Hỏi Đáp 9/2021
Hỏi Đáp 9/2021
[lwptoc]
⚀ Giải thoát cái gì, bằng cách nào?
– NH: Sadhu sadhu. Sinh, Già, Bệnh, Chết là chân lý bất di bất dịch. Vậy sao đức Phật lại giải thoát Sinh, Già, Bệnh, Chết? Thưa sư ạ. Rồi đức Phật thị hiện niết bàn. Vậy đức Phật giải thoát cái gì?
>> Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: “Thị hiện Niết Bàn” là câu vô nghĩa, vì Niết Bàn không phải là danh sắc, không được sinh ra hoặc diệt đi bởi bất kỳ nhân duyên gì, không phải nơi chốn để vào – ra, đến – đi, không phải cái có thể thấy, sờ, nghe, ngửi, nếm bằng mắt, thân, tai, mũi, lưỡi.
Niết bàn chỉ có thể thực chứng bởi Tâm – tức bởi Đạo tuệ và Quả tuệ thông qua tu tập viên mãn Bát Thánh Đạo (tức viên mãn Giới – Định – Tuệ: ⚀ Tuệ bao gồm ① Chánh Kiến, ② Chánh Tư duy; ⚁ Giới bao gồm: ③ Chánh Ngữ, ④ Chánh Nghiệp, ⑤ Chánh Mạng; ⚂ Định bao gồm ⑥ Chánh Tinh tấn, ⑦ Chánh Niệm, ⑧ Chánh Định) chứ không bằng suy tư nghiền ngẫm, hoặc bằng khổ hạnh, hoặc bằng lễ tế cầu xin, cũng không thể bàn luận, giải thích đầy đủ, đúng đắn bằng ngôn ngữ. Chỉ có thể bằng Thánh tuệ Đạo – Quả do thành tựu Bát Thánh Đạo.
Giải thoát khỏi sinh già bệnh chết là chấm dứt tái sinh, chấm dứt luân hồi, tức giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não của luân hồi sinh tử trong Tam giới bằng Tâm Tuệ Đạo – Quả đạt được khi thành tựu viên mãn cả 8 chi phần thuộc Bát Thánh Đạo, chỉ có trong Đạo Phật, ngoại đạo không có con đường này.
Bằng Tuệ tâm Đạo – Quả này sẽ giác ngộ, tức thể nhập Tứ Thánh Đế (Khổ –Tập – Diệt – Đạo) đoạn tận hoàn toàn vĩnh viễn mọi Nhân dẫn đến tái sinh gồm tất cả các lậu hoặc, tất cả mọi tham sân si không còn dư sót.
Khi chấm dứt tái sinh trong Tam giới thì mới không còn sinh già bệnh chết, không còn khổ đau phiền não: như vậy gọi là giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn khỏi sinh – già – bệnh – chết tức giải thoát khỏi những qui luật – tức sự thật chân lý bất di bất dịch đang vận hành trong Tam giới.
Giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não khỏi quy luật sinh diệt luân hồi theo nhân duyên (giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn khỏi mọi Pháp Hữu vi) như vậy gọi là siêu thoát Tam giới (bao gồm Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), chứng ngộ Niết bàn (tức Pháp Vô vi), đạt tới hạnh phúc thật sự tự do thật sự bình an mãi mãi, bất tử bởi bất sinh.
Nên tìm học dần bộ “Nền tảng Phật giáo” do Ngài Hộ Pháp biên tập thì mới có thể có được những hiểu biết cơ bản trả lời cho những câu hỏi như trên và có thể thực hành đúng đắn theo Chánh Đạo, tránh uổng phí cơ hội làm người quý báu này.
Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ, xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, đoạn tận tham sân si không còn dư sót, chấm dứt sinh tử luân hồi trong tam giới, đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.
Trong tâm từ,
Sumangala Bhikkhu Viên Phúc
––––––––––––––––––––––––––––––
⚁ Cần phải làm gì khi gặp các hiện tượng bất thường trong thiền tập?
––––––––––––––––––––––––––––––
>> VT: Thưa Sư, Gần đây con hành thiền. Cơ thể rất dễ đi vào trạng thái toàn bộ thân trên nhẹ nhõng, bồng bềnh.
Mấy lần gần đây, cảm giác tay tự động nhấc lên ngang tầm vai/ngực. Nhẹ nhàng mà không cần dùng sức gì. Người dập dềnh như nằm lênh đênh giữa biển, sóng dập dìu.
Ngay thời thiền vừa rồi, có thêm hiện tượng 2 bàn tay tự động xoay vẽ thành hình tròn trong không trung, liên tục. Cảm giác rất dễ chịu, sảng khoái, tinh nghịch, tuy nhiên, con nhớ đến lời Sư trước lúc về là không được nghịch ngợm, nên con ngay lập tức dừng lại ngay, thu tay về ngồi như bình thường.
Con ghi nhận, quan sát đầy đủ các hiện tượng trên.
Con có câu hỏi là: khi cơ thể rơi vào trạng thái nhẹ nhàng, tay tự động giơ lên như thế, con cần làm gì?
Để tay tự động giơ, hay giữ nó ở vị trí ngồi thiền ban đầu?
Để người dập dìu, uốn éo, hay cố gắng giữ vững vị trí ngồi thiền ban đầu ạ.
Mong Sư chỉ bảo cho con đi đúng đường ạ.
>>> Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Khi cận định và sau đó an chỉ định tầng thiền thứ nhất xuất hiện thì sẽ có 2 chi phần hỷ và lạc sinh khởi gây ấn tượng mạnh nơi thiền sinh.
Năm chi phần của cận định và tầng thiền thứ nhất là:
⑴ Tầm: tâm luôn hướng tới đề mục (của thiền Chỉ Samatha hoặc của thiền Quán Vipassanā).
⑵ Tứ: tâm chà xát, xoay quanh đề mục.
⑶ Hỷ: có 5 mức độ gồm 1– Tiểu hỷ (Khuddakapìti): phát hỷ nổi da gà khắp châu thân; 2– Sát na hỷ (Khanika pìti): hỷ phát sanh nhanh như điển chớp có ánh sáng phát ra từ thân; 3– Hải triều hỷ (Okhantikapìti): hỷ sanh lên như hải triều dâng; 4– Khinh hỷ (Ubbegàpìti): hỷ sanh làm cho cảm giác toàn thân nhẹ nhàng bay bổng; 5– Sung mãn hỷ (Pharanapìti): hỷ sanh mạnh mẻ lâu dài thắm nhuần cả châu thân.
⑷ Lạc: trạng thái hài lòng thỏa mãn khi kinh nghiệm sự dễ chịu, khoan khoái, lạc thú trong thân.
⑸ Nhất tâm: tâm không phóng dật, lang thang ra ngoài đề mục ví dụ như không nghe thấy bất cứ âm thanh khác, không ngửi thấy mùi, không suy nghĩ nhớ tưởng lao xao … v.v…
Thiền sinh khi gặp các hiện tượng như đã được mô tả trong câu hỏi cần tuyệt đối tránh ham vui, thích thú, đùa chơi chìm đắm trong các biểu hiện của hỷ, lạc đó (chân tay thân lơ lửng, hoặc thân đầu lắc lư đung đưa xoay xoay, hoặc thấy ánh sáng, hoặc thấy hình ảnh Chư Thiên hay Đức Phật hay bất kỳ cảnh giới hoặc an vui hạnh phúc hoặc khủng khiếp rùng rợn nào khác, hoặc nghe thấy âm thanh du dương êm ái hay ghê rợn, hoặc ngửi thấy mùi hương đặc biệt dễ chịu hay khó chịu … v.v…), mà khi nhận ra những biểu hiện đó cần ngay lập tức chánh niệm ghi nhận những trạng thái biến đổi, sinh diệt trong từng hiện tượng đang xảy ra, và sau đó trở lại đề mục thiền bằng cách chỉnh sửa lại tư thế ngồi thẳng nhưng thả lỏng, thu thúc chân, tay, đầu cổ, toàn thân tránh lay chuyển lắc lư cử động, rất có hại sau này khi thành thói quen muốn tìm kiếm lặp lại những trạng thái tương tự như vậy và định lực sẽ bị thối thất, tiêu biến không thể phát triển.
Trong thiền tập, bất kỳ điều gì xảy ra đều không quan trọng để vui mừng hay sợ hãi, chỉ quan trọng là phải thấy rõ chúng chỉ là những pháp đang sinh, diệt, vô thường, sau đó quay về bám sát vào đề mục.
Trong thuần Quán minh sát vipassana thì chỉ có sự sinh diệt của mọi hiện tượng danh sắc là quan trọng cần hay biết rõ ràng, các việc khác chẳng có gì là quan trọng cả.
Nếu tu tập Chỉ samatha trước Quán Vipassana sau thì với khởi đầu là đề mục thuộc thiền Chỉ Samatha thì khi đạt cận định hoặc thiền na thứ nhất thì cần bỏ qua đề mục cũ (1 trong 40 đề mục thiền Chỉ samatha – xem Thanh Tịnh Đạo – Phần II: Định) mà chuyển sang đề mục là sự sinh diệt của các chi phần của cận định, hoặc của các hiện tượng xuất hiện trên thân thọ tâm pháp.
Chỉ lặp đi lặp lại chánh niệm vào sinh diệt của đề mục đề mục, bỏ qua mọi thứ khác đang xảy ra vì tất cả mọi hiện tượng đều sinh ra rồi diệt đi, hoàn toàn trống rỗng, vô vị. Thấy biết như thật bản chất sinh diệt đó là có trí tuệ minh sát về vô thường khổ vô ngã, do đó sẽ nhàm chán, sẽ ly tham, sẽ được giải thoát khỏi mọi chấp thủ bám víu, chế ngự được mọi tham, ưu trên đời.
Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho con luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ, xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, đoạn tận tham sân si không còn dư sót, chấm dứt sinh tử luân hồi trong tam giới, đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.
Trong tâm từ,
Sumangala Bhikkhu Viên Phúc
––––––––––––––––––––––––––––––
⚂ Câu hỏi về đồ uống sau 12h trưa.
––––––––––––––––––––––––––––––
– TM: Dạ. Con thưa Sư, trong giới luật người xuất gia, cà phê, trà… có thể được dùng phi thời không Sư ạ? Như con nhiều khi buổi tối cần uống ít cà phê hay trà để tỉnh táo xem kinh mà con ko biết các loại nước này có uống phi thời sau 12 h trưa có được hay ko Sư ạ?
Dạ. Ngoài ra, có Các loại nước phi thời nào được dùng sau 12h không thưa Sư?
>> Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Các điều giới luật đặt ra là để giúp hành giả loại bỏ tham đắm, bám víu, chấp thủ vào mọi thứ trên thế gian thì mới có thể giải thoát. Giới Luật về đồ ăn thức uống cũng vậy, bớt được thèm khát, bớt phụ thuộc thì mới không bị chúng điều khiển, chi phối: vì vậy các đồ uống buổi chiều tối chỉ với một mục đích duy nhất là để giải cơn khát nước (Chỉ uống khi khát) mà thôi, không vì bất kỳ lý do nào khác.
– Tham khảo thêm bài viết này:
––––––––––––––––––––––––––––––
⚃ Phân biệt Tưởng Uẩn và Thức Uẩn như thế nào?
––––––––––––––––––––––––––––––
– DG: Dạ. Con bạch Sư. Con kính thỉnh pháp Sư ạ, kính trên Sư cho phép vì lòng từ mẫn mà giải đáp cho con a.
Trong giáo lý Năm uẩn, con muốn phân biệt tưởng uẩn và thức uẩn.
Trong kinh Đáng Được ăn –Tương ưng bộ (bản dịch HT Thích Minh Châu)
Định nghĩa tưởng uẩn là “nhận rõ”
Định nghĩa thức uẩn là “rõ biết”
Con cần phân biệt thế nào ạ?
>>> Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Đạo hữu có thể tham khảo lời giảng giải của Trưởng Lão Thánh tăng Alahán Buddhagosha trong Thanh Tịnh Đạo: Phần Thứ Ba – Tuệ Mô Tả Về Ðất Cho Tuệ Sinh Trưởng – Chương XIV (a) -Mô Tả Về Các Uẩn – (Khandha-Niddesa):
🍀
… Thọ Tưởng Hành Thức:
81. Trong những uẩn còn lại, cái gì có đặc tính cảm thọ cần được hiểu là thọ uẩn.
Cái gì có đặc tính nhận thức, cần được hiểu là tưởng uẩn.
Có đặc tính tạo tác là hành uẩn.
Có đặc tính phân biệt là thức uẩn.
Vì những cái khác sẽ trở nên dễ hiểu khi đã hiểu thức uẩn, nên ở đây ta sẽ bàn thức uẩn trước hết.
🍀
… Thức uẩn
82. “Bất cứ gì có đặc tính biết, nói chung đều gọi là thức uẩn”, trên đây dã nói.
Và cái gì có đặc tính nhận biết? Chính là tâm thức.
Những danh từ thức, tâm và ý đều có cùng một nghĩa.
89 Loại Tâm – Tâm thức ấy mặc dù chỉ là một trong tự tánh với đặc tính là nhận biết, song có ba loại là thiện, bất thiện và bất định.…
… 110. Như thế, 21 loại thiện tâm, 12 bất thiện, 36 dị thục và 20 duy tác cộng thành 89 loại tâm. Tất cả tâm này sanh khởi theo 14 kiểu là: kiết sanh, hữu phần, tác ý (hướng tâm), thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ, tiếp thọ, suy đạt, xác định, tốc hành, đồng sở duyên, và tử tâm.
[Chi tiết về 89 tâm thuộc Thức Uẩn xin xem: Chương XIV (a) -Mô Tả Về Các Uẩn – (Khandha-Niddesa) – mục 83>>110]
🍀
… Tưởng Uẩn
129. Trên đây đã nói: “Bất cứ gì có đặc tính nhận thức, nói chung cần hiểu là tưởng uẩn” (đoạn 81). Mặc dù chỉ có một xét theo tự tánh là nhận thức, tưởng gồm ba loại là thiện, bất thiện và bất định. Cái gì tương ưng với thiện tâm gọi là thiện, tương ưng với bất thiện tâm là bất thiện. Vì không có tâm tách rời với tưởng, nên tưởng có cùng một cách phân loại như tâm, nghĩa là gồm 89 loại.
130. Nhưng mặc dù được phân thành 89 loại như tâm thức, song về đặc tính, vv. tưởng chỉ có một, là nhận biết. Nhiệm vụ nó là làm một dấu hiệu trở thành điều kiện để lần sau có thể nhận ra “đây là một thứ như trước”, như khi thợ mộc nhận ra gỗ. Nó được biểu hiện bằng hành động giải thích nhờ phương tiện các tướng đã nhận được, như người mù “thấy” một con voi. Nhân gần nó là một đối tượng khách quan xuất hiện bất cứ cách nào, như tưởng khởi lên nơi một con diều hâu khi trông thấy “người” bù nhìn.
Trên đây là giải thích về tưởng uẩn.
🍀
…
214. Về phân biệt: giữa uẩn và thủ uẩn. Nhưng giữa uẩn và thủ uẩn khác nhau chỗ nào?
Trước hết, uẩn được nói lên không phân biệt.
Thủ uẩn là nói để phân biệt ra những uẩn bị chấp thủ và còn lậu hoặc.
Như kinh nói: “Này các tỷ kheo, ta sẽ dạy các ông năm uẩn và năm thủ uẩn. Hãy nghe kỹ…
Này các tỷ kheo, gì là năm uẩn?
Phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại… xa gần, đó là sắc uẩn.
Phàm có thọ gì… phàm có tưởng gì… thức gì… xa hay gần, đó là thức uẩn.
Gì là năm thủ uẩn?
Phàm sắc nào,… xa hay gần, mà có lậu hoặc, bị chấp thủ, đây là sắc thủ uẩn.
Phàm thọ nào, tưởng nào, hành thức nào… xa hay gần, mà còn lậu hoặc, bị chấp thủ, đấy gọi là thức thủ uẩn.
Ðây, này các tỷ kheo, gọi là năm uẩn bị chấp thủ, hay năm thủ uẩn.” (S. iii, 47)
––––––––––––––––––––––––––––––
⚄ Thế nào là tà kiến về bản tâm thanh tịnh thường hằng?
––––––––––––––––––––––––––––––
– CL: Xin sư cho hỏi: Có thuyết cho rằng bản tâm là thanh tịnh, vắng lặng và nhất là mãi trường tồn không bao giờ mất đi, như vậy điều này đúng không ạ ? Nếu đúng ! thì phải hiểu về thuyết Vô Thường Phật dạy có chống trái nhau không ? Xin sư giải thích cho chúng con cùng học, hiểu với ạ. Xin tri ân sư !
>>> Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Bản tâm hay bản chất của tâm là hay biết, tính biết này sinh diệt do nhân duyên xúc chạm giữa căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý) với trần cảnh (sắc thanh hương vị xúc pháp) và cái biết này nó có tên gọi là tâm, nó không trường tồn – tâm sinh khởi bởi nhân duyên và hoại diệt bởi nhân duyên, và không thể tách cái biết ra khỏi tâm để mà hý luận là trường tồn, bất sinh bất diệt, thanh tịnh như lời của một số vị suy diễn, thuyết giảng tà kiến này theo trí tuệ phàm phu nông cạn của họ, trái lời Phật dạy. Trong vi diệu pháp abhidhamma do Đức Phật giảng dạy, có chỉ ra là: tâm có tất cả 89 loại, được chia theo phẩm tính của nó thành ba loại là ⑴ tâm thiện – 21 loại, ⑵ tâm bất thiện – 12 loại, và ⑶ tâm bất định: tức tâm có thể thiện hoặc bất thiện gồm 36 loại tâm dị thục và 20 loại tâm duy tác.
Muốn có hiểu biết cơ bản và đầy đủ về các loại tâm cần tìm học (ví dụ như “Vi Diệu Pháp Toát yếu” – Trưởng Lão Narada dịch sang tiếng Anh, Phạm Kim Khánh dịch Việt) dưới sự hướng dẫn của vị Thầy thông thạo về Vi Diệu Pháp.
Mong các quí vị tự tìm hiểu các thuyết ngoại Đạo đó nếu muốn. Chúng tôi không có thời gian và cũng không muốn bình luận về những loại câu hỏi “Có thuyết cho rằng… ” vì thiên hạ thì có vô số các thuyết, chúng tôi riêng việc học và hành những lời Phật dạy cũng chắc không có đủ thời gian trong kiếp sống này.
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala
Tham khảo thêm:
––––––––––––––––––––––––––––––
⚅ Người hoàn toàn mới đến với Đạo Phật cần bắt đầu từ đâu?
––––––––––––––––––––––––––––––
– LHM: Con chào Sư, Con biết đến thiền Vipassana theo truyền thống của Ngài Goenka từ năm 2016 con thực hành theo được 4 khóa 10 ngày và đạt được rất nhiều lợi lạc.
Đầu năm 2021 con mới bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật và con có xin xuất gia gieo duyên ở chùa Viên Tuệ theo truyền thống Theravada và được cho phép dù chưa biết gì về đạo Phật (do con sinh ra và lớn lên trong gia đình Thiên Chúa giáo và người thân trong nhà cũng đa số theo đạo Chúa nên chưa có cơ hội được tiếp xúc với Phật giáo sớm hơn, đăt biệt là Phật Giáo nguyên thủy).
Dạ Sư cho con hỏi đối với một người mới hoàn toàn như con thì nên tìm hiểu pháp học cơ bản từ những sách nào ạ.
Con đang đọc cuồn Đức Phật và Phật Pháp và con có bộ Nền Tảng Phật Giáo do Ngài Hộ Pháp biên soạn, và cuốn Thanh Tịnh đạo.
Tuy nhiên, con cảm thấy bộ Nền tảng Phật Giáo và Thanh Tịnh đạo còn quá cao so với trình độ của con hiện tại.
Dạ con xin Sư đưa ra lời khuyên để con có thể tìm được Pháp học phù hợp với một người mới hoàn toàn như con ạ, vì thật sự Pháp của đức Phật nhiều quá, con không biết phải bắt đầu từ đâu ạ. Con cám ơn Sư.
Dạ con có thêm một câu hỏi ạ.
Sau khi xuất gia gieo duyên về con có phát tâm để được xuất gia vì con biết đây là một đường thẳng duy nhất để sớm được giải thoát trong kiếp này, vậy Sư cho con hỏi trong đời sống cư sĩ con phải chuẩn bị như thế nào để khi đủ duyên lành con sẽ gặp được Thầy giáo thọ phù hợp và được cho xuất gia ạ. Con cám ơn sư.
>>> Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Đạo hữu có thể bắt đầu học theo các cuốn sau:
Để có kiến thức cơ bản vững chắc nên học dần dần, mỗi ngày một ít trong vòng một hai năm dựa vào 5 quyển đầu tiên của Bộ Nền tảng Phật giáo – Tỳ khưu Hộ Pháp, đó là:
⑴ Tam Bảo,
⑵ Quy y Tam Bảo,
⑶ Pháp Hành giới,
⑷ Nghiệp và Quả của nghiệp,
⑸ Phước Thiện.
Cư sĩ tại gia hàng ngày cần:
– Quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới, nhớ thuộc nằm lòng 9 Ân đức Phật – 6 Ân Đức Pháp – 9 Ân đức Tăng;
– Luôn tác ý tinh tấn trong 10 thiện nghiệp, luôn tránh xa 10 ác nghiệp: ① không sát sinh, ② không trộm cắp, ③ không tà dâm, ④ không nói đối, ⑤ không nói lời hai lưỡi, ⑥ không nói lời độc ác, ⑦ không nói lời phù phiếm, ⑧ không tham lam, ⑨ không sân hận, ⑩ không tà kiến.
– Không ngừng tích tạo 10 phước nghiệp: ① bố thí, ② trì giới, ③ tu tiến tâm và tuệ, ④ cung kính, ⑤ phục vụ, ⑥ tùy hỷ phước, ⑦ hồi hướng phước, ⑧ thỉnh pháp, ⑨ thuyết pháp, ⑩ sửa đổi tà kiến.
– Đọc kỹ cuốn sách này: Cư sĩ giới pháp. https://budsas.net/uni/u–cusi/csgp00.htm
Liên quan tới vấn đề sinh tử, cốt yếu, thiết thực của bản thân và xã hội, nên học tập và thực hành đúng đắn theo Chánh pháp một cách rõ ràng, cụ thể, đơn giản nhưng kiên trì để có lợi lạc thiết thực ngay trong kiếp sống này và mai sau. Đó là luôn gần gần gũi, thân cận và
“… ① giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn thời làm viên mãn nghe diệu pháp;
② nghe diệu pháp được viên mãn thời làm viên mãn lòng tin;
③ lòng tin được viên mãn, thời làm viên mãn như lý tác ý;
④ như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn chánh niệm tỉnh giác;
⑤ chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn được chế ngự;
⑥ các căn được chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba thiện hành;
⑦ ba thiện hành được viên mãn, thời làm viên mãn Bốn niệm xứ;
⑧ Bốn niệm xứ được viên mãn, thời làm viên mãn Bảy giác chi;
⑨ Bảy giác chi được viên mãn, thời làm viên mãn minh giải thoát.”
– Hết trích dẫn –
“Không bao lâu thân này,
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất bỏ, vô thức,
Như khúc cây vô dụng.” (Pháp Cú 41)
Vậy nên:
“Không phỉ báng phá hoại,
Hộ trì giới căn bản,
Ăn uống có tiết độ,
Sàng tọa chỗ nhàn tịnh.
Chuyên chú tăng thượng tâm,
Chính lời chư Phật dạy.” (Pháp Cú 185)
Tóm lại, tất cả chỉ có bây nhiêu cần làm – kiên định thường xuyên đều đặn, ngay và luôn:
“Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.” (Pháp Cú 183)
Nói theo cách khác đó chính là:
Người có trí trú Giới (sīla)
Tu tập Tâm (Định Samādhi) và Tuệ (Paññā)
Nhiệt tâm và thận trọng
Tỷ kheo ấy thoát triền (Đau khổ phiền não – Dukkha).
(S., i, 13)
Đã là quá đủ khổ đau trong luân hồi!
Hãy luôn nhớ theo đuổi mục đích giác ngộ giải thoát!
Xin hãy đừng phí phạm, dù chỉ mỗi một giây!
Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho đạo hữu cùng tất cả mọi người trong gia đình luôn được khỏe mạnh, thành công, an vui, và hạnh phúc, luôn tinh tấn làm lành, lánh dữ, thanh lọc tâm, vun bồi phước thiện Bố thí – Trì giới – Tu tập Tâm và Tuệ tạo duyên lành giúp sớm giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala
🍀 Ghi chú TK Viên Phúc:
❶ Vô minh = Không thấu triệt Tứ Thánh Đế về ⚀ Khổ, ⚁ Nguyên Nhân Khổ, ⚂ Sự Chấm Dứt Khổ, ⚃ Con Đường Dẫn Đến Chấm Dứt Khổ.
❷ Năm Triền Cái = Năm Chướng Ngại làm mê mờ trí tuệ = ⚀ Tham Ái + ⚁ Sân Hận + ⚂ Hôn Trầm Thụy Miên + ⚃ Trạo Cử Hối Tiếc + ⚄ Hoài Nghi.
❸ Ba Ác Hành = ⚀ Thân Ác Hành (① Sát sinh ② Trộm cắp ③ Tà dâm) + ⚁ Khẩu Ác Hành (④ Nói dối ⑤ Nói chia rẽ ⑥ Nói thô ác ⑦ Nói phù phiếm vô ích) + ⚂ Ý Ác Hành (⑧ Tham lam ⑨ Độc Ác ⑩ Tà kiến đảo điên).
❹ Các Căn = Lục Căn = Sáu Giác Quan = ⚀ Mắt + ⚁ Tai + ⚂ Mũi + ⚃ Lưỡi + ⚄ Thân + ⚅ Ý.
❺ Chánh Niệm Tỉnh Giác = Tứ Niệm Xứ = ⚀ Thân + ⚁ Thọ + ⚂ Tâm + ⚃ Pháp.
❻ Như lý tác ý =
>> Đây là Khổ, Đây là Nguyên Nhân Khổ, Đây là sự Chấm Dứt Khổ, Đây là Con Đường Dẫn Đến Chấm Dứt Khổ
>> Ngũ Uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức – BẤT KỂ: Quá khứ, hiện tại, vị lai, trong, ngoài, xa, gần, thô, tế, hạ liệt, cao thượng ĐỀU LÀ: vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.
>> Các pháp hữu vi là vô thường, vô thường là Khổ, khổ là vô ngã, nên cái này không phải của tôi, đây không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi.
❼ Lòng Tin =
⚀ Bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.”
⚁ Bất động đối với Pháp: “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.”
⚂ Bất động đối với Tăng: “Tế hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Thanh tịnh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời.”
❽ Diệu Pháp = Tam Tạng (⚀ Tạng Kinh Nikaya ⚁ Tạng Luật Vinaya ⚂ Tạng Vi diệu pháp Abhidhamma) + Chú giải + Phụ chú giải: đưa đến 9 Pháp Siêu Thế là 4 Đạo + 4 Quả + Nibbāna.
Bài viết liên quan
- Về việc trả lời các câu hỏi, FB
- Hỏi Đáp 1/2022, FB
- Hỏi Đáp 12/2021 – Phần 1/2, FB
- Hỏi Đáp 12/2021 – Phần 2/2, FB
- Hỏi Đáp 11/2021, FB
- Hỏi Đáp 10/2021, FB
- Hỏi Đáp 9/2021, Web, FB
Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
- Tôi nguyện, Web, FB
- Tại sao Myanmar, Web, FB
- Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
- Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
- Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
- Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
- Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB
🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive
- Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
- Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
- Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
- Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
- Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
- Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
- 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
- Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB