thuần thục pháp thiền Minh sát. Vì thế, một số hành giả không còn ham thích đời sống nhiều như trước kia.

Sau khi hành thiền ở thiền đường hay chỗ tịnh cư nào đó trở về nhà, họ cảm thấy chán cảnh gia đình và sự chung đụng.

Trước mắt mọi người, vị hành giả trông như lạnh nhạt với môi trường chung quanh, nhưng trên thực tế, hành vi và cử chỉ của người ấy là dấu hiệu đánh mất sự vui thích trong thế giới hiện tại.

Nhưng nếu hành giả ấy vẫn chưa vượt qua được dục lạc, thì trạng thái yểm ly ấy chỉ có tánh chất tạm thời và đến một lúc nào đó anh ta sẽ tự thích ứng với đời sống gia đình. Người nhà của anh ta không cần phải lo lắng về thái độ khác thường ấy, vì có mấy ai trên đời mà không ưa thích đời sống thế tục.

Như vậy, hành giả nên tự xét mình đã thật sự yểm ly thế gian được bao nhiêu? Nếu tâm vẫn còn vương vấn dục lạc, hành giả nên tự thấy mình vẫn còn ở trong gọng kềm của ái dục.

Sống mà không có ái dục, chúng ta sẽ cảm thấy vô vị.

Với sự tham dự của Vô minh, ái dục khiến chúng ta không thấy được khổ và cho chúng ta cặp kính màu hồng để nhìn thấy thế gian là lạc. Cho nên chúng ta tầm cầu các nguồn dục lạc một cách điên cuồng.

Chúng ta hãy xét sự ưa thích phim ảnh, ca kịch của mọi người. Những trò giải trí này làm hao phí khá nhiều thì giờ và tiền bạc, nhưng ái dục đã làm cho họ không thể cưỡng lại được.

Ðối với người không thích chúng thì những trò giải trí ấy là những nguồn đau khổ.

Một ví dụ rõ ràng hơn là sự hút thuốc. Người hút thuốt thích hít mùi thơm của thuốc lá, nhưng người không hút thuốc thì xem đó là cái khổ tự mình chuốc lấy, không hút thuốc thì không bị những phiền toái của người hút thuốc.

Ái dục là nguồn gốc của đau khổ, cũng có thể thấy được nơi người nhai trầu. Có nhiều người thích nhai trầu, nhưng trên thực tế, đó là thói quen đầy phiền toái.

Cũng như người nghiền thuốc lá và nhai trầu, mọi người đều tìm cách làm thoả mãn ái dục, sự cố gắng khơi dậy ái dục nầy là động lực chính của sự tái sanh, dẫn đến già, bệnh và chết.

Khổ và nguyên nhân của khổ, tức là ái dục, hiển nhiên trong đời sống hằng ngày.

Nhưng khó thấy được hai sự thật nầy vì chúng rất thâm sâu và người ta không thể biết được chúng qua suy quán, chỉ có thể biết được qua pháp hành Minh sát.

❸ & ❹ Vô Minh Về Diệt Ðế Và Ðạo Ðế

–––––––––––––––––––––––––

Vô minh cũng có nghĩa là không biết về sự chấm dứt khổ và đạo diệt khổ.

Hai chân lý này cũng thâm diệu và khó hiểu, vì sự chấm dứt khổ liên quan đến Niết–bàn, mà chỉ qua Thánh đạo mới giác ngộ được, và Ðạo đế chỉ có thể biết được đối với hành giả đã chứng đạo mà thôi.

Cho nên phần đông bị Vô minh về hai chân lý này cũng không lấy gì làm ngạc nhiên.

Ở đâu cũng có vô minh về sự chấm dứt khổ, vì thế nhiều tôn–giáo đã mô tả mục tiêu tối thượng “chấm dứt khổ” qua nhiều cách khác nhau.

Một số cho rằng đến đúng thời kỳ khổ tự nhiên chấm dứt, số khác cho rằng dục lạc là tốt đẹp nhất và bác bỏ quan niệm kiếp sống vị lai.

Sở dĩ có nhiều niềm tin khác nhau như vậy là do Vô minh, không thấy Niết–bàn thật sự, ngay cả những người tu Phật, một số cũng chấp rằng Niết–bàn là một cõi cực lạc hay một loại thiên đàng nào đó và đã có nhiều cuộc tranh luận về Niết–bàn.

Trên thực tế, Niết–bàn là sự chấm dứt hoàn toàn quá trình sanh diệt của danh sắc đã xảy ra không ngừng dựa trên cơ sở mối quan hệ nhân quả.

Như vậy, theo lý duyên khởi thì Vô minh, Hành… tạo tiền đề cho danh sắc… sanh khởi.

Quá trình nhân quả này có liên quan đến lão, tử, và những điều khổ khác trong đời sống.

Nếu Vô minh diệt tắt ở Thánh đạo thì những kết quả từ đó cũng diệt theo và kéo theo sự diệt tắt mọi đau khổ. Sự chấm dứt hoàn toàn đau khổ như vậy là Niết–bàn.

Ví dụ: Cây đèn được châm thêm dầu sẽ tiếp tục cháy, nhưng nếu nguồn nhiên liệu bị cắt đứt thì ngọn đèn sẽ tắt hoàn toàn.

Cũng vậy, đối với vị hành giả đã chứng đắc Niết–bàn, tất cả mọi nguyên nhân như Vô minh… đều bị diệt tận và tất cả những kết quả nối theo như Tái sanh cũng bị diệt tận, đó là sự chấm dứt khổ hoàn toàn, tức là Niết–bàn.

Quan niệm về Niết–bàn như thế sẽ không hấp dẫn những người quá tham luyến đời sống. Ðối với họ, sự chấm dứt quá trình sinh diễn của danh sắc đồng nghĩa sự chết vĩnh viễn.

Tuy nhiên, sự tin tưởng đầy sáng suốt về Niết–bàn là điều cần thiết với hành giả, nhờ đó có sự tinh tấn kiên trì để chứng đạt mục tiêu tối thượng.

Sự hiểu biết về đế thứ tư, tức là chân lý về Ðạo diệt khổ, cũng có tầm quan trọng thiết yếu.

Chỉ có Ðức Phật mới có thể công bố chánh đạo, không một ai có thể làm điều ấy được, dầu là chư thiên, Phạm thiên hay người.

Cũng có nhiều luận đề, giáo lý bàn về đạo. Một số ủng hộ đạo đức thường tình như bác ái, chủ nghĩa vị tha, nhẫn nại, bố thí.

Một số khác thì nhấn mạnh đến các tầng thiền.

Tất cả các pháp hành ấy đều đáng tán dương. Nhưng theo giáo lý của Ðức Phật thì những pháp hành ấy chỉ dẫn đến lợi ích tương đối ở các cõi Phạm thiên, nhưng không đảm bảo sự giải thoát cái khổ luân hồi như lão, tử.

Do đó chúng không thành chánh đạo dẫn đến Niết–bàn, dầu chúng là phương tiện hữu ích cho sự phấn đấu để đạt đến Niết–bàn.

Có một số người chọn pháp khổ hạnh như nhịn đói, sống hòa với thiên nhiên.

Một số khác thì thờ cúng quỉ thần và những con linh thú.

Lại có người sống như loài vật.

Theo Phật giáo, những hình thức này là giới cấm thủ, nghĩa là sự thực hành không liên quan đến Bát chánh đạo.

Bát thánh / chánh đạo

–––––––––––––––––––––––––

Bát chánh đạo bao gồm:① Chánh tri kiến, ② Chánh tư duy, ③ Chánh ngữ, ④ Chánh nghiệp, ⑤ Chánh mạng, ⑥ Chánh tinh tấn, ⑦ Chánh niệm, ⑧ Chánh định.

Ðạo có ba loại: đạo cơ bản, đạo chuẩn bị và Thánh đạo, trong ấy Thánh đạo là chính yếu, nhưng không là mục tiêu tiên khởi của hành giả vì hành giả không phải mất nhiều thời gian và sự tinh tấn cho Thánh đạo.

Khi pháp hành Minh sát phát triển đến giai đoạn Đạo chuẩn bị thì tuệ quán ở mức độ bậc Thánh sẽ khởi lên trong tích tắc (sát na).

Ví dụ như việc tạo ra ngọn lửa chỉ mất nhiều thời gian và sự tinh tấn ở giai đoạn cọ xát hai hòn đá, còn sự bốc cháy là vấn đề chốc lát, tương tự như thế, tuệ quán của Thánh đạo xảy ra tức khắc, nhưng nó bao hàm sự thực hành Minh sát ở giai đoạn đạo chuẩn bị.

Chánh kiến

–––––––––––––––––––––––––

Tuệ minh sát là loại trí xảy ra ngay mỗi lúc quán niệm (trong sát na hiện tại).

Hành giả quán sát từng hiện tượng danh sắc đang xảy ra, sẽ giác tri được bản chất thật của nó, như khi hành giả tập trung sự chú ý của mình vào hành động co duỗi cánh tay hay chân, nhờ đó thấy được trạng thái cứng mềm và chuyển động.

Ðó là chánh kiến vì thấy được yếu tố cơ bản của gió hay phong đại (vàyodhàtu), nếu không có chánh niệm sẽ bị vô minh hay ảo tưởng cho rằng “đó là cánh tay”, “đó là con người”…

Khi hành giả có chánh niệm mới thấy được các pháp như thật.

Chánh kiến về cảm thọ trong thân cũng như thế, tức là nhận biết trạng thái nóng lạnh, khổ lạc, hoặc các hoạt động của tâm như tưởng tượng, tư duy…

Khi tâm hành giả được tập trung và yên tịnh, vị ấy sẽ thấy được hiện tượng đang sanh diệt của danh sắc, nhờ đó đạt tuệ quán về vô thường, khổ và vô ngã.

Tin chân chánh ám chỉ chánh tư duy và những pháp kết hợp khác của bát chi đạo, tuệ quán của đạo xảy ra khi quán niệm.

Nhờ đạt được tuệ biến tri về vô thường, khổ hay vô ngã, hành giả liễu tri Niết–bàn.

Như vậy, nếu Niết–bàn được giác ngộ ngay trong hiện tại thì pháp hành minh sát quả thật thiết yếu.

Hành giả chưa thể thực hành pháp minh sát thì nên tập trung vào Đạo cơ bản, đó là nền tảng của pháp hành minh sát.

Ðạo cơ bản nghĩa là sự thực hành những việc thiện do có niềm tin về nghiệp báo.

Nói cách khác, đó là sự thực hành pháp bố thí, trì giới… với ước nguyện chứng đạt Niết–bàn.

Ðạo cơ bản, Đạo chuẩn bị và Thánh đạo hình thành đường lối dẫn đến Niết–bàn, đặc biệt hành giả phải thừa nhận Niết–bàn là pháp đáng ưa thích, đáng tôn dương, đáng quí mến. Sự nhận thức như vậy rất cần thiết cho sự nỗ lực phấn đấu trong pháp hành minh sát.

Hành giả cũng phải công nhận con đường minh sát là pháp của bậc Thánh và biết cách thực hành pháp ấy.

Một số người không biết bát chánh đạo là con đường dẫn đến Niết–bàn, lại còn xem thường những việc thiện gieo duyên Niết–bàn của người khác.

Một số khác lại phản đối lời khuyến giáo và pháp hành của người khác, dầu họ chưa hề thực hành một tí gì về thiền minh sát.

Sở dĩ như vậy là vì họ chấp theo tà vạy, những người này đầy dẫy vô minh, không biết bát chánh đạo hay có quan niệm sai lầm về chánh đạo.

Do vô minh khiến người ta không biết rằng bố thí, trì giới, tu thiền dẫn đến Niết–bàn, cũng do vô minh khiến người ấy xem bố thí là có hại đến quyền lợi của họ, nhưng do vô minh mà không biết hay có cái nhìn sai lạc về phương pháp chân chánh của pháp thiền minh sát lại càng tệ hại hơn.

Không biết chánh đạo là hình thức tệ hại nhất của vô minh, vì nó làm cho mê mờ, không biết việc thiện, lại còn tạo ra ảo tưởng và tà kiến, vì thế ngăn chận con đường dẫn đến hạnh phúc cõi người, cõi trời, chớ nói gì đến Thánh đạo và Niết–bàn.

Tiếc thay, hầu hết mọi người vẫn chìm sâu trong vô minh, không quan tâm đến điều nên làm như bố thí, trì giới, tu thiền.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Pháp Duyên Khởi (Paticcasamuppàda) – Ðại Trưởng Lão Mahàsi Sayadaw

https://www.budsas.net/uni/u–phapduyenkhoi/duyenkhoi–01.htm

–––––––––––––––––––––––––

CHÁNH KINH: VÔ MINH

SN 38.9 – Avijjāpañhāsutta – Chương 38: Tương Ưng Jambukhàdaka – 38.9. Vô Minh.

–––––––––––––––––––––––––

—“Vô minh, vô minh”, này Hiền giả Sāriputta, được nói đến như vậy. Này Hiền giả, thế nào là vô minh?

—Này Hiền giả,

① không biết rõ đối với khổ,

② không biết rõ đối với khổ tập khởi,

③ không biết rõ đối với khổ đoạn diệt,

④ không biết rõ đối với con đường đưa đến khổ đoạn diệt,

này Hiền giả, đây gọi là vô minh.

—Này Hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến đoạn tận vô minh ấy?

—Có con đường, có đạo lộ, này Hiền giả, đưa đến đoạn tận vô minh ấy.

—Con đường ấy là gì, đạo lộ ấy là gì, này Hiền giả, đưa đến đoạn tận vô minh?

—Ðấy là Thánh đạo Tám ngành, này Hiền giả, tức là ① Chánh tri kiến, ② Chánh tư duy, ③ Chánh ngữ, ④ Chánh nghiệp, ⑤ Chánh mạng, ⑥ Chánh tinh tấn, ⑦ Chánh niệm, ⑧ Chánh định. Ðây là con đường, đây là đạo lộ, này Hiền giả, đưa đến đoạn tận vô minh.

—Này Hiền giả, hiền thiện là con đường, hiền thiện là đạo lộ đưa đến đoạn tận vô minh. Thật là vừa đủ, này Hiền giả, để không phóng dật.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: SN 38.9 – Avijjāpañhāsutta – Chương 38: Tương Ưng Jambukhàdaka – 38.9. Vô Minh.

https://suttacentral.net/sn38.9/vi/minh_chau

–––––––––––––––––––––––––

CHÁNH KINH: VÔ MINH

Avijjāsutta – Chương 22: Tương Ưng Uẩn – II: Phẩm Thuyết Pháp – 22.113. Vô Minh (Hay Vị Tỷ–kheo)

–––––––––––––––––––––––––

Nhân duyên ở Sāvatthi.

Rồi một Tỷ–kheo đi đến Thế Tôn …

Ngồi xuống một bên, Tỷ–kheo ấy bạch Thế Tôn:

— “Vô minh, vô minh”, bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Bạch Thế Tôn, thế nào là vô minh? Cho đến như thế nào, một người là vô minh?

—Ở đây, này các Tỷ–kheo, kẻ vô văn phàm phu

1.1 không biết rõ sắc,

1.2 không biết rõ sắc tập khởi,

1.3 không biết rõ sắc đoạn diệt,

1.4 không biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt,

2.1 – 2.4 không biết rõ thọ …

3.1 – 3.4 không biết rõ tưởng …

4.1 – 4.4 không biết rõ các hành …

5.1 không biết rõ thức,

5.2 không biết rõ thức tập khởi,

5.3 không biết rõ thức đoạn diệt,

5.4 không biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt.

Này Tỷ–kheo, đây gọi là vô minh.

Và cho đến như vậy, một người là vô minh.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Avijjāsutta – Chương 22: Tương Ưng Uẩn – II: Phẩm Thuyết Pháp – 22.113. Vô Minh (Hay Vị Tỷ–kheo)

–––––––––––––––––––––––––

CHÁNH KINH: VÔ MINH VÀ MINH

AN 10.105 – Vijjāsutta – Aṅguttara Nikāya – XI. Phẩm Sa Môn Tưởng – 10.105. Vô Minh

https://suttacentral.net/an10.105/vi/minh_chau

–––––––––––––––––––––––––

🔸 Khi nào vô minh dẫn đầu, này các Tỷ–kheo, đưa đến sự thành tựu các pháp bất thiện, thời vô tàm, vô quý nối tiếp theo.

Với kẻ bị vô minh chi phối, vô trí, này các Tỷ–kheo, tà kiến sanh.

Với kẻ có tà kiến, tà tư duy sanh.

Với kẻ tà tư duy, tà ngữ sanh.

Với kẻ tà ngữ, tà nghiệp sanh.

Với kẻ tà nghiệp, tà mạng sanh.

Với kẻ tà mạng, tà tinh tấn sanh.

Với kẻ tà tinh tấn, tà niệm sanh.

Với kẻ tà niệm, tà định sanh.

Với kẻ tà định, tà trí sanh.

Với kẻ tà trí, tà giải thoát sanh.

🔹 Khi nào minh dẫn đầu, này các Tỷ–kheo, đưa đến sự thành tựu các thiện pháp, thời tàm và quý nối tiếp theo.

Với kẻ được minh chi phối, có trí, này các Tỷ–kheo, chánh kiến sanh.

Với vị có chánh kiến, chánh tư duy sanh.

Với vị có chánh tư duy, chánh ngữ sanh.

Với vị có chánh ngữ, chánh nghiệp sanh.

Với vị có chánh nghiệp, chánh mạng sanh.

Với vị có chánh mạng, chánh tinh tấn sanh.

Với vị có chánh tinh tấn, chánh niệm sanh.

Với vị có chánh niệm, chánh định sanh.

Với vị có chánh định, chánh trí sanh.

Với vị có chánh trí, chánh giải thoát sanh.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: AN 10.105 – Vijjāsutta – Aṅguttara Nikāya – XI. Phẩm Sa Môn Tưởng – 10.105. Vô Minh

https://suttacentral.net/an10.105/vi/minh_chau

–––––––––––––––––––––––––

CHÁNH KINH: ĐOẠN DIỆT VÔ MINH

AN 10.61 – Avijjāsutta – Aṅguttara Nikāya – VII. Phẩm Song Ðôi – 10.61. Vô Minh

https://suttacentral.net/an10.61/vi/minh_chau

–––––––––––––––––––––––––

—Này các Tỷ–kheo, khởi điểm đầu tiên của vô minh không thể nêu rõ để có thể nói: “Trước điểm này, vô minh không có, rồi sau mới có.” Như vậy, này các Tỷ–kheo, lời này được nói đến.

Tuy vậy, sự việc này được nêu rõ: “Do duyên này, vô minh (có mặt)”. Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng vô minh có thức ăn, không phải không có thức ăn.

① Và cái gì là thức ăn cho vô minh? Năm triền cái, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng năm triền cái có thức ăn, không phải không có thức ăn.

② Và cái gì là thức ăn cho năm triền cái? Ba ác hành, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng ba ác hành có thức ăn, không phải không có thức ăn.

③ Và cái gì là thức ăn cho ba ác hành? Các căn không chế ngự, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng, các căn không chế ngự có thức ăn, không phải không có thức ăn.

④ Và cái gì là thức ăn cho các căn không chế ngự? Không chánh niệm tỉnh giác, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng không chánh niệm tỉnh giác có thức ăn, không phải không có thức ăn.

⑤ Và cái gì là thức ăn cho không chánh niệm tỉnh giác? Phi như lý tác ý, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng phi như lý tác ý có thức ăn, không phải không có thức ăn.

⑥ Và cái gì là thức ăn cho phi như lý tác ý? Không có lòng tin, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng không có lòng tin có thức ăn, không phải không có thức ăn.

⑦ Và cái gì là thức ăn cho không có lòng tin? Không nghe diệu pháp, cần phải trả lời như vậy.

⑧ Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng, không nghe diệu pháp có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho không nghe diệu pháp? Không giao thiệp với bậc Chân nhân, cần phải trả lời như vậy.

Như vậy, này các Tỷ–kheo,

① không giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn, thời làm viên mãn không có nghe diệu pháp;

② không có nghe diệu pháp được viên mãn, thời làm viên mãn không có lòng tin;

③ không có lòng tin được viên mãn, thời làm viên mãn phi như lý tác ý;

④ phi như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn không chánh niệm tỉnh giác;

⑤ không chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn không chế ngự;

⑥ các căn không chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba ác hành;

⑦ ba ác hành được viên mãn, thời làm viên mãn năm triền cái,

⑧ năm triền cái được viên mãn, thời làm viên mãn vô minh.

Như vậy, đây là thức ăn cho vô minh này, và như vậy là sự viên mãn.

🔸 Ví như, này các Tỷ–kheo, trên một ngọn núi có mưa rơi nặng hột, nước mưa ấy chảy xuống theo sườn dốc; làm đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lũng; sau khi làm đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lụng, chúng làm đầy các hồ nhỏ.

Sau khi làm đầy các hồ nhỏ, chúng làm đầy các hồ lớn; sau khi làm đầy các hồ lớn, chúng làm đầy các sông nhỏ; sau khi làm đầy các sông nhỏ, chúng làm đầy các sông lớn; sau khi làm đầy các sông lớn, chúng làm đầy biển cả.

Như vậy là thức ăn của biển lớn, của đại dương và như vậy là viên mãn.

Cũng vậy, này các Tỷ–kheo,

① không giao thiệp với các bậc Chân nhân được viên mãn, thời làm viên mãn không có nghe diệu pháp;

② không có nghe diệu pháp được viên mãn, thời làm viên mãn không có lòng tin;

③ không có lòng tin được viên mãn, thời làm viên mãn phi như lý tác ý;

④ phi như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn không chánh niệm tỉnh giác;

⑤ không chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn không chế ngự;

⑥ các căn không chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba ác hành;

⑦ ba ác hành được viên mãn, thời làm viên mãn năm triền cái,

⑧ năm triền cái được viên mãn, thời viên mãn vô minh.

Như vậy, đây là thức ăn của vô minh, và như vậy là sự viên mãn.

① Và này các Tỷ–kheo, Ta nói minh giải thoát có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho minh giải thoát? Bảy giác chi, cần phải trả lời như vậy.

② Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng Bảy giác chi có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho Bảy giác chi? Bốn niệm xứ, cần phải trả lời như vậy.

③ Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng Bốn niệm xứ có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho Bốn niệm xứ ? Ba thiện hành, cần phải trả lời như vậy.

④ Này các Tỷ kheo, Ta nói như rằng ba thiện hành có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho ba thiện hành? Các căn được chế ngự, cần phải trả lời như vậy.

⑤ Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng các căn được chế ngự có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho các căn được chế ngự? Chánh niệm tỉnh giác, cần phải trả lời như vậy.

⑥ Này các Tỷ–kheo, chánh niệm tỉnh giác có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho chánh niệm tỉnh giác? Như lý tác ý, cần phải trả lời như vậy.

⑦ Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng, như lý tác ý có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho như ý tác ý? Lòng tin, cần phải trả lời như vậy.

⑧ Này các Tỷ–kheo, Ta nói lòng tin có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho lòng tin? Nghe diệu pháp, cần phải trả lời như vậy.

⑨ Này các Tỷ–kheo, Ta nói rằng nghe diệu pháp có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho nghe diệu pháp? Giao thiệp với bậc Chân nhân, cần phải trả lời như vậy.

Như vậy, này các Tỷ–kheo,

① giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn thời làm viên mãn nghe diệu pháp;

② nghe diệu pháp được viên mãn thời làm viên mãn lòng tin;

③ lòng tin được viên mãn, thời làm viên mãn như lý tác ý;

④ như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn chánh niệm tỉnh giác;

⑤ chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn được chế ngự;

⑥ các căn được chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba thiện hành;

⑦ ba thiện hành được viên mãn, thời làm viên mãn Bốn niệm xứ;

⑧ Bốn niệm xứ được viên mãn, thời làm viên mãn Bảy giác chi;

⑨ Bảy giác chi được viên mãn, thời làm viên mãn minh giải thoát.

Như vậy, đây là thức ăn của minh giải thoát, và như vậy là sự viên mãn.

Ví như, này các Tỷ–kheo, trên một ngọn núi có mưa rơi nặng hột, nước mưa chảy xuống theo sườn dốc, làm đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lũng; sau khi làm đầy đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lũng, chúng làm đầy các hồ nhỏ. Sau khi làm đầy các hồ nhỏ, chúng làm đầy các hồ lớn.

Sau khi làm đầy các hồ lớn, chúng làm đầy các sông nhỏ. Sau khi làm đầy các sông nhỏ, chúng làm đầy các sông lớn. Sau khi làm đầy các sông lớn, chúng làm đầy biển cả. Như vậy, là thức ăn của biển lớn, của đại dương, và như vậy là sự viên mãn.

Cũng vậy, này các Tỷ–kheo,

① giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn, thời làm viên mãn nghe diệu pháp;

② nghe diệu pháp được viên mãn, thời làm viên mãn lòng tin;

③ lòng tin được viên mãn thời làm viên mãn như lý tác ý;

④ như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn chánh niệm tỉnh giác;

⑤ chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn được chế ngự;

⑥ các căn chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba thiện hành;

⑦ ba thiện hành được viên mãn, thời làm viên mãn Bốn niệm xứ;

⑧ Bốn niệm xứ được viên mãn, thời làm viên mãn Bảy giác chi;

⑨ Bảy giác chi được viên mãn, thời làm viên mãn minh giải thoát.

Như vậy là thức ăn của minh giải thoát, và như vậy là viên mãn.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: AN 10.61 – Avijjāsutta – Aṅguttara Nikāya – VII. Phẩm Song Ðôi – 10.61. Vô Minh

https://suttacentral.net/an10.61/vi/minh_chau

–––––––––––––––––––––––––

CHÁNH KINH: TRUNG ĐẠO – TỨ THÁNH ĐẾ – BÁT THÁNH ĐAO

SN 56.11 – Dhammacakkappavattana sutta – Chương 56: Tương Ưng Sự Thật – II: Phẩm Chuyển Pháp Luân – 56.11. Như Lai Thuyết (1)

–––––––––––––––––––––––––

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Bārānasī, tại Isipatana, chỗ Vườn Nai.

Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỷ–kheo:

—Có hai cực đoan này, này các Tỷ–kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?

❶ Một là đắm say trong các dục (kàmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích.

❷ Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích.

Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ–kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.

Và thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỷ–kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn?

Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là: ① Chánh tri kiến, ② Chánh tư duy, ③ Chánh ngữ, ④ Chánh nghiệp, ⑤ Chánh mạng, ⑥ Chánh tinh tấn, ⑦ Chánh niệm, ⑧ Chánh định.

Ðây là con đường trung đạo, này các Tỷ–kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.

❶ Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ–kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.

❷ Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ–kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.

❸ Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ–kheo, chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.

❹ Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ–kheo, chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến … chánh định.

⇛❶ Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ–kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.

Ðây là Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri, này các Tỷ–kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.

Ðây là Thánh đế về Khổ đã được liễu tri, này các Tỷ–kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.

⇛❷ Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ–kheo, đối với các pháp … quang sanh.

Ðây là Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận, này các Tỷ–kheo, đối với các pháp … quang sanh.

Ðây là Thánh đế về Khổ tập đã được đoạn tận, này các Tỷ–kheo, đối với các pháp … quang sanh.

⇛❸ Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ–kheo, đối với các pháp … quang sanh.

Ðây là Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ, này các Tỷ–kheo, đối với các pháp … quang sanh.

Ðây là Thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ, này các Tỷ–kheo, đối với các pháp … quang sanh.

⇛❹ Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến khổ diệt, này các Tỷ–kheo, đối với các pháp … quang sanh.

Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập, này các Tỷ–kheo, đối với các pháp … quang sanh.

Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được tu tập, này các Tỷ–kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.

🔹 Cho đến khi nào, này các Tỷ–kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi Ta; thời này các Tỷ–kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa–môn, Bà–la–môn, chư Thiên và loài Người, Ta không chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác.

🔸 Và cho đến khi nào, này các Tỷ–kheo, trong bốn Thánh đến này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta; cho đến khi ấy, này các Tỷ–kheo, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa–môn, Bà–la–môn, chư Thiên và loài Người, Ta mới chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác.

Tri kiến khởi lên nơi Ta: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa”.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: SN 56.11 – Dhammacakkappavattana sutta – Chương 56: Tương Ưng Sự Thật – II: Phẩm Chuyển Pháp Luân – 56.11. Như Lai Thuyết (1)

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 8/10/2023