Bài 4.2.2 Cá nhân thí puggalika–dāna và tăng thí sanghika–dāna như thế nào❓[bố thí pāramī (ba–la–mật]

Bài 4.2.2 CÁ NHÂN THÍ PUGGALIKA–DĀNA VÀ TĂNG THÍ SANGHIKA–DĀNA NHƯ THẾ NÀO❓[BỐ THÍ PĀRAMĪ (BA–LA–MẬT]

https://archive.org/details/dhamma-in-photo-balamat422-20231024

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Puggalika–dāna (Cá nhân tuyển thí) là bố thí đến riêng một người hoặc hai người.

🔸Saṅghadāna (Tăng thí) là bố thí đến toàn thể hội chúng tỳ khưu Tăng có nghĩa là nhóm tập thể hay hội chúng.

Ở đây Tăng ám chỉ toàn thể hội chúng Thánh đệ tử của Đức Phật.

Khi có ý định bố thí đến Tăng, người thí chủ không được mang ý nghĩ riêng về những vị Thánh đệ tử trong Tăng chúng mà phải nghĩ về toàn thể chúng Tăng. Chỉ khi đó sự cúng dường của vị ấy mới thuộc loại Tăng thí.

Bài kinh Dakkhināvibhaṅga (của Majjhima Nikāya – Trung bộ kinh) có kể ra 14 loại Cá nhân Tuyển thí và 7 loại Tăng thí.

––––––––––––––––––––––––––––––

14 loại Puggalika–dāna (Cá nhân tuyển thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

1. Bố thí cúng dường đến một vị Phật (Budha).

2. Bố thí cúng dường đến một vị Độc giác Phật (Paccekabuddha).

3. Bố thí cúng dường đến vị A–la–hán (Arahat).

4. Bố thí cúng dường đến bậc đang trên đường chứng đắc Đạo Quả A–la–hán (arahatta–phala hay arahatta–magga).

5. Bố thí cúng dường đến bậc A–na–hàm (anāgāmi).

6. Bố thí cúng dường đến bậc đang trên đường chứng đắc Đạo Quả A–na–hàm (anāgāmi–phala).

7. Bố thí cúng dường đến bậc Tư–đà–hàm (sakadāgāmi).

8. Bố thí cúng dường đến bậc đang trên đường chứng đắc Đạo Quả Tư–đà–hàm (sakadāgāmi–phala).

9. Bố thí cúng dường đến bậc Tu–đà–hườn (sotāpatti).

10. Bố thí cúng dường đến bậc đang trên đường chứng đắc Đạo Quả Tu–đà–hườn (sotāpatti–phala).

11. Bố thí cúng dường đến các Sa–môn (ở ngoài giáo pháp của Đức Phật hoặc khi giáo pháp chưa bị tiêu hoại) đã chứng thiền hoặc thần thông.

12. Bố thí cúng dường đến người cư sĩ có giới.

13. Bố thí đến người thế gian không có giới.

14. Bố thí đến súc vật.

Trong 14 loại Cá nhân tuyển thí này, sự bố thí một bữa ăn đầy đủ đến một con vật sẽ đem lại những quả thiện như: sự trường thọ, sắc đẹp, thân an vui, sức mạnh và trí tuệ trong một trăm kiếp.

Như vậy, theo thứ tự đi lên, bố thí một bữa ăn đầy đủ đến người kém giới sẽ đem lại những quả thiện này trong 1000 kiếp.

Bố thí đến người có giới trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật chưa bị tiêu hoại và người có giới kia chưa quy y Tam bảo sẽ được phước một trăm ngàn kiếp.

Đến những Sa–môn và đạo sĩ đã chứng đắc thiền hưởng phước 10 tỷ kiếp.

Đến người cư sĩ hoặc Sa–di (trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật chưa bị hoại diệt) đã quy y Tam bảo và cúng dường đến bậc Thánh đã chứng đắc Tu–đà–hườn đạo, được hưởng phước một A–tăng–kỳ kiếp;

và đến những bậc thánh cao hơn lên đến Đức Phật thì phước báu vô lượng (Theo Chú giải, ngay cả người chỉ quy y Tam bảo cũng được xem là người đang thực hành Pháp để giác ngộ Tu–đà–hườn quả – sotāpatti–phala).

Trong 14 loại Cá nhân Tuyển thí này, không đề cập đến những vị tỳ khưu giới luật lỏng lẻo.

Sự mô tả của Đức Phật về người không có giới, chỉ liên quan đến thời kỳ giáo pháp của Đức Phật.

Vì những lý do này, có khuynh hướng cho rằng sự bố thí cúng dường đến những vị tỳ khưu có giới hạnh không trong sạch trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật là đáng chê trách.

