Phê Phán Ngoại Đạo Có Nên Chăng
PHÊ PHÁN NGOẠI ĐẠO (VÀ CẢ TRONG NỘI BỘ) CÓ NÊN CHĂNG?
– TN: Con chào sư. Lại là con, con xin được làm phiền sư chuyện này, con mong được sư cho lời khuyên ạ.
Từ lúc con biết được cơ bản Phật giáo nguyên thủy, hình như con có thành kiến đối với Phật giáo đại thừa. Con cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy các sư đại thừa cúng kiếng, làm lễ với nghi thức múa hát, gõ mõ khua chiêng, niệm A di đà, tụng kinh ngân nga với nhịp điệu lên xuống, vui vẻ với việc được Phật tử cúng tiền, đi xe sang, vv. Tuần này các bạn của con có rủ con đi đến một ngôi chùa như vậy, nhưng con thấy khó chịu, con từ chối đi, đồng thời buông lời phê bình những hiện tượng này. Và con thấy hình như phần nhiều các sư đại thừa không tôn trọng lời dạy của Đức Phật.
Thưa sư, trong trường hợp này con có nên giữ thành kiến như vậy hay không? Và khi thể hiện ra sự chê bai với các hoạt động này của một vài nhà sư đại thừa, từ bỏ, không đến các ngôi chùa đại thừa, như vậy có phải là bất kính với Tam bảo không ạ ?
– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala:
Mỗi người hoàn toàn nên tự lựa chọn, tự quyết định tránh xa các môi trường ố nhiễm và những người ố nhiễm, tự lựa chọn môi trường và bạn hữu, thiện tri thức trong sạch, đầy đủ trí tuệ, phù hợp với niềm tin và cách sống của bản thân để có thể vun bồi và phát triển các phẩm chất tinh thần cao thượng, dẫn đến giác ngộ tâm linh, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn, như lời Đức Phật khuyên dạy trong Kinh Pháp Cú, câu 61:
🍀 “Tìm không được bạn đường,
Hơn mình hay bằng mình,
Thà quyết sống một mình,
Không bè bạn kẻ ngu.”
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
Nhưng tuyệt đối không nên tùy tiện nói năng, phát biểu ý kiến, tranh luận, tranh cãi, chê bai, phỉ báng, xúc phạm, khi thấy chướng tai, gai mắt trước những cái thấy, nghe trong cuộc sống hàng ngày.
Chỉ khi được hỏi đến mới nên nói ra quan điểm, chính kiến của mình một cách khéo léo, đúng mực, đúng thời, đúng sự thật, liên hệ tới lợi ích, liên hệ tới mục đích giác ngộ giải thoát, ái ngữ, nhu hòa, có sự thông cảm và tôn trọng niềm tin (có thể sai lạc) của người đối thoại.
Cần nói với tâm Từ (Mong cho họ có được an lành), Bi (Mong cho họ sớm thoát khỏi hiểm nguy, khổ đau), Hỷ (Mong cho họ không mất đi an vui hiện có), Xả (Hiểu rõ các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp do chính mình tạo ra trong quá khứ và hiện tại), nếu có chút bất bình, sân hận dù bé tí ti thì tốt nhất hãy giữ im lặng, kham nhẫn, tránh xa không nói gì cả.
Đức Phật đã dạy:
🍀 … “① Mong rằng tâm của ta sẽ không bị biến nhiễm! ② Mong rằng ta sẽ không nói những lời ác ngữ! ③ Mong rằng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, không ôm lòng sân hận!”
Này Phagguna, Ông phải học tập như vậy.
… Cũng vậy chư Tỷ–kheo, ở đây, Tỷ–kheo hết sức hiền lành, hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa trong khi chưa bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm.
Và chư Tỷ–kheo, chỉ khi nào Tỷ–kheo bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm mà vị ấy vẫn hết sức hiền lành, hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa, khi ấy vị ấy mới được xem là hiền lành, mới được xem là nhu thuận, mới được xem là ôn hòa.
… Chư Tỷ–kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các Ngươi có thể dùng khi nói với các người khác: ① đúng thời hay phi thời, ② chơn thực hay không chơn thực, ③ nhu nhuyến hay thô bạo, ④ có lợi ích hay không lợi ích, ⑤ với từ tâm hay với sân tâm.
… Chư Tỷ–kheo, như những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dầu vậy, nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy do vậy không phải là người thực hành giáo pháp của Ta.
Ở đây, chư Tỷ–kheo các Ông phải học tập như sau:
“Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân”.
Chư Tỷ–kheo, các Ông cần phải học tập như vậy.
Nguồn trích dẫn: Trung bộ kinh – 21. Kinh Ví dụ cái cưa
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
🍀 … Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ–kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những người có trí chỉ trích. Thế nào là năm?
① Nói đúng thời, ② nói đúng sự thật, ③ nói lời nhu hòa, ④ nói lời liên hệ đến lợi ích, ⑤ nói với lời từ tâm.
Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – XX: Phẩm bà-la-môn – (VIII) (198) Lời Nói
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
🍀 … Tỷ–kheo ① nói lời thiện thuyết, không nói lời ác thuyết, ② nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp, ③ nói lời ái ngữ, không nói lời ác ngữ, ④ nói lời chơn ngữ, không nói lời phi chơn.
Ðầy đủ bốn đức tính này, này các Tỷ–kheo, lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, vô tội và không bị người có trí chỉ trích.
… Rồi Tôn giả Vangìsa trước mặt Thế Tôn, nói lên những bài kệ tán thán thích đáng:
Ai nói lên lời gì,
Lời ấy không khổ mình,
Lại không làm hại người,
Lời ấy là thiện thuyết.
Ai nói lời ái ngữ,
Lời nói khiến hoan hỷ,
Lời nói không ác độc,
Lời ấy là ái ngữ.
Các lời nói chơn thật,
Là lời nói bất tử,
Như vậy là thường pháp,
Từ thuở thật ngàn xưa.
Bậc Thiện Nhân được xem,
An trú trên chơn thực,
Trên nghĩa và trên pháp,
Lời đồn là như vậy.
Lời đức Phật nói lên,
Ðạt an ổn Niết–bàn,
Chấm dứt mọi khổ đau,
Thật lời nói tối thượng.
Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 8: Tương ưng trưởng lão vangìsa – 5. Khéo Nói
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
>> Để có thể thượng tôn Chánh pháp cần nói những lời chân thật, liên hệ đến sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, phân biệt rõ ràng chánh tà, đúng sai, phải trái:
🍀… Vị ấy từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, liên hệ đến sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời.
Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chuyện chia rẽ ở những người kia. Như vậy, vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thích thú trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.
Vị ấy từ bỏ nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, nói những lời nói dịu hiền, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người; vị ấy nói những lời nói như vậy.
Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói pháp, nói luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, hợp lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.
Nguồn trích dẫn: Trung bộ kinh – 60. Kinh Không gì chuyển hướng
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
>> Các vị tỳ khưu giới hạnh đầy đủ cũng thường tránh xa các loại câu chuyện không đưa đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn:
🍀 – Này các Tỷ–kheo, chớ có nói những câu chuyện của loài súc sanh, như câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, câu chuyện về hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, các câu chuyện biến trạng của thế giới, câu chuyện về biến trạng của đại dương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. Vì sao?
Những câu chuyện này, này các Tỷ–kheo, không đưa đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.
Có nói chuyện, này các Tỷ–kheo, các Ông hãy nói chuyện: “Ðây là Khổ”, hãy nói chuyện: “Ðây là Nguyên nhân của Khổ”, hãy nói chuyện: “Ðây là Khổ Diệt “, hãy nói chuyện: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.
Vì sao?
Các câu chuyện này, này các Tỷ–kheo, liên hệ đến mục đích, là căn bản cho Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.
Do vậy, này các Tỷ–kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”.
Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Nguyên nhân của Khổ”.
Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ Diệt”.
Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.
Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 56: Tương ưng sự thật I: Phẩm định – 10. Lời Nói
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
>> Và hơn nữa, vị tỳ khưu có giới hạnh thì từ bỏ những cuộc biện luận, tranh chấp hơn thua:
… Trong khi một số Sa–môn, Bà–la–môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống bàn luận tranh chấp như nói:
“Ngươi không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này.
Sao ngươi có thể biết pháp và luật này?
Ngươi đã phạm vào tà kiến, tôi nói mới thật đúng chánh kiến.
Lời tôi nói mới tương ưng, lời nói của người không tương ưng.
Những điều đáng nói trước, ngươi lại nói sau.
Những điều đáng nói sau ngươi lại nói trước.
Chủ kiến của ngươi đã bị bài bác, câu nói của ngươi đã bị thách đấu.
Ngươi đã bị thuyết bại.
Hãy đến mà giải vây lời nói ấy.
Nếu có thể được, gắng thoát ra khỏi lối bí”.
Còn vị ấy thì từ bỏ những cuộc biện luận, tranh chấp kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.
Nguồn trích dẫn: Trường bộ kinh – 2. Kinh Sa-môn quả
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
>> Trong các trường hợp dưới đây, vị tỳ khưu nên tránh xa, úp bát đối với những người bất tín, làm hại và phỉ báng Tam Bảo như Đức Phật đã khuyên dạy:
… “Này chư tỳ kheo, với người cư sĩ có một trong tám lỗi này, Tăng chúng có thể úp bát đối với người ấy, nếu muốn”.
1– Cố tình làm cho chư tỳ kheo mất lợi lộc (Bhikkhūnaṃ alābhāya parisakkati), như là ngăn chặn người khác cúng dường các tỳ kheo v.v…
2– Cố tình gây bất lợi cho chư tỳ kheo (Bhik–khūnaṃ anatthāya parisakkati), như là làm cho các tỳ kheo bị xáo trộn, lo sợ mà không tu tập được.
3– Cố tình làm cho chư tỳ kheo không chỗ ở (Bhikkhūnaṃ anāvāsāya parisakkati), như là đập phá tịnh thất của chư tỳ kheo, hoặc đuổi các tỳ kheo đi khỏi chùa mà họ có quyền hạn.
4– Mắng chửi nhiếc móc các tỳ kheo (Bhikkhū akkosati paribhāsati), như nói với tỳ kheo bằng lời khiếm nhã do sân tâm.
5– Chia rẽ tỳ kheo với tỳ kheo (Bhikkhū Bhikkhūhi vibhedeti), như là nói ly gián giữa các tỳ kheo, tạo sự bất hòa giữa các tỳ kheo, làm cho các tỳ kheo không hòa hợp.
6– Phỉ báng Phật (Buddhassa avaṇṇaṃ bhāsati), như là nói lời phạm thượng, nói xuyên tạc, nói lời bất kính với Đức Phật.
7– Phỉ báng pháp (Dhammassa avaṇṇaṃ bhāsati), nói lời công kích, xuyên tạc, bất kính với giáo pháp.
8– Phỉ báng Tăng (Saṅghassa avaṇṇaṃ bhāsati), nói mạ lỵ, xuyên tạc, bất kính đối với Tăng chúng.
Nguồn trích dẫn: A.IV.344 – Cư Sĩ Giới Pháp
Chánh tạng Nikaya:
… —Này các Tỷ–kheo, nếu muốn, chúng Tăng có thể lật úp bình bát của một nam cư sĩ thành tựu tám pháp. Thế nào là tám?
Cố gắng đem lại thiệt hại cho các Tỷ–kheo, cố gắng đem lại bất lợi cho các Tỷ–kheo, cố gắng đuổi các Tỷ–kheo không cho trú ở, mắng nhiếc chỉ trích các Tỷ–kheo, làm ly gián giữa các Tỷ–kheo, hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng.
Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – IX. Phẩm niệm – (VII) (87) Bình Bát
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
>> Trong Tạng Luật, bộ Tiểu Phẩm có chế định rõ việc một vị tỳ khưu trước khi lên tiếng phê phán, khiển trách vị khác cần nên QUÁN XÉT BẢN THÂN NĂM PHÁP rồi mới nên khiển trách vị khác, như sau:
① “Ta có sở hành về thân trong sạch không? Ta có hội đủ sở hành về thân trong sạch, không sai sót, không lỗi lầm không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?”
② … “Ta có sở hành về khẩu trong sạch không? Ta có hội đủ sở hành về khẩu trong sạch, không sai sót, không lỗi lầm không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?”
③ … “Tâm từ của ta tức là tâm không ác cảm đối với các vị đồng Phạm hạnh có hiện khởi không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?”
④ … “Ta có phải là vị nghe nhiều, là vị ghi nhớ được điều đã nghe, có sự tích lũy điều đã nghe không? Những Pháp nào có sự tốt đẹp ở phần đầu, tốt đẹp ở phần giữa, tốt đẹp ở phần cuối, tuyên thuyết về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, có sự thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, các Pháp có hình thức tương tợ như thế có được ta nghe nhiều, có được ghi nhớ, có được tích lũy bằng cách đọc lại, có được dụng tâm quán xét, có được thâm nhập bằng tri kiến không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?”
⑤ … “Hai bộ giới bổn Pātimokkha có được truyền lại đến ta một cách chi tiết, khéo được phân tích, khéo được áp dụng, khéo được xác định theo từng điều học hoặc từng từ ngữ không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?”
… vị tỳ khưu có ý muốn khiển trách vị khác nên CHUẨN BỊ BẢN THÂN NĂM PHÁP rồi mới nên khiển trách vị khác:
“① Ta sẽ nói hợp thời, không phải sái thời;
② ta sẽ nói với sự thật, không phải với sự sai trái;
③ ta sẽ nói với sự mềm mỏng, không phải bằng cách thô lỗ;
④ ta sẽ nói có liên hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích;
⑤ ta sẽ nói với tâm từ, không phải với nội tâm có sân hận.”
… vị tỳ khưu có ý muốn khiển trách vị khác nên TÁC Ý NỘI TÂM NĂM PHÁP rồi mới nên khiển trách vị khác: ① lòng bi mẫn, ② sự tầm cầu lợi ích, ③ lòng thương xót, ④ sự thoát khỏi tội, ⑤ sự tôn trọng Luật.
Nguồn trích dẫn: Tạng Luật Vinaya Pitaka – Tiểu Phẩm Cullavagga – IX. CHƯƠNG ĐÌNH CHỈ GIỚI BỔN PĀTIMOKKHA
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
>> Và để có thể thượng tôn Chánh pháp, cần nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói pháp, nói luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, hợp lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ TRANH LUẬN:
🍀 – Này các Tỷ–kheo, chớ có nói lời tranh luận nhau:
“Ông không biết Pháp và Luật này.
Tôi biết Pháp và Luật này.
Sao Ông có thể biết Pháp và Luật này?
Ông theo tà hạnh.
Tôi theo chánh hạnh.
Ðiều đáng nói trước, Ông lại nói sau.
Ðiều đáng nói sau, Ông lại nói trước.
Lời nói tôi tương ưng.
Lời nói Ông không tương ưng.
Ðiều Ông quan niệm, trình bày đã bị đảo lộn.
Quan điểm của Ông đã bị thách đố.
Hãy đi giải tỏa quan điểm của Ông.
Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu Ông có thể làm được”.
Vì sao?
Những câu chuyện ấy, này các Tỷ–kheo, không liên hệ đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.
Và này các Tỷ–kheo, nếu có nói, thời hãy nói: “Ðây là Khổ”, hãy nói: “Ðây là Nguyên nhân của Khổ”, hãy nói: “Ðây là Khổ Diệt “, hãy nói: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.
Vì sao?
Các lời nói ấy, này các Tỷ–kheo, Các câu chuyện này, này các Tỷ–kheo, liên hệ đến mục đích, là căn bản cho Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.
Do vậy, này các Tỷ–kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”.
Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Nguyên nhân của Khổ”.
Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ Diệt”.
Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.
Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 56: Tương ưng sự thật – I: Phẩm ðịnh – 9. Tranh Luận (Viggàhikà)
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
>> Để có thể biết rõ sự thật: đâu là sự lý giải đúng đắn, đâu sự giảng giải đúng đắn theo lời Phật dạy, phân biệt rõ ràng chánh tà, đúng sai, phải trái hãy đối chiếu với Kinh, Luật, Vi Diệu Pháp, và thực hành theo Chánh pháp do Đức Phật chỉ dạy, chứ KHÔNG PHẢI LÀ CHỈ TRÍCH HAY KHEN NGỢI CÁ NHÂN, TRƯỜNG PHÁI. Như vậy sẽ không thể lầm đường lạc lối, lãng phí thời gian công sức, bỏ phí cơ hội làm người, như những lời Đức Thế Tôn đã khuyên dạy:
🍀 … Này các Tỷ–kheo,
các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ–kheo ấy.
Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật.
Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và Tỷ–kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”.
Và này các Tỷ–kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng.
Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ–kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”.
Này các Tỷ–kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì.
Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
🍀 … Này các Tỷ–kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật:
– “Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi”.
Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya -1. Kinh Phạm võng (Brahmajàla sutta) Tụng phẩm thứ nhất
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
🍀 … Những Tỷ–kheo nào, này các Tỷ–kheo, nêu rõ phi pháp là phi pháp, các Tỷ–kheo ấy, này các Tỷ–kheo, sở hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ–kheo, các Tỷ–kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.
(Như số 1 trên, chỉ khác: “nêu rõ pháp là pháp”)…
Những Tỷ–kheo nào, này các Tỷ–kheo, nêu rõ phi luật là phi luật…
… luật là luật…
… Như Lai không nói lên, tuyên bố là Như Lai không nói lên,…
… Như Lai có nói lên, tuyên bố là Như Lai có nói lên,…
… Như Lai không thực hành, tuyên bố là Như Lai không thực hành,…
… Như Lai có thực hành, tuyên bố là Như Lai có thực hành,…
… Như Lai không chế đặt, tuyên bố là Như Lai không chế đặt,…
… Như Lai có chế đặt, tuyên bố là Như Lai có chế đặt…
Các vị Tỷ–kheo ấy, này các Tỷ–kheo, sở hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ–kheo, các Tỷ–kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.
Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – aṅguttara nikāya XI. Phẩm thứ mười một – 1–10. Phi Pháp
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
>> Và cuối cùng, chúng ta hãy học thuộc, suy ngẫm và hãy cố gắng bằng mọi nỗ lực cố gắng thực hành bài học từ chính bản thân Đức Phật:
🍀 … Lúc bấy giờ, có đứa con nít ngây thơ nằm giữa trên đầu gối của Vương tử Abhaya. Rồi Thế Tôn nói với Vương tử Abhaya
—Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Nếu đứa con nít này, do sự vô ý của Vương tử, hay do sự vô ý của người vú hầu, thọc một cái que hay nuốt một hòn đá vào trong miệng, vậy Vương tử phải làm gì?
—Bạch Thế Tôn, con phải móc cho ra. Bạch Thế Tôn, nếu con không thể móc ra lập tức, thời với tay trái con nắm đầu nó lại, với tay mặt lấy ngón tay làm như cái móc, con sẽ móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì con có lòng thương tưởng đứa trẻ.
—Cũng vậy, này Vương tử,
① lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy.
② Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy.
③ LỜI NÓI NÀO NHƯ LAI BIẾT LÀ NHƯ THẬT, NHƯ CHÂN, TƯƠNG ỨNG VỚI MỤC ĐÍCH, VÀ LỜI NÓI ẤY KHIẾN NHỮNG NGƯỜI KHÁC KHÔNG ƯA, KHÔNG THÍCH, NHƯ LAI Ở ĐÂY BIẾT THỜI GIẢI THÍCH LỜI NÓI ẤY.
④ Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, Như Lại không nói lời nói ấy.
⑤ Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, Như Lai không nói lời nói ấy.
⑥ LỜI NÓI NÀO NHƯ LAI BIẾT LÀ NHƯ THẬT, NHƯ CHÂN, TƯƠNG ỨNG VỚI MỤC ĐÍCH, VÀ LỜI NÓI ẤY KHIẾN NHỮNG NGƯỜI KHÁC ƯA VÀ THÍCH, Ở ĐÂY, NHƯ LAI BIẾT THỜI GIẢI THÍCH LỜI NÓI ẤY.
Vì sao vậy? Này Vương tử, Như Lai có lòng thương tưởng đối với các loài hữu tình.
Nguồn trích dẫn: Trung bộ kinh – 58. Kinh Vương tử Vô Úy
– Hết trích dẫn –
––––––––––––––
>> Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala
LỜI PHẬT DẠY VỀ CHÁNH NGỮ (Samma–vaca, Right speech)
Tỳ–khưu Thanissaro trích soạn (2005) – Bình Anson dịch Việt (2020)
Chánh Ngữ là chi thứ ba trong Bát chi Thánh đạo và được xếp vào nhóm Giới của con đường đưa đến giải thoát.
* ĐỊNH NGHĨA
Thế nào là chánh ngữ? Không nói dối, không nói đâm thọc, không nói lời gay gắt, không nói lời phù phiếm.
– SN 45.8
* NĂM YẾU TỐ CỦA CHÁNH NGỮ
Này các tỳ–khưu, có năm yếu tố tạo nên lời nói thiện lành, không xấu ác, không bị chê trách, không bị người trí chỉ trích. Thế nào là năm? Nói đúng thời. Nói đúng sự thật. Nói lời nhu hòa. Nói những gì có lợi ích. Nói với tâm từ.
– AN 5.198
* NGUY HẠI CỦA NÓI DỐI
“Này các tỳ–khưu, người nào vi phạm một pháp, Ta nói rằng đối với người ấy không có việc ác nào người ấy không làm được. Một pháp ấy là gì? Đó là việc cố tình nói dối.”
– Iti 25
* CHỈ NÊN NÓI NHỮNG LỜI KHÔNG GÂY TAI HẠI
Nên nói những lời gì,
Lời ấy không khổ mình,
Lời không làm hại người.
Đó là lời thiện thuyết.
Nên nói lời ái ngữ,
Lời nói khiến hoan hỷ.
Lời nói không ác độc,
Đó là lời ái ngữ.
–Thag 21.1239–1240
* THANH LỌC TÂM QUA NHỮNG LỜI KHÉO THUYẾT.
Có bốn cách mà một người dùng lời nói để thanh lọc tâm. Thế nào là bốn?
Người ấy đoạn tận nói dối, từ bỏ nói dối. Khi người ấy đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các vương tộc, nếu được gọi làm chứng và được hỏi: “Này ông, hãy nói những gì ông biết.” Nếu không biết, người ấy nói: “Tôi không biết.” Nếu biết, người ấy nói: “Tôi biết.” Nếu không thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy.” Nếu thấy, người ấy nói: “Tôi thấy.” Như vậy người ấy không cố ý nói dối vì mình, vì người khác, hoặc vì một vài quyền lợi gì khác.
Người ấy đoạn tận nói hai lưỡi, từ bỏ nói đâm thọc. Khi nghe điều gì ở chỗ này, người ấy không nói ở chỗ kia để gây chia rẽ với những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, người ấy không nói ở chỗ này để gây chia rẽ với những người kia. Như vậy người ấy hòa giải những kẻ chia rẽ, khuyến khích tình đoàn kết, yêu thích sự hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.
Người ấy đoạn tận lời nói gay gắt, từ bỏ lời nói gay gắt. Người ấy nói lời nhu hòa, êm tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui ý nhiều người.
Người ấy đoạn tận lời nói phù phiếm. Người ấy nói đúng thời, nói chân thật, nói có lợi ích, nói đúng Pháp, nói đúng Luật. Đúng thời, người ấy nói những lời đáng được ghi nhận, hợp lý, ngắn gọn, lợi ích.
Như vậy là bốn cách mà một người dùng lời nói để thanh lọc tâm.
— AN 10.176
* LIÊN HỆ VỚI CÁC CHI KHÁC CỦA THÁNH ĐẠO
Và như thế nào, chánh kiến đi hàng đầu? Biết rõ tà ngữ là tà ngữ, biết rõ chánh ngữ là chánh ngữ. Thế nào là tà ngữ? Nói dối, nói đâm thọc, nói gay gắt, nói lời phù phiếm. Như vậy là tà ngữ. (…)
Ai tinh tấn đoạn trừ tà ngữ, thành tựu chánh ngữ: Như vậy là chánh tinh tấn của vị ấy. Ai có ý niệm đoạn trừ tà ngữ và an trú trong chánh ngữ: Như vậy là chánh niệm của vị ấy. Như vậy, ba pháp này – chánh kiến, chánh tinh tấn, chánh niệm – chạy theo, chạy vòng theo chánh ngữ.
–MN 117
* TIÊU CHUẨN CHỌN LỰA NHỮNG GÌ NÊN NÓI
[1] Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thì Như Lai không nói lời ấy.
[2] Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thì Như Lai không nói lời ấy.
[3] Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thì Như Lai biết đúng thời để nói lời ấy.
[4] Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, thì Như Lai không nói lời ấy.
[5] Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, thì Như Lai không nói lời ấy.
[6] Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, ở đây, thì Như Lai biết đúng thời để nói lời nói ấy. Vì sao vậy? Vì Như Lai có lòng thương cảm các loài hữu tình.
— MN 58
Hãy nói lên lời nói,
Không làm khổ cho mình,
Không làm hại người khác,
Lời nói ấy khéo nói.
Hãy nói lời khả ái,
Nói lời khiến hoan hỷ,
Không mang theo ác hại,
Khiến người khác ưa thích.
— Sn 3.3
* SUY NGẪM VỀ LỜI NÓI – TRƯỚC KHI, TRONG KHI VÀ SAU KHI NÓI.
[Đức Phật dạy Rāhula (La–hầu–la)]
Khi muốn làm một khẩu nghiệp gì, hãy suy ngẫm như sau: “Khẩu nghiệp ta muốn làm có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai? Có phải khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ?” Nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ; khẩu nghiệp như thế nhất định không nên làm. Nhưng nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người khác, hay không đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc; khẩu nghiệp như thế nhất định nên làm.
Khi đang làm một khẩu nghiệp gì, hãy suy ngẫm như sau: “Khẩu nghiệp ta đang làm có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai? Có phải khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ?” Nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ; khẩu nghiệp như thế nhất định nên từ bỏ. Nhưng nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người khác, hay không đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc; khẩu nghiệp như thế nhất định nên tiếp tục.
Khi làm xong một khẩu nghiệp gì, hãy suy ngẫm như sau: “Khẩu nghiệp ta vừa làm xong có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai? Có phải khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ?” Nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ; khẩu nghiệp như thế cần phải được thưa lên, cần phải được tỏ lộ, cần phải được trình bày trước vị đạo sư hay trước các vị phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai. Nhưng nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người khác, hay không đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc; nên an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp.
— MN 61
* NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI VỊ TỲ–KHƯU CÓ GIỚI HẠNH CẦN PHẢI TRÁNH
Có một số đạo sĩ, bà–la–môn tuy sống nhờ vật thực do tín đồ cúng dường nhưng vẫn thích nói những chuyện vô ích tầm thường như: chuyện về vua chúa, về ăn trộm, về các quan đại thần, về binh lính, về các hiểm nguy, về chiến tranh, về thức ăn, chuyện về thức uống, về y phục, về chỗ ở, về vòng hoa, về hương liệu, về họ hàng, về xe cộ, về làng xóm, về thị tứ, về thành phố, về xứ sở, về đàn bà, về đàn ông, về các vị anh hùng, chuyện bên lề đường, chuyện tại chỗ lấy nước, chuyện về những người đã chết lúc trước, các chuyện linh tinh, chuyện tiên đoán về thế giới và biển cả, chuyện về được và mất. Còn vị tỳ–khưu có giới hạnh thì từ bỏ nói những chuyện vô ích, tầm thường đó.
Có một số đạo sĩ, bà–la–môn tuy sống nhờ vật thực do tín đồ cúng dường, nhưng vẫn thích biện luận, tranh chấp và nói với nhau như: “Ông không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Làm sao mà ông có thể hiểu biết pháp và luật này? Ông đã hành sai pháp, tôi nói mới thật hành đúng pháp. Lời tôi nói là nhất quán, lời nói của ông không nhất quán. Điều đáng nói trước, ông lại nói sau. Điều đáng nói sau, ông lại nói trước. Những gì ông suy nghĩ bấy lâu nay là sai lầm. Quan điểm của ông đã bị bác bỏ. Ông đã bị đánh bại. Nên sửa đổi quan điểm của ông, hãy cố gắng thoát ra khỏi ngõ bí.” Còn vị tỳ–khưu có giới hạnh thì từ bỏ những cuộc biện luận, tranh chấp đó.
— DN 2
Này các tỳ–khưu, đừng nói những lời tranh luận như: “Ông không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Làm sao mà ông có thể hiểu biết pháp và luật này? Ông đã hành sai pháp, tôi nói mới thật hành đúng pháp. Lời tôi nói là nhất quán, lời nói của ông không nhất quán. Điều đáng nói trước, ông lại nói sau. Điều đáng nói sau, ông lại nói trước. Những gì ông suy nghĩ bấy lâu nay là sai lầm. Quan điểm của ông đã bị bác bỏ. Ông đã bị đánh bại. Nên sửa đổi quan điểm của ông, hãy cố gắng thoát ra khỏi ngõ bí.”
Vì sao? Vì những tranh luận ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.
Này các tỳ–khưu, nếu có đối thoại thì nên nói về Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, và Con đường Diệt khổ. Vì sao? Vì các đối thoại đó có liên hệ đến mục đích, là căn bản cho phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.
— SN 56.9
* MƯỜI ĐỀ TÀI ĐỂ ĐÀM LUẬN
Này các tỳ–khưu, có mười đề tài xứng đáng để đám luận. Mười đề tài ấy là gì? Đề tài về thiểu dục, về tri túc, về viễn ly, về không tụ hội, về tinh tấn, về giới đức, về thiền định, về trí tuệ, về giải thoát, về tri kiến giải thoát. Đó là mười đề tài xứng đáng để đàm luận. Nếu các ông tiếp tục đàm luận về mười đề tài này, các ông sẽ sáng chói hơn cả ánh sáng mạnh mẽ, chói chang của mặt trời và mặt trăng, du sĩ ngoại đạo khác không thể sánh bằng.
— AN 10.69
Nguồn: from Binh Anson FB
Bài viết liên quan
- Đàn Gẩy Tai Trâu, Web, FB
- Phê Phán Ngoại Đạo (Và Cả Trong Nội Bộ) Có Nên Chăng?, Web, FB
- Tha Thứ Như Thế Nào, Web, FB
- Trả Lời Ngoại Đạo, Web, FB
- Hâm Mộ Ngoại Đạo, Web, FB
- Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
- Vận Mệnh Tương Lai Thành Tựu Rốt Ráo Hạnh Phúc Tối Thượng Bắt Đầu Bởi Giây Phút Hiện Tại Này Với Lòng Cung Kính, Tín Tâm Bất Động Nương Tựa Quy Y Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng!, Web, FB
- Phật Nào? Pháp Nào? Tăng Nào? – Nương Tựa Nơi Đâu?, Web, FB
- Giả Và Thật, Web, FB
- Phân biệt Tà với Chánh, Web, FB
- Chớ Lầm Đường Lạc Lối, Kẻo Hoài Phí Đời Người, Web, FB
- Tà Kiến: “Tánh Biết Không Sinh Không Diệt”, Web, FB
- Vesak 2020 – Cùng Ôn Lại Con Đường Giác Ngộ Giải Thoát , Web, FB
- Phật Pháp Dành Cho Ai, Web, FB
- Tại Sao Không Có Hai Đức Phật Xuất Hiện Một Lần?, Web, FB
- Buddha – Đức Phật – Như Lai Phần 1, Web, FB
- Buddha – Đức Phật – Như Lai Phần 2, Web, FB
- Phật Pháp, Phật Giáo, Đạo Phật Là Gì?, Web, FB
- 969 Là Gì, Web, FB
- Học Từ Từ, Tập Từ Từ, Thực Hành Từ Từ, Web, FB
- Như Thế Nào Là Lộ Trình Tu Tập Thánh Đạo Giác Ngộ?, Web, FB
- Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
- Tôi Nguyện, Web, FB
- Tại Sao Myanmar, Web, FB
- Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
- Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
- Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
- Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
- Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
- Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
- Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
- Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB
Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.
- Youtube, Youtube
- Archive, Archive
- Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
- Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
- Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
- Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
- Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
- Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
- 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
- Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB