Phàm Tăng Và Thánh Tăng
[lwptoc]
PHÀM TĂNG VÀ THÁNH TĂNG
– TT: Kính sư xin giải thích về “Phàm tăng và Thánh tăng” !??
– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala:
‘PHÀM’: là phàm phu, chưa tu tập viên mãn Bát Thánh Đạo, tức Giới – Định – Tuệ, chưa thành tựu Đạo tuệ, Quả tuệ để giác ngộ Tứ Thánh Đế [1], trở thành một trong bốn bậc ‘Thánh’, gồm:
① Thánh Dự Lưu, đã đoạn trừ ba hạ phần kiết sử: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, không còn đọa vào bốn ác đạo: địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ, atula, chỉ còn tái sinh tối đa là 7 kiếp sống, chắc chắn sẽ được giác ngộ hoàn toàn;
② Thánh Nhất lai, đã đoạn trừ ba hạ phần kiết sử: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, đã làm cho muội lược tham, sân, si, sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau;
③ Thánh Bất lai, đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận, được hóa sanh, từ ở đấy được nhập Niết–bàn, không còn phải trở lại đời này nữa;
④ Thánh Alahán, đã đoạn trừ cả mười kiết sử: – thân kiến (sakkàya–ditthi),– hoài nghi (vicikicchà),– giới cấm thủ (silabata–paràmàsa)– tham dục (kàma–ràga)– sân hận (vyàpàda),– tham đắm vào cõi sắc (rùpa–ràga),– tham đắm vào cõi vô sắc (arùpa–ràga),– mạn (màna),– trạo cử (uddhacca),– vô minh (avijjà), là bậc vô sinh chấm dứt sinh tử luân hồi, các lậu hoặc đã đoạn trừ, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã được đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí.
‘TĂNG’: Trước hết về mặt ngôn ngữ, từ Hán – Việt này (thực ra chỉ là phiên âm của từ saṃgha thành Tăng–già, đọc tắt là ‘Tăng’) cần hiểu và phân biệt rõ ràng rằng “Tăng” nói đến ở đây là nói đến những “cá nhân” các vị ‘bhikkhu–tỳ khưu’❓, hay là nói đến “tập thể”, tức ‘saṃgha– tăng đoàn’❓
Chỉ ở Việt nam và Trung hoa mới bị sử dụng lẫn lộn chữ Tăng cho cả ‘cá nhân’ (ví dụ: chư tăng, tăng sĩ…) và cho cả ‘tập thể’ (ví dụ: tăng đoàn, tăng chúng…). Trong các ngôn ngữ khác thì điều này rất rõ ràng, không thể lẫn lộn, ví dụ trong tiếng Pali thì không thể lẫn lộn ‘cá nhân’ bhikkhu (tỳ khưu) với ‘tập thể’ saṃgha (tăng).
Vì vậy, nếu nói đến cụm từ ‘Thánh Tăng’ trong tiếng Việt mà nghĩ đến các ‘cá nhân’ bậc Thánh, tức nghĩ đến các vị tỳ khưu đắc Đạo Quả, thì trong trường hợp này cụm từ ‘Thánh Tăng’ trong tiếng Việt không phải là đối tượng để qui y Tam Bảo vì các ‘cá nhân’ chỉ là ‘cá nhân’, không phải là ‘tập thể’ Tăng Đoàn–saṃgha, cho dù các ‘cá nhân’ này, tức các vị tỳ khưu này đã là bậc Thánh.
Nhưng nếu nói đến cụm từ ‘Thánh Tăng’ trong tiếng Việt mà nghĩ đến ‘Tập thể Thánh thiện–Ariyasaṃgha’ là các vị tỳ khưu trong sạch không phạm tội, từ 4 vị trở lên, ngồi sát nhau không xa quá 2 hắc tay, tạo thành một khối vững chắc với oai đức vô biên, tức là nghĩ đến ‘tập thể’ Tăng Đoàn–saṃgha của các vị tỳ khưu (bhikkhu–saṃgho), tức một ‘tập thể’ Thánh thiện [2]:
trong đó có bao gồm các vị tỳ khưu bậc Thánh đệ tử gồm bốn đôi tám vị,
trong đó có bao gồm các vị tỳ khưu thật sự đang tu tập các pháp dẫn đến giác ngộ giải thoát, chưa phải đã là bậc Thánh,
thì cụm từ ‘Tăng–sangha’ trong tiếng Việt này ① là đối tượng của sự qui y Tam Bảo, ② là phước điền vô thượng của thế gian, ③ là một trong ba báu vật (Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng) tối thượng trên đời.
Phẩm chất, hay những ân đức vô lượng của một tập thể ‘Tăng–saṃgha’ thánh thiện gồm những vị tỳ khưu như vậy, tức của Tăng Bảo – nơi nương tựa vững chắc, tối thượng trên đời của các Phật tử chính là [3]:
“① Diệu hạnh là Tăng đoàn Thanh Văn của Thế Tôn.
② Trực hạnh là Tăng đoàn Thanh Văn của Thế Tôn.
③ Ứng lý hạnh là Tăng đoàn Thanh Văn của Thế Tôn.
④ Chân chánh hạnh là Tăng đoàn Thanh Văn của Thế Tôn, tức là bốn đôi tám chúng.
⑤ Tăng đoàn Thanh Văn của Thế Tôn là đáng cung kính,
⑥ đáng cúng dường,
⑦ đáng tôn trọng,
⑧ đáng được chấp tay,
⑨ là phước điền vô thượng ở đời”.
Ý nghĩa các phẩm tính cao thượng, Thánh thiện của Tăng đoàn được hiểu như sau:
1– Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho: Tăng đoàn Thanh Văn của Đức Thế Tôn đã học và hành nghiêm chỉnh đúng theo lời giáo huấn của Đức Phật.
2– Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho: Tăng đoàn Thanh Văn của Đức Thế Tôn đã học và hành trung thực đúng theo pháp hành Trung Đạo, không quanh co lầm lạc.
3– Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho: Tăng đoàn Thanh Văn của Đức Thế Tôn đã học và hành theo pháp hành Bát Chánh Đạo thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
4– Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho: Tăng đoàn Thanh Văn của Đức Thế Tôn đã học và hành giới–định–tuệ đúng đắn xứng đáng để chúng sinh tôn kính lễ bái cúng dường.
Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā, esa Bhagavato sāvakasaṃgho: Đây là Tăng đoàn Thanh Văn của Đức Thế Tôn có 4 đôi thành 8 bậc Thánh.
[Bốn đôi:
Nhập Lưu Thánh Đạo → Nhập Lưu Thánh Quả
Nhất Lai Thánh Đạo → Nhất Lai Thánh Quả
Bất Lai Thánh Đạo → Bất Lai Thánh Quả
Arahán Thánh Đạo → Arahán Thánh Quả
8 bậc Thánh:
4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả: Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhất Lai Thánh Đạo, Bất Lai Thánh Đạo, Arahán Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả, Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Quả, Arahán Thánh Quả.]
5– Āhuneyyo: Tăng đoàn Thanh Văn của Đức Thế Tôn xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ từ phương xa đem đến cúng dường quý Ngài, để mong được quả báu lớn.
6– Pāhuneyyo: Tăng đoàn Thanh Văn của Đức Thế Tôn xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ dành cho những vị khách quý như quý Ngài.
7– Dakkhiṇeyyo: Tăng đoàn Thanh Văn của Đức Thế Tôn xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đem dâng cúng đến quý Ngài, để mong được quả báu tốt lành cho mình và những người thân quyến.
8– Añjalikaraṇīyo: Tăng đoàn Thanh Văn của Đức Thế Tôn xứng đáng cho chúng sinh chắp tay cung kính lễ bái cúng dường.
9– Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa: Tăng đoàn Thanh Văn của Đức Thế Tôn là phước điền cao thượng của thế gian không đâu sánh được.
Chỉ ‘tập thể’ ‘Tăng Đoàn–sangha’ với những tỳ khưu thực sự, trong sạch không phạm tội, có số lượng thích hợp từ 4 vị trở lên tùy theo Tăng sự, ngồi sát nhau tạo thành một khối vững chắc, có oai đức vô biên mới có thể có được các năng lực thực hiện các Tăng sự đúng Pháp, đúng Luật như: lễ xuất gia tu lên bậc trên thành vị tỳ khưu, lễ bố tát, lễ tự tứ, xác định sima, ra án phạt tội, giải tội,… chứ không phải là các ‘cá nhân’ tỳ khưu – ‘Chư tăng’ – dù cho có đông đảo, cho dù là bậc Thánh, nhưng nếu các vị tỳ khưu này không hội tụ lại và ngồi chung với nhau không xa quá 2 hắc tay để tạo thành sangha thì không thể có năng lực hành Tăng sự được.
Sự khác nhau về nội dung giữa hai cụm từ “Tăng Đoàn– sangha’ là một ‘tập thể’ và ‘Chư Tăng–bhikkhù’ là các ‘cá nhân’ trong tiếng Việt cần có sự phân biệt rõ ràng như vậy trong khi sử dụng cụm từ Hán – Việt này. Trong các ngôn ngữ khác không có sự lẫn lộn này vì sử dụng hai cụm từ bhikkhu và saṃgha hoàn toàn khác nhau.
Ở Việt Nam ta rất nhiều người thường hiểu lầm chữ ‘Tăng’ trong cụm từ Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng, theo nghĩa là các ‘cá nhân’, tức các vị tỳ khưu (chư Tăng) nên mới hay băn khoăn, thắc mắc, không chịu qui y Tăng vì cho rằng các vị tỳ khưu ngày nay không phải là Thánh, chỉ là Phàm. Do vậy, một số người chỉ muốn qui y Nhị Bảo là Phật và Pháp mà thôi, và như vậy, bởi sự hiểu biết sai lạc này họ đã tự gây chướng ngại cho bản thân, không thể vun bồi tín tâm bất thối chuyển nơi Tam Bảo, điều kiện cần thiết tối quan trọng dẫn đến bậc giác ngộ giải thoát đầu tiên là Thánh dự lưu [3], bước vào dòng Thánh chắc chắn sẽ dẫn tới sự giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não, chấm dứt sinh tử luân hồi trong Tam giới, đạt được bình an mãi mãi – Niết Bàn.
Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ để không bị sai đường lạc lối, luôn tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala
Update:
Bài viết này nhằm giúp cho nhiều đạo hữu chưa nắm rõ ý nghĩa đích thực của chữ Tăng (Sangha) là TẬP THỂ chứ không phải là các CÁ NHÂN: nói cách khác TĂNG – SANGHA là TẬP HỢP được mô tả bằng các tính chất đặc trưng cho các PHẦN TỬ (các CÁ NHÂN TỲ KHƯU) của TẬP HỢP (SANGHA) mà nhờ đó có thể xác định một đối tượng (cá nhân) nào đó có thuộc tập hợp này (Tăng – Sangha) hay không.
Vậy mà vẫn có người chẳng đọc kỹ và điều chỉnh tri kiến, vẫn tiếp tục bình loạn – nên buộc phải xóa các bình loạn này đi để mọi người khỏi phí phạm thời gian đọc những điều sai lạc.
[Phần ‘Ghi chú’ và ‘Các bài viết liên quan’ dưới đây là nhằm để giúp cho một số đạo hữu ham muốn tìm hiểu chi tiết, đầy đủ, có chứng cứ, nhưng chưa biết cách tìm kiếm trong biển kiến thức bao la, có thể tìm được nguồn Chánh kinh và tài liệu gốc trực tiếp khi cần thiết, một cách thuận tiện và nhanh chóng. Người đọc bình thường có thể bỏ qua phần chuyên sâu và mở rộng này.]
GHI CHÚ:
[1] TỨ THÁNH ĐẾ & BÁT THÁNH ĐẠO
⑴ Tương Ưng Bộ, V-420, Kinh Chuyển Pháp Luân, Dhammcakkappavattana sutta. budsas.net
⑵ Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya, 22. Đại kinh Niệm xứ, (Mahàsatipatthana sutta), budsas.net
“… Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Đế về Con Đường Diệt Khổ, đó chính là Con Đường Tám Chánh.” – Kinh chuyển pháp luân.
“… Vì không thông hiểu Sự Thật về Khổ (Khổ Đế) mà chúng ta luân hồi, không thông hiểu Sự Thật về Nguồn Gốc của Khổ (Tập Đế), không thông hiểu về Sự Thật về Đoạn Diệt Khổ (Diệt Đế), không thông hiểu Sự Thật về Con Đường Diệt Khổ (Đạo Đế), mà chúng ta đã phải luân hồi trong vòng sinh tử. Bằng cách thông hiểu, bằng cách thấu đạt Sự Thật về Khổ, Sự Thật về Nguồn Gốc của Khổ, Sự Thật về Đoạn Diệt Khổ, Sự Thật về Con Đường Diệt Khổ, lòng tham thủ về sinh hữu được đoạn tận, sự hỗ trợ để sinh hữu được phá hủy, và từ đó không còn phải tái sinh nữa.” – Đại Kinh Bát Niết Bàn – Trường Bộ, 16.
Bát Thánh Đạo là con đường dẫn đến Bất tử, đưa đến Niết Bàn:
“… Ðoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỷ–kheo, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là chánh tri kiến… chánh định.”
“Có tám pháp này, này Nandiya, đưa đến Niết–bàn, hướng đến đích Niết–bàn, đưa đến cứu cánh Niết–bàn. Tức là chánh tri kiến… chánh định.” – (budsas.net)
[2] BHIKKHUSAṂGHO – TĂNG ĐOÀN THÁNH THIỆN CỦA CÁC TỲ KHEO
Trung bộ kinh – 118. Kinh Nhập tức, Xuất tức niệm – suttacentral
… Hội chúng này, này các Tỷ–kheo, không có lời thừa thãi. Hội chúng này, này các Tỷ–kheo, không có lời dư thừa, đã được an trú trong lõi cây thanh tịnh.
Chúng Tỷ–kheo (bhikkhu–saṃgho) như thế này, này các Tỷ–kheo, hội chúng như thế này, này các Tỷ–kheo,
là một hội chúng đáng được cung kính,
đáng được tôn trọng,
đáng được cúng dường,
đáng được chấp tay,
là phước điền vô thượng ở đời.
Chúng Tỷ–kheo như thế này, này các Tỷ–kheo, hội chúng như thế này, này các Tỷ–kheo,
là một hội chúng bố thí ít, được phước báo nhiều;
bố thí nhiều, càng được phước báo nhiều hơn nữa.
Chúng Tỷ–kheo như thế này, này các Tỷ–kheo, hội chúng như thế này, này các Tỷ–kheo,
là một hội chúng khó thấy ở đời.
Chúng Tỷ–kheo như thế này, này các Tỷ–kheo, hội chúng như thế này, này các Tỷ–kheo,
là một hội chúng xứng đáng đi nhiều do tuần (yojana) với một bao lương thực trên vai để đến yết kiến.
Chúng Tỷ–kheo (bhikkhu–saṃgho) này là như vậy, này các Tỷ–kheo; hội chúng này là như vậy, này các Tỷ–kheo.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo là những A–la–hán, các lậu hoặc đã đoạn trừ, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã được đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí.
Này các Tỷ–kheo, có những bậc Tỷ–kheo như vậy trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ ở đấy được nhập Niết–bàn, không còn phải trở lại đời này nữa. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, này có những Tỷ–kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất lai, sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo, có những Tỷ–kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ được giác ngộ. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập bốn niệm xứ. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập bốn chánh cần. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong hội chúng này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bốn như ý túc. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập năm căn. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập năm lực. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bảy giác chi. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này có những Tỷ–kheo sống chuyên tâm, chú tâm tu tập Thánh đạo tám ngành. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập từ tâm. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bi tâm. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập hỷ tâm. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập xả tâm. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bất tịnh. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này có những Tỷ–kheo sống chuyên tâm, chú tâm tu tập vô thường tưởng. Các bậc Tỷ–kheo như vậy, này các Tỷ–kheo, có mặt trong chúng Tỷ–kheo này.
Này các Tỷ–kheo, trong chúng Tỷ–kheo này, có những Tỷ–kheo sống chuyên tâm, chú tâm tu tập nhập tức xuất tức niệm.
[3] ÂN ĐỨC TAM BẢO & BỐN DỰ LƯU QUẢ CHI PHẦN
Trường bộ kinh – 33. Kinh Phúng tụng – suttacentral.net
❶ … Ở đây Thánh đệ tử thành tựu lòng tin tuyệt đối với Phật (Buddho):
“Ðây là Thế Tôn, ① bậc A–la–hán, ② Chánh Ðẳng Giác, ③ Minh Hạnh Túc, ④ Thiện Thệ, ⑤ Thế Gian Giải, ⑥ Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, ⑦ Thiên Nhân Sư, ⑧ Phật, ⑨ Thế Tôn”.
❷ Vị này thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Pháp (Dhammo):
“① Pháp được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, ② Pháp ấy là thiết thực hiện tại, ③ vượt ngoài thời gian, ④ đến mà thấy, ⑤ có hiệu năng hướng thượng, ⑥ chỉ người có trí mới tự mình giác hiểu”.
❸ Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối Tăng đoàn (Saṃgho):
“① Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn là đầy đủ diệu hạnh, ② Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn là đầy đủ trực hạnh, ③ Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn là đầy đủ như lý hạnh, ④ Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn là đầy đủ chánh hạnh, tức là bốn đôi, tám vị. ⑤ Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn này đáng cung kính, ⑥ đáng tôn trọng, ⑦ đáng được cúng dường, ⑧ đáng được chấp tay, ⑨ là phước điền vô thượng ở đời”.
❹ Vị ấy thành tựu giới đức được các bậc Thánh ái mộ, không bị hư hoại, không bị tỳ vết, được thực hành liên tục, không bị khiếm khuyết khiến con người tự tại, được bậc Thánh tán thán, không bị nhiễm ô, hướng đến thiền định.
Bài viết liên quan
- Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
- Bài Viết Đăng Trên Báo Giác Ngộ, Web, FB
- Phàm Tăng Và Thánh Tăng, Web, FB
- Tỳ Khưu Đảnh Lễ Những Ai?, Web, FB
- Ai Là Bhikkhu – Tỳ Khưu, Web, FB
Lễ Xuất Gia Thọ Giới Tỳ Khưu
- Bài 1/4 – Thầy Tế Độ – Ācariyupajjhāya, Web, FB
- Bài 2/4 – Xét Hỏi Sa Di, Web, FB
- Bài 3/4 -Tuyên Ngôn & Thành Sự Ngôn, Web, FB
- Bài 4/4 – Bốn Pháp Nương Nhờ & Bốn Pháp Không Nên Hành, Web, FB
- Xuất Gia Gieo Duyên, Web, FB
- Đạt Tới Cái Khó Đạt Tới, Web, FB
- Mười Pháp Mà Bậc Xuất Gia Phải Quán Tưởng Thường Xuyên., Web, FB
- Như Thế Nào Là Tỳ Khưu Giới Hạnh Đầy Đủ?, Web, FB
- Điều Gì Cao Hơn Cả Mạng Sống, Web, FB
- Tử Vì Đạo – Thanh Tịnh Giới Đến Mức Nào?, Web, FB
Tu Sĩ Và Tiền Bạc
- Phần 5/5: Hỏi Và Đáp Với Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayadaw, Web, FB
- Giới Luật “Chỉ Là Phương Tiện”, Web, FB
- Thế Nào Là Bốn Điều Đáng Sợ Hãi Chờ Đợi Những Người Xuất Gia?, Web, FB
- Bổn Phận Cư Sĩ Tại Gia Là Gì? Bổn Phận Tu Sĩ Xuất Gia Là Gì?, Web, FB
- Vì Sao Tỳ Kheo Sinh Sống Bằng Nghề Hèn Hạ Nhất Là Nghề Khất Thực – Ăn Xin?, Web, FB
- Đã Về Đến “nhà”, Web, FB
- Tại Sao Myanmar, Web, FB
- Vì Sao Xuất Gia, Web, FB
- Đức Phật Đã Có Suy Nghĩ Gì Trước Khi Xuất Gia?, Web, FB
- Namo: Nên Niệm Nam Mô Phật – Không Nên Niệm Mô Phật, Web, FB
- Vun Bồi Phước Nghiệp Cung Kính, Web, FB
- Phàm Tăng Và Thánh Tăng, Web, FB
- Lợi Đắc – Cung Kính – Danh Vọng Mang Lại Khổ Lụy Gì Cho Các Tỳ-Kheo?, Web, FB
- Phạm Hạnh Được Sống Vì Mục Đích Gì ?, Web, FB
- Mục Tiêu Cuối Cùng Của Phạm Hạnh Là Gì?, Web, FB
- Đôi Lời Nhắn Nhủ Tới Những Vị Sắp Xuất Gia Theo Truyền Thống Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada. , Web, FB