Nhưng nên ghi nhớ rằng “Bất cứ ai trở thành người tu thì tối thiểu họ cũng quy y Tam bảo.”

Và Chú giải cũng nói rằng bất cứ ai đã quy y Tam bảo, đều là người đang hành đạo để giác ngộ Tu–đà–hườn quả (sotāpatti–phala).

Hơn nữa, sự bố thí đến người thế tục không có Giới (trong khi giáo pháp chưa hoại diệt) cũng có nhiều lợi ích.

Lại nữa, trong bộ kinh Milinda–Pañha (Mi–lin–đà vấn đạo), Đại Đức Na Tiên giải thích rằng một vị tỳ khưu không có giới vẫn tốt hơn người thế tục về mười phương diện như sự tôn kính đến Đức Phật, sự tôn kính đến Đức Pháp, sự tôn kính đến Đức Tăng, v.v…

Như vậy theo bộ Milinda–Pañha, vị tỳ khưu không có giới, và theo Chú giải vì vị ấy được liệt vào hạng người đang hành đạo để giác ngộ Tu–đà–hườn quả (sotāpatti–phala). Thế nên, đừng bảo rằng bố thí đến vị tỳ khưu không có Giới là đáng chê trách và không có kết quả.

Còn một quan điểm khác liên quan đến vấn đề này. Vào thời kỳ không có giáo pháp của Đức Phật, những vị tỳ khưu không có giới, không thể gây tai hại gì đến Giáo pháp. Nhưng khi Giáo pháp tồn tại, họ có thể làm hại Giáo pháp. Vì lý do ấy, không nên hộ độ cho những vị tỳ khưu không có giới trong thời kỳ Giáo pháp của Đức Phật. Tuy nhiên, quan điểm này không vững chắc.

Vào lúc kết thúc thời pháp nói về bảy loại Tăng thí, Đức Phật dạy Ānanda rằng: “Này Ānanda, sau này sẽ có những vị tỳ khưu ác. Không có giới, chỉ có danh nghĩa tỳ khưu thôi, sẽ quấn y quanh cổ. Với tâm bố thí cúng dường đến Tăng đoàn, sự bố thí sẽ được thực hiện đến những vị tỳ khưu phi giới này. Tuy vậy, sự bố thí này vẫn gọi là Tăng thí.

Như Lai khẳng định rằng phước ấy cũng đem lại những lợi ích vô lượng.”

Vẫn còn một quan điểm khác cần xét đến. Trong 4 loại Thanh tịnh thí (Dakkhinā–Visuddhi), Tịnh thí thứ nhất là: dù người thọ lãnh không có giới nhưng người cho có giới, sự bố thí được thanh tịnh do sự thanh tịnh của người cho. Vì vậy không nên nói rằng vị tỳ khưu phi giới không phải là người thọ thí và không lợi ích trong việc bố thí đến vị tỳ khưu ấy.

Do đó, nên lưu ý rằng chỉ đáng trách khi chúng ta bố thí với ý định xấu, như khuyến khích và khen ngợi những hành động sái quấy của vị tỳ khưu phi giới.

Ngược lại nếu chúng ta cúng dường với tâm thanh tịnh chỉ nghĩ rằng “Nên bố thí khi có người đến xin.” Điều ấy hoàn toàn không đáng chê trách.

––––––––––––––––––––––––––––––

Bảy loại Saṅghika–dāna (Tăng thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

1. Bố thí đến cả hai hội chúng tỳ khưu và tỳ khưu ni do Đức Phật lãnh đạo, trong khi Đức Phật còn đang sống.

2. Bố thí đến cả Tăng lẫn Ni sau khi Đức Phật viên tịch.

3. Bố thí đến Tăng chúng.

4. Bố thí đến Ni chúng.

5. Bố thí đến nhóm tỳ khưu và tỳ khưu ni đại diện cho chúng Tăng Ni (với tác ý đến toàn thể Tăng chúng).

Sự bố thí như vậy được thực hiện khi thí chủ không đủ khả năng bố thí đến hết thảy tỳ khưu và tỳ khưu ni. Thí chủ đi đến Tăng và yêu cầu các Ngài cử ra một số Tăng thọ lãnh vật thí.

6. Bố thí đến một nhóm tỳ khưu

(với tác ý đến toàn thể chư Tăng) sau khi yêu cầu Tăng cử ra số tỳ khưu vừa với khả năng dâng cúng của thí chủ.

7. Bố thí đến một nhóm tỳ khưu ni.

Có câu hỏi đặt ra rằng: Sau khi Đức Phật đã viên tịch liệu có thể thực hiện cách bố thí thứ nhất không? Câu trả lời: Được.

Nghĩa là sự bố thí được thực hiện như sau: Sau khi đặt tượng Phật có đựng Xá lợi của Ngài trước mặt hội chúng Tăng Ni tham dự lễ, sự cúng dường diễn ra với câu tác bạch rằng:

“Con xin cúng dường tất cả vật thí này đến chúng Tăng có Đức Phật chủ tọa.”

Chư Tăng và chư Ni đã được thọ nhận lễ vật cúng dường rồi, còn Đức Phật tức là tượng Phật có chứa Xá lợi của Ngài thì lễ vật nào sẽ dành cho Ngài?

Cũng như tài sản của người cha theo lệ thường thì để lại cho đứa con trai, lễ vật dâng đến Đức Phật sẽ truyền lại cho vị tỳ khưu làm phận sự tu tập theo di huấn của Ngài hoặc truyền lại cho Tăng. Đặc biệt, nếu những lễ vật dâng cúng như dầu, thục tô, v.v… chúng sẽ được dùng để đốt đèn cúng dường Đức Phật. Những tấm vải trong lễ vật cúng dường sẽ được dùng làm cờ xí để tôn vinh Đức Phật.

Trong thời Đức Phật tại tiền, dân chúng thường không dính mắc cá nhân các vị tỳ khưu. Tâm của họ nghiêng về tập thể chúng Tăng và nhờ vậy, họ có thể bố thí dồi dào đến chúng Tăng. Kết quả là nhu cầu của các vị tỳ khưu được đáp ứng nhờ sự phân phối lợi hòa của Tăng.

Các ngài có ít nhu cầu để phải lệ thuộc vào các thí chủ nam nữ, nên ít luyến ái đối với họ như: “Thí chủ của chùa tôi, thí chủ dâng y của chùa tôi, v.v…” Như vậy, các vị tỳ khưu có thể thoát khỏi sợi dây luyến ái.

Lược truyện về gia chủ Ugga Những ai muốn cúng dường loại Tăng thí Thanh tịnh thì nên bắt chước theo gương của gia chủ Ugga. Câu chuyện về gia chủ Ugga được tìm thấy trong phẩm Gahapati Vagga, Aṭṭhakanipāta của Aṅguttara Nikāya (Tăng chi bộ).

Một thuở nọ, khi Đức Thế Tôn đang ngụ ở ngôi làng Voi, trong xứ Bạt kỳ (Vajjī), Đức Thế Tôn dạy các tỳ khưu: “Này các tỳ khưu, các ngươi nên xem vị gia chủ Ugga của làng Voi là người có 8 đức tánh kỳ diệu.” Với lời dạy tóm tắt như vậy, Đức Phật đi vào bên trong tịnh xá.

Một buổi sáng nọ, có vị tỳ khưu đi đến nhà gia chủ Ugga và nói với ông ta rằng: “Này gia chủ, Đức Thế Tôn nói rằng ông là người có 8 đức tánh kỳ diệu. Tám đức tánh kỳ diệu mà Đức Thế Tôn nói về ông là gì vậy?”

“Bạch Đại đức, tôi không dám quả quyết về tám đức tánh đặc biệt mà Đức Phật nói là tôi có. Nhưng xin hãy chú ý nghe tôi kể về tám đức tánh kỳ diệu mà tôi thực sự có”.

Rồi ông ta mô tả đầy đủ về tám đức tánh kỳ diệu như sau:

1. Lần đầu tiên tôi trông thấy Đức Phật là lúc mà tôi đang ăn uống vui chơi trong rừng hoa Thiết Mộc. Vừa khi tôi trông thấy Đức Phật đang đi đến từ xa thì tôi tỉnh rượu và lòng tịnh tín đối với các ân đức của Phật khởi sanh trong tâm tôi. Đây là điều kỳ diệu thứ nhất.

2. Vào lúc gặp Đức Phật lần đầu tiên ấy, tôi đã quy y Phật và nghe Ngài thuyết pháp. Kết quả là tôi chứng đắc quả thánh Nhập lưu và an trú trong Ngũ phạm hạnh giới (Brahmacariya–pañcama–sīla).

Đây là điều kỳ diệu thứ hai.

(Ngũ phạm hạnh giới tương tự như Ngũ giới mà người cư sĩ thọ trì hằng ngày. Ngũ giới ‘tránh xa việc tà dâm’ là tránh xa việc quan hệ tình dục với bất cứ ai, trừ vợ của mình. Ngũ phạm hạnh giới: ‘Tôi tránh xa bất cứ hình thức quan hệ tình dục nào’ nghĩa là hoàn toàn tránh xa việc quan hệ, ngay cả với vợ của mình).

3. Tôi có 4 bà vợ. Ngay khi trở về nhà, tôi nói với họ rằng tôi đã thọ trì Ngũ phạm hạnh giới. Ai muốn ở lại trong ngôi nhà này thì được phép sử dụng tài sản của tôi tùy thích và dùng nó để làm các việc phước. Còn ai muốn về nhà cha mẹ thì được tự do, ai muốn lấy chồng khác thì tôi sẽ cưới cho.

Bà vợ cả trong bốn bà vợ của tôi đã nói ra tên một người đàn ông nọ mà bà ta muốn lấy làm chồng. Tôi cho mời người đàn ông ấy đến rồi tay trái dắt vợ, tay phải tôi cầm bình nước và tôi đã gã bà vợ cả cho người đàn ông ấy. Khi đem gã vợ của tôi cho người đàn ông kia, tôi hoàn toàn bình thản, không xúc động. Đây là điều kỳ diệu thứ ba.

4. Tôi đã quyết định sử dụng tất cả tài sản của tôi chung với những người có thiện giới tánh. Đây là điều kỳ diệu thứ tư.

5. Tôi luôn đi đến vị tỳ khưu với tâm tôn kính đúng mức, không bao giờ bất kính. Nếu vị tỳ khưu thuyết pháp đến tôi thì tôi tôn kính lắng nghe, không chểnh mãng. Nếu vị tỳ khưu không thuyết pháp đến tôi, thì tôi thuyết pháp đến vị ấy. Đây là điều kỳ diệu thứ năm.

6. Bất cứ khi nào tôi thỉnh chư Tăng về nhà để cúng dường, chư thiên thường đi trước và báo cho tôi biết rằng: “Này gia chủ, các vị tỳ khưu này là những bậc Thánh, những vị phạm hạnh. Các vị tỳ khưu này là những người phàm có giới. Những vị tỳ khưu này không có giới.”

Chuyện chư thiên đến báo tin cho tôi như vậy là bình thường. Điều kỳ diệu là khi tôi cúng dường vật thực hay tứ sự đến chư Tăng thì những ý nghĩ như “Tôi sẽ cũng dường đến vị này nhiều, vì vị ấy có giới đức. Hoặc tôi sẽ cúng dường đến vị này ít, vì có giới hạnh kém.” Những ý nghĩ như vậy, không bao giờ khởi sanh trong tâm tôi.

Thực tế thì tôi dâng cúng đến mỗi vị chẳng hề có sự phân biệt thánh hay phàm, hữu giới hay phi giới. Đây là điều kỳ diệu thứ sáu.

7. Bạch đại đức, chư thiên đến và nói rằng pháp của Đức Phật được khéo thuyết giảng. Điều này không khiến tôi ngạc nhiên.

Điều kỳ diệu là trong vài trường hợp tôi đã đáp lại với chư thiên rằng: “Hỡi chư thiên, dầu các vị có nói với tôi như vậy hoặc không phải như vậy, quả thật pháp của Đức Phật đã được khéo thuyết giảng (ông ta tin tưởng rằng pháp của Đức Phật được khéo thuyết giảng không phải do chư thiên nói cho ông ta biết, mà do tự ông ta biết như vậy).

Tuy tôi đã liên lạc với chư thiên như vậy, tôi không cảm thấy ngã mạn về việc chư thiên đến với tôi và việc tôi nói chuyện với họ. Đó là điều kỳ diệu thứ bảy.

8. Cũng không có điều gì ngạc nhiên, nếu tôi chết trước Đức Thế Tôn và Ngài sẽ nói trước rằng: “Gia chủ Ugga đã hoàn toàn đoạn diệt năm hạ phần kiết sử dẫn đến tái sanh trong cõi dục. Ông ta là một vị A–na–hàm.

Ngay trước khi Đức Phật tiên tri, tôi đã trở thành một vị A–na–hàm rồi, và tôi đã biết điều này rồi. Đây là điều kỳ diệu thứ tám.

Trong tám điều kỳ diệu do gia chủ Ugga mô tả, điều kỳ diệu thứ sáu liên quan đến việc bố thí không phân Thánh hay phàm, người có giới hay không giới.

Điều cần thiết là nên giữ tâm vô tư trong những hoàn cảnh như vậy. Thái độ vô tư có thể hiểu theo cách này

“Vì tôi đã thỉnh với ý định cúng dường đến Tăng, toàn thể Tăng. Khi tôi cúng dường đến bậc Thánh, tôi cũng giữ thái độ cúng dường đến Tăng – toàn thể Thánh thinh văn đệ tử của Đức Phật.

Và khi tôi cúng dường đến người không có giới, tôi sẽ không nghĩ vị ấy là như vậy. Tôi chỉ nghĩ rằng mình đang cúng dường đến Tăng, toàn thể Thánh thinh văn đệ tử của Đức Phật.

Đây là điều cần thiết để thực hiện sự bố thí đến Tăng.”

Khi làm một việc bố thí đến Tăng theo gương của gia chủ Ugga, người không nên để ý riêng đến đối tượng thọ lãnh.

Hãy dẹp bỏ ý nghĩ riêng tư về đối tượng và cố gắng vững tâm, chỉ nghĩ đến toàn thể chư Tăng để sự bố thí của mình trở thành Tăng thí cao quí.

Đức Phật đã chỉ dạy rõ ràng trong bài kinh Dakkhinā–vibhaṅga – sự bố thí thuộc loại Tăng thí, được thực hiện khi tâm của người thí chủ hướng đến toàn thể chúng Tăng và kết quả của việc phước ấy đem lại lợi ích vô lượng, vô song cho người thí chủ, cho dù người thọ lãnh là người không có giới.

Sự bố thí là Tăng thí khi nó được thực hiện vớí tâm tôn kính đầy đủ đến Tăng. Nhưng làm như vậy không phải luôn dễ dàng.

Giả sử có người muốn thực hiện Tăng thí, sau khi đã sửa soạn các lễ vật cúng dường cần thiết, người ấy đi đến tịnh xá và tác bạch với các vị tỳ khưu như vầy:

“Kính bạch chư đại đức Tăng, con muốn tổ chức một lễ cúng dường đến chư Tăng, cầu xin chư Tăng cắt cử một người nào đó đại diện cho chư Tăng.”

Nếu các vị tỳ khưu cử một vị Sa–di đại diện cho chư Tăng thì thí chủ có thể không hoan hỷ. Nếu Tăng chọn một vị trưởng lão cao hạ đại diện, thì thí chủ có thể rất hoan hỷ vui mừng nghĩ rằng: “Người thọ lãnh của ta là một vị trưởng lão cao hạ” – Sự bố thí bị ảnh hưởng bởi nhân cách của người thọ thí như vậy không thể là một Tăng thí hoàn hảo.

Chỉ khi nào người ta chấp nhận người đại diện do Tăng cắt cử mà không chút ngờ vực và không quan tâm đến người thọ lãnh là sa–di hay tỳ khưu, tỳ khưu trẻ hay tỳ khưu già, tỳ khưu dốt hay tỳ khưu giỏi, và cúng dường với tâm chỉ nghĩ rằng: “Ta đang cúng dường đến Tăng” với sự tôn kính đầy đủ đến chư Tăng, chỉ khi ấy người kia mới thực hiện sự bố thí cúng dường Tăng.

––––––––––––––––––––––––––––––

Câu chuyện về thí chủ dâng cúng tịnh xá

––––––––––––––––––––––––––––––

Câu chuyện xảy ra ở bên kia đại dương, tức Ấn Độ.

Một vị trưởng giả nọ sau khi đã dâng cúng tịnh xá, bèn tổ chức một cuộc bố thí cúng dường đến chư Tăng.

Sau khi sắm sửa các lễ vật cúng dường, ông ta đi đến chúng Tăng và tác bạch với các Ngài như vầy: “Bạch hóa chư đại đức Tăng, cầu xin các Ngài cử ra một vị nào đó để thọ lãnh lễ vật cúng dường của con đến Tăng.”

Đặc biệt người được chỉ định để đại diện Tăng thọ lãnh vật thí là một vị tỳ khưu không có giới.

Dầu vị trưởng giả biết rõ vị tỳ khưu được chỉ định không có giới, nhưng ông ta đối xử với vị ấy một cách tôn kính hết mức – chỗ ngồi dành cho vị tỳ khưu được sửa soạn rất trang trọng với một chiếc lọng che ở trên, lại có hoa thơm và các hương liệu khác, ông ta rửa chân cho vị tỳ khưu kia rồi thoa dầu thơm với cử chỉ rất tôn kính tựa như ông ta đang hầu hạ kim thân của Đức Phật.

Rồi ông ta cúng dường vật thí đến vị tỳ khưu với lòng tôn kính sâu sắc đến chúng Tăng.

Chiều hôm ấy, vị tỳ khưu phi giới đến nhà của ông ta, đứng trước cửa nhà hỏi mượn cái cuốc để làm việc chùa.

Vị thí chủ của tịnh xá chẳng thèm đứng dậy khỏi chỗ ngồi, ông ta dùng chân hất cái cuốc tới trước mặt vị tỳ khưu. Những người trong gia đình tò mò hỏi ông ta:

“Thưa ông chủ, sáng nay ông đã tôn kính vị tỳ khưu này biết bao. Bây giờ ông lại cư xử với vị ấy chẳng chút tôn kính nào cả. Tại sao ông có những thái độ trái ngược như vậy đối với vị tỳ khưu này?”

Vị gia chủ đáp lại rằng: “Này các con thân, sáng nay ta đã tỏ sự tôn kính đến Tăng chứ không phải đến vị tỳ khưu phi giới này.”

––––––––––––––––––––––––––––––

Một số điểm đáng chú ý về Puggalika–dāna (Cá nhân thí) và Sanghika–dāna (Tăng thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

Có một số người chủ trương rằng khi có vị tỳ khưu đi khất thực trước nhà một Phật tử mà người Phật tử này đã biết vị tỳ khưu kia không có giới, hạnh kiểm xấu thì sẽ không cúng dường đến vị tỳ khưu kia. Vì sự cúng dường cho vị tỳ khưu không có giới cũng giống như bón phân tưới nước cho cây độc.

Nhưng không thể nói rằng mọi hành động bố thí có tác ý đến những người phi giới là đáng trách.

Điều cần xét đến ở đây là sự tác ý của người cho.

Nếu người cho tán thành những thói xấu của người thọ thí, và cho với chủ ý ủng hộ và khích lệ những pháp hành phi đạo đức của người thọ thí, chỉ khi ấy sự bố thí của ông ta mới giống như vun phân, tưới nước vào cây độc.

Nếu người cho không tán thành những thói xấu của người thọ thí, và không có tâm khuyến khích vị ấy tiếp tục những pháp hành tà vạy.

Nếu người thí chủ thực hiện sự bố thí cúng dường theo cách của người thí chủ dâng cúng tịnh xá như đã mô tả trên, thì nó trở thành Tăng thí đúng nghĩa, không có sự chê trách nào đối với sự bố thí cúng dường như vậy.

Lại nữa, có một số người chủ trương rằng người thọ thí có giới hành tốt hay xấu, thì chẳng liên quan gi đến sự bố thí của thí chủ. Nó chỉ liên quan đến người thọ thí. Do đó cứ giữ tâm không phân biệt đối với hạnh kiểm của người thọ thí, dù tốt hay xấu, người cho chỉ bố thí với tâm như vầy: “Đây là một bậc Thánh.” Họ cho rằng sự bố thí ấy vô tội và có kết quả dồi dào y như sự bố thí cúng dường đến một vị A–la–hán. Quan điểm này không đứng vững.

Các đệ tử của các vị thầy không có khả năng biết được vị thầy có phải là Thánh hay A–la–hán không? Nhưng cứ mù quáng tin vào ông thầy của họ là bậc Thánh, bậc A–la–hán.

Loại tà kiến này được gọi là Tà kiến Thắng giải (Micchādhimokkha – sự quyết đoán hay kết luận sai lầm).

Kết luận sai lầm hay quyết định sai lầm quả thật là tội lỗi. Là quyết định sai lầm nếu người ta nuôi ý nghĩ rằng: “Đây là những bậc Thánh, bậc A–la–hán đã giác ngộ.” trong khi người ta biết rằng họ không phải như vậy.

Khi đối mặt với những người thọ thí như vậy trong lúc bố thí cúng dường, thái độ thích hợp trong tâm là:

“Các vị Bồ–tát khi thực hành bố thí Ba–la–mật không phân biệt các hạng người có địa vị bậc cao, bậc trung hoặc bậc thấp. Ta cũng theo gương các vị Bồ–tát ấy và bố thí một cách không phân biệt đến bất cứ ai đến xin vật thí của ta.”

Bằng cách này, sự bố thí sẽ không có khuynh hướng ủng hộ và cổ vũ những pháp hành xấu ác và cũng sẽ không bị xem là “ Quyết định sai lầm đối với người thọ thí.” Hành động bố thí như vậy sẽ không lỗi lầm hay đáng chê trách.

Nhiều điểm tranh luận và nhiều vấn đề sanh khởi trong những trường hợp bố thí đến cá nhân bởi vì có nhiều loại cá nhân khác nhau, tốt hoặc xấu.

Trong trường hợp cúng dường đến Tăng – Tăng thí, chỉ có một loại Tăng, không có tốt và xấu. (Ở đây những vị Thánh Thinh văn đệ tử của Đức Phật được ám chỉ đến).

Trong số Thánh Tăng, không có sự phân biệt cao, trung hoặc thấp. Tất cả các Ngài đều cao quí như nhau. Do đó, theo như đã giải thích ở trên, bất cứ khi nào có một người khất thực xuất hiện, không cần xét đến hạnh kiểm của người thọ thí, ta nên bố thí cúng dường với ý nghĩ rằng: “Ta bố thí cúng dường đến các đệ tử của Đức Phật, hội chúng tỳ khưu bậc Thánh.”

Khi ấy sự bố thí những thuộc loại Tăng thí và người thọ thí là Tăng. Người thọ thí ấy nói đúng hơn chỉ là người đại diện của Tăng.

Dù người đại diện cho Tăng có giới hạnh thấp như thế nào chăng nữa, người thọ thí vẫn là Thánh Tăng. Và vì thế, đây thực là sự bố thí cao quí.

Có một số người cho rằng rất khó thực hành theo lời khuyên là đừng quan tâm đến nhân cách của người thọ thí phi giới đang xuất hiện trước mặt mình, và bố thí chỉ nghĩ tới Tăng mà không nghĩ tới vị ấy, chỉ xét vị ấy là đại diện của Tăng.

Điều khó khăn là người ta chưa quen với cách thực hành như vậy. Như khi tụng kinh lễ bái trước tượng Phật, người ta xem pho tượng ấy tượng trưng cho Đức Phật thực sự, và sự lễ bái cúng dường đến pho tượng như đến Đức Phật, thật sự là điều quen thuộc, không khó khăn gì.

Cũng như gia chủ Ugga trong thời Đức Phật và như người dâng cúng tịnh xá Jambu Dipa đã quen bố thí cúng dường đến vị tỳ khưu phi giới mà vẫn duy trì được ý nghĩ đó là đại diện của Đức Phật. Cũng vậy những người Phật tử hiện nay nên rèn luyện cách suy nghĩ cho quen với thái độ như vậy.

––––––––––––––––––––––––––––––

Bốn loại Tăng thí được mô tả trong tạng Luật (Vinaya Pitaka)

––––––––––––––––––––––––––––––

Bốn loại Tăng thí được mô tả trong tạng Luật ở đây không liên quan đến thí chủ thuộc hàng cư sĩ tại gia.

Chỉ có bảy loại Tăng thí ở trên dành cho họ mà thôi.

Sự phân loại của tạng Luật, dành cho chư Tăng để các Ngài biết cách phân chia vật cúng dường trong các thành viên của Tăng. Bốn loại Tăng thí này là:

(a) Sammukhībhūta Saṅghika (Hiện tiền Tăng già): Những vật cúng dường được phân phối trong chúng Tăng có mặt tại chỗ.

Giả sử có một lễ dâng y ở một nơi nào đó trong thị trấn hoặc làng mạc. Ở đó có một số tỳ khưu tụ hội, và lễ cúng dường được thực hiện đến toàn thể Thánh Tăng bằng câu nói: “Con xin cúng dường đến Tăng.”

Rất khó để trao đến tất cả chư Tăng ở trong thị trấn hoặc làng mạc. Do đó, sự phân phối được thực hiện cho chúng Tăng có mặt tại chỗ.

(Sammukhībhūta: có mặt tại chỗ; Saṅghika:thuộc về Tăng.)

(b) Ārāmaṭṭha Saṅghika (Già lam Tăng già): Vật thí được phân phối trong chúng Tăng ngụ trong toàn thể khu vực của tịnh xá.

Giả sử có một thí chủ vào bên trong khu vực của tịnh xá và cúng dường y phục đến một vị tỳ khưu hoặc các vị tỳ khưu mà ông ta gặp với lời tác bạch rằng: “Con xin cúng dường đến Tăng.”

Vì sự cúng dường được thực hiện bên trong khu vực của tịnh xá, không phải đến tất cả các vị tỳ khưu ở vùng chung quanh. (Ārāmaṭṭha: nơi cư ngụ; Saṅghika: thuộc về Tăng)

(c) Gatagata Saṅghika (Đáo lai Tăng già): Vật thí thuộc về chư Tăng tại bất cứ chỗ nào mà họ đến.

Giả sử có một thí chủ đi đến tịnh xá, nơi mà chỉ có một vị tỳ khưu trú ngụ và cúng dường một trăm bộ y với lời tác bạch rằng: “Con xin dâng đến Tăng.”

Nếu vị tỳ khưu rành Luật, vị ấy có thể sở hữu tất cả y cúng dường ấy cho mình bằng sự nhận xét như vầy: “Hiện tại, ở tịnh xá này, ta là Tăng duy nhất. Do đó tất cả một trăm bộ y này thuộc về ta và ta sở hữu chúng.”

Theo Luật thì vị ấy có quyền làm như vậy, vị ấy không phạm lỗi là độc chiếm đồ cúng dường đến Tăng.

Nếu vị tỳ khưu không rành Luật, vị ấy sẽ không biết cách làm như vậy, quyết định đại rằng “Ta là chủ nhân duy nhất. Ta sở hữu chúng.” Giả sử vị ấy đi đến một nơi khác mang theo bên mình những bộ y ấy và các vị tỳ khưu mà vị ấy gặp sẽ hỏi vị ấy tại sao có nhiều y như thế. Nếu các vị tỳ khưu kia biết được vấn đề và đòi chia y, nói rằng: “Chúng tôi cũng có phần” và kết quả là tất cả y được chia đến tất cả các vị tỳ khưu.

Khi ấy sự chia y này được xem là phương pháp tốt. Giả sử vị tỳ khưu kia không chia mà vẫn đi tiếp và gặp những vị tỳ khưu khác. Những vị tỳ khưu này cũng đòi chia y. Cứ như vậy vị tỳ khưu mang y đến đâu cũng bị các vị tỳ khưu ở đó đòi chia y. (Gatagata: bất cứ chỗ nào mà người ta đến, saṅghika: thuộc về Tăng.)

(d) Catuddisā Saṅghika (Tứ phương Tăng già): Vật cúng dường thuộc về tất cả tỳ khưu đến từ bốn phương.

Những vật cúng dường như vậy bao gồm những vật thí nặng và quan trọng, cần phải xử lý bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ: các tịnh xá.

Các tịnh xá không được phân chia mà để chư Tăng từ bốn phương đến ở. (Catuddisā: từ bốn phương, Saṅghika: thuộc về Tăng)

Không quan tâm đến bốn cách này đã được nêu ra trong Tạng luật để có biện pháp phân biệt sở hữu chủ và phân phối những vật cúng dường đến Tăng, một số tỳ khưu đã sử dụng những vật cúng dường theo Luật này khi những thiện tín cúng dường.

Ví dụ: giả sử có một số thí chủ khởi tâm tịnh tín đến một vị tỳ khưu nọ, đã xây dựng nên một tịnh xá không có ý định dành cho vị tỳ khưu kia mà dành cho toàn thể Tăng. Trong lễ rót nước bố thí, vị thí chủ thỉnh mười vị tỳ khưu gồm cả vị tỳ khưu kia.

Sau thời tụng kinh Paritta, đến lúc thí chủ nói lời tác bạch, vị tỳ khưu muốn thí chủ dâng nó đến cá nhân nhưng thí chủ muốn dâng nó đến Tăng vì vị ấy tin rằng sự cúng dường như vậy thù thắng hơn và phước báu nhiều hơn.

Hội chúng bèn giải quyết sự bất đồng ý kiến giữa thí chủ và vị tỳ khưu kia bằng cách yêu cầu thí chủ dâng cúng với lời tác bạch rằng: “Con xin dâng tịnh xá này đến Tăng có mặt ở đây và bây giờ (Sammukhibhūta Saṅghika).”

Rồi chín vị tỳ khưu trong hội chúng nói với vị tỳ khưu còn lại rằng: “Chúng tôi từ bỏ tất cả quyền sở hữu của chúng tôi đối với tịnh xá và xin dâng lại cho Ngài,” nhường lại tịnh xá cho vị tỳ khưu ấy và ra đi.

Theo cách này, những thủ tục như vậy có thể được thực hiện, tin rằng ước nguyện làm Tăng thí của thí chủ được thành tựu và người thọ nhận muốn sở hữu riêng cũng hoan hỷ, vì chín vị tỳ khưu có cùng quyền sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu tịnh xá và trao quyền sở hữu độc nhất cho vị tỳ khưu ấy.

Nhưng trên thực tế, thủ tục như vậy không hợp pháp và không nên làm theo.

Vật thí về tịnh xá là vật quan trọng. Mười vị tỳ khưu được thí chủ dâng tịnh xá đến không được phép chỉ định cho bất cứ vị tỳ khưu nào trong nhóm.

Vật thí của thí chủ là vật thí dâng đến mười vị tỳ khưu đang hiện diện trong trường hợp đó mà thôi, chứ không phải toàn thể chư Tăng.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: CHƯƠNG 6 CÁC PHÁP BA–LA–MẬT (PĀRAMĪ) – ĐẠI PHẬT SỬ – MINGUN SAYADAW

 

Bài viết liên quan

  • Bài 1: pāramī (ba-la-mật) là gì?, Web Link
  • Bài 2: quán xét về các pháp pāramī (ba-la-mật) như thế nào?, Web Link
  • Bài 3: đặc tính, chức năng, sự hiện khởi và nguyên nhân gần của các pháp pāramī (ba-la-mật) là gì?, Web Link
  • Bài 4.1: bố thí ba-la-mật (dāna pāramī), Web Link
  • Bài 4.2.1 có bao nhiêu loại dāna theo nhóm hai?[bố thí pāramī (ba-la-mật], Web Link
  • Bài 4.2.2 bố thí puggalika-dāna (cá nhân thí) và sanghika-dāna (tăng thí) như thế nào?[bố thí pāramī (ba-la-mật], Web Link
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 24/10/2023