Chỉ & quán

Photo: Tại Thiền viện Viên Không, Bà Rịa Vũng Tàu, Việt Nam.

CHỈ & QUÁN

Samatha & Vipassana

Chỉ – Samatha và Quán – Vipassana là hai phương pháp thực hành thiền duy nhất do Đức Phật truyền dạy, theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Theravada.

Trong bản dịch Tạng Kinh Nikaya của HT Thích Minh Châu danh từ “Chỉ ” được dùng để dịch “Samatha”, còn danh từ “Quán” được dùng để dịch “Vipassana”. Các dịch giả khác để dịch “Samatha” đã dùng các danh từ khác nhau như “Thiền Định”, “Thiền Vắng lặng”, “Thiền tịch tĩnh”… Còn để dịch “Vipassana”, các dịch giả khác còn dùng các danh từ như “Thiền Minh sat “, “Thiền tuệ”, “Thiền Tứ niệm xứ”…

Thiền Chỉ – Samatha được tu tập viên mãn dẫn đến tâm giải thoát, thực chứng Hiện tại lạc trú là tứ thiền sắc giới, và thực chứng Tịch tĩnh trú là tứ thiền vô sắc giới. Cao tột của Chỉ là Diệt thọ tưởng định. Ngoài ra với sự thành tựu viên mãn của Chỉ cùng Tứ như ý túc, có thể đạt được năm trong số sáu thần thông, gồm Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thần túc thông.

Thần thông thứ sáu là Lậu tận thông – chỉ có thể đạt được bởi minh sát tuệ do thực hành thiền Quán Vipassana dẫn đến Đạo (Magga) và Quả (Phala), đoạn diệt vô minh, thực chứng tuệ giải thoát.

Lậu tận thông là đoạn diệt hoàn toàn và vĩnh viễn tham, sân, si, đoạn diệt hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não, siêu xuất tam giới, chấm dứt sinh tử luân hồi, bình an mãi mãi.

Do vậy thiền Quán Vipassana được Đức Phật đảm bảo rằng đây là con đường duy nhất thanh lọc tâm chúng sinh, vượt qua sầu, não, diệt trừ khổ, ưu, đạt được chánh trí, chứng ngộ Niết bàn.

Thiền Chỉ cùng năm loại thần thông nêu trên cũng có ở thiền ngoài Phật giáo.

Thiền Quán Vipassana cùng lậu tận thông của bậc Thánh Alahant chỉ có trong phật giáo, không có ở ngoại đạo.

Cả hai loại thiền Chỉ và Quán này cần được nỗ lực thực hành trên nền tảng Giới hạnh vững chắc, dưới sự hướng dẫn đúng đắn và đầy đủ trong môi trường thích hợp thì mới có thể thành tựu viên mãn.

Đã có nhiều tài liệu khảo sát, nghiên cứu, so sánh hai loại thiền này, cần tìm hiểu, học hỏi để có thể thực hành đúng đắn dưới sự hướng dẫn của bậc thầy có thẩm quyền (đã chứng đắc các pháp thượng nhân), tránh có những quan kiến, nhận xét, kết luận hồ đồ, sai lạc dẫn đến các hậu quả tai hại khôn lường ngay trong hiện tại và trong các kiếp sống tương lai cho những ai muốn theo đuổi con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau phiền não một cách hoàn toàn và vĩnh viễn do Đức Phật đã truyền dạy.

Trong tâm từ.

Tỳ Khưu Viên Phúc.

THẾ NÀO LÀ TÂM GIẢI THOÁT?

THẾ NÀO LÀ TUỆ GIẢI THOÁT?

“Có hai pháp này, này các Tỷ–kheo, thuộc thành phần minh.

Thế nào là hai?

Chỉ và Quán.

Chỉ được tu tập, này các Tỷ–kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tâm được tu tập. Tâm được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc về tham được đoạn tận.

Quán được tu tập, này các Tỷ–kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tuệ được tu tập. Tuệ được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận.

Bị tham làm uế nhiễm, này các Tỷ–kheo, tâm không thể giải thoát.

Hay bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được tu tập.

Do vậy, do ly tham, là tâm giải thoát.

Do đoạn vô minh, là tuệ giải thoát.”

Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt. Chương II – Hai Pháp, III. Phẩm Người Ngu

– Ghi chú – TK Viên Phúc:

⑴ Vô minh: “Này các tỳ–kheo, chính là không rõ biết Khổ, không rõ biết khổ tập, không rõ biết khổ diệt, không rõ biết con đường đưa đến khổ diệt. Này các tỳ–kheo, đấy gọi là vô minh.” (Kinh Tương Ưng Bộ V – Vô Minh).

⑵ Chỉ: Thiền Định Samatha (còn được gọi là Thiền Tịch tĩnh, Thiền Vắng lặng).

⑶ Quán: Thiền Minh Sát Vipassana (còn được gọi là Thiền Tứ niệm xứ, Thiền Tuệ).

CÓ HAI LOẠI THIỀN TRONG PHẬT GIÁO – THIỀN CHỈ (SAMATHA) VÀ THIỀN MINH SÁT (VIPASSANĀ).

Trước hết, thuật ngữ Pāḷi của từ “tham thiền” là Kammaṭṭhāna.

Kammaṭṭhāna được giải thích có nghĩa là lãnh vực hay khu vực hành động. “Lãnh vực hay khu vực hành động” có nghĩa là nơi sanh khởi của việc hành thiền (Bhāvanā).

“Kamma” có nghĩa là hành động và ở đây, nó thật ra có nghĩa là tham thiền (Bhāvanā), tức là sự phát triển tâm linh. Như vậy, nơi chốn của việc phát triển tâm linh thì được gọi là Kammaṭṭhāna. Theo ý nghĩa đó thì Kammaṭṭhāna có nghĩa là đề mục hành thiền, chẳng hạn như mười đề mục hoàn tịnh (Kasiṇa), mười đề mục bất mỹ (Asubha), những hành linh tinh và vân vân.

Một sự lý giải khác là, nó là nguyên nhân gần của sự phát triển tâm linh cao tột hơn. Tức là nếu các bạn không thực hiện việc phát triển tâm linh bậc thấp hơn, các bạn sẽ không đạt đến được sự phát triển tâm linh cao tột hơn. Cho nên, sự phát triển tâm linh bậc thấp hơn thì được gọi là Kammaṭṭhāna. Nó là nguyên nhân gần của sự phát triển tâm linh, sự phát triển tâm linh cao tột hơn vì, nếu không có sự phát triển tâm linh bậc thấp hơn, chúng ta không thể tiến đạt đến sự phát triển tâm linh cao tột hơn. Ví dụ, trong những tầng tuệ Minh sát (Vipassanā) khác nhau, nếu các bạn không đạt được tuệ Minh sát (Vipassanā) thứ nhất, các bạn sẽ không đạt đến tuệ Minh sát (Vipassanā) thứ hai và vân vân.

Như vậy, thuật ngữ “Kammaṭṭhāna” có hai nghĩa.

Trong ý nghĩa thứ nhất, những đối tượng hay đề mục được gọi là Kammaṭṭhāna. Trong ý nghĩa thứ hai, chủ thể hay sự phát triển (tức là các tâm (Citta) và các tâm sở (Cetasika)) được gọi là Kammaṭṭhāna.

🍀

Có hai loại thiền trong Phật giáo – thiền chỉ (Samatha) và thiền Minh sát (Vipassanā). Thiền Minh sát (Vipassanā) là loại thiền đặc biệt của Phật giáo.

Có nghĩa là chúng ta chỉ tìm thấy thiền Minh sát (Vipassanā) trong Phật giáo.

Thiền chỉ (Samatha) được tìm thấy trong những trường phái thiền ở ngoài Phật giáo.

Theo các Chánh Sớ và các tài liệu khác, thậm chí những người mà chúng ta gọi là Diṭṭhiya (tức là những người có tà kiến) vẫn có thể thực hành thiền chỉ (Samatha) và chứng đạt các tầng thiền định (Jhāna) và thậm chí cả những loại thần thông (Abhiññā). Do đó, thiền chỉ (Samatha) không phải là đặc thù của Phật giáo, nhưng đối với thiền Minh sát (Vipassanā) thì chúng ta chỉ tìm thấy được trong Giáo Pháp của Đức Phật.

“Tuy nhiên, trong Giáo Pháp của Đức Phật, thiền chỉ tịnh (Samatha) vẫn được dạy bởi vì sự tĩnh lặng và an định mà nó mang đến cung cấp hay tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự thực hành thiền Minh sát.” (CMA, IX, Guide to §1, p.329)

Đức Phật dạy thiền chỉ (Samatha) thật ra để được dùng làm nền tảng cho thiền Minh sát (Vipassanā). Việc thực hành thiền chỉ (Samatha) chỉ để chứng đạt thiền chỉ (Samatha) không thôi thì không phải là mục đích giảng dạy của Đức Phật. Khi Đức Phật dạy thiền chỉ (Samatha), Ngài luôn luôn muốn các đệ tử của Ngài phải tiến đến thiền Minh sát (Vipassanā).

Các vị đệ tử có thể thực hành thiền chỉ (Samatha) và chứng đắc các tầng thiền (Jhāna), nhưng họ không nên dừng lại ở đó và chỉ thỏa mãn với sự chứng đắc các tầng thiền (Jhāna) và các loại thần thông (Abhiññā). Các vị phải lấy các tầng thiền (Jhāna) làm đề mục hành thiền và thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) trên chúng.

Cả hai loại thiền chỉ (Samatha) và thiền Minh sát (Vipassanā) đều được dạy trong Phật giáo hay nói các cách khác, cả hai đều đã được chỉ dạy bởi Đức Phật.

Từ “Samatha” được dịch là tĩnh lặng hay an định.

Từ này có nghĩa là một cái gì đó làm cho một cái gì khác được an bình. Nó phát nguồn từ gốc từ “Sam” có nghĩa là trở nên an bình. Nó làm cho cái gì an bình? “An bình” có nghĩa là được làm tĩnh lặng xuống hay bị đè nén xuống.

Khi có những triền cái (Nīvaraṇa) trong tâm trí thì thiền chỉ (Samatha) không sanh lên. Chỉ khi nào những triền cái được áp chế hay được đè nén, thiền chỉ (Samatha) mới có thể sanh lên. Chúng ta sẽ thấy điều này sau.

Thiền chỉ (Samatha) là loại thiền làm lắng dịu hay đè nén những triền cái.

Các bạn đã biết rằng những triền cái (Nīvaraṇa) cũng là những phiền não (Kilesa). Những triền cái thì thuộc vào những phiền não (Kilesa). Thiền chỉ (Samatha) là loại thiền giúp chúng ta làm lắng dịu hay đè nén những triền cái.

Vậy những vị A–la–hán (Arahant) thực hành thiền chỉ (Samatha) thì sao? Giả sử một hành giả trước hết trở thành một vị A–la–hán (Arahant). Rồi Ngài muốn chứng đắc thiền (Jhāna) và Ngài thực hành thiền chỉ (Samatha). Trong trường hợp của Ngài, thiền chỉ (Samatha) không có nghĩa là làm lắng dịu xuống những triền cái vì một vị A–la–hán (Arahant) không còn triền cái nào nữa. Trong trường hợp của Ngài, thiền chỉ (Samatha) là loại thiền làm lắng dịu tâm trí của Ngài.

Điều đó có nghĩa là khi tâm trí phải bắt nhiều đối tượng, nó không được lắng dịu. Nó không được yên tĩnh. Để làm cho tâm trí của mình được yên tĩnh và để trải nghiệm sự an lạc của việc sống ẩn cư, các bậc A–la–hán (Arahant) có thể thực hành thiền chỉ (Samatha) và chứng đắc thiền định (Jhāna). Khi các Ngài chứng đạt thiền định (Jhāna), tâm trí của các Ngài có thể an trú trên chỉ một đối tượng trong một khoảng thời gian.

Trong suốt thời gian đó, tâm trí của các Ngài được yên tịnh và an bình.

Vậy còn thiền (Jhāna) thứ hai và vân vân thì sao?

Thiền (Jhāna) thứ nhất ngăn chặn hay đè nén những triền cái. Nhưng thiền (Jhāna) thứ hai không cần phải đè nén các triền cái nữa vì các triền cái đã được đè nén ngay trước đó bởi thiền (Jhāna) thứ nhất.

Trong trường hợp của thiền (Jhāna) thứ hai và vân vân thì thiền chỉ (Samatha) có nghĩa là những thiền định làm yên lặng những yếu tố thô hơn. Điều đó có nghĩa là chúng ngăn chặn hay đè nén những chi thiền thô hơn.

Khi các bạn chứng đắc thiền (Jhāna) thứ hai, các bạn loại trừ tầm (Vitakka). Khi các bạn chứng đắc thiền (Jhāna) thứ ba, các bạn loại trừ tứ (Vicāra) và vân vân. Trong trường hợp đó, các tầng thiền (Jhāna) sau, tức là thiền (Jhāna) thứ hai và vân vân, loại bỏ những chi thiền thô hơn. Và do đó, chúng được gọi là thiền chỉ (Samatha).

🍀

Loại thiền thứ hai là thiền Minh sát (Vipassanā).

Tôi đã giảng về thiền Minh sát (Vipassanā) nhiều lần.

Các bạn đã biết thiền Minh sát (Vipassanā) là gì. Thiền Minh sát (Vipassanā) là nhìn thấy theo nhiều cách khác nhau. “Nhìn thấy theo nhiều cách khác nhau” có nghĩa là thấy danh và sắc hay thấy những pháp hữu vi là vô thường (Anicca), là khổ (Dukkha) và là vô ngã (Anatta).

Thiền Minh sát (Vipassanā) là tâm sở (Cetasika) trí tuệ.

Điều đó có nghĩa là thiền Minh sát (Vipassanā) đồng nghĩa với trí tuệ (Paññā). Như vậy, nó là tâm sở vô si (Cetasika Amoha).

Còn thiền chỉ (Samatha) là gì? Nó là tâm sở nhất thống (Ekaggatā) hay định (Samādhi).

Thiền chỉ (Samatha) thì đồng nghĩa với định (Samādhi) và thiền Minh sát (Vipassanā) thì đồng nghĩa với trí tuệ (Paññā) hay tâm sở vô si (Amoha).

“Sự lý giải hay giải thích về thiền chỉ và thiền Minh sát trong chương này của tài liệu Abhidhammatthasaṅgaha là một sự tóm lược của toàn bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), …” (CMA, IX, Guide to §1, p.330) Nếu các bạn muốn hiểu một cách chi tiết hơn, các bạn phải đọc Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Tài liệu đó dày khoảng 800 trang. Trong đó có trình bày chi tiết về cả thiền chỉ (Samatha) và thiền Minh sát (Vipassanā).

Trong quá trình chúng ta học ở đây, tôi sẽ trình bày cho các bạn những chỗ tham khảo thêm trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), để nếu các bạn muốn biết thêm về tham thiền thì các bạn có thể đọc Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga).

– Hết trích dẫn –

Bài viết liên quan

  • Chánh định sammāsamādhi, Web Link
  • Có cần tu tập thiền hay không, Web, FB
  • Học thiền và hành thiền như thế nào, Web, FB
  • Vipassnā-jhāna: ‘thiền quán’/’định minh sát’, Web, FB
  • Jhana – thiền có đưa đến giác ngộ giải thoát hay không, Web, FB
  • Chỉ – samatha, quán – vipassanā, định – samādhi, tuệ – paññā, Web, FB
  • Có sự khác nhau rất lớn giữa chỉ – samatha và định – samādhi quán – vipassanā và tuệ – paññā, Web, FB
  • Lưu ý tập trung phát triển chánh định – không định, vô tướng định, vô nguyện định, Web, FB
  • Khéo an trú trong tứ niệm xứ, Web, FB
  • Ðịnh (samādhi) là gì? Thế nào là con bò núi ngu ngốc?, Web, FB
  • Tập thể dục không thể đánh bại kẻ thù, Web, FB
  • Không chánh định không thể có bát thánh đạo, Web, FB
  • Mở rộng hiểu biết về chánh định là gì, Web, FB
  • Chỉ bằng chánh niệm thì không thể biết và thấy các pháp như thật, Web, FB
  • Cần phải làm những gì để có được thái độ đúng đắn khi thực hành thiền tập, Web, FB
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB