Anata – Vô Ngã Là Gì

Cái mà người ta thường gọi là linh hồn, ngã hay cái tôi, là để ám chỉ một thực thể tuyệt đối, trường cửu trong con người, bản thể bất biến đằng sau thế giới hiện tượng hằng biến. Theo một vài tôn giáo, mỗi người có một linh hồn tách biệt như thế do Chúa tạo dựng, và linh hồn ấy sau khi chết sẽ vĩnh viễn sống trong địa ngục hay thiên đường.

Số phận nó tùy thuộc vào sự phán xét của đấng sáng tạo ra nó. Theo một vài tôn giáo khác, linh hồn ấy trải qua nhiều đời sống, cho đến khi nó hoàn toàn trong sạch và cuối cùng trở thành đồng nhất với Thượng đế hay Phạm thiên Brahman, Linh hồn phổ quát hay Àtman từ đấy nó phát xuất. Linh hồn hay ngã trong con người là cái suy nghĩ, cảm giác, và nhận thưởng phạt về tất cả mọi hành vi thiện ác của nó. Một quan niệm như thế gọi là Ngã kiến.

Phật giáo là tôn giáo độc nhất trong lịch sử tôn giáo nhân loại phủ nhận hiện hữu của một linh hồn, Ngã hay Àtman như thế. Theo giáo lý Phật, ngã kiến là một niềm tin sai lạc, không tương ứng với thực tại, và nó phát sinh những tư tưởng tai hại về “tôi” và “của tôi”, dục vọng ích kỷ không biết chán, sự chấp thủ, sân hận, ác độc, kiêu căng ngã mạn, và những cấu uế ô nhiễm khác cùng nhiều rắc rối. Nó là nguồn gốc của mọi rối ren trên đời, từ những tranh chấp cá nhân cho đến chiến tranh giữa các dân tộc. Tóm lại, tất cả mọi sự tác quái trên thế gian đều bắt nguồn từ quan niệm sai lạc này.

Có hai ý tưởng thâm căn cố đế trong tâm lý con người: tự vệ và tự tồn. Vì muốn tự vệ con người đã dựng nên Thượng đế để nương tựa, để được che chở, được an ninh bảo đảm, như một đứa trẻ nương tựa vào cha mẹ. Vì muốn tự tồn người ta đã sáng tạo ra ý tưởng về một linh hồn bất tử hay Àtman sẽ sống mãi đến bất tận. Trong ngu si, yếu đuối, sợ hãi, khát khao, người ta cần hai điều ấy để tự trấn an, tự vỗ về; vì lý do đó họ bám vào đấy một cách cuồng tín và hăng say.

Giáo lý Phật không dung dưỡng sự ngu si, yếu đuối, sợ hãi, khát khao ấy, mà cốt làm con người sáng mắt ra bằng cách trừ khử, tiêu diệt, nhổ tận gốc những thói này. Theo Phật giáo, những ý tưởng của chúng ta về thượng đế và linh hồn là sai lạc, trống rỗng. Mặc dù những ý tưởng ấy được phát triển sâu đậm, dệt thành những chủ thuyết, tất cả đều là những dự phóng tinh vi của óc tưởng tượng được gói ghém trong một mớ danh từ triết lý và siêu hình phức tạp. Những ý tưởng này đã ăn sâu gốc rễ trong tâm lý con người, gần gũi thân thiết với họ đến nỗi họ không mong nghe, cũng không muốn hiểu một đạo lý nào ngược lại.

Đức Phật biết rõ điều ấy, ngài dạy rằng giáo lý của ngài “đi ngược dòng” (patisotagàmi), trái ngược với những dục vọng ích kỷ của con người. Bốn tuần lễ sau khi giác ngộ, ngồi dưới một gốc cổ thụ, ngài tự nhủ:

“Ta đã thực chứng một sự thực sâu xa, khó thấy, khó hiểu… chỉ những bậc trí mới hiểu thấu. Những người bị đam mê chế ngự, bị vô minh vây phủ không thể nào thấy chân lý này, vì nó ngược dòng, nó cao siêu, sâu kín, tế nhị và khó nghĩ bàn.”

Nghĩ thế, đức Phật đã do dự một lúc: “Có phải vô ích không nếu ta cố giảng giải cho thế gian Chân lý mà ta đã chứng nhập?” Rồi ngài so sánh thế gian như một ao sen: trong ấy có nhiều hoa còn ở dưới mặt nước, có những hoa khác chỉ vừa ló lên trên mặt nước, nhưng cũng có những bông hoa đã vươn lên khỏi mặt hồ và không còn động chạm với nước. Cũng thế trong thế gian này, trình độ phát triển của con người khác nhau. Có một số người sẽ hiểu được Chân lý. Vì thế đức Phật quyết định giảng dạy chân lý ấy.

Lý Vô ngã là kết quả tự nhiên, là hệ luận của phân tích Ngũ uẩn và Duyên khởi (hay duyên sinh, paticca–samuppàda).

Trong phần thảo luận về Diệu đế thứ nhất (Khổ đế, dukkha), chúng ta đã thấy cái mà ta gọi linh hồn hay cá thể được cấu tạo bởi năm uẩn, và khi phân tích kỹ năm uẩn ta không thấy có gì đằng sau chúng có thể gọi được là Tôi, Àtman hay Ngã, hay bất cứ bản thể trường tồn bất biến nào. Ðấy là phương pháp phân tích. Ta cũng có kết quả tương tự khi xét kỹ luật duyên khởi, phương pháp tổng hợp, và theo luật này thì không có gì trên thế gian là tuyệt đối. Mọi sự vật (pháp) đều giới hạn, tương đối, và phụ thuộc lẫn nhau. Ðây là thuyết tương đối của Phật giáo.

Trước khi thực sự đi vào vấn đề Vô ngã, ta nên có một ý niệm sơ qua về luật duyên khởi. Nguyên tắc của lý thuyết này được tóm tắt trong một công thức gồm 4 dòng:

Cái này có, thì cái kia có (imasmim sati idamhoti).

Cái này sinh, thì cái kia sinh (imassuppàda idam uppajjati).

Cái này không, thì cái kia không (imasmim asati idam na hoti).

Cái này diệt, thì cái kia diệt (imassa nirodhà idam airujjhata).

Theo nguyên tắc điều kiện tính, tương đối tính và tính hỗ tương tùy thuộc ấy, sự tiếp tục của đời sống và sự chấm dứt của nó được giải thích trong một công thức chi tiết gọi là duyên khởi, (nghĩa là sự sinh khởi có điều kiện hay duyên) gồm 12 yếu tố:

Vô minh (làm) duyên (cho) hành (những hoạt động cố ý hay nghiệp) (avijjàpaccayà samkhàvà).

Hành (làm) duyên (cho) thức (samkhàrapaccayà vinnànam).

Thức (làm) duyên (cho) danh sắc (những hiện tượng tâm lý và vật lý) (Vinnànapaccayà nàmarùpam).

Danh sắc (làm) duyên (cho) lục nhập (5 giác quan và ý thức) (Nàmarùpapaccayà salàyatanam).

Lục nhập (làm) duyên (cho) xúc (động chạm, tiếp xúc) (salàyatanapaccayà phasso).

Xúc (làm) duyên (cho) thọ (cảm giác) (phassapaccayà vedanà).

Thọ (làm) duyên (cho) ái (khao khát ham muốn) (vedanàpaccayàtanhà).

Ái (làm) duyên (cho) thủ (bám víu, giữ lấy) (Tanhapaccayà upàdànam).

Thủ (làm) duyên (cho) hữu (quá trình sinh ra và trở thành) (upàdànapaccayà bhavo).

Hữu (làm) duyên (cho) sinh (sự sống, sinh ra) (Bhavapaccayà jàti).

Sinh (làm) duyên (cho)

Lão (già) tử (chết) ưu bi khổ não (buồn lo đau đớn) (Jàtipaccayà jaràm maranam).

Ðây là quá trình theo đó sự sống đã phát sinh, tồn tại và tiếp diễn. Nếu ta đảo ngược công thức lại, ta sẽ đi đến sự chấm dứt của quá trình:

Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt v.v.. cho đến khi sinh lão, tử, ưu bi khổ não… diệt.

Cần nhớ rõ một điều rằng mỗi yếu tố trên đây đều vừa là nhân vừa là quả, nó vừa bị định đoạt bởi (paticcasamuppanna), và vừa làm điều kiện cho (paticcasamuppàda). Bởi thế chúng đều là tương đối, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan với nhau, không có cái gì là tuyệt đối hay biệt lập, do đó mà Phật giáo không công nhận có “nguyên nhân đầu tiên” như ta đã thấy trước kia. Duyên khởi nên xem như một vòng tròn, chứ không nên xem là một sợi xích.

Vấn đề ý chí tự do chiếm một địa vị quan trọng trong tư tưởng và triết học Tây phương. Nhưng theo luật duyên khởi, vấn đề này không phát sinh và không thể phát sinh trong triết học Phật giáo. Nếu toàn thể hiện hữu đều là tương đối, giới hạn và phụ thuộc nhau, làm sao một mình ý chí có thể được tự do? ý muốn cũng bị giới hạn như bất cứ tư tưởng nào khác.

Cái ta gọi là “tự do”chính nó cũng giới hạn và tương đối. Không thể có cái gì vật lý hay tâm lý có thể tuyệt đối tự do, vì mọi sự đều tương quan và tương đối. “ý chí tự do” bao hàm ý nghĩa một ý muốn không phụ thuộc vào những điều kiện, biệt lập với nhân quả.

Làm sao một ý muốn hay bất cứ cái gì thuộc về ý chí, có thể phát sinh mà không có những điều kiện, tách rời nhân và quả – khi toàn thể hiện hữu đều giới hạn và tương đối, nằm trong luật nhân quả? Lại nữa ở đây, ý niệm về ý chí tự do cũng liên quan mật thiết đến những ý tưởng về Thượng đế, linh hồn, công bằng, thưởng phạt. Không những cái gọi là tự do đã không tự do, mà ngay cả chính ý niệm về ý chí tự do cũng không thoát khỏi những điều kiện.

Theo luật duyên khởi, cũng như theo sự phân tích con người thành năm uẩn, ý tưởng về một bản thể trường cửu bất diệt ở trong hay ngoài con người, dù gọi là Àtman, Tôi, Linh hồn, Ngã, hay cái Ta, chỉ được coi như một niềm tin sai lạc (tà tín), một bóng dáng của tâm thức. Ðây là lý thuyết Phật giáo về Vô ngã (anatta).

Ðể tránh một sự lầm lẫn, ở đây ta nên nhắc rằng có hai loại sự thật: sự thật ước lệ, Tục đế (sammutisacca), và sự thật tuyệt đối hay Thắng nghĩa đế (paramatthasaca).

Khi ta dùng thường ngày những từ ngữ như “tôi”, “anh”, “linh hồn”, “cá nhân” v.v.. không phải chúng ta nói dối, mà nói một sự thật thuận theo quy ước của thế gian. Nhưng sự thật tối hậu là không có “tôi” hay “linh hồn”.

“Sự phủ nhận một linh hồn bất tử là đặc tính chung cho mọi hệ thống giáo lý của Phật giáo.

Bởi thế, thật lạ lùng khi gần đây vài học giả (như bà Rhys Davids và những người khác) đã cố – một cách vô vọng – xen ý tưởng về ngã vào trong giáo lý Phật, một điều hoàn toàn trái ngược với Phật giáo. Những vị học giả này kính trọng, ngưỡng mộ và sùng thượng đức Phật và giáo lý Ngài.

Họ ngưỡng mộ Phật giáo. Nhưng họ không thể tưởng tượng được rằng đức Phật, người họ xem là tư tưởng gia sâu sắc và minh bạch nhất, lại có thể phủ nhận hiện hữu của Àtman, linh hồn hay ngã mà họ rất cần đến. Họ không biết rằng họ đang tìm sự ủng hộ của Phật cho nhu cầu này, nhu cầu một hiện hữu bất diệt – dĩ nhiên không phải trong một cái ngã nhỏ nhen cá biệt với một chữ n thường, mà trong cái Ngã với một chữ N hoa.

Tốt hơn, người ta nên nói thật rằng họ tin vào Àtman hay Ngã, hoặc người ta có thể nói ngay rằng Phật hoàn toàn sai lầm khi phủ nhận hiện hữu của một cái Ngã. Nhưng chắc chắn không ai nên đưa vào trong đạo Phật một ý tưởng mà Phật không bao giờ chấp nhận, như chúng ta có thể thấy từ những nguyên bản Pàli còn lại.

Những tôn giáo tin có Thượng đế và linh hồn không giấu diếm hai khái niệm ấy, trái lại còn tuyên bố chúng ra, lặp đi lặp lại nhiều lần bằng những từ ngữ hùng hồn nhất. Nếu quả tình Phật cũng chấp nhận hai ý tưởng ấy, hai ý tưởng tối quan trọng trong mọi tôn giáo, thì chắc chắn Ngài đã công khai tuyên bố chúng như Ngài đã tuyên bố những điều khác, chứ không để cho chúng bị ẩn khuất để chỉ được khám phá ra 25 thế kỷ sau khi Ngài mất.

Người ta đâm ra nóng nảy khi nghĩ rằng qua giáo lý Vô ngã của Phật, cái Tôi mà họ tưởng tượng mình có, sẽ bị phá hủy. Ðức Phật không phải là không biết đến điều này.

Một hôm, một vị Tỳ kheo hỏi Ngài: “Bạch đức Thế Tôn, có khi nào người ta bị dày vò bối rối vì không tìm thấy được trong mình một cái gì trường cửu?”

Ðức Phật trả lời:

– Quả có như vậy, này Tỳ kheo. Khi một người có ý nghĩ “Vũ trụ là Àtman, sau khi chết ta sẽ là cái ấy, trường cửu, còn mãi, kéo dài, bất biến, ta sẽ tồn tại như thế cho đến vô cùng”, mà được nghe Như Lai hay một đệ tử của Như Lai giảng lý thuyết đưa đến sự phá hủy hoàn toàn mọi quan điểm tư duy… đưa đến sự dập tắt khát ái, đưa đến giải thoát, chấm dứt, Niết–bàn; người ấy sẽ nghĩ: “Thế là ta sẽ trở thành hư vô, ta sẽ bị hủy diệt, ta sẽ không còn nữa.”

Do vậy nó rên rỉ, lo lắng, đấm ngực than khóc, và đâm ra hoảng hốt. Như thế, này Tỳ kheo, quả có trường hợp người ta bị dày vò khi không tìm thấy được trong nó một cái gì trường cửu.

Ở một đoạn khác, đức Phật dạy: Hỏi các Tỳ kheo, ý nghĩ “ta sẽ không còn tồn tại, không có gì nữa” làm cho những người ngu sợ hãi.”

Những người muốn tìm một cái “Ngã” trong Phật giáo lý luận như sau: Quả thật đức Phật đã phân tích con người ra sắc, thọ, tưởng, hành, thức (Ngũ uẩn), và bảo rằng không có gì trong những thứ ấy là Ngã. Nhưng Ngài không bảo tuyệt đối không có Ngã, nơi con người hay nơi nào khác ngoài năm uẩn.

Lập trường này không đứng vững được vì hai lẽ:

Lẽ thứ nhất là theo giáo lý Phật, con người chỉ là năm uẩn kết hợp không là gì khác. Không có chỗ nào Phật bảo còn có cái gì khác ở trong con người, ngoài năm uẩn.

Lẽ thứ hai là nhiều lần Phật đã bác bỏ, bằng những lời lẽ minh bạch, hiện hữu của Àtman, linh hồn hay Ngã trong hay ngoài con người, hay bất cứ ở đâu trong vũ trụ. Ðây là vài ví dụ:

Trong kinh Pháp cú (Dhammapada) có ba bài kệ vô cùng quan trọng và cốt yếu trong giáo lý Phật: bài 5, 6, 7 chương 20 (hay những câu thơ số 277, 278, 279).

Hai câu thơ đầu nói:

“Tất cả hành là vô thường” (sabbe samkhàrà aniccà) và

“Tất cả hành là khổ” (sabbe samkhàrà dukkhà).

[hành hay hữu vi, là những gì có sinh, trú và diệt; được kết hợp do các điều kiện – Dịch giả]

Câu thứ ba là:

“Tất cả pháp vô ngã” (sabbe dhammà anattà).

Cần chú ý đặc biệt ở đây rằng trong hai câu đầu, chữ samkhàrà – “những sự vật có điều kiện” – đã được dùng. Nhưng trong câu thứ ba thay vì chữ samkhàra, chữ dhammà đã được dùng. Vì sao câu thơ thứ ba đã không dùng chữ hành, samkhàrà, “sự vật có điều kiện”, như hai câu trước, mà lại dùng danh từ pháp, dhammà thay vào? Chính đấy là điểm quan trọng nhất của vấn đề.

Danh từ hành, samkhàra ám chỉ Ngũ uẩn, mọi sự vật và trạng thái bị giới hạn, phụ thuộc lẫn nhau, tương đối, mọi “pháp” vật lý cũng như tâm lý (sắc pháp và tâm pháp). Nếu câu thơ thứ ba nói: “Mọi hành (sự vật bị giới hạn) là vô ngã” thì người ta có thể nghĩ sự vật bị giới hạn là vô ngã, tuy nhiên có thể có một cái Ngã ở ngoài những sự vật bị giới hạn đó, ở ngoài Ngũ uẩn. Chính để tránh sự hiểu lầm mà danh từ pháp (dhammà) đã được dùng trong câu thơ thứ ba.

Danh từ pháp có phạm vi rộng lớn hơn hành rất nhiều. Không có danh từ nào trong thuật ngữ Phật học lại có phạm vi rộng hơn chữ pháp. Nó bao gồm không những những sự vật và trạng thái có điều kiện, mà còn cả cái vô điều kiện, cái tuyệt đối, Niết–bàn; không có gì ở trong hay ở ngoài vũ trụ, tốt hay xấu, hữu vi (có điều kiện) hay vô vi (không điều kiện), tương đối hay tuyệt đối…, mà không được bao gồm trong danh từ này. Bởi vậy, thật quá rõ ràng, theo câu “tất cả pháp vô ngã” thì không có Ngã, không có linh hồn, không những chỉ ở trong Ngũ uẩn, mà còn bất cứ ở đâu ngoài ngũ uẩn hay tách biệt với ngũ uẩn.

Theo giáo lý nguyên thủy, điều này có nghĩa rằng không có ngã ở trong con người (puggala) hay trong các pháp.

Trong kinh Xà dụ Alagadddùpamasutta (Trung bộ I), Phật dạy môn đệ: “Hỏi các Tỳ kheo, các ông có thể bám lấy một ngã luận (thuyết về ngã) nếu điều ấy không phát sinh sầu, bi khổ, ưu, não. Nhưng này các Tỳ kheo, các ông có thấy một ngã luận nào như thế hay không, một ngã luận mà khi chấp nhận nó, sẽ không phát sinh sầu, bi, khổ, ưu, não?

– Bạch đức Thế Tôn, nhất định là không.

– Chính thế, hỏi các Tỳ kheo, Như Lai cũng vậy. Này các Tỳ kheo, Như Lai không thấy một ngã luận nào mà nếu chấp nhận, sẽ không phát sinh sầu, bi, khổ, ưu, não.”

Nếu Phật đã chấp nhận một ngã luận nào, thì chắc chắn ngài đã giảng ra đây, vì ngài bảo các Tỳ kheo hãy chấp nhận một ngã luận nếu luận thuyết đó không phát sinh đau khổ. Nhưng theo ngài, không có một thuyết nào như thế, và bất cứ một ngã luận nào, dù tinh tế và cao siêu đến đâu cũng chỉ là giả danh và tưởng tượng, sinh ra mọi vấn đề rắc rối, kéo theo những sầu, bi, khổ, ưu não.

Tiếp theo, cũng trong kinh ấy Phật dạy:

“Hỏi các Tỳ kheo, khi mà Ngã hay bất cứ cái gì thuộc về Ngã không thực có, thì quan điểm tư duy này: “Vũ trụ là Ngã, ta sẽ là Ngã sau khi chết, sẽ trường cửu, tồn tại, vĩnh viễn, bất biến, và ta sẽ hiện hữu như thế cho đến vô tận thời gian”, quan điểm ấy có phải là hoàn toàn điên rồ chăng?”

Ở đây Phật nói rõ rằng một Àtman, hay linh hồn, hay Ngã, thì không thể tìm thấy đâu trong thực tại, và thật điên rồ để tin tưởng rằng có một chuyện như thế.

Những người tìm kiếm một cái Ngã trong giáo lý Phật trích ra một ít ví dụ mà trước hết họ dịch sai, rồi giải thích một cách lầm lẫn. Một trong những ví dụ ấy là câu danh tiếng attà hi attano nàtho trong kinh Pháp cú (XII, 4 hay câu thơ 160), đã được dịch là “Ta là chúa tể của ta”, và được giải thích rằng nó có nghĩa cái Ngã lớn là chúa tể của cái ngã nhỏ.

Trước hết, lối dịch ấy không đúng. Attà đây không có nghĩa là ngã trong nghĩa linh hồn. Trong tiếng Pàli, danh từ attà thường được dùng như một đại danh từ, trừ số ít trường hợp được dùng theo nghĩa đặc biệt triết học để chỉ thuyết linh hồn như đã thấy ở trên.

Theo cách dùng thông thường, như trong chương XII của Pháp cú, từ đấy câu trên được trích, và trong nhiều nơi khác, attà được dùng như một đại danh từ hay đại danh từ bất định có nghĩa “chính tôi”, “chính anh”, “chính nó”, “chính ta”, “chính người ta” v.v..

Kế đến, chữ nàtho không có nghĩa là “chúa tể”, mà là “nơi nương tựa”, “trú ẩn, giúp đỡ, che chở”. Bởi thế Attà hi attano thật sự có nghĩa “Ta là chỗ nương của chính ta“. Nó không dính dáng gì đến một cái ngã hay linh hồn siêu hình nào cả. Nó chỉ có nghĩa bạn phải nương cậy vào chính bạn chứ đừng ỷ lại vào kẻ khác.

Một ví dụ khác về sự cố đưa ý tưởng về ngã vào giáo lý Phật là câu danh tiếng Attadìpà viharatha, attasarana anannasaranà được tách khỏi mạch văn kinh Ðại Bát Niết Bàn. Câu này dịch sát ý có nghĩa: “Hãy là hòn đảo cho chính ngươi, là nơi trú ẩn cho chính ngươi, và đừng xem ai khác là nơi nương cậy“. Những người muốn tìm ngã trong Phật giáo đã giải thích từ ngữ attadìpà và attasaranà là “lấy ngã làm ngọn đèn”, “lấy ngã làm nơi nương tựa”.

Ta không hiểu trọn ý nghĩa lời Phật khuyên A–nan (Ànanda) nếu không xét đến bối cảnh và mạch văn trong đó những lời này được thốt ra.

Lúc ấy đức Phật đang nghỉ tại một khu làng gọi là Behuva, ba tháng trước khi Ngài mất, Bát Niết–bàn (parinirvàna). Bấy giờ Ngài đã 80 tuổi, đang lâm bệnh nặng. Nhưng Ngài nghĩ không nên chết mà không từ giã những môn đệ vốn gần gũi yêu mến Ngài.

Bởi thế, một cách can đảm, cả quyết, Ngài chịu đựng tất cả đau đớn, thắng lướt cơn bệnh, và bình phục. Nhưng sức khỏe Ngài còn kém. Sau khi bình phục, một ngày kia Ngài ngồi trong bóng mát ở bên ngoài chỗ Ngài lưu trú. A–nan, vị thị giả tận tụy nhất của Phật, tiến đến đức Ðạo sư quý mến của mình, ngồi bên cạnh đức Thế Tôn và bạch:

“Bạch đức Thế Tôn, con đã săn sóc sức khỏe đức Thế Tôn, con đã hầu hạ Ngài trong khi Ngài lâm bệnh. Nhưng khi thấy bệnh tình của Ngài, bầu trời đối với con trở nên mờ mịt, và các giác quan của con không còn sáng suốt nữa. Tuy nhiên con còn một điều an ủi nhỏ này: con nghĩ đức Thế Tôn sẽ không nhập Niết–bàn mà không để lại những lời di giáo đề cập đến đoàn thể Tăng già.”

Khi ấy đức Phật đầy từ bi và nhân ái, đã khoan hòa nói với người thị giả tận tụy thân yêu: “A Nan, đoàn thể Tăng già còn chờ đợi gì nơi ta nữa? Ta đã nói pháp (chân lý) không phân biệt cao thấp. Về phương diện chân lý, Như Lai không có gì như nắm tay khép chặt của một ông thầy (àcariyamutthi). Này A–nan, nếu người nào có ý nghĩ muốn lãnh đạo Tăng già, Tăng già phải tùy thuộc vào họ, thì dĩ nhiên họ sẽ đặt ra những chỉ dẫn.

Nhưng Như Lai không có ý nghĩ ấy. Vậy thì sao Như Lai phải lưu lại những lời chỉ dẫn liên hệ đến tổ chức Tăng già? Nay ta đã già, A–nan, đã 80 tuổi. Như một chiếc xe cũ cần phải sửa chữa mới chạy được, cũng thế, thân xác của Như Lai bây giờ cũng chỉ tiếp tục điều hành nhờ sửa chữa. Bởi thế, này A–nan, hãy tự làm hòn đảo cho chính ngươi, hãy lấy chính ngươi làm nơi nương tựa, không nương tựa vào ai khác; hãy lấy Pháp làm hòn đảo, lấy Pháp làm nơi nương tựa, không ai khác có thể làm nơi nương tựa cho ngươi.

Những gì đức Phật muốn truyền dạy A–nan thật quá rõ ràng. A–nan đang buồn sầu đau đớn. Ông nghĩ rằng mình sẽ hoàn toàn cô độc, không người giúp đỡ, không nơi nương tựa, không người hướng dẫn, sau khi đức Ðạo sư vĩ đại qua đời. Bởi thế đức Phật ban cho ông những lời an ủi, khuyên ông can đảm, tin tưởng, dạy rằng nên nương vào chính đạo và nương vào “Pháp” Ngài đã truyền, chứ đừng nương vào ai khác, vào cái gì khác. Ở đây vấn đề về một Àtman siêu hình, hay ngã, là hoàn toàn không nhằm chỗ.

Sau đó, đức Phật giảng giải cho A–nan làm thế nào để có thể là hòn đảo hay chỗ trú ẩn cho chính mình: ấy là nhờ sự đào luyện tâm chú ý quán sát thân, cảm thọ, tâm và các pháp (Tứ Niện Xứ). Ở đây cũng thế, không có một chữ nào liên hệ đến ngã hay linh hồn.

Một tài liệu khác cũng rất thường được trích dẫn bởi những người muốn tìm Ngã trong giáo lý Phật. Một hôm đức Phật ngồi dưới bóng cây trong một khu rừng trên đường đi từ Benarès (Ba la nại) đến Uruvelà. Vào ngày ấy có 30 hoàng tử trẻ tuổi đang đi cắm trại cùng với những người vợ trẻ của họ trong cùng khu rừng ấy. Một ông hoàng chưa vợ mang theo một gái giang hồ.

Trong khi những người khác đang vui đùa, thì cô ta trộm một vài đồ vật quý giá và trốn mất. Trong khi đi tìm cô ấy trong cánh rừng, trông thấy Phật đang ngồi dưới gốc cây họ hỏi Ngài có thấy một người đàn bà đi qua không. Ngài hỏi có chuyện gì, và sau khi nghe giải thích đức Phật hỏi họ: “Các ngươi nghĩ sao, hỏi những người trẻ tuổi? Ðiều gì tốt hơn cho các ngươi: đi tìm một người đàn bà, hay đi tìm chính mình?”

Ðây cũng lại là một câu hỏi rất giản dị và tự nhiên, không có lý do gì để đưa vào đấy những ý tưởng xa xôi về Ngã hay Linh hồn. Họ trả lời tốt hơn nên tìm kiếm chính mình. Phật liền bảo họ ngồi xuống và giảng pháp cho họ nghe. Theo bài pháp mà Phật đã giảng cho họ còn ghi lại trong kinh điển nguyên thủy, không có một chữ nào nói về ngã.

Người ta đã viết nhiều về đề tài “sự im lặng của Phật”, khi một du sĩ tên Vacchagotta hỏi Ngài có ngã hay không. Câu chuyện như sau:

Vacchagotta đi đến đức Phật và thưa hỏi:

– Thưa Ngài Cồ–đàm, có ngã hay không?

Ðức Phật lặng im.

– Thế thì thưa Ngài, không có ngã sao?

Ðức Phật lại im lặng.

Vacchagotta đứng dậy bỏ đi.

Sau khi du sĩ (parivràjaka) rời khỏi, A–nan hỏi Phật vì sao Ngài đã không trả lời câu hỏi của Vacchagotta. Phật giải thích thái độ của Ngài như sau:

– Này A–nan, khi du sĩ ấy hỏi: “Có ngã hay không?”, nếu trả lời: “Có” là ta đã đứng về phe các sa môn, Bà la môn chủ trương thuyết trường tồn (sassatavàda). Và này A–nan, khi du sĩ ấy hỏi: “Không có ngã hay sao?” nếu trả lời “Không” là ta đã đứng về phe các sa môn Bà la môn chủ trương thuyết đoạn diệt (uccheda vàda).

Lại nữa, này A–nan, khi du sĩ ấy hỏi: “Có ngã không?”, mà ta trả lời: “Có” thì như thế có phù hợp với sự thấy biết của ta rằng vạn pháp là vô ngã hay không?”

– Bạch Thế Tôn, hẳn là không.

– Lại nữa, này A–nan, khi du sĩ ấy hỏi: “Không có ngã hay sao?” mà ta trả lời: “Không”, thì sẽ làm cho Vacchagotta đã hoang mang lại càng hoang mang thêm nữa. Vì y sẽ nghĩ: “Trước kia quả thật ta có ngã, nhưng bây giờ ta không có nữa.”

Bây giờ hẳn là ta phải hiểu rõ vì sao Phật im lặng. Nhưng ta sẽ còn hiểu rõ hơn nếu xét toàn thể bối cảnh và cách Phật xử trí về những câu hỏi và người hỏi – điều mà những người bàn đến vấn đề ấy hoàn toàn bỏ qua.

Phật không phải như một máy tính tuôn ra đáp số cho bất kỳ câu hỏi nào, do bất cứ ai đặt ra, không cần suy xét. Ngài là một bậc Ðạo sư thực tiễn, đầy từ bi và trí tuệ. Ngài không trả lời câu hỏi để phô bày kiến thức và thông minh của mình, mà để giúp người hỏi trên đường đạt đến thực chứng. Khi nói với người nào Ngài luôn luôn quan tâm đến trình độ phát triển của họ, khuynh hướng của họ, cấu tạo tâm thức của họ, tính tình họ và khả năng họ để lĩnh hội vấn đề.

Theo Phật, có bốn cách đáp câu hỏi:

Có khi nên trả lời thẳng câu hỏi.

Có câu hỏi cần trả lời bằng cách phân tích.

Có khi nên trả lời bằng cách hỏi ngược lại.

Và cuối cùng, có những câu hỏi nên dẹp, không đáp.

Có thể có nhiều cách dẹp một vấn đề. Một cách là bảo vấn đề ấy không có giải đáp, đó là cách Phật đã có lần xử dụng với du sĩ Vacchagotta ấy, khi ông đặt những câu hỏi nổi tiếng về vũ trụ trường tồn hay không v.v..[l. Cũng với cách ấy, Ngài đã trả lời cho Màlunkyaputta và những người khác. Nhưng Ngài không thể làm vậy về vấn đề có ngã hay không, vì Ngài đã luôn luôn thảo luận và giảng giải nó.

Ngài không thể nói: “Có ngã” vì nó trái ngược với kiến giải của Ngài rằng tất cả các pháp vô ngã. Và Ngài cũng không muốn nói không có linh hồn, vì như thế là vô cớ làm cho anh chàng tội nghiệp Vacchagotta đã hoang mang càng hoang mang thêm, như chính anh ta đã công nhận. Anh ta chưa đủ căn cơ để hiểu về vô ngã. Vì vậy trong trường hợp này, dẹp câu hỏi sang một bên bằng cách im lặng, là thái độ khôn ngoan nhất.

Ta cũng đừng quên rằng Phật đã biết rõ Vacchagotta từ lâu. Ðây không phải dịp đầu tiên mà người du sĩ thắc mắc ấy đến thăm Phật. Ðấng Ðạo sư đầy trí tuệ và từ bi đã lưu tâm chú ý nhiều đến con người tìm kiếm hoang mang này. Có nhiều đoạn nói đến du sĩ Vacchagotta trong các bản kinh Pàli, ông đã từng tìm đến Phật và các môn đệ Ngài khá nhiều lần, lặp đi lặp lại nhiều lần cùng những câu hỏi ấy, rõ ràng ông rất băn khoăn, hầu như bị vấn đề kia ám ảnh. Sự im lặng của Phật có lẽ đã có hiệu quả đối với Vacchagotta hơn bất cứ một sự trả lời hay thảo luận hùng hồn nào.

Một vài người xem ngã có nghĩa là cái gì thường được gọi là “tâm” hay “thức”. Nhưng Phật dạy rằng chẳng thà người ta nên xem thân xác vật lý của mình là “ngã” còn hơn xem tâm, ý hay thức (citta, mano,vinnàna) là ngã vì tâm, ý hay thức thì biến đổi không ngừng ngày cũng như đêm, thay đổi còn mau chóng hơn cả thể xác (kàya).

Chính cảm giác mơ hồ “có tôi” đã phát sinh ý tưởng về ngã, vốn không có cái gì tương đương trong thực tại: và thấy được chân lý ấy tức là thực chứng Niết–bàn, một điều không phải dễ dàng cho lắm. Trong kinh Tương ưng bộ Samyuttanikàya, có một cuộc đàm thoại khá làm sáng tỏ vấn đề về điểm này giữa thầy Tỳ kheo tên Khemaka và một nhóm Tỳ kheo.

Những vị này hỏi Khemaka có thấy trong Ngũ uẩn một cái “ngã” nào hay bất cứ gì thuộc về “ngã” không. Khemaka trả lời “không”. Ðoạn những Tỳ kheo bảo nếu thế thì ông ta phải là một vị La hán đã thoát khỏi mọi ô nhiễm. Nhưng Khemaka thú thật rằng mặc dù ông không tìm thấy trong Ngũ uẩn một cái ngã nào hay bất cứ gì thuộc về ngã, “tôi vẫn không phải là một La hán (Arahant) đã thoát khỏi mọi ô nhiễm bất tịnh. Này chư hiền, đối với Ngũ thủ uẩn, tôi có cảm giác rằng “có tôi”, nhưng không thấy rõ “cái này là cái tôi”.

Rồi Khemaka giải thích rằng cái ông ta gọi là “tôi” không phải sắc, không phải thọ, không phải tưởng, không phải hành, cũng không phải thức, cũng không phải bất cứ gì ngoài chúng. Nhưng ông vẫn có một cảm giác “có tôi” đối với 5 thủ uẩn, mặc dù ông không thể thấy rõ “Ðây là cái tôi.”

Khemaka nói cũng giống như mùi thơm của một bông hoa: nó không phải là mùi thơm của các cánh hoa, không phải của màu hoa, không phải của đài hoa, nhưng là mùi thơm của hoa. Ông còn giải thích thêm rằng ngay cả một người đã đạt đến những giai đoạn đầu tiên của sự thực chứng vẫn còn có cảm giác “có tôi” ấy. Nhưng về sau, khi tiến xa hơn, cảm giác ấy hoàn toàn biến mất, hệt như mùi hóa học của một chiếc áo mới giặt sẽ bay mất một thời gian sau khi ra khỏi chiếc hộp đựng nó.

Cuộc thảo luận này ích lợi và làm sáng tỏ vấn đề đối với họ đến nỗi sau đó, như bản kinh ghi lại, tất cả mọi người, kể cả Khemaka, đều chứng quả A–la–hán, giải thoát mọi ô nhiễm, và thế là cuối cùng họ đã đánh tan được cảm giác “có tôi “.

Theo giáo lý Phật, chấp rằng “tôi không có ngã” (tức là thuyết đoạn diệt) cũng sai lầm như chấp rằng “tôi có ngã” (thuyết trường tồn), bởi vì cả hai quan niệm đều trói buộc, đều phát sinh từ ý tưởng sai lầm “có tôi”.

Thái độ đúng đối với vấn đề vô ngã là không nắm giữ một quan điểm hay “kiến” nào, mà cố nhìn sự vật một cách khách quan, nhìn chúng như sự thật, không có những dự phóng của tâm thức. Phải thấy rằng cái mà ta gọi là “tôi” hay “ngã” chỉ là một kết hợp của các uẩn vật lý và tâm linh, hoạt động tương quan mật thiết lẫn nhau trong một dòng biến chuyển từng sát na, chịu chi phối của luật nhân quả, và trong toàn thể hiện hữu, không có gì là trường cửu, vĩnh viễn bất biến.

Ở đây một câu hỏi tự nhiên đặt ra: “Nếu không có ngã, thì ai chịu những hậu quả của nghiệp (hành động)?” Không ai có thể giải đáp câu hỏi này hơn Phật. Khi một Tỳ kheo hỏi Ngài câu đó, Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, Ta đã dạy các ông thấy rõ tính duyên khởi trong mọi sự vật.”

Giáo lý Phật về Vô ngã không nên được xem như tiêu cực hay hủy diệt. Cũng như Niết–bàn, đấy là Chân lý, Thực tại, và Thực tại thì không bao giờ là tiêu cực. Chính niềm tin sai lầm vào một cái ngã tưởng tượng không có thực mới là tiêu cực.

Giáo lý Vô ngã xua tan bóng tối của tà tín và phát sinh ánh sáng trí tuệ.

Nguồn trích dẫn: Ðức Phật Ðã Dạy Những Gì?, Walpola Rahula, Nguyên tác: “What The Buddha Taught”

Câu hỏi: Dưới cái nhìn của Đạo Phật, nếu không có cái ngã hay một linh hồn bất tử, thì ai hay cái gì sẽ được tái sinh? Ai hay cái gì sẽ nhận hậu quả của những hành động tốt hay xấu?

Trả lời: Thật ra trong ý nghĩa tận cùng và sâu xa nhất của vấn đề, sẽ không có người nào được tái sinh hay thọ nhận kết quả của việc mình làm. Cái được tái sinh chính là tham ái được liên tục tái diễn. Vì vô minh, tham ái phát sinh, và tham ái cho chúng ta cảm tưởng là có một người nào đó đang gặp khó khăn, một người nào đó đang phiền não và khổ sở. Vì những tham ái nầy mà chúng ta nghĩ rằng đời sống phải là cái gì khác hơn cái hiện tại. Tiến trình tái sinh không thuộc về ai cả; nó chỉ là tiến trình của những điều kiện có liên hệ nhân quả với nhau.

Với chánh niệm, bạn sẽ thấy rằng kết quả của sự sinh ra trong cõi đời nầy và những việc làm quá khứ là như thế đó. Và nếu bạn liên tục chính niệm về điều nầy, bạn sẽ không tạo ra điều kiện để cho một người nào đó được tái sinh. Bạn sẽ không còn ảo tưởng là có một người nào đó đang thọ nhận một cái gì đó, đang trở thành một cái gì đó, hay bị trừng phạt vì một lỗi lầm nào đó. Chỉ có giây phút hiện tại là kết quả của việc làm trong quá khứ. Khi không còn vô minh, chúng ta sẽ không còn khổ đau trong những điều kiện hiện tại. Đây là điều rất khó hiểu nếu chỉ nhìn nó từ quan điểm cá nhân. Vì thế, Đạo Phật bình dân dạy chúng ta rất đơn giản: nếu làm điều tốt, bạn sẽ nhận quả tốt; nếu làm điều xấu, bạn sẽ nhận quả xấu. Đây là cách nói quy ước của xã hội đời thường.

Nhưng khi bạn tiếp tục hành thiền và hiểu biết giáo pháp ngày càng sâu sắc hơn, bạn sẽ ý thức nhiều hơn về bản chất của vạn pháp. Và rồi, bạn sẽ thấy là việc nhận quả xấu hay tốt không còn ý nghĩa nữa. Ở giai đoạn nầy, sẽ không còn vấn đề tốt hay xấu. Khi có đủ duyên, bạn sẽ làm điều tốt, nhưng động cơ làm không còn xuất phát từ tư tưởng là bạn sẽ gặt một quả nào đó từ một việc làm nào đó. Và bạn sẽ không thích làm điều tội lỗi nữa, vì những gì xấu xa và tội lỗi chỉ hấp dẩn lôi cuốn khi con người vẫn còn ảo tưởng về cái ngã. Khi ảo tưởng về cái ngã không còn nữa thì vấn đề cũng sẽ tan biến đi. Bạn sẽ làm những việc thiện và tốt đẹp, nhưng bạn làm vì đó là điều đúng đắn cần làm. Bạn không làm gì lợi lộc hay phần thưởng cá nhân nào hết.

* Câu hỏi: Nếu thế thì có phải Sư muốn nói là đối với người có trí tuệ, làm điều tốt là cái gì rất tự nhiên? Có phải sẽ không còn cảm giác là chúng ta phải làm điều tốt –– làm việc tốt là một phản ứng tự nhiên trong mọi hoàn cảnh không?

Trả lời: Vâng, đó là phản ứng tự nhiên trái ngược lại với phản ứng bốc đồng bị thôi thúc bởi vô minh. Không có trí tuệ, chúng ta sẽ chỉ có những thôi thúc tâm lý mà chúng ta chiều theo hoặc tìm cách ức chế. Có trí tuệ, chúng ta sẽ có thái độ hồn nhiên đối với cuộc sống xuất phát từ cái tâm thanh tịnh và phủ trùm vạn pháp, thay vì từ một ý tưởng cá nhân của một người cố gắng làm điều tốt chỉ vì lo sợ sẽ bị trừng phạt vì đã làm điều tội lỗi.

Nguồn: Tâm và Đạo – Quán tưởng về cuộc sống trong Đạo Phật. Ajahn Sumedho

Bài viết liên quan

  • Có Cần Tu Tập Thiền Hay Không, Web, FB
  • Học Thiền Và Hành Thiền Như Thế Nào?, Web, FB
  • Vipassnā-Jhāna: ‘Thiền Quán’/’Định Minh Sát’, Web, FB
  • “Jhana – Thiền” Có Đưa Đến Giác Ngộ Giải Thoát Hay Không?, Web, FB
  • Chỉ – Samatha, Quán – Vipassanā, Định – Samādhi, Tuệ – Paññā Khác Nhau Và Liên Hệ Với Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • Có Sự Khác Nhau Rất Lớn Giữa Chỉ – Samatha Và Định – Samādhi Quán – Vipassanā Và Tuệ – Paññā, Web, FB
  • Lưu Ý Tập Trung Phát Triển Chánh Định Không Định, Vô Tướng Định, Vô Nguyện Định – Trong Thực Hành Thiền Minh Sát Vipassana., Web, FB
  • Khéo An Trú Trong Tứ Niệm Xứ Hoặc Tu Tập ‘Vô Tướng Định – Animitto Samādhi’ Để Đoạn Diệt Không Còn Dư Tàn Ba Bất Thiện Tư Duy: Dục Tư Duy, Sân Tư Duy, Hại Tư Duy., Web, FB
  • Ðịnh (Samādhi) Là Gì? Thế Nào Là Con Bò Núi Ngu Ngốc?, Web, FB
  • Tập Thể Dục Không Thể Đánh Bại Kẻ Thù, Web, FB
  • Không Chánh Định Không Thể Có Bát Thánh Đạo. Không Bát Thánh Đạo Không Thể Có Bậc Thánh Giác Ngộ Giải Thoát., Web, FB
  • Mở Rộng Hiểu Biết Về Chánh Định Là Gì?, Web, FB
  • Chỉ Bằng Chánh Niệm Thì Không Thể Biết Và Thấy Các Pháp Như Thật, Như Nó Đang Là, Vì Chánh Niệm Mới Chỉ Là Điều Kiện Cần, Không Phải Là Điều Kiện Đủ. Chánh Định Mới Là Điều Kiện Cần Và Đủ., Web, FB
  • Hiềm Hận Cần Được Trừ Khử Như Thế Nào?, Web, FB
  • Xóa Tan Sân Hận 1/2, Web, FB
  • Xóa Tan Sân Hận 2/2, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định VớI Đề Mục Từ Tâm – Phần 1, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định VớI Đề Mục Từ Tâm – Phần 2, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định VớI Đề Mục Từ Tâm – Phần 3, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định VớI Đề Mục Từ Tâm – Phần 4, Web, FB
  • Niệm Chết Như Thế Nào, Web, FB
  • Quán Niệm 32 Thể Trược, Web, FB
  • Thân Hành Niệm – Quán Thân Bất Tịnh 32 Thể Trược, Web, FB
  • Đến Như Thế Nào Là Không Biết Đủ Đối Với Thiện Pháp Và Không Thối Chuyển Đối Với Tinh Cần?, Web, FB
  • Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Ba: Tinh Tấn (Phần 2: 11 Cách Ðể Phát Sanh Tinh Tấn), Web, FB
  • Khi Thiền, Nếu Chúng Ta Cứ Duy Trì Việc Quan Sát Cái Đau, Sự Nóng Bức Hay Tê Cứng Mà Không Chịu Thay Đổi Oai Nghi Liền, Thì Thực Sự Đó Có Phải Là Tự Ép Xác Hay Khổ Hạnh (Atta-Kilamatha-Nuyoga) Không?, Web, FB
  • Kiên Nhẫn Và Nghị Lực Để Đương Đầu Với Đau Khổ, Đặc Biệt Là Cảm Giác Đau Nhức Trong Khi Hành Thiền, Web, FB
  • Thế Nào Là Tám Pháp Đối Trị Dã Dượi Buồn Ngủ (Hôn Trầm Thụy Miên) Trong Khi Hành Thiền?, Web, FB
  • (09) Đối Trị Đau Nhức Và Buồn Ngủ, Archive
  • Thánh Lạc Và Phi Thánh Lạc Khác Nhau Như Thế Nào?, Web, FB

Mahasi Sayadaw Vipasana Meditation Instructions
Hướng Dẫn Thực Hành Thiền Minh Sát Vipassana By Tharmaneykyaw Sayadaw

  • English Version:, Youtube
  • Thailand Version:, Youtube, FB
  • Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
  • Yếu Pháp Tu Tập Tuệ Giải Thoát
  • Bài 2/6 – Tứ Niệm Xứ, Web, FB
  • Quán Pháp – Tứ Thánh Đế: Thực Hành Tu Tập Định – Tuệ Hiệp Thế Dẫn Đến Định – Tuệ Siêu Thế Như Thế Nào?, Web, FB
  • Quán Thọ Như Thế Nào Để Đạt Tới Ái Tận Giải Thoát, Cứu Cánh Viên Mãn, Chứng Đạt Niết Bàn?, Web, FB
  • Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức, Web, FB
  • Ngũ Uẩn Là Gì, Web, FB

Audio Bài Giảng

  • (46) Quán Pháp: Ngũ Uẩn – Vị Ngọt, Sự Nguy Hiểm, Sự Xuất Ly. Thiền Sư Viên Phúc, Archive
  • (47) Quán Ngũ Uẩn: Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức – Không Phải Của Ta Hãy Từ Bỏ Nó., Archive
  • (48) Như Lý Tác Ý Ngũ Thủ Uẩn Là Rỗng Không Là Trống Không, Archive
  • Pháp Thượng Nhân – Uttarimanussadhammo, Web, FB
  • Anata – Vô Ngã Là Gì, Web, FB
  • Who Am I, Ta Là Ai, Web, FB
  • Điều Này Không Thể Xảy Ra, Web, FB
  • Học Từ Từ, Tập Từ Từ, Thực Hành Từ Từ, Web, FB
  • Như Thế Nào Là Lộ Trình Tu Tập Thánh Đạo Giác Ngộ?, Web, FB
  • Trong Pháp Và Luật Này Có Một Tuần Tự Học Tập, Một Tuần Tự Công Trình, Một Tuần Tự Đạo Lộ?, Web, FB
  • Bậc trí theo tuần tự (Pháp Cú 239), Web, FB
  • Chớ Quên Lợi Ích Của Chính Mình (Pháp Cú 166), Web, FB
  • Học Gì Hết Ngu, Tu Gì Hết Khổ, Web, FB
  • Người Già Cao Tuổi, Đầy Bệnh Hoạn, Luôn Ốm Đau Bằng Cách Nào Có Thể Đạt Tới Hạnh Phúc, An Lạc Lâu Dài?, Web, FB
  • Bạn Chăm Sóc Thân Thể Của Bạn, Tại Sao Không Chăm Sóc Tâm Trí Của Bạn?, Web, FB
  • Ái Dục Trói Buộc Chúng Sinh Vào Khổ Đau Bất Tận Của Luân Hồi Sinh Tử Trong Tam Giới Như Thế Nào?, Web, FB
  • Người Hiền Trí – Bài 1/4: Kẻ Ngu & Người Hiền Trí Khác Nhau Thế Nào?, Web, FB
  • Người Hiền Trí – Bài 2/4: Giới (Dhatù – Elements) Là Gì? Xứ (Àyatana – Spheres) Là Gì?, Web, FB
  • Người Hiền Trí – Bài 3/4: Duyên Khởi Là Gì? (Paṭic­Ca­Samup­Pāda­ – Depending Arising), Web, FB
  • Người Hiền Trí – Bài 4/4: Xứ Phi Xứ (Có Thể & Không Thể) Là Gì? (Ṭhānāṭhā­Na­ – Possible And Impossible), Web, FB
  • Tà Kiến: “Tánh Biết Không Sinh Không Diệt”, Web, FB
  • Người Hiền Trí – Bài 3/4: Duyên Khởi Là Gì? (Paṭic­Ca­Samup­Pāda­ – Depending Arising), Web, FB
  • “Lý Duyên Sinh” Theo “Thanh Tịnh Đạo” P4: Vô Minh Duyên Hành, Web, FB
  • Lý Duyên Sinh – Bánh Xe Sinh Tử, Web, FB
  • Playlist Loạt Bài Giảng: “Lý Duyên Sinh” Theo “Thanh Tịnh Đạo”, Youtube
  • Kinh 7 Trạm Xe, Web, FB
  • Vesak 2020 – Cùng Ôn Lại Con Đường Giác Ngộ Giải Thoát , Web, FB
  • Tất Cả Pháp Lấy Gì Làm Căn Bản?, Web, FB
  • Kāma – Dục (Tham Ái) Và Chanda – Dục (Mong Muốn) Khác Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • Cetanā – Tác Ý Tư Tâm Sở Và Manasikāra – Tác Ý Chú Tâm Khác Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • Lộn Ngược Là Thế Nào, Web, FB
  • Thế Nào Là Tưởng Điên Đảo? Tâm Điên Đảo? Kiến Điên Đảo?, Web, FB
  • Thế Nào Là Hão Huyền? Thế Nào Là Vọng Tưởng?, Web, FB
  • Tám Đặc Tính Nhận Biết Pháp Và Luật Thật Sự Do Đức Phật Gotama Truyền Dạy, Web, FB
  • Thuận Theo Tự Nhiên Nào, Web, FB
  • Hàng Ngày Không Quên: Sám Hối – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB
  • Vị Thầy Chân Chính: Một Trợ Duyên Tối Quan Trọng Không Thể Thiếu, Web, FB
  • Tìm Gặp Thiện Tri Thức, Web, FB
  • Tôn Giả Nhất Cú Và Tôn Giả Cùla-Panthaka, Web, FB
  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
  • Tôi Nguyện, Web, FB
  • Tại Sao Myanmar, Web, FB
  • Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
  • Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB

Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

  • Youtube, Youtube
  • Archive, Archive
  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
  • Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
  • Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
  • 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB