Thuyết Anatta-Vô Ngã trong Phật giáo
① Thuyết Anatta-Vô Ngã trong Phật giáo
Hôm nay chúng ta học về đề tài quan trọng trong Phật Giáo. Đó là thuyết Vô Ngã Anatta.
Thuyết Vô Ngã chỉ tìm thấy trong Phật Giáo. Như vậy thuyết Vô Ngã khiến cho Phật Giáo khác hẳn các tôn giáo khác. Bởi vì các tôn giáo khác đều có sự tin tưởng ngược hẵn với thuyết Vô Ngã (Anatta).
Thuyết Vô Ngã là thuyết nòng cốt hay thuyết cốt yếu của Phật giáo. Điều quan trọng trước tiên là chúng ta phải hiểu thuyết Vô Ngã bằng lý thuyết. Sau đó phài thực hành Thiền Minh Sát mới hiểu thấu đáo hơn.
Đức Phật thuyết bài pháp Vô Ngã cho năm người học trò đầu tiên. Sau khi thuyết bài pháp đầu tiên “Chuyển Pháp Luân” cho các thầy Kiều Trần Như, năm ngày sau Đức Phật mới thuyết bài pháp Vô Ngã Tướng. Sau khi nghe và thực hành, năm thầy Kiều Trần Như đắc quả A La Hán.Trong bài Kinh Vô Ngã Tướng (AnattaLak–khana).
Đức Phật tuyên bố Năm Uẩn là Vô Ngã. Thật ra, Đức Phật lấy từng uẩn một mà nói rằng: Vật Chất là Vô Ngã, Thọ là vô Ngã, Tưởng là Vô Ngã, Hành là Vô Ngã, Thức là Vô Ngã. Như vậy, Đức Phật dạy rằng: Tất cả Năm Uẩn là Vô Ngã.
Anatta là Vô Ngã, có nghĩa không phải là Ngã (Atta). Chữ Anatta trong tiếng Pāḷi có hai phần: Na và Atta. Na có nghĩa là không, Atta có hai nghĩa:
Một nghĩa để chỉ cho chính ta, đó là dùng chữ Atta như một đại danh từ.
Một nghĩa khác là tôi, ta, linh hồn, tự ngã, một thực thể vĩnh cửu. Ý niệm này được rất nhiều người trong quá khứ và ngày nay chủ trương. Theo những người này, Atta có nghĩa là cốt lõi của tất cả chúng sinh.
Như vậy chữ Atta có ít nhất hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất chỉ là một Đại danh từ ngôi thứ nhắt, như: Tôi ăn, tôi uống… Nghĩa thứ hai là “thực thể vĩnh cửu” như: Linh hồn, tự ngã v.v… Đây là điều được mọi người chấp nhận vào thời kỳ Đức Phật.
Đức Phật đã từ chối Ngã (Atta) theo nghĩa thứ hai này như tôi đã nói trước đây.
Ngày xưa cũng như ngày nay, người ta tin tưởng có một linh hồn vĩnh cữu hiện diện thường xuyên trong cơ thể con người. Khi cơ thể bị già đi, bị hủy hoại từ từ và chết thì Ngã (Atta) sẽ rời khỏi cơ thể này đến nhận một cơ thể khác.
Cũng vậy, họ tin tưởng rằng: Có một cái Ngã (Atta) hoàn toàn vĩnh cửu. Ngã (Atta) là một “thực thể trọn vẹn” làm nhiệm vụ một kẻ tạo ra tác động, và cũng là một kẻ nhận chịu đau khổ hay hạnh phúc. Họ cho rằng: cái “thực thể trọn vẹn” hay cái “thực thể hoàn toàn” này là chúa tể. Vị này có quyền năng điều khiển mọi hoạt động của cơ thể v.v…
Khi Đức Phật ra đời, Ngài tuyên bố rằng: Năm Uẩn không phải là Ngã (Atta), Năm Uẩn không thể được xem như là một thực thể trọn vẹn.
Trong Kinh Vô ngã Tướng Đức Phật phân tích toàn thế giới thành ra Năm Uẩn, ngoài Năm Uẩn ra không có gì cả. Như vậy, Khi Đức Phật nói Năm Uẩn là Vô Ngã tức là Đức Phật muốn nói rằng: chẳng có Ngã (Atta) nào trên thế gian này. Mặc dầu Đức Phật chẳng nói rằng: không có Ngã (Atta). Nhưng khi Ngài nói Năm Uẩn không phải là Ngã (Atta) thì có nghĩa là không có Ngã (Atta).
Ngã (Atta) là gì? Vô Ngã (Anatta) là gì? Tôi vừa nói với bạn rằng: Đức Phật tuyên bố Ngũ Uẩn không phải là Ngã (Atta).
Có ba câu nói nổi tiếng trong Phật giáo:
“Tất cả Pháp Hữu Vi” đều Vô Thường.
“Tất cả Pháp Hữu Vi” đều Khổ.
“Tất cả Các Pháp” đều Vô Ngã.
Như vậy hai câu đầu tiên Đức Phật nói rằng: Tất cả Pháp Hữu Vi hay tất cả các Pháp có điều kiện hay Vật Chất và Tâm đều Vô Thường và Khổ.
Nhưng câu thứ ba Đức Phật không dùng “Tất cả Pháp Hữu Vi” mà Ngài dùng “Tất cả các Pháp” (Dhamma). Như vậy, theo câu thứ ba thì tất cả các pháp đều là Vô Ngã. “Tất cả các Pháp” có nghĩa là cả Ngũ Uẩn và Niết Bàn.
Như vậy, chúng ta phải hiểu rằng: không những chỉ có Ngũ Uẩn mới Vô Ngã mà Niết Bàn cũng Vô Ngã.
Đôi lúc chúng ta có thể nghĩ rằng: bởi vì Niết Bàn là đối tượng của thế gian, nên Niết Bàn phải có ngã, nhưng ở đây Đức Phật nói rằng: tất cả các pháp đều Vô Ngã. Mà các pháp ở đây bao gồm cả Niết Bàn.
Như vậy, khi nói đến Vô Ngã (Anatta) ta phải hiểu rằng: Tất cả Năm Uẩn lẫn Niết Bàn đều Vô Ngã.
Bởi vậy, chúng ta phải hiểu câu thứ ba: “Tất cả các pháp đều Vô Ngã” một cách đúng nghĩa tùy theo bản kinh. Khi nói một cách tổng quát thì chúng ta phải hiểu tất cả Các pháp (Dhamma) ở đây là Năm Uẩn và Niết Bàn. Nhưng khi nói đến Vipassana thì Các Pháp ở đây chỉ là Năm Uẩn mà thôi, bởi vì không thể lấy Niết Bànlàm đối tượng của Thiền Minh Sát.
Trong Kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật không nói Niết Bàn là Vô ngã. Tại sao Đức Phật không nói Niết Bàn là Vô Ngã trong bản kinh này. Tôi nghĩ rằng: bởi vì Đức Phật muốn hướng dẫn năm học trò trực tiếp hướng đến sự thực tập Thiền Minh Sát. Đối với những người hành Thiền Minh Sát chỉ có Năm Uẩn mới là đối tượng để hành thiền. Đó là lý do tại sao Đức Phật không nói đến Niết Bàn là Vô Ngã trong Kinh Vô Ngã Tướng.
Theo nguyên nghĩa Anatta (Vô Ngã) tức là không có Ngã. Nhưng Chú Giải đưa ra một nghĩa nữa, Vô Ngã (Anatta) có nghĩa là không có cốt lõi, hay không có một thẩm quyền nào trên nó.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu chữ Vô Ngã ít nhất hai nghĩa: Vô Ngã có nghĩa là không có cốt lõi và không có thẩm quyền trên nó.
Do Đó, Đức Phật nói Vật Chất hay Sắc là Vô Ngã, có nghĩa là Vật Chất không có cốt lõi hay không có chủ quyền. Không có quyền lực nào có thể hành xử chủ quyền hay làm chủ Vật Chất được.
Theo hai lời giảng giải trên thì Vô Ngã có nghĩa là “không có cốt lõi” và “không ai có thẩm quyền trên nó”, nhưng nghĩa thích hợp nhất khi nói về Vô Ngã là “không có cốt lõi”.
Nhưng khi ta nói: Vật Chất là Vô Ngã (Anatta) bởi vì nó không có cốt lõi thì người ta có thể lý luận rằng: Đồng ý Vật Chất không có cốt lõi, nhưng phải có một cái có cốt lõi ở đâu đó; chỉ có Vật Chất không có cốt lõi mà thôi. Theo lời dạy của Đức Phật thì luận cứ đưa ra đó không đúng.
Chữ “cốt lõi” hay “bản chất” hoặc “cốt tủy” ở đây có nghĩa là gì? TheoChú Giải thì đây là một quan niệm sai lầm: cho rằng: có một cái ngã, một cái tôi, một thực thể trường tồn, vĩnh viễn.
Chữ không có cốt lõi ở đây muốn nói đến không có thực thể trọn vẹn, không có một linh hồn.
Trước đây tôi cũng có nói với các bạn rằng: Người ta thường có quan niệm sai lầm cho rằng: có một linh hồn hay một thực thể trọn vẹn nằm trong cơ thể của chúng sinh, và thực thể này là một thực thể hằng cửu. Khi cơ thể một người trở nên già và chết thì linh hồn hay thực thể này chuyển qua một thân thể mới.
Cốt lõi ở đây cũng là “kẻ tạo tác”, có nghĩa là một kẻ nào đó đã thể hiện hành động.
Người ta có quan niệm sai lầm rằng: “Mặc dầu chúng ta nghĩ rằng: chúng ta đang làm một hành động theo ý muốn của chúng ta, nhưng thật ra đó là cái “Ngã” (Atta) đã làm ra hành động này chứ không phải chính chúng ta làm”.
Như vậy, “Ngã” (Atta) thể hiện hành động hay tác động, chúng ta chỉ là dụng cụ hay phương tiện của “Ngã”.
Cũng vậy, mỗi khi chúng ta kinh nghiệm điều gì, hạnh phúc hay đau khổ thì cũng không phải chúng ta kinh nghiệm mà cái “Ngã” (Atta) đã kinh nghiệm, và chúng ta cũng chỉ là dụng cụ hay phương tiện của cái Ngã thôi. Ngã (Atta) này là chủ nhân ông”.
Một người làm chủ chính mình, đó mới là điều quan trọng. Không thể làm chủ chính mình có nghĩa là không có cốt lõi.
Như vậy, Vật Chất (Rūpa) không có cốt lõi, bởi vì là Vật Chất (Rūpa) không có những đặc tính trên.
Vật Chất không phải là kẻ thực hành, Vật Chất cũng không phải là kẻ kinh nghiệm. Vật Chất (Rūpa) cũng không phải là kẻ làm chủ chính mình.
Khi chúng ta hiểu Ngã (Atta) theo cách này thì chúng ta có thể biết được Vật Chất (Rūpa) là Vô Ngã hay không có linh hồn, không có tự ngã, không phải là kẻ sống trong cơ thể này, không phải là người tác động, không phải là người kinh nghiệm, và không phải là kẻ làm chủ chính mình.
Chú Giải đã giải thích rằng: Trước tiên chúng ta thấy Vật Chất là Vô Thường, vậy nó là Khổ. Hai điều đó chúng ta đã hiểu, nếu Vật Chất là Vô Thường thì nó phải Khổ, nó sẽ không có cốt lõi, không có bản chất, và tất nhiên là không có chủ quyền, bởi vì nó không thể ngăn cản cho mình khỏi bị Vô Thường, khỏi bị Khổ.
Đây là luận cứ được dạy trong Chú Giải: Cái gì bị Vô Thường, Khổ thì không thể ngăn cản chính mình không bị sự Vô Thường và sự Khổ chi phối.
Còn về vấn đề kẻ tác động, kẻ kinh nghiệm thì sao? Có nghĩa là một vật gì đang Vô Thường thì không thể nào trở thành Thường được.
Nếu cái khổ không tự mình ngăn cản trở thành không khổ được, thì làm sao nó có thể làm chủ được chính nó để làm kẻ tác động hay kẻ kinh nghiệm.
Như vậy, cái gì là Vô Thường, cái gì là Khổ, thì chắc chắn cái đó là Vô Ngã hay có thể nói chúng là Vô Ngã trong ý nghĩa là không có cốt lõi, không có bản chất.
Điều này đưa đến sự giải thích khác về chữ Vô Ngã (Anatta).
Đó là không thể hành xử chủ quyền được. Đơn giản có nghĩa là không thể theo ý muốn của chúng ta được.
Tất cả Năm Uẩn đều là Anatta; bởi vì Đức Phật đã nói rằng: Cái gì Dukkha thì cái đó là Anatta. Anatta không nhận chịu quyền hành xử của kẻ khác. Nếu chính nó không thể ngăn cản mình trở thành Vô Thường, Khổ thì nó là Anatta, Vô Ngã.
Đức Phật đã đưa ra một tiêu chuẩn để ta dựa vào đó mà phán đoán; như vậy chúng ta có hai mô thức ở đây:
Cái gì Vô Thường là Khổ,
Cái gì Khổ là Vô Ngã.
Vậy cái gì là tiêu chuẩn để dựa vào đó, ta có thể đoán định một vật là Vô Thường.
Nói một cách nôm na thì đó là: nó “biến mất” sau khi “khởi sinh”.
Như vậy, biến mất sau khi khởi sinh đó là dấu hiệu của Vô Thường.
Bất kỳ cái gì khởi sinh và biến mất là Vô Thường. Cái gì Vô Thường thì cái đó là “Dukkha” hay đau khổ. Cái gì “Dukkha” thì “Anatta”.
Chúng ta đã biết Năm Uẩn tức Sắc, Thọ Tưởng, Hành, Thức khởi sinh rồi hoại diệt hay hoại diệt sau khi khởi sinh.
Khi chính ta thấy chúng khởi sinh rồi hoại diệt, ta biết chúng Vô Thường.
Khi chúng ta biết chúng Vô Thường, thì chúng ta cũng biết chúng “Dukkha”.
Chúng Dukkha hay Khổ không có nghĩa là Khổ về phương diện vật lý nhưng có nghĩa là bị đàn áp, bị áp chế bởi sự sinh diệt.
Như vậy, nghĩa của Dukkha ở đây là bị đàn áp, bị áp chế bởi sự sinh diệt. Điều này có nghĩa là một vật gì bị định luật sinh diệt chi phối là Dukkha.
Bất kỳ cái gì có sự sinh diệt đều gọi là Dukkha.
Nếu bạn thấy cái gì có bản chất Vô Thường thì bạn biết rằng: bạn không thể làm cho nó trở thành Thường Còn được.
Nếu bạn thấy cái gì đó là Dukkha thì bạn không thể chuyển nó thành Sukha được.
Như vậy, bạn không thể hành xử gì trên chúng được. Do đó, chúng không có Tự Ngã hay chúng là Anatta (Vô ngã), trong ý nghĩa là chúng không tuân theo nghe theo ý muốn của bạn.
Có nghĩa là chúng khởi sinh và hoại diệt theo ý của chúng, chứ không theo ý của bạn.
Như vậy, Vật Chất và Tâm khởi sinh rồi hoại diệt, tùy theo điều kiện. Dầu ta có muốn chúng khởi sinh hay không, chúng cũng tùy thuộc vào điều kiện của chúng. Chúng khởi sinh rồi chúng hoại diệt. Như vậy, chúng ta không thể điều khiển hay kiểm soát sự sinh diệt của chúng được.
Đó là lý do tại sao chúng ta không có thẩm quyền, không thể kiểm soát điều khiển được chúng. Đó là biểu hiện của Vô Ngã.
Nếu chúng ta muốn biết chúng Vô Ngã hay không, chúng ta phải tìm xem những dấu hiệu đó, đó là chúng không chìu theo quyền điều khiển của một ai.
Theo Chú Giải thì đặc tính hay dấu hiệu của Anatta là không chịu dưới quyền điều khiển của ai cả.
Chúng ta cần phải hiểu rằng: không có cốt lõi là một đặc tính của Anatta.
Vậy khi chúng ta muốn biết xem một vật nào đó có Anatta không thì chúng ta có thể nhìn vào một trong hai dấu hiệu: không có cốt lõi, không có bản chất hay không chiều theo ý muốn của chúng ta.
Phần lớn không thể thấy được Anatta của sự vật.
Bởi vì bản chất Anatta hay Vô Ngã bị che lấp bởi ý niệm “toàn khối”.
Chúng ta xem một vật dưới cái nhìn toàn khối. Bởi vì chúng ta nhìn sự vật dưới cái nhìn toàn khối, nên chúng ta không thấy được bản chất Vô Ngã (Anatta) của sự vật.
Sự vật bị che lấp bởi “toàn khối” có nghĩa là chúng bị che lấp bởi “ý niệm toàn khối”.
Chúng ta tưởng rằng: chúng ta là một khối: Vật Chất này là toàn khối và Tâm này cũng toàn khối.
Bao lâu chúng ta còn nghĩ rằng: chúng ta là toàn khối thì chúng ta chưa thể thấy được sự không có bản chất của chúng ta.
Bởi vì chúng ta không chú ý đến sự tan vỡ của các yếu tố nên bị ý niệm toàn khối che lấp bản chất của các yếu tố.
Bao lâu chúng ta còn thấy Vật Chất và Tâm là toàn khối bấy lâu chúng ta chưa thấy được bản chất Vô Ngã.
Nhưng khi chúng ta đập vỡ Thân và Tâm này thành những yếu tố. Đó là những yếu tố đã kết hợp lại thân tâm này thì chúng ta sẽ thấy sự không có cốt lõi hay không có bản chất của sự vật.
Nhiều người, ngay cả Vật Chất và Tâm là hai chuyện riêng biệt mà họ cũng không thấy được.
Đôi lúc họ nghĩ Vật Chất và Tâm chỉ là một.
Bao lâu chúng ta chưa thấy được sự tách rời hay sự riêng rẽ của “Vật Chất và Tâm” (cùng “những yếu tố khác tạo nên Vật Chất”, và “những yếu tố khác tạo nên tâm”) thì bấy lâu chúng ta chưa thể thấy rõ được chúng; chúng ta chưa thể phá vỡ ý niệm về sự toàn khối.
Nếu chúng ta không thể phá vỡ ý niệm về sự toàn khối thì chúng ta sẽ không thấy được bản chất của Vô Ngã (Anatta).
Khi chúng ta chú tâm quán sát vào những gì đang xảy ra đối với chúng ta, những gì xảy ra trong thân chúng ta, hoặc những sự vật trong hiện tại thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng những gì trước đây chúng ta nghĩ là toàn khối thật ra là sự kết hợp của những thành phần rất nhỏ.
Nếu chúng ta không hành Thiền Minh Sát thì chúng ta sẽ nghĩ rằng: chỉ có một cái tâm làm tất cả các nhiệm vụ thấy, nghe, ngữi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ.
Nhưng khi chúng ta quán sát kỹ càng tâm mình thì sẽ thấy và hiểu rõ rằng: Ta thấy với một cái tâm khác; ta nghe với một cái tâm khác; ta ngữi với một tâm khác, ta nếm với một cái tâm khác, ta suy nghĩ với một tâm khác… Chúng là những tâm riêng biệt, chúng là những yếu tố riêng biệt. Nhiều yếu tố kết hợp vào trong đó.
Có bốn yếu tố chính là đất, nước, gió, lửa. Khi chúng ta thấy rõ ràng những yếu tố này tách rời hẵn nhau thì chúng ta sẽ phá vỡ ý niệm về toàn khối.
Chúng ta có thể phá vỡ ý niệm toàn khối của sự vật vì chúng ta hiểu rõ rằng:, những cái mà chúng ta tưởng rằng: có cốt lõi, có bản chất thật ra chẳng có cốt lõi hay bản chất gì cả. Như vậy, ta thấy được chúng là Vô Ngã.
Khi ta thấy những yếu tố tách rời hẵn nhau, cái này khác cái kia, và khi chúng ta thấy rõ chúng khởi sinh rồi biến mất tùy thuộc vào những điều kiện thì chúng ta sẽ hiểu rõ rằng: chẳng có một thẩm quyền nào có thể hành xử chúng.
Chẳng hạn như trường hợp Tâm Thấy hay Thức Thấy: Khi có một vật thấy, và khi vật ấy đi vào lộ trình của mắt thì sẽ có Thức Thấy.
Bạn không thể nào ngăn trở hay kiểm soát Thức Thấy khi có đủ điều kiện để thấy.
Dầu cho bạn có mong muốn Thức Thấy đừng khởi sinh thì Thức Thấy cũng sinh khởi bởi vì có những điều kiện để Thức Thấy khởi sinh.
Như vậy, chẳng có một thẩm quyền nào hành xử hay kiểm soát của Thức Thấy.
Thức Thấy tùy thuộc vào những điều kiện. Bao lâu có đủ điều kiện, thì bấy lâu Thức Thấy khởi sinh.
Bạn không có thẩm quyền trên chúng.
Không có thẩm quyền trên chúng là một biểu hiện của sự Vô Ngã.
Khi thực hành, chúng ta có thấy thật sự, thấy rõ bản chất Vô Ngã của sự vật.
Chỉ khi nào chúng ta hành Thiền Minh Sát (Vipassana), chỉ khi nào chúng ta chú tâm chánh niệm vào sự vật thì mới thấy rõ chúng không có bản chất, không có cốt lõi và không bị sai khiến, không nhận chịu một sự hành xử hay chủ quyền nào.
Không thực hành Thiền Minh Sát, chúng ta không thể nào thấy được bản chất Vô Ngã một cách rõ ràng.
Chúng ta có thể đọc sách, chúng ta có thể nghe nói, và chúng ta nghĩ rằng: chúng ta đã hiểu bản chất của Vô Ngã nhưng thật ra sự hiểu biết này không phải là sự hiểu biết của chúng ta.
Sự hiểu biết này chỉ là một sự hiểu biết vay mượn.
Chỉ khi nào chúng ta hành Thiền Minh Sát, chỉ khi nào chúng ta chú tâm chánh niệm một cách chặt chẽ vào sự vật trong giây phút hiện tại, chúng ta mới thấy được bản chất Vô Ngã của sự vật cùng với bản chất Vô Thường và bản chất Đau Khổ.
Như vậy, bản chất Vô Ngã chỉ có thể chứng nghiệm xuyên qua việc hành Thiền Minh Sát.
Bởi vì, khi hành Thiền Minh Sát chúng ta thấy chẳng có cái gì là bản chất, chẳng có cái gì chúng ta có thể hành xử quyền hành trên chúng thì chúng ta sẽ hiểu rõ rằng: Chỉ có sự đau khổ mà không có ai đau khổ.
Bởi vì những cái mà chúng ta gọi là người, tôi, ta chỉ là sự kết hợp của Vật Chất và Tâm.
Chẳng có gì vượt qua hay nằm trên Vật Chất và Tâm.
Như vậy xuyên qua việc hành Thiền Minh Sát, chúng ta sẽ thấy rằng: chỉ có đau khổ mà thôi.
Chỉ có sự sinh và sự diệt mà chẳng có cái gì sinh diệt.
Khi chúng ta quán sát những tác động, chúng ta sẽ thấy tác động chỉ là tác động, chẳng có ai thể hiện tác động cả.
Cũng vậy, khi nói rằng: Có sự chấm dứt của đau khổ hay Niết Bàn nhưng không có người nào kinh nghiệm Niết Bàn.
Chỉ có Vật Chất và Tâm mà không có ai cả.
Cũng vậy khi nói rằng: Có Bát Chánh Đạo, hay có Đạo, nhưng không có ai đi trên Đạo này.
Ngoài tám yếu tố của Đạo chẳng có cái gì gọi là Đạo cả.
Như vậy, Đạo chỉ là tám tâm sở, bởi vì trong sự phân tích tuyệt đối (chân đế) chúng chỉ là Vật Chất và Tâm.
Ngoài Vật Chất và Tâm chẳng có gì có thể gọi là người hay cá nhân nào cả.
Bản chất Vô Ngã của Vật Chất và Tâm hay của Ngũ Uẩn không phải là đoạn cuối của việc thực hành Thiền Minh Sát mà thật ra chỉ là sự khởi đầu của thiền Thiền Minh Sát.
Chúng ta phải cần nhiều cố gắng để đạt được những tầng mức cao hơn cho đến khi đạt được tầng mức thấy rõ được Tứ Diệu Đế.
Sự chứng ngộ Tứ Diệu Đế không thể có được nếu không có sự hiểu biết bản chất Vô Ngã.
Thật ra, không phải chỉ bản chất Vô Ngã mà còn bản chất Vô Thường, bản chất Khổ của Vật Chất và Tâm hay hay của Ngũ Uẩn.
Như vậy, điều rất quan trọng khi chúng ta hành Thiền Minh Sát là chúng ta phải, qua kinh nghiệm của chính mình hay tự mình, thấy rõ bản chất Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của Vật Chất và Tâm để chúng ta có thể đi trên Đạo, tiến đến những tầng mức cao hơn của Thiền Minh Sát cho đến khi chúng ta đạt được mục đích tối hậu.
Tóm lại, Đức Phật dạy cho chúng ta biết không có Atta (Ngã) trong Ngũ Uẩn.
Nhưng trên thế gian này chỉ có Ngũ Uẩn mà thôi, vậy không có Atta (Ngã) trên thế gian này.
Đặc tính Vô Ngã (Anatta) là một trong ba đặc tính phổ thông của Vật Chất và Tâm hay của mọi hiện tượng có điều kiện.
Điều quan trọng của chúng ta là phải thấy đặc tính Vô Ngã cùng với đặc tính Vô Thường và Khổ của Vật Chất và Tâm.
Thấy được đặc tính của Vật Chất và Tâm cuối cùng sẽ đưa ta đến Giác Ngộ.
Nguồn trích dẫn: Thuyết Vô Ngã – U Sīlānanda
Bài viết liên quan:
Sayādaw U Sīlānanda – Myanmar.
- Thuyết Anatta-Vô Ngã Trong Phật Giáo, Web, FB
- Vô Ngã Là Vô Thường & Khổ, Web, FB
- Vô Ngã: Hiểu Biết Đúng Đắn Và Hiểu Biết Sai Lầm – Sayādaw U Sīlānanda, Myanmar, Web, FB
- Audio Diệu Pháp Âm: Vô Ngã – Không Có Cốt Lõi Bên Trong (Sayadaw U Sīlānanda) – Tk Pháp Thông Dịch, WebLink
- Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇa Sutta). Thiền Sư Mahasi Sayadaw. Phạm Kim Khánh Dịch, Budsas
(From Siri Canda Facebook)
NẾU HÀNH GIẢ KHÔNG BIẾT RÕ BẢN CHẤT THẾ GIAN, HÀNH GIẢ KHÔNG ĐI ĐẾN ĐÂU CẢ.
– CHỈ CÓ SỰ SANH VÀ DIỆT (Trong Thân Tâm hay Danh Sắc), KHÔNG CÓ MỘT THỰC THỂ THƯỜNG HẰNG: LÀ TÔI, CỦA TÔI, TỰ NGÃ CỦA TÔI.
– Hành giả suy ngẫm từ mọi khía cạnh và nhận thấy rằng không có gì nhiều với cái Tâm này, không có gì kiên định.
– CHỈ CÓ SINH VÀ DIỆT, DIỆT RỒI SINH, không có gì có tính cách Bền Vững, Ổn Định.
– Trong Tứ Oai Nghi: Đi, Đứng, Nằm, Ngồi, Hành giả nhận biết BẢN CHẤT SỰ VẬT như thế đó. Nhìn nơi đâu, Hành giả cũng chỉ thấy KHỔ ĐAU, chỉ vậy thôi.
– Khi Hành giả nói về SỰ TU HÀNH, Hành giả không chỉ đề cập đến những điều THIỆN và tốt đẹp. Không phải vậy.
– Trong thế gian này, có những thứ Hành giả THÍCH, có những thứ Hành giả KHÔNG THÍCH. Thường thì những gì Hành giả thích, Hành giả muốn có, ngay cả người xuất gia.
– Đây là sự chọn lựa dựa vào SỰ ƯA THÍCH nơi mình. Thường thì bất cứ những gì mình KHÔNG THÍCH, mình không muốn Thấy hay Biết đến chúng.
– Nhưng Đức Phật muốn chúng ta kinh nghiệm những điều này. Hãy nhìn vào Thế Gian và nhận biết nó rõ ràng. ĐÓ CHỈ LÀ NHỮNG KHÁI NIỆM, TIÊU CHUẨN THÍCH VÀ KHÔNG THÍCH Ở THẾ GIAN.
– KHI SỰ KHOÁI LẠC VÀ KHỔ ĐAU KHỞI SANH, HÀNH GIẢ PHẢI BIẾT SỬ DỤNG PHẬT PHÁP ĐỂ THOÁT KHỎI CHÚNG. ĐÂY LÀ CỐT TỦY TRONG SỰ TU TẬP.
– Nếu Hành giả cứ chạy quanh quẩn, đuổi theo HẠNH PHÚC, và chạy trốn KHỔ ĐAU, Hành giả có thể tu hành cho đến ngày Hành giả lìa đời mà vẫn không biết gì về Phật Pháp cả.
– Trong Bài Pháp đầu tiên, Đức Phật thuyết giảng về hai thái cực: KHOÁI LẠC VÀ KHỔ ĐAU, bởi đây chính là những thứ ràng buộc con người.
– HAM MUỐN, HẠNH PHÚC ĐÁ SANG BÊN NÀY, SỰ ĐAU KHỔ VÀ BẤT TOẠI NGUYỆN ĐÁ SANG BÊN KIA.
– KẺ TĨNH LẶNG TU HÀNH THEO TRUNG ĐẠO, BUÔNG BỎ SỰ KHOÁI LẠC Ở BÊN TRÁI VÀ XA LÌA SỰ SỢ HÃI, GHEN GHÉT Ở BÊN PHẢI.
– Hành giả phải sử dụng những Khái Niệm, Quy Ước ở Thế Gian để đối tác với nhau, nhưng bên trong Hành giả phải TRỐNG RỖNG. Đây là nơi trú ẩn BẬC THÁNH NHÂN. Tất cả Hành giả phải lấy đây làm MỤC TIÊU SỰ TU HÀNH.
– Hành giả phải hiểu rõ tầm quan trọng CHÁNH NIỆM, THỰC HÀNH THIỀN THƯỜNG XUYÊN, KIÊN ĐỊNH. Thực Hành đúng đắn chính là Thực Hành Kiên Định.
– SỰ THỰC HÀNH PHẢI LIÊN TỤC. TRONG TỨ OAI NGHI: ĐI, ĐỨNG, NẰM, NGỒI, LÚC NÀO HÀNH GIẢ CŨNG CÓ THỂ TU HÀNH.
– Hành giả phải luôn CHÁNH NIỆM, TỈNH GIÁC. Nếu Hành giả HÀNH THIỀN TINH TẤN, Hành giả có thể chứng ngộ vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào.
Ajahn Chah.
LƯU Ý:
– ĐỨC PHẬT NÓI CHÚNG TA PHẢI BIẾT VÀ THẤY THẾ GIAN NAY LÀ TRỐNG RỖNG.
– Ở đây Đức Phật có ý muốn nói: Hành giả phải Biết và Thấy Thế Gian này là:
– KHÔNG THƯỜNG HẰNG (VÔ THƯỜNG).
– KHÔNG AN LẠC (KHỔ).
– KHÔNG CÓ TỰ NGÃ (VÔ NGÃ)
– THIỀN VIPASSANA KHÔNG GÌ KHÁC HƠN LÀ THẤY RÕ THỰC TÁNH: VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ TRONG SỰ THẬT KHỔ VÀ NHÂN SANH KHỔ.
(From Siri Canda Facebook)
KINH VÔ NGÃ TƯỚNG
… — ❶ Sắc, này các Tỷ–kheo, là vô ngã. Này các Tỷ–kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: “Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!”
Và này các Tỷ–kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: “Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!”
❷ Thọ, này các Tỷ–kheo, là vô ngã. Này các Tỷ–kheo, nếu thọ là ngã, thời thọ không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được các thọ như sau: “Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!”
Và này các Tỷ–kheo, vì thọ là vô ngã. Do vậy, thọ đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các thọ: “Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!”
❸ Tưởng là vô ngã …
❹ Các hành là vô ngã, này các Tỷ–kheo, nếu các hành là ngã, thời các hành không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các hành như sau: “Mong rằng các hành của tôi như thế này! Mong rằng các hành của tôi chẳng phải như thế này!”
Và này các Tỷ–kheo, vì các hành là vô ngã. Do vậy, các hành đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các hành: “Mong rằng các hành của tôi như thế này! Mong rằng các hành của tôi không phải như thế này!”
❺ Thức là vô ngã, này các Tỷ–kheo, nếu thức là ngã, thời thức không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể có được các thức như sau: “Mong rằng thức của tôi như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!”
Và này các Tỷ–kheo, vì thức là vô ngã. Do vậy, thức đi đến bệnh hoạn, và không có thể có được thức: “Mong rằng thức của tôi như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!”
Này các Tỷ–kheo, các Ông nghĩ thế nào?
– ❶ Sắc là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn!
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: ” Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– ❷ Thọ … ❸ Tưởng … ❹ Các hành …
❺ Thức là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Do vậy, này các Tỷ–kheo,
❶ phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
❷ Phàm thọ gì …
❸ Phàm tưởng gì …
❹ Phàm các hành gì …
❺ Phàm thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Thấy vậy, này các Tỷ–kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử ❶ yếm ly đối với sắc, ❷ yếm ly đối với thọ, ❸ yếm ly đối với tưởng, ❹ yếm y đối với các hành, ❺ yếm ly đối với thức.
Do yếm ly, vị ấy ly tham.
Do ly tham, vị ấy giải thoát.
Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”.
Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
Thế Tôn thuyết như vậy. Nhóm năm vị Tỷ–kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời dạy này được nói lên, tâm của nhóm năm vị Tỷ–kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 22: Tương ưng uẩn – I: Phẩm tham luyến – 59. Năm Vị (Vô ngã tướng)]
Bài viết liên quan
- Giác Ngộ Có Nghĩa Là Là Gì, Web, FB
- Giác Ngộ Giải Thoát Là Giác Ngộ Tứ Thánh Đế, Web, FB
- Như Thế Nào Là Thế Giới Quan Theo Kinh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy?, Web, FB
- Liệu Đạo Phật Có Mâu Thuẫn Khoa Học Không?, Web, FB
- Thuyết Anatta-Vô Ngã Trong Phật Giáo, Web, FB
- Sayādaw U Sīlānanda – Myanmar., FB
- Anata – Vô Ngã Là Gì, Web, FB
- Who Am I? Ta Là Ai, Web, FB
- Vô Ngã Là Gì? What Is Non-Self?, FB
- Có Phải Vô Ngã Là Không Nên Phân Biệt, Không Nên Lựa Chọn Đúng Sai, Tốt Xấu, Thiện Ác?, Web, FB
- Thấy Chỉ Là Thấy, Web, FB
- Ai Đang Nói, Ai Đang Nghe, Web, FB
- Tất Cả Thảy Đều Trống Không., FB
- Trống Không Là Thế Giới, Web, FB
- Ai Ăn Thức Thực? Ai Cảm Xúc? Ai Cảm Thọ? Ai Khát Ái? Ai Chấp Thủ?, Web, FB, FB
- Lợi Ích Phòng Hộ Các Căn Là Gì ?, Web, FB
- Thế Nào Là Không Nắm Giữ Tướng Chung, Không Nắm Tướng Riêng?, Web, FB
- Lộn Ngược Là Thế Nào, Web, FB
- Thế Nào Là Hão Huyền? Thế Nào Là Vọng Tưởng?, Web, FB
- Thế Nào Là Tưởng Điên Đảo? Tâm Điên Đảo? Kiến Điên Đảo?, Web, FB
- Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức, Web, FB
- Kiến Thanh Tịnh, Web, FB
- Đoạn Nghi Thanh Tịnh, Web, FB
- Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
- Tôi Nguyện, Web, FB
- Tại Sao Myanmar, Web, FB
- Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
- Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
- Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
- Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
- Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
- Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
- Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
- Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB
Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.
- Youtube, Youtube
- Archive, Archive
- Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
- Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
- Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
- Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
- Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
- Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
- 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
- Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB