Kẻ ngu – người thông minh – bậc hiền trí

[lwptoc]

KẺ NGU – NGƯỜI THÔNG MINH – BẬC HIỀN TRÍ

“Kẻ ngu xuẩn thì luôn chắc chắn
và đầy tự tin.
Người thông minh thì luôn bất an
và đầy nghi hoặc.
Bậc hiền trí thì luôn tỉnh giác
và vô chấp thủ.”

“The stupid are always cocksure,
and full of confidence.
The clever are always insecure,
and full of doubts.
The sage are always clearly comprehending,
and complete non clinging.”

“Hloupí jsou vždy domýšliví
a plní sebedůvěry.
Chytří jsou vždy nejistí
a plní pochybností.
Mudrc je vždy jasně chápající
a úplný bez lpění.”

– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

==============================
CHÁNH KINH
==============================

[NGƯỜI NGU]

– Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetanava, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ–kheo:

– Này các Tỷ–kheo.

– Thưa vâng. Bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ–kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Phàm có sự sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ–kheo, tất cả sự sợ hãi ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.

Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.

Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.

Ví như, này các Tỷ–kheo, ngọn lửa từ nhà bằng cỏ lau, hay từ nhà bằng cỏ, thiêu đốt các ngôi nhà có nóc nhọn, các ngôi nhà có trét trong và trét ngoài, ngăn chận được gió, các ngôi nhà có chốt cửa đóng chặt, có các cửa đóng kín.

Cũng vậy, này các Tỷ–kheo, phàm có sự sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ–kheo, tất cả sự sợ hãi ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.

Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.

Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.

Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.

Như vậy, này các Tỷ–kheo, người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi, người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy hiểm, người ngu có tai họa, người trí không có tai họa.

Này các Tỷ–kheo, không có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai họa đến với người trí.

Do vậy, ở đây, cần phải học tập như sau: Thành tựu với ba pháp nào, một người ngu được biết là như vậy, hãy từ bỏ ba pháp ấy. Thành tựu với ba pháp nào, một người trí được biết là như vậy, hãy chấp nhận ba pháp ấy và thực hành chúng. Như vậy, này các Tỷ–kheo, cần phải học tập.

Này các Tỷ–kheo, tướng của người ngu ở trong hành động (của mình); tướng của người trí ở trong hành động (của mình). Trí tuệ chói sáng trong nếp sống (của mình)

Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ–kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba?

Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Này các Tỷ–kheo, thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người ngu được biết đến.

Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ–kheo, người trí được biết đến. Thế nào là ba?

Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Này các Tỷ–kheo, thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người trí được biết đến.

Do vậy, này các Tỷ–kheo, cần phải học tập như sau: Thành tựu với ba pháp nào, người ngu được biết đến, hãy từ bỏ ba pháp ấy; thành tựu với ba pháp nào, người trí được biết đến; hãy chấp nhận ba pháp ấy, và thực hành chúng. Như vậy, này các Tỷ–kheo, cần phải học tập.

– Có những pháp này, này các Tỷ–kheo, là đặc tính của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn tích của người ngu. Thế nào là ba?

Ở đây, này các Tỷ–kheo, kẻ ngu suy nghĩ ác, nói ác và làm ác. Nếu người ngu này, này các Tỷ–kheo, không suy nghĩ ác, không nói ác và không làm ác, thời lấy gì người hiền trí biết được: “Người này là kẻ ngu, không phải là bậc chân nhân”? Vì rằng, này các Tỷ–kheo người ngu suy nghĩ ác, nói ác và làm ác, nên các người hiền trí biết được: “Người này là kẻ ngu, không phải là bậc chân nhân”. Có những pháp này, này các Tỷ–kheo, là đặc tánh của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn tích của người ngu.

Có những pháp này, này các Tỷ–kheo, là đặc tính của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí. Thế nào là ba?

Ở đây, này các Tỷ–kheo, người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện. Nếu người hiền trí này, này các Tỷ–kheo, không suy nghĩ thiện, không nói thiện và không làm thiện, thời lấy gì người hiền trí biết được: “Người này là người hiền trí, bậc chân nhân”? Vì rằng, này các Tỷ–kheo người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện, nên các người hiền trí biết được: “Người này là người hiền trí, là bậc chân nhân”. Có những pháp này, này các Tỷ–kheo, là đặc tánh của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí.

– Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba?

Phạm tội, không thấy là có phạm tội; phạm tội sau khi thấy là có phạm tội, không như pháp sám hối; được người khác phát lộ có tội, không như pháp chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người ngu được biết đến.

Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba?

Phạm tội, thấy là có phạm tội; phạm tội sau khi thấy là có phạm tội, như pháp sám hối; được người khác phát lộ có tội, như pháp chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người hiền trí được biết đến.

– Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ–kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba?

Không như lý suy tư, đặt câu hỏi; không như lý suy tư, trả lời câu hỏi; khi người khác như lý trả lời câu hỏi với những câu, những chữ vuông tròn, với những hành văn trơn tru chải chuốt, không có chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người ngu được biết đến.

Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ–kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba?

Như lý suy tư, đặt câu hỏi; Như lý suy tư, trả lời câu hỏi; khi người khác như lý trả lời câu hỏi với những câu, những chữ vuông tròn, với những hành văn trơn tru chải chuốt, liền chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người hiền trí được biết đến.

– Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba?

Thân làm bất thiện, miệng nói bất thiện, ý nghĩ bất thiện. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người ngu được biết đến.

[NGƯỜI HIỀN TRÍ]

Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba?

Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người hiền trí được biết đến.

– Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba?

Thân làm có tội, miệng nói có tội, ý nghĩ có tội. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người ngu được biết đến.

Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba?

Thân làm không có tội, miệng nói không có tội, ý nghĩ không có tội. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người hiền trí được biết đến.

– Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba?

Thân làm có não hại, miệng nói có não hại, ý nghĩ có não hại. … (như trên) …

Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba?

Thân làm không có não hại, miệng nói không có não hại, ý nghĩ không có não hại. … (như trên) …

– Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người ngu vụng về, không phải bậc chân nhân, tự mình xử sự như một kẻ mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị kẻ trí quở trách và tạo nên nhiều điều vô phước. Thế nào là ba?

Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ … (như trên) ….

Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, người hiền trí không vụng về, là bậc chân nhân, tự mình xử sự không như một kẻ mất gốc, không bị thương tích, không phạm tội, không bị kẻ trí quở trách và tạo nên nhiều phước đức … (như trên) ….

– Do thành tựu ba pháp, này các Tỷ–kheo, do không đoạn tận ba cấu uế, tương xứng như vậy, bị quăng vào địa ngục. Thế nào là ba?

Ác giới và cấu uế của ác giới không được đoạn tận; tật đố và cấu uế của tật đố không được đoạn tận; xan tham và cấu uế của xan tham không được đoạn tận.

Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, do không đoạn tận ba cấu uế này, như vậy bị quăng vào địa ngục tương xứng.

Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ–kheo, tương xứng như vậy được sinh lên cõi Trời. Thế nào là ba?

Có giữ giới và cấu uế của các giới được đoạn tận; không có tật đố và cấu uế của tật đố được đoạn tận; không có xan tham và cấu uế của xan tham được đoạn tận.

Thành tựu với ba pháp này, đoạn tận ba cấu uế này, tương xứng như vậy được sanh lên cõi Trời.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Tăng chi kinh – Aṅguttara Nikāya – I. Phẩm Người Ngu – 3.1–10. Người Ngu
https://suttacentral.net/an3.9/vi/minh_chau

==============================

🍀… (Người Ngu)

– Này các Tỷ–kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng, và đặc ấn này của người ngu. Thế nào là ba?

Ở đây, này các Tỷ–kheo, người ngu ① tư duy ác tư duy, ② nói lời ác ngữ và ③ hành các ác hạnh.

Này các Tỷ–kheo, nếu người ngu không tư duy ác tư duy, không nói lời ác ngữ, không hành ác hạnh, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: “Người này là người ngu, không phải là Chân nhân”?

Và vì rằng, này các Tỷ–kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ, hành ác hạnh, do vậy, người trí biết người ấy: “Người này là người ngu, không phải là Chân nhân”.

Người ngu ấy, này các Tỷ–kheo, ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại khổ ưu.

❶ Này các Tỷ–kheo, nếu người ngu ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường có xe cộ qua lại, hay tại ngã (ba, ngã tư) đường, tại đấy (nếu) có người nghĩ đến câu chuyện thích hợp về người ấy. Nếu người ngu, này các Tỷ–kheo, sát sanh, lấy của không cho, theo tà hạnh trong dâm dục, nói láo, say rượu men, rượu nấu, thường ở đây, này các Tỷ–kheo, người ngu ấy suy nghĩ như sau: “Các người ấy nghĩ đến câu chuyện thích hợp về ta, vì những pháp ấy thật có nơi ta và ta có những pháp ấy”. Này các Tỷ–kheo, đây là loại khổ ưu thứ nhất, người ngu cảm thọ ngay trong hiện tại.

❷ Lại nữa, này các Tỷ–kheo, người ngu thấy các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi; họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò) họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình, hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình (hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu. Ở đây, này các Tỷ–kheo, người ngu nghĩ như sau: “Do nhân các ác hành như vậy, các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội, liền áp dụng những hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân.. họ lấy gươm chặt đầu. Những pháp ấy có thật nơi ta và ta có những pháp ấy. Nếu các vua chúa biết về ta, các vua chúa ấy sau khi bắt ta liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn… họ lấy gươm chặt đầu.” Này các Tỷ–kheo, đây là loại khổ ưu thứ hai, người ngu cảm thọ ngay trong hiện tại.

❸ Lại nữa, này các Tỷ–kheo, khi người ngu leo ngồi trên ghế, hay trên giường, hay nằm trên đất, lúc bấy giờ, những ác nghiệp người ấy làm từ trước, như thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, treo nằm, treo áp, treo đè lên người ấy. Ví như, này các Tỷ–kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp, treo đè trên đất; cũng vậy, này các Tỷ–kheo, khi người ngu ngồi trên ghế, hay ngồi trên giường, hay nằm dưới đất, trong khi ấy các nghiệp quá khứ của người ấy, tức là thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy. Ở đây, này các Tỷ–kheo, người ngu suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều tội lỗi. Do không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, do làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều tội lỗi nên phải đi đến ác thú; ác thú ấy sau khi chết ta phải đi”. Người ấy sầu muộn, than van, than khóc, đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ–kheo, đây là sự khổ ưu thứ ba, ngay trong hiện tại, người ngu (phải) cảm thọ.

Này các Tỷ–kheo, kẻ ngu kia sau khi làm thân ác hành, sau khi làm khẩu ác hành, sau khi làm ý ác hành, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

🍀… (Người Hiền trí)

Này các Tỷ–kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng, và đặc ấn này của người trí. Thế nào là ba?

Ở đây, này các Tỷ–kheo, người trí ① tư duy thiện tư duy, ② nói lời thiện ngữ, và ③ hành các thiện hành.

Này các Tỷ–kheo, nếu người trí không tư duy thiện tư duy, không nói lời thiện ngữ, không hành các thiện hành, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: “Vị này là người trí, là bậc Chân nhân”? Và vì rằng, này các Tỷ–kheo, người trí tư duy thiện tư duy, nói lời thiện ngữ, hành thiện hành, do vậy người trí biết người ấy: “Vị này là người có trí, là bậc Chân nhân”.

Người trí ấy, này các Tỷ–kheo, ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại lạc hỷ.

❶ Này các Tỷ–kheo, nếu người trí ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường có xe cộ qua lại, hay tại ngã (ba, ngã tư) đường, tại đấy (nếu) có người nghĩ đến câu chuyện thích hợp về người ấy; nếu người trí, này các Tỷ–kheo, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong dâm dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ say rượu men rượu nấu, thời ở đây, này các Tỷ–kheo, người trí ấy suy nghĩ như sau: “Các người ấy nghĩ đến câu chuyện thích hợp về ta, vì những pháp ấy thật có nơi ta và ta có những pháp ấy”. Này các Tỷ–kheo, đây là loại lạc hỷ thứ nhất, người trí cảm thọ ngay trong hiện tại.

❷ Lại nữa này các Tỷ–kheo, người trí thấy các vua chúa, sau khi bắt tên trộm cướp phạm tội, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn… họ lấy gươm chặt đầu. Ở đây, này các Tỷ–kheo, người trí suy nghĩ như sau: “Do nhân các ác hành như vậy, các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội, liền áp dụng những hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy… họ lấy gươm chặt đầu, những pháp ấy thật không có nơi ta, và ta không có những pháp ấy”. Này các Tỷ–kheo, đây là loại lạc hỷ thứ hai, người trí cảm thọ ngay trong hiện tại.

❸ Lại nữa, này các Tỷ–kheo, khi người trí leo ngồi trên ghế, hay trên giường, hay nằm trên đất, lúc bấy giờ những thiện nghiệp người ấy làm từ trước, như thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy. Ví như, này các Tỷ–kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp, treo đè trên đất; cũng vậy, này các Tỷ–kheo, khi người trí ngồi trên ghế hay ngồi trên giường, hay nằm dưới đất, trong khi các nghiệp quá khứ của người ấy tức là thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy. Ở đây, này các Tỷ–kheo, người trí suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, lại làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi. Do không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, do làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi, được đi đến (thiện) thú nào, (thiện) thú ấy sau khi chết, ta được đi”. Vị ấy không sầu muộn, không than van, không than khóc, không đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ–kheo, đây là sự lạc hỷ thứ ba, ngay trong hiện tại người trí được cảm thọ.

Này các Tỷ–kheo, kẻ trí kia sau khi làm thân thiện hành, sau khi làm khẩu thiện hành, sau khi làm ý thiện hành, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra trong thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya – 129. Kinh Hiền Ngu (Bàlapandita sutta)
https://budsas.net/uni/u–kinh–trungbo/trung129.htm

==============================

V. Phẩm Ngu

60. “Ðêm dài cho kẻ thức,
Ðường dài cho kẻ mệt,
Luân hồi dài, kẻ ngu,
Không biết chơn diệu pháp.”

61. “Tìm không được bạn đường,
Hơn mình hay bằng mình,
Thà quyết sống một mình,
Không bè bạn kẻ ngu.”

62. “Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu.”

63. “Người ngu nghĩ mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu.”

64. “Người ngu, dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp,
Như muỗng với vị canh.”

65. “Người trí, dầu một khắc,
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi với vị canh.”

66. “Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù.
Làm các nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay.”

67. “Nghiệp làm không chánh thiện,
Làm rồi sanh ăn năn,
Mặt nhuốm lệ, khóc than,
Lãnh chịu quả dị thục.”

68. “Và nghiệp làm chánh thiện,
Làm rồi không ăn năn,
Hoan hỷ, ý đẹp lòng,
Hưởng thọ quả dị thục.”

69. “Người ngu nghĩ là ngọt,
Khi ác chưa chín muồi;
Ác nghiệp chín muồi rồi,
Người ngu chịu khổ đau.”

70. “Tháng tháng với ngọn cỏ,
Người ngu có ăn uống
Không bằng phần mười sáu
Người hiểu pháp hữu vi.”

71. “Nghiệp ác đã được làm,
Như sữa, không đông ngay,
Cháy ngầm theo kẻ ngu,
Như lửa tro che đậy.”

72. “Tự nó chịu bất hạnh,
Khi danh đến kẻ ngu.
Vận may bị tổn hại,
Ðầu nó bị nát tan.”

73. “Ưa danh không tương xứng,
Muốn ngồi trước tỷ kheo,
Ưa quyền tại tịnh xá,
Muốn mọi người lễ kính.”

74. “Mong cả hai tăng, tục,
Nghĩ rằng (chính ta làm).
Trong mọi việc lớn nhỏ,
Phải theo mệnh lệnh ta “
Người ngu nghĩ như vậy
Dục và mạn tăng trưởng.

75. “Khác thay duyên thế lợi,
Khác thay đường Niết Bàn.
Tỷ kheo, đệ tử Phật,
Hãy như vậy thắng tri.
Chớ ưa thích cung kính,
Hãy tu hạnh viễn ly.”

––––––––––––––––––––––––––––––

VI. Phẩm Hiền Trí

76. “Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu.”

77. “Những người hay khuyên dạy,
Ngăn người khác làm ác,
Ðược người hiền kính yêu,
Bị người ác không thích.”

78. “Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân.
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân.”

79. “Pháp hỷ đem an lạc,
Với tâm tư thuần tịnh;
Người trí thường hoan hỷ,
Với pháp bậc Thánh thuyết.”

80. “Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân.”

81. “Như đá tảng kiên cố,
Không gió nào giao động,
Cũng vậy, giữa khen chê,
Người trí không giao động.”

82. “Như hồ nước sâu thẳm,
Trong sáng, không khuấy đục,
Cũng vậy, nghe chánh pháp,
Người trí hưởng tịnh lạc.”

83. “Người hiền bỏ tất cả,
Người lành không bàn dục,
Dầu cảm thọ lạc khổ,
Bậc trí không vui buồn.”

84. “Không vì mình, vì người.
Không cầu được con cái,
Không tài sản quốc độ,
Không cầu mình thành tựu,
Với việc làm phi pháp.
Vị ấy thật trì giới,
Có trí tuệ, đúng pháp.”

85. “Ít người giữa nhân loại,
Ðến được bờ bên kia
Còn số người còn lại,
Xuôi ngược chạy bờ này.”

86. “Những ai hành trì pháp,
Theo chánh pháp khéo dạy,
Sẽ đến bờ bên kia,
Vượt ma lực khó thoát.”

87.Kẻ trí bỏ pháp đen,
Tu tập theo pháp trắng.
Bỏ nhà, sống không nhà,
Sống viễn ly khổ lạc.”

88. “Hãy cầu vui Niết Bàn,
Bỏ dục, không sở hữu,
Kẻ trí tự rửa sạch,
Cấu uế từ nội tâm.”

89. “Những ai với chánh tâm,
Khéo tu tập giác chi,
Từ bỏ mọi ái nhiễm,
Hoan hỷ không chấp thủ.
Không lậu hoặc, sáng chói,
Sống tịch tịnh ở đời.”

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Kinh Pháp Cú

Bài viết liên quan

Bài viết liên quan

  • Sự chứng đắc rốt ráo là gì, Web, FB
  • Người hiền trí – bài 1/4:Kẻ ngu & người hiền trí khác nhau thế nào?, Web, FB
  • Người hiền trí – bài 2/4: Giới (dhatù – elements) là gì? Xứ (àyatana – spheres) là gì, Web, FB
  • Người hiền trí – bài 3/4: Duyên khởi là gì? (paṭic­ca­samup­pāda­ – depending arising), Web, FB
  • Người hiền trí – bài 4/4: Xứ phi xứ (có thể & không thể) là gì? (ṭhānāṭhā­na­ – possible and impossible), Web, FB
  • Tà kiến: tánh biết không sinh không diệt, Web, FB
  • Làm thế nào diệt trừ tà kiến, Web, FB
  • Các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra, Web, FB
  • Như nắm muối bỏ chén nước nhỏ, Web, FB
  • Như bóng không rời hình, Web, FB
  • Như nước nhỏ từng hạt, rồi bình cũng tràn đầy (Pháp cú 122), Web, FB
  • Vì sao có kẻ ác lại gặp điều thiện lành, vì sao có người thiện lại gặp điều ác dữ, Web, FB
  • Công bằng có không? Công bằng ở đâu? (Pháp cú 161), Web, FB
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB