Chỉ bằng chánh niệm thì không thể biết và thấy các pháp như thật

CHỈ BẰNG CHÁNH NIỆM THÌ KHÔNG THỂ BIẾT VÀ THẤY CÁC PHÁP NHƯ THẬT

– Câu hỏi:

Có phải rằng chỉ bằng Chánh Niệm, không cần phải làm gì, chỉ cần trở về với tâm vốn trong sáng, tự nhiên, là có thể thấy và biết các Pháp như thật, như nó đang là?

– Trả lời @:

“Tâm vốn trong sáng, tự nhiên” ở đâu mà có được đây? Nếu không tinh tấn tu tập Giới và Định theo Bát Thánh Đạo thì không thể có được tâm trong sáng, tự nhiên để quán niệm được, vì tâm của chúng sinh vốn đã bị ô nhiễm, cấu uế bởi tham dục, sân hận, si mê trong vô lượng kiếp ngay từ sát na đầu tiên, khi chúng sinh tái sinh trong bất kỳ kiếp sống nào: khi đấy, đổng lực đầu tiên của dòng tâm thức là đã có sự dính mắc vào kiếp sống đó, vào đời sống đó – tức là đổng lực (javana) đầu tiên sinh lên luôn luôn là tâm được đi kèm theo hoặc bởi ‘tham – lobha’, hoặc bởi ‘sân – dosa’, hoặc bởi ‘si – moha’, hoặc bởi cả ba, hoặc bởi hai trong ba tâm sở đó, do nghiệp quả.

Vậy cần nhấn mạnh ở đây là “TÂM TRONG SÁNG TỰ NHIÊN VỐN CÓ SẴN KHÔNG CẦN TU TẬP VUN BỒI LÀ HOÀN TOÀN HOANG TƯỞNG PHI THỰC TẾ”, như Đức Phật đã khẳng định:

“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đem lại đau khổ, này các Tỷ-kheo, như tâm không được tu tập, không được làm cho sung mãn. Tâm không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đem lại đau khổ.

Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đem lại an lạc, này các Tỷ-kheo, như tâm được tu tập, được làm cho sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, đem lại an lạc.”

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – Chương một Pháp

Tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bất động để có thể thấy rõ các Pháp như thật, như nó đang là là kết quả của sự tinh tấn tu tập, là kết quả đạt được sau khi hạ thủ công phu theo lộ trình tuần tự, quân bình, không cưỡng ép nhưng liên tục và kiên nhẫn, chứ không phải cứ muốn là có, cứ hô khẩu hiệu tự kỷ ám thị mà có. Như trong Kinh Đức Phật đã truyền dạy lộ trình tu tập, thực hành:

“Vị ấy

thành tựu Thánh giới uẩn này,

thành tựu Thánh hộ trì các căn này, và

thành tựu Thánh chánh niệm tỉnh giác này,

Vị ấy từ bỏ năm triền cái làm cho tâm ô uế, làm cho trí tuệ muội lược, ly dục, ly pháp ác bất thiện, chứng và trú ‘Thiền thứ nhất – Pathama-Jhāna’, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.…

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: “Ðây là Khổ”, biết như thật: “Ðây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Ðây là Khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là các lậu hoặc diệt”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt”.

Vị ấy nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không có trở lui đời sống này nữa”.

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

Chủ trương khuyên dạy mọi người không cần phải làm gì, không cần phải cố gắng, để tự nhiên, không cần nỗ lực tinh tấn hành Giới, hành Định, hành Tuệ, chỉ cần để tâm tự nhiên, trong sáng, không vướng mắc, là chủ trương sai lầm, trái lời Phật dạy, là tu lộn, là ảo tưởng tự hão huyền.

Chắc chắn là khi không tinh tấn tu tập vun bồi viên mãn Giới và Định thì không thể có Tuệ giác thấy biết các Pháp như thật như nó đang là.

Ngay cả Tinh Tấn cũng như các phẩm chất tích cực khác của tâm cần phải được tu tập, vun bồi từ không thành có, từ yếu thành mạnh thông qua vun bồi ba mươi bảy yếu tố giác ngộ: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Năm căn, Năm lực, Thất giác chi, Bát thánh đạo.

Tu tập Chánh niệm bao giờ cũng cần thiết, không bao giờ thừa, là một pháp tu tối quan trọng không thể thiếu trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Nhưng bấy nhiêu thôi thì chưa đủ. Khi mới chỉ có Chánh Niệm thì Trí chưa sinh khởi, nếu có Trí sinh khởi thì chắc chắn Đức Phật sẽ không cần dạy tu tập vun bồi Chánh định làm gì cho nhọc công nhọc sức.

Khi có Giới vững chắc làm nền tảng, cùng với nhiệt tâm, tỉnh giác, hành giả cần vun bồi Chánh niệm một cách liên tục, vững chắc bởi Chánh tinh tấn để đạt tới Chánh Định – trong tam học Giới Định Tuệ thì nhóm Định bao gồm Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.

⑴ NHIỆT TÂM, ⑵ TỈNH GIÁC, ⑶ NIỆM, LIÊN TỤC VÀ VỮNG CHẮC VỀ TÁNH SANH KHỞI, VỀ TÁNH ĐOẠN DIỆT, HAY VỀ TÁNH SANH DIỆT TRÊN THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP THÌ MỚI TRỞ THÀNH CHÁNH ĐỊNH – ĐÓ CHÍNH LÀ LÀ ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ ĐỂ THẤY VÀ BIẾT NHƯ THẬT.

Ở đây ⑴ nhiệt tâm ātāpī chính là tinh tấn đoạn trừ các dục và các bất thiện pháp là 5 triền cái nhờ định lực samādhi; ⑵ tỉnh giác sampajāno là vô si tỉnh giác nổi trội – tức trí tuệ minh sát hay biết về vô thường khổ vô ngã nhờ Như Lý Tác Ý; ⑶ niệm satimā ở đây là chú tâm vào sinh và diệt trên thân, thọ, tâm, pháp.

CẢ BA TÂM SỞ NÀY CÓ MẶT MỚI CHỈ LÀ ĐIỀU KIỆN CẦN NẾU CHÚNG CHƯA ĐỦ MẠNH, VỮNG CHẮC, VÀ LIÊN TỤC.

Chỉ sau khi cả ba chi phần này liên tục và vững chắc, thì Định sinh khởi, có thể khống chế hoàn toàn năm triền cái là ① tham dục, ② sân hận, ③ hôn trầm thụy miên, ④ trạo cử hối tiếc, ⑤ hoài nghi:

⑴ khi ấy việc niệm thầm nhắc tâm liên tục là tâm sở tầm (vitakka) sẽ khống chế hôn trầm thụy miên để tư duy đánh thức tâm, hướng tâm tới đối tượng một cách nhanh chóng, chính xác, giống như con bướm tìm thấy một bông hoa và hăng hái bay thẳng về huớng đó, không bỏ rơi đối tượng do trầm trệ, giãi đãi;

⑵ việc quán sát đi quán sát lại liên tục là tâm sở tứ (vicāra) chà sát đối tượng, áp dụng sự bền vững của tâm trên đối tượng, có sự rõ ràng và quyết định để khống chế và đoạn trừ mọi hoài nghi về Phật Pháp Tăng, về pháp Hành, về năng lực của Thiền sư và năng lực của bản thân; Giống như khi con bướm đã bay đến đóa hoa liền tìm cách giữ thăng bằng để đậu lại trên đóa hoa đó, không lưỡng lự bất quyết, bám chắc lại để dừng lại trên đề mục, đứng vững không còn trạng thái phân vân do dự của nghi;

⑶ hỷ (pīti) sinh khởi do ly dục ly bất thiện pháp, và khi tâm đã tìm thấy sự thích thú hoan hỷ trên đề mục thì sân hận được chế ngự, không thể có mặt, bị diệt trừ; giống như khi con bướm đang hứng thú thưởng thức mật hoa, hoan hỷ không còn căng thẳng hay cố gắng quá mức, hoàn toàn vừa ý khi hút được mật;

⑷ lạc (sukha) cũng được sinh khởi do ly dục ly bất thiện pháp – nhờ thân an lạc khinh an mà tâm cũng được khinh an: do tâm sở này có trạng thái bình yên, an ổn và thỏa mãn trên đề mục, giống như con bướm đã hút mật đầy đủ, không còn bồn chồn lo lắng hay tìm kiếm lăng xăng nữa, nên trạo hối được chế ngự; và

⑸ nhất tâm (ekaggatā) trên sự sinh, diệt của ngũ uẩn sẽ sinh khởi, và an trú; đây là Định, tức trạng thái an chỉ, bất động trên đề mục, giống như con bướm đã no đủ nằm yên ngơi nghỉ trên đóa hoa, không ham muốn gì nữa, nhờ vậy tham dục được chế ngự, được trấn áp;

khi đó hành giả chứng và trú một trong ba loại Chánh Định (Không định, Vô tướng định, Vô nguyện định), và sự hiểu biết – tức tuệ giác thấy biết rõ như thật về thực tính sinh, diệt của các Pháp – đồng thời có mặt. Đây là điều kiện cần và đủ để thấy biết rõ như thật.

Như vậy điều kiện cần và đủ ở đây là Chánh định, tức Định samādhi được hỗ trợ và dẫn dắt bởi 7 chi phần còn lại trong Bát Thánh Đạo.

KHI TU TẬP PHÁP ‘QUÁN – VIPASSNĀ”: VỚI TINH TẤN HÀNH GIẢ GIỮ CHÁNH NIỆM LIÊN TỤC, VỮNG CHẮC TRÊN SỰ SINH DIỆT CỦA DANH HOẶC SẮC THÌ SẼ ĐẮC CHÁNH ĐỊNH, tức đắc hoặc Không định (dựa trên việc chánh niệm bám sát đặc tướng vô ngã), hoặc Vô tướng định (dựa trên việc chánh niệm bám sát đặc tướng vô thường), hoặc Vô nguyện định (dựa trên việc chánh niệm bám sát đặc tướng khổ) – đồng thời với Chánh định như vậy là sự có mặt của Tuệ Minh sát – trí tuệ hiểu biết ‘như thật’, ‘như nó đang là’ các thực tính của Pháp là Khổ, Vô Thường, Vô Ngã – và do vậy sẽ có nhàm chán các pháp, ly tham, đoạn dục, giải thoát.

Và khi các tầng Tuệ giác Minh sát chín muồi, lần lượt Tuệ Chuyển tộc, Đạo tuệ, Quả Tuệ sẽ sinh khởi, lấy Niết bàn làm đối tượng, nhổ bật tận gốc rễ mọi kiết sử phiền não, trói buộc và hành giả đạt tới giác ngộ giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau phiền não đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự – Niết bàn.

Nếu không thể thấy Pháp như thật bằng trí tuệ, mà chỉ thấy bằng tưởng tri, bằng thức tri thì không thể nhàm chán, ly tham, đoạn dục, giác ngộ giải thoát, chứng ngộ Niết bàn, như lời Phật dạy trong Chánh Kinh:

“Này các Tỷ-kheo, với ‘người định tĩnh – samāhito’, không cần phải làm với dụng ý: ‘Mong rằng ta biết, ta thấy như thật – ‘yathābhūtaṃ jānāmi passāmī’ti’. Thông thường là vậy, này các Tỷ-kheo, ‘người định tĩnh – samāhito’, biết và thấy như thật”.

Nguồn trích dẫn: Tăng chi kinh – Nghĩ với dụng ý

– Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập ‘Định – Samādhi’ Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ‘người có định – Samāhito, ‘như thật rõ biết – yathābhūtaṃ pajānāti’. Và như thật rõ biết gì?

Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”. Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ tập”. Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”. Như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Phẩm Định

– Ðể thắng tri THAM ÁI, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập.

Thế nào là ba?

1. Không định,

2. vô tướng định,

3. vô nguyện định.

Ðể thắng tri tham ái, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

Này các Tỷ-kheo, để ① biến tri, ② biến diệt, ③ đoạn tận, ④ diệt tận, ⑤ trừ diệt, ⑤ ly tham, ⑥ đoạn diệt, ⑦ trừ khử, ⑧ từ bỏ THAM, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập.

Này các Tỷ-kheo, để biến tri, biến diệt, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, đoạn diệt, trừ khử, từ bỏ sân… từ bỏ si… từ bỏ phẫn nộ… từ bỏ hận… từ bỏ giả dối… từ bỏ não hại… từ bỏ tật đố… từ bỏ xan lẫn… từ bỏ man trá… từ bỏ phản bội… từ bỏ ngoan cố… từ bỏ bồng bột nông nổi… từ bỏ mạn, từ bỏ tăng thượng mạn… từ bỏ kiêu… từ bỏ phóng dật, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh -Aṅguttara nikāya xvi. Phẩm lõa thể – 163. Ðịnh

– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến VÔ VI?

1. Không định,

2. Vô tướng định,

3. Vô nguyện định.

Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô vi.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya Tập IV – Thiên Sáu Xứ – [43] Chương IX – Tương Ưng Vô Vi – Phần Một – Phẩm Một – IV. Không

Chỉ bằng Chánh Niệm chưa thể thấy rõ bản chất của tam tướng sinh diệt của các Pháp hữu vi là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã: vì Chánh Niệm chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ.

Chánh Định giống như kính hiển vi giúp hành giả thấy và biết rõ ràng như thật, như nó đang là về thực tính sinh diệt, tức Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của các Pháp hữu vi – Chánh Định là điều kiện cần và đủ để có thể thấy rõ bản chất tam tướng của các Pháp.

Nếu chưa thấy được qua kinh nghiệm thực chứng trong từng khoảng khắc “bản chất sinh diệt” của mọi sự vật, tức “bản chất vô thường khổ vô ngã”, cũng tức là “khổ, tập, diệt, đạo” thì chưa thấy sự vật “như nó đang là”, “như thật”, “thật tướng” của mọi hiện tượng sự vật.

Trong thực hành Vipassnā phải ngay lập tức chú tâm vào bản chất sinh, diệt để trực tiếp kinh nghiệm, để thực chứng. Thấy được sinh, diệt tức là có thể thấy “như nó đang là”, thấy rõ “như thật” vô thường, khổ, vô ngã – tam tướng thực tính các Pháp. Khi thấy biết như thật về Khổ thì ba chân lý còn lại cũng được thấy biết như thật:

“… Này các Tỷ-kheo, ai thấy Khổ, người ấy cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

Ai thấy Khổ tập, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

Ai thấy Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

Ai thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt”.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Tập V – Thiên Ðại Phẩm – [56] Chương XII – Tương Ưng Sự Thật – I. Phẩm Ðịnh – 30.X. Gavampati (S.v,436) 

Đây chính là lời Phật dạy trong kinh tạng về việc “thấy được cái gì?” thì được coi là “thấy như thật”:

… Vị ấy biết như thật: “Ðây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Ðây là Khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là các lậu hoặc diệt”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt”.

Vị ấy nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không có trở lui đời sống này nữa”.

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

Đây là bài viết nhằm mục đích giúp khắc phục những sự thiếu sót, sự mơ hồ thiếu cụ thể trong pháp hành của các thiền sinh tại các khóa tu do sư hướng dẫn tại Myanmar cũng như tại Việt Nam trong gần 10 năm qua. Đây không phải là bài viết về lý thuyết suông, về pháp học suông, mà là về pháp thực hành, tu tập trong thực tiễn, tuy vậy trong bài viết vẫn có dẫn chứng đầy đủ kinh tạng để làm cơ sở.

Bài viết này chủ yếu chỉ là sự nhắc nhở cho các thiền sinh cũ trong các khóa thiền do sư hướng dẫn, không có ý chỉ trích hay phê phán có tính chất cá nhân đối với bất kỳ ai, đối với bất kỳ trường phái nào. Nếu ai thấy có sự lợi lạc thì hãy tự đối chiếu với Chánh kinh, hãy tự thực hành theo, hãy tự chiêm nghiệm, nhằm tránh mắc phải những sai lầm đã nêu trên của các hành giả chỉ dừng lại ở mức độ thỉnh thoảng có Chánh Niệm, mà đã có ảo tưởng thấy được các Pháp ‘như thật’, ‘như nó đang là’. Đó mới chỉ là tưởng tri hoặc thức tri, là trí suy đạt, mới chỉ là Văn Tuệ và Tư Tuệ chứ chưa phải là Tuệ tri, chưa phải là Tu tuệ – Tuệ giác trực tiếp kinh nghiệm.

Hành giả đã có Chánh Niệm cần tiến thêm hơn nữa, cần nỗ lực nhiệt tâm giữ vững Chánh Niệm liên tục và vững chắc để hoàn toàn công trình của mình: để có Chánh định thấy rõ bản chất sinh, diệt, tức vô thường khổ vô ngã của mọi pháp, dẫn đến nhàm chán, ly tham, giác ngộ giải thoát.

Sư phải giảng kỹ như vậy, phải nói đi nói lại dưới nhiều hình thức khác nhau như vậy nhằm sách tấn các hành giả hữu duyên để không chủ quan, lơ là, mà hãy tận dụng các giây phút quí hiếm vô lượng của kiếp sống làm người gặp được Chánh pháp còn tỏa sáng trên thế gian này. Chúng ta đang có Đại phước của đại đại phước, không biết đến ti tỉ ti tỉ kiếp nào nữa, không biết còn phải đổ máu và nước mắt đầy bao nhiêu biển cả nữa trong luân hồi, để may ra mới lặp lại cơ hội này: vậy hãy trân quí từng giây phút, chớ phóng dật buông lơi.

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị không bị sai đường lạc lối, luôn có được trí tuệ, kiên định, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường tu tập dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

Ghi chú:

Để có thể thượng tôn Chánh pháp cần phân biệt rõ ràng chánh tà, đúng sai, phải trái, chứ không phải là chỉ trích hay khen ngợi cá nhân, trường phái. Để có thể biết rõ sự thật: đâu là sự lý giải, đâu sự giảng giải đúng đắn theo lời Phật dạy, hãy đối chiếu với Kinh, Luật, Vi Diệu Pháp, và thực hành theo Chánh pháp do Đức Phật chỉ dạy: sẽ không lầm đường lạc lối, lãng phí thời gian công sức, bỏ phí cơ hội làm người.

Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật:

– “Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi”.

[ Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya -1. Kinh Phạm võng (Brahmajàla sutta) Tụng phẩm thứ nhất]

Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì.

Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn 

– Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi pháp là phi pháp, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, sở hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.

(Như số 1 trên, chỉ khác: “nêu rõ pháp là pháp”)…

Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi luật là phi luật…

… luật là luật…

… Như Lai không nói lên, tuyên bố là Như Lai không nói lên, …

… Như Lai có nói lên, tuyên bố là Như Lai có nói lên, …

… Như Lai không thực hành, tuyên bố là Như Lai không thực hành, …

… Như Lai có thực hành, tuyên bố là Như Lai có thực hành, …

… Như Lai không chế đặt, tuyên bố là Như Lai không chế đặt, …

… Như Lai có chế đặt, tuyên bố là Như Lai có chế đặt…

Các vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, sở hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – aṅguttara nikāya XI. Phẩm thứ mười một – 1–10. Phi Pháp 

Bài viết liên quan

  • Pháp Thượng Nhân – Uttarimanussadhammo, Web, FB
  • Thấy Biết Cái Gì Thì Được Coi Là Thấy Biết ‘Như Thật’, ‘Như Nó Đang Là’ Khi Thực Hành Tu Tập Minh Sát Tứ Niệm Xứ Vipassnā Satipaṭṭhānā?, Web, FB
  • Kāma – Dục (Tham Ái) Và Chanda – Dục (Mong Muốn) Khác Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • Thực Hành Nhiệt Tâm, Chánh Niệm, Tỉnh Giác, Web, FB
  • Tập Thể Dục Không Thể Đánh Bại Kẻ Thù, Web, FB
  • Vesak 2020 – Cùng Ôn Lại Con Đường Giác Ngộ Giải Thoát , Web, FB
  • Khéo An Trú Trong Tứ Niệm Xứ Hoặc Tu Tập ‘Vô Tướng Định – Animitto Samādhi’ Để Đoạn Diệt Không Còn Dư Tàn Ba Bất Thiện Tư Duy: Dục Tư Duy, Sân Tư Duy, Hại Tư Duy, Web, FB
  • “Jhana – Thiền” Có Đưa Đến Giác Ngộ Giải Thoát Hay Không?, Web, FB
  • Mahasi Sayadaw – Vipassnā-Jhāna: ‘Thiền Quán’/’Định Minh Sát’, Web, FB
  • U Pandita Sayadaw – Các Tầng Thiền Minh Sát, Budsas
  • Chỉ – Samatha, Quán – Vipassanā, Định – Samādhi, Tuệ – Paññā Khác Nhau Và Liên Hệ Với Nhau Như Thế Nào, Web, FB
  • Lưu Ý Tập Trung Phát Triển Chánh Định Không Định, Vô Tướng Định, Vô Nguyện Định – Trong Thực Hành Thiền Minh Sát Vipassana., Web, FB
  • Ðịnh (Samādhi) Là Gì? Thế Nào Là Con Bò Núi Ngu Ngốc?, Web, FB
  • Có Cần Tu Tập Thiền Hay Không, Web, FB
  • Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 1/2: Hướng Dẫn Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Của Ngài Đại Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi, Web, FB
  • Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 2/2: Phương Pháp Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Nāma – Rūpa – Pariccheda – Ñāṇa Theo “Thanh Tịnh Đạo”, Web, FB
  • Bài 1/5: Kiến Thanh Tịnh – Ditthivisuddhi, Web, FB
  • Bài 2/5: Đoạn Nghi Thanh Tịnh – Kankhàvitarana-Visuddhi, Web, FB
  • Bài 3/5: Đạo Phi Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Maggàmagga – Nanadassana – Visuddhi Phần 1/2, Web, FB
  • Bài 3/5: Đạo Phi Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Maggàmagga – Nanadassana – Visuddhi Phần 2/2, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 1/3, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 2/3, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 3/3, Web, FB
  • Bài 5/5: Tri Kiến Thanh Tịnh Nanadassana-Visudhi-Niddesa Phần 1/2, Web, FB
  • Bài 5/5: Tri Kiến Thanh Tịnh Nanadassana-Visudhi-Niddesa Phần 2/2, Web, FB
  • Niệm Chết Như Thế Nào, Web, FB
  • Quán Niệm 32 Thể Trược, Web, FB
  • Thân Hành Niệm – Quán Thân Bất Tịnh 32 Thể Trược, Web, FB
  • Như Thế Nào Là Tu Tập Định-Samādhi Minh Sát Quán-Vipassnā Ngũ Uẩn Để Đạt Tuệ-Paññā Đoạn Tận Lậu Hoặc-Āsavānaṃ?, Web, FB
  • Không Chánh Định Không Thể Có Bát Thánh Đạo. Không Bát Thánh Đạo Không Thể Có Bậc Thánh Giác Ngộ Giải Thoát, Web, FB
  • Mở Rộng Hiểu Biết Về Chánh Định Là Gì?, Web, FB
  • Vị Thầy Tâm Linh Trên Hành Trình Tới Giác Ngộ Giải Thoát, Web, FB
  • Vị Thầy Hộ Trì, Web, FB
  • Theo Thầy, Web, FB
  • Thầy & Trò, Web, FB
  • Vị Thầy Chân Chính: Một Trợ Duyên Tối Quan Trọng Không Thể Thiếu, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • “Từ Bi Hỷ Xả Vô Lượng” Có Thể Hiện Phật Tính Hay Không? “Ta Là Phật Đã Thành, Các Chúng Sinh Là Phật Sẽ Thành” Có Phải Là Phật Ngôn Không?, Web, FB
  • Học Từ Từ, Tập Từ Từ, Thực Hành Từ Từ, Web, FB
  • Như Thế Nào Là Lộ Trình Tu Tập Thánh Đạo Giác Ngộ?, Web, FB
  • Trong Pháp Và Luật Này Có Một Tuần Tự Học Tập, Một Tuần Tự Công Trình, Một Tuần Tự Đạo Lộ?, Web, FB
  • Quí Vị Thiền Vì Mục Đích Gì, Web, FB
  • Phân biệt Tà với Chánh, Web, FB
  • Chớ Lầm Đường Lạc Lối, Kẻo Hoài Phí Đời Người, Web, FB
  • Tà Kiến: “Tánh Biết Không Sinh Không Diệt”, Web, FB
  • 7 Trạm Xe = 7 Giai Đoạn Thanh Tịnh Dẫn Đến Thành Tựu Vô Thủ Trước Bát Niết Bàn Là Gì?, Web, FB
  • Những Ai Không Thể Chứng Được Pháp Thậm Thâm – Vi Diệu – Cao Thượng?, Web, FB
  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
  • Tôi Nguyện, Web, FB
  • Tại Sao Myanmar, Web, FB
  • Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
  • Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB

Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

  • Youtube, Youtube
  • Archive, Archive
  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
  • Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
  • Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
  • 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 14 tháng 5, 2020