Kham Nhẫn Đến Mức Nào. Bài 1

⚀ KHAM NHẪN ĐẾN MỨC NÀO?

(Bài 1)

🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀

Chuyện Đạo Lý Kham Nhẫn (Tiền thân Khantivàdi)

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ–kheo nóng giận.

Các tình tiết của câu chuyện đã được tả trước đây. Bậc Ðạo Sư bảo Tỷ–kheo ấy:

– Ông đã chấp trì giới luật theo Giáo pháp đức Phật, người chẳng hề biết nóng giận là gì, thế mà sao ông lại tỏ ra nóng giận? Các trí giả ngày xưa nghĩ rằng họ phải chịu trăm ngàn đau đớn, bị chặt chân tay, bị cắt tai, mũi vẫn không hề tỏ ra nóng giận người khác.

Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.

*****

Ngày xưa, khi một ông vua Kàsi trị vì ở Ba–la–nại, Bồ–tát sinh ra trong một gia đình Bà–la–môn, thừa hưởng gia tài tám trăm triệu đồng. Bấy giờ, ngài là một thiếu niên tên Kundakakumàra. Khi lớn lên, ngài thành tựu mọi kiến thức về các ngành khoa học tại Takkasilã và sau đó trở thành một gia trưởng.

Khi cha mẹ mất đi, ngài nhìn đống tiền bạc và tự nghĩ: “Những người thân của ta đã tích nên tài sản này rồi lại ra đi mà chẳng mang theo được. Giờ đây, ta lại sở hữu tài sản này và lại đến lượt ta ra đi.” Thế rồi ngài cẩn thận chọn những người có đức bố thí xứng đáng và cho họ hết tất cả tài sản rồi ngài vào vùng Tuyết Sơn tu khổ hạnh. Ngài trú ở đó một thời gian lâu, sống bằng trái cây rừng. Sau đó ngài xuống các nơi có người ở để kiếm muối và dấm và đi lần đến Ba–la–nại, tại đó, ngài trú trong vườn cây của vua.

Ngày hôm sau, ngài đi khất thực trong thành phố và đến cửa nhà quan đại tướng. Vị quan này rất bằng lòng trước phong thái đặc biệt của vị ẩn sĩ liền mời ngài vào nhà, dâng ngài các thức ăn dành riêng cho chính ông. Sau đó, ông đưa ngài trở lại trú xứ của ngài trong vườn cây của vua.

Một hôm, vua Kalàbu bị khích động vì rượu mạnh, đến vườn cây với đầy đủ mọi nghi trượng xa hoa, bao quanh ông là một đám vũ công. Ông cho đặt vương sàng tại đó và nằm gối đầu trên đùi một ái phi trong khi các nghệ nữ thiện xảo về đàn sáo nhảy múa trình diễn. Cả một khung cảnh thật là tráng lệ chẳng khác cảnh của Thiên chủ Ðế Thích, vua cõi trời! Rồi nhà vua ngủ thiếp đi. Các phụ nữ kia bảo:

– Chính vì đức vua mà chúng ta tấu nhạc, nay ngài đã ngủ rồi. Chúng ta cần chi phải đàn hát nữa?

Rồi họ ném bỏ đàn sáo đó đây, đi vào vườn cây và mải mê vui chơi với cây trái, bông hoa trong vườn.

Bấy giờ, Bồ–tát đang ở trong vuờn này dũng mãnh như một vương tượng. Ngài ngồi dưới gốc một cây Sàla đang nở hoa, hưởng hạnh phúc tối đa của kẻ từ bỏ thế tục. Các phụ nữ kia trong khi lang thang trong vườn, đến chỗ Bồ–tát ngồi. Họ bảo với nhau:

– Này các chị ơi, lại đây, chúng ta hãy ngồi xuống nghe vị tu sĩ đang ngồi dưới gốc cây này thuyết giảng cho đến khi đức vua thức dậy.

Họ đến chào ngài rồi ngồi vòng quanh ngài và nói:

– Xin giảng cho chúng tôi những điều đáng nghe.

Bồ–tát giảng đạo lý cho họ. Trong khi ấy, nàng vương phi sủng ái kia trăn trở thân mình làm vua thức dậy. Không thấy các phụ nữ kia đâu, vua hỏi:

– Bọn tiện tỳ ấy đi đâu cả rồi?

Nàng ái phi đáp:

– Tâu Ðại vương, họ bỏ đi và đang ngồi quanh một nhà tu khổ hạnh.

Nhà vua cầm kiếm vội vã ra đi và nói:

– Ta sẽ cho tên ẩn sĩ giả hiệu kia một bài học.

Những người được vua sủng ái nhất trong đám phụ nữ kia thấy vua giận dữ liền đến nắm lấy kiếm của vua xin vua bớt giận. Vua bước tới đứng bên cạnh Bồ–tát và hỏi:

– Này, nhà tu kia, ông giảng đạo lý gì thế?

Ngài đáp:

– Tâu Bệ hạ, tôi giảng về đạo lý kham nhẫn.

Vua hỏi:

– Kham nhẫn là gì?

– Là không giận hờn khi người ta rầy la, đánh đập, mắng chửi mình.

Vua bảo:

– Ðược rồi, ta sẽ xem đức kham nhẫn của ông thực sự như thế nào.

Rồi vua cho gọi quan hành hình lại. Ông này đang đi hành sự, cầm một cái rìu và một cái roi gai, mặc áo vàng, mang một tràng hoa đỏ. Ông đến chào vua và thưa:

– Tâu Ðại vương, tôi phải làm gì để vừa lòng ngài?

Vua phán:

– Tóm lấy và lôi cổ tên thầy tu xảo quyệt đê tiện ấy đi, ném nó xuống đất, dùng roi gai mà đánh nó đằng trước, đằng sau và cả hai bên, quất cho nó hai ngàn roi.

Lệnh ấy được thi hành. Da trong, da ngoài của Bồ–tát bị xé rách tới thịt, máu tuôn xối xả. Vua lại hỏi:

– Này thầy tu kia, ông dạy đạo lý gì?

– Tâu Ðại vương, đức kham nhẫn – Bồ–tát đáp.

– Ngài tưởng rằng đức kham nhẫn của tôi chỉ nằm dưới da; không phải thế đâu, nó nằm bên trong tim tôi, ngài không thể trông thấy được đâu.

Viên quan hành hình lại hỏi vua:

– Tâu Ðại vương, tôi phải làm gì để vừa lòng ngài?

Vua nói:

– Hãy cắt đứt hai bàn tay của tên thầy tu giả hiệu ấy đi.

Thế là người kia xách rìu, đặt tội nhân vào bên trong vành tử tội rồi chặt đứt cả hai bàn tay Bồ–tát. Vua lại nói:

– Chặt hai bàn chân luôn.

Thế là hai bàn chân của ngài cũng bị chặt đứt. Máu vọt từ đầu các bàn tay chân như nước tuôn từ một cái bình thủng. Vua lại hỏi ngài thuyết giảng đạo lý gì. Ngài đáp:

– Tâu Chúa thượng, đức kham nhẫn. Tâu Ðại vương, ngài tưởng rằng đức kham nhẫn của tôi nằm tại các đầu bàn tay, bàn chân, thực không phải ở đó đâu, nó nằm ở nơi khác nữa kìa.

Vua nói:

– Hãy xẻo mũi và tai nó đi.

Viên quan hành hình làm theo như thế. Toàn thân Bồ–tát bây giờ nhuốm đầy máu. Vua lại hỏi đến đạo lý của ngài. Vị ẩn sĩ nói:

– Ngài chớ tưởng rằng đức kham nhẫn của tôi nằm ở chóp mũi và chóp tai của tôi; đức kham nhẫn của tôi nằm sâu trong tim tôi kia.

Vua nói:

– Tên thầy tu giả mạo kia, nằm xuống đi rồi hãy ca ngợi đức kham nhẫn của ngươi.

Nói thế xong, vua dẫm lên ngực, chỗ phía trái tim của Bồ–tát, rồi bỏ đi.

Khi vua đã đi rồi, vị đại tướng kia đến lau chùi máu trên thân thể của Bồ–tát, băng bó các đầu bàn tay, bàn chân, tai mũi ngài và nhẹ nhàng đặt ngài ngồi vào một chỗ, đảnh lễ ngài rồi ngồi xuống một bên. Ông bảo:

– Kính thưa Tôn giả, nếu ngài có giận hờn kẻ gây tội ác với ngài thì xin ngài hãy giận hờn đức vua, chớ đừng có giận hờn một ai khác.

Ông yêu cầu Bồ–tát qua bài kệ đầu:

Kẻ nào xéo mũi, cắt tai,

Cùng là chặt đứt của ngài tay chân.

Xin hờn kẻ ấy riêng phần,

Tâm hồn oanh liệt, xin đừng hờn chung!

Bồ–tát nghe thế liền đọc bài kệ thứ hai:

Mong vua vẫn được mạng trường,

Tay hung hủy hoại chẳng thương thân này,

Nhưng lòng thanh tịnh, ta đây,

Chẳng hề căm giận kẻ gây ác nào!

Khi vua rời khỏi vườn cây và ngay lúc ông vừa ra khỏi tầm nhìn của Bồ–tát, vùng đất kiên cố, dày hai trăm bốn mươi ngàn dặm bỗng nứt ra làm hai, lửa từ ngục A–tỳ (Avìci: Vô gián Ðịa ngục) vọt lên ập tới vua, trùm cả người ông như chiếc long bào hổ hoàng. Như vậy vua chìm trong đất ngay chỗ cổng vườn cây và bị tống hẳn vào đại ngục A–tỳ. Bồ–tát cũng chết vào cùng ngày ấy. Triều thần của vua và dân chúng mang các tràng hoa, dầu thơm, hương liệu đến làm lễ tống táng Bồ–tát. Có người bảo rằng Bồ–tát đã đi thẳng về dãy Tuyết Sơn. Nhưng theo bài kệ sau đây thì người ta lại bảo không phải như vậy:

Cổ thánh nhân – người đời truyền tụng –

Vẫn tỏ ra đại dũng đại uy.

Thánh kia kham nhẫn kiên trì,

Bị vua của xứ Kà–si giết rồi.

Ôi món nợ chẳng hồi tiếc nuối,

Vua kia đành trả lại liền sau.

Tháng ngày ân hận dài lâu,

Một khi trú địa ngục sâu tận cùng.

Hai bài kệ trên được sáng tác từ Trí tuệ toàn hảo của đức Phật.

*****

Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng xong, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, vị Tỷ–kheo nóng giận kia đắc quả Nhất Lai, và nhiều vị khác đắc quả Dự Lưu. Sau đó, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

– Bấy giờ, Ðề–bà–đạt–đa là Kalàbu, vua xứ Kàsi; Xá–lợi–phất là quan tổng trấn; còn Ta là vị ẩn sĩ, người thuyết giảng về đức kham nhẫn.

Nguồn trích dẫn: Tiểu Bộ Kinh – Tập VI, Chuyện Tiền Thân Đức Phật (III), 313. Chuyện Đạo Lý Kham Nhẫn (Tiền thân Khantivàdi)
… này các Tỷ–kheo, một vị Tỷ–kheo thành tựu năm pháp không đáng cung kính, không đáng tôn trọng, không đáng cúng dường, không đáng chắp tay, không còn là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo không kham nhẫn các sắc, không kham nhẫn các tiếng, không kham nhẫn các hương, không kham nhẫn các vị, không kham nhẫn các xúc. Và này các Tỷ–kheo, thế nào là vị Tỷ–kheo không kham nhẫn các sắc?

9. Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo khi mắt thấy sắc liền tham đắm các sắc khả ái, tâm không thể định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo không kham nhẫn các sắc. Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Tỷ–kheo không kham nhẫn các tiếng?

10. Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo khi tai nghe tiếng liền tham đắm các tiếng khả ái, tâm không thể định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo không kham nhẫn các tiếng. Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Tỷ–kheo không kham nhẫn các hương?

11. Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo khi mũi ngửi hương liền tham đắm các hương khả ái, tâm không thể định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ–kheo, là Tỷ–kheo không kham nhẫn các hương. Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Tỷ–kheo không kham nhẫn các vị?

12. Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo khi lưỡi nếm vị liền tham đắm các vị khả ái, tâm không thể định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ–kheo, là Tỷ–kheo không kham nhẫn các vị. Và này các Tỷ–kheo, thế nào là vị Tỷ–kheo không kham nhẫn các xúc?

13. Ở đây, này Tỷ–kheo, Tỷ–kheo khi thân cảm xúc liền tham đắm các xúc khả ái, tâm không thể định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ–kheo, là Tỷ–kheo không kham nhẫn các xúc.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo không đáng được cung kính, không đáng được tôn trọng, không đáng được cúng dường, không đáng được chắp tay, không còn là vô thượng phước điền ở đời.

… này các Tỷ–kheo, thành tựu năm pháp, vị Tỷ–kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời. Thế nào là năm?

21. Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo kham nhẫn các sắc, kham nhẫn các tiếng, kham nhẫn các hương, kham nhẫn các vị, kham nhẫn các xúc. Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Tỷ–kheo kham nhẫn các sắc?

22. Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo khi mắt thấy sắc, không tham đắm các sắc khả ái, có thể giữ tâm định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo kham nhẫn các sắc. Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Tỷ–kheo kham nhẫn các tiếng?

23. Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo khi tai nghe tiếng, không tham đắm các tiếng khả ái, có thể giữ tâm định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo kham nhẫn các tiếng. Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Tỷ–kheo kham nhẫn các hương?

24. Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo khi mũi ngửi các hương, không tham đắm các hương khả ái, có thể giữ tâm định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo kham nhẫn các hương. Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Tỷ–kheo kham nhẫn các vị?

25. Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo khi lưỡi nếm các vị, không tham đắm các vị khả ái, có thể giữ tâm định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo kham nhẫn các vị. Và thế nào, này các Tỷ–kheo, là Tỷ–kheo kham nhẫn các xúc?

26. Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo khi thân cảm các xúc, không tham đắm các xúc khả ái, có thể giữ tâm định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo kham nhẫn các xúc.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya – Chương V – Năm Pháp – Phẩm Vua – (VIII) (138) Ăn Các Ðồ Thực Vật,

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Tỷ–kheo biết kham nhẫn?

12. Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo kham nhẫn lạnh, nóng, đói khát, sự xúc phạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, những cách nói mạ lỵ, phỉ báng, các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, nhói đau, chói đau, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người. Như vậy, này các Tỷ–kheo, là Tỷ–kheo kham nhẫn.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya – Chương V – Năm Pháp – Phẩm Vua – (X) (140) Biết Nghe

Bài Viết Liên Quan

  • Kham Nhẫn Đến Mức Nào? – (Bài 2), Web, FB
  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
  • Xóa Tan Sân Hận, Oan Trái, Web, FB
  • Xóa Tan Sân Hận 2/2, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định VớI Đề Mục Từ Tâm – Phần 1, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định VớI Đề Mục Từ Tâm – Phần 2, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định VớI Đề Mục Từ Tâm – Phần 3, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định VớI Đề Mục Từ Tâm – Phần 4, Web, FB
  • Hiềm Hận Cần Được Trừ Khử Như Thế Nào?, Web, FB
  • Niệm Chết Như Thế Nào, Web, FB
  • Quán Niệm 32 Thể Trược, Web, FB
  • Thân Hành Niệm – Quán Thân Bất Tịnh 32 Thể Trược, Web, FB
  • Vun Bồi Tâm Từ (Và Cả Bi, Hỷ, Xả), Web, FB
  • Tôi Phải Tu Tập Tâm Từ, Vô Hận, Vô Sân Đến Mức Nào?, Web, FB
  • Lưu Ý Về Tu Tập Bi – Hỷ – Xả Trong Khi Tu Tập Rải Tâm Từ, Web, FB
  • Năm Tính Chất Của Hư Không Nên Được Hành Trì Là Gì?, Web, FB
  • Hàng Ngày Không Quên: Sám Hối – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB
  • Video Sám Hối – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Youtube
  • Tụng Buổi Tối Sau Thời Thiền, Web, FB
  • Metta Sutta Kinh Tâm Từ – Karaniya Metta Sutta: Tự Học Pali – Việt, Web, FB
  • Ghê Sợ Tội Lỗi – Hiri, Hổ Thẹn Tội Lỗi – Ottappa, Web, FB
  • Thế Nào Là Tám Pháp Đối Trị Dã Dượi Buồn Ngủ (Hôn Trầm Thụy Miên) Trong Khi Hành Thiền?, Web, FB
  • Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Ba: Tinh Tấn (Phần 2: 11 Cách Ðể Phát Sanh Tinh Tấn), Web, FB
  • Kiên Nhẫn Và Nghị Lực Để Đương Đầu Với Đau Khổ, Đặc Biệt Là Cảm Giác Đau Nhức Trong Khi Hành Thiền, Web, FB
  • Đoạn Tận Năm Triền Cái Có Lợi Ích Gì?, Web, FB
  • Ba Căn Thiện: Alobha: Không -Tham, Adosa: Không – Sân, Amoha: Không – Si, Web, FB
  • Chỉ Trích, Chê Bai, Vu Khống, Web, FB
  • Địa Ngục Có Hay Không, Web, FB
  • Món Qùa Pháp Bảo: Audio Pháp Thoại, Web, FB
  • (09) Đối Trị Đau Nhức Và Buồn Ngủ, Youtube