Tha Thứ Như Thế Nào

[lwptoc]

THA THỨ NHƯ THẾ NÀO?

– NP: Con xin đảnh lễ sư. Kính bạch sư cho con xin hỏi: Tha thứ cho một ai đó là thế nào?

Tha thứ cho người đã từng ác độc hại mình thì không có nghĩa là họ và mình có thể là bạn cùng nhau phải không ạ?

Nếu như mình phải gặp lại người hại mình thì mình sẽ hành động như thế nào là đúng đắn và nếu họ cố tình muốn nói chuyện hay tiếp xúc với mình, mình nên làm hành động gì mình đã nói là tha thứ cho họ.

– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala: Tha thứ là không còn kết oán, kết tội nữa: mọi việc coi như đã kết thúc, đã thuộc về quá khứ, chỉ là quả của nghiệp đã chín muồi và đã kết thúc.

Nếu tiếp tục phản ứng, hành sử với tâm sân hận, oán thù thì chỉ bản thân ta là đang tạo nguy hiểm cho bản thân và cho xã hội bởi những nghiệp bất thiện sẽ cho quả dữ trong hiện tại và tương lai.

Chúng ta không thể từ bỏ những nguy hiểm nếu không thấy được rõ những nguy hiểm đó và không thể đạt đến những lợi lạc nếu không biết những lợi lạc đó [1].

Nguy hiểm trong sân hận, chấp thủ không tha thứ có thể được thấy mô tả trong các kinh như:

“Này chư hiền, khi một người nổi sân, nó là miếng mồi cho sân, tâm nó bị ám bởi sân nó giết hại chúng sanh…” (A. i,216).

Và lợi ích trong sự an nhẫn, tha thứ cần được hiểu theo sự mô tả trong các kinh như:

“Chư Phật dạy, không pháp nào cao hơn kham nhẫn.”

“Và không niết bàn nào cao hơn kham nhẫn.”

(D. ii, 49; Dh. 184)

“Không ác ý, nhẫn chịu

phỉ báng, đánh, hình phạt,

“Lấy nhẫn làm quân lực,

Ta gọi Bà–la–môn.” (Dh. 399)

“Không có pháp nào cao cả hơn kham nhẫn.” (S. i, 222)

Do vậy chúng ta nên vun bồi tu tập từ tâm bi tâm, hỷ tâm, xả tâm vì mục đích tách rời tâm khỏi sân đã đuợc thấy là nguy hiểm, và đưa tâm đến kham nhẫn đã được biết là lợi ích [1].

Có thể tha thứ bằng cách phát tâm nguyện thể hiện ra bằng thân (chắp tay), bằng khẩu (nói rõ bằng lời), bằng ý (hướng tâm tác ý thành tâm tới đối tượng) như sau

video [2]

⚀ Vì lầm lạc và không minh mẫn nên tôi đã có hành động, lời nói, ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác. Xin tất cả hãy mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho tôi. (3 lần)

⚁ Tôi xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói, và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho tôi. (3 lần)

⚂ Tôi xin thành thật tha thứ cho chính tôi, và nguyện từ nay làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch. (3 lần)

Tha thứ là món quà tặng quí giá cho chính bản thân. Tha thứ giải phóng bạn khỏi trói buộc của quá khứ, khỏi các kinh nghiệm của quá khứ, khỏi các xiềng xích của quá khứ. Tha thứ cho phép bạn sống trọn vẹn trong hiện tại. Khi bạn tha thứ cho bản thân và cho mọi người khác bạn thực sự được tự do.

Tuy nhiên, tha thứ không có nghĩa phải yêu quí, phải kết bạn, mà cần thiết nhất là vun bồi tâm từ – bi – hỷ – xả, tức thể hiện bằng thân – khẩu – ý mong cho mọi người cũng như cho chính bản thân: ⑴ có được an ổn thuận duyên (Từ tâm), ⑵ mau chóng thoát khỏi khổ đau, bất hạnh đang có (Bi Tâm), ⑶ mong cho không bị mất đi an vui hạnh phúc đang có (Hỷ Tâm), và ⑷ cuối cùng là hiểu biết rằng mỗi chúng sinh là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra (Xả Tâm).

Có Từ Bi Hỷ Xả như trên không đồng nghĩa với việc phải kết bạn, phải có tình bạn như giữa những người có cùng sở thích, thói quen, sở trường, sở đoản, cùng mục đích trong cuộc sống, trong công việc … v. v…… Và lại càng không thể có tình bạn hữu giữa những người không có cùng phạm hạnh, không có cùng chí hướng, không có cùng tâm nguyện bất thối chuyển hướng tới mục đích giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Việc kết bạn kết bè có loại tốt đẹp dẫn đến lợi mình lợi người, nhưng cũng có loại xấu xa dẫn đến bè phái, băng nhóm gây nguy hại cho xã hội và chính bản thân cùng gia đình kẻ đó.

Chúng ta không được phép trộn lẫn thiện tâm phạm hạnh cao quí từ bi hỷ xả với tình bạn cùng những kẻ tà tâm, hạ liệt hoặc vô trí.

Đặc biệt là không khi nào lại ngớ ngẩn “phải cám ơn hoặc biết ơn kẻ thù vì đã dạy cho chúng ta những bài học đắt giá trong cuộc sống(?!)”.

Đây là một lời khuyên nhảm nhí, mới nghe qua thì có vẻ có ý nghĩa sâu sắc, nhưng xét kỹ lại sẽ thấy sự ngu ngốc, lẫn lộn tốt xấu trắng đen: chúng ta phải rút ra bài học xương máu, xót xa trong những mối quan hệ bất cẩn với những người độc ác, ích kỷ, kẻ thù, và chúng ta có thể tha thứ cho họ những điều xấu xa ác hiểm mà họ đã gây ra cho chúng ta, cho thân bằng quyến thuộc, cho xã hội bằng tâm từ bi hỷ xả như nêu ở bên trên, nhưng với những kẻ đó dứt khoát không thể cám ơn, không thể bè bạn, không thể chung đường đi tới mục đích tốt đẹp, cao thượng. Chớ có chấp thủ “vô phân biệt” một cách ấu trĩ, ngây thơ, hồ đồ khi chưa qua đến bờ bên kia mà vội rời bỏ con thuyền Chánh pháp nhiệm màu của Đức Phật, bậc Đạo sư Toàn Trí Chánh Đẳng Giác.

Chúng ta chỉ nên cảm ơn, tri ơn, kính quí, kết bạn [3] đối với những thiện nam tín nữ với đức hạnh trong sạch, đã và đang tạo công đức, phước báu, mang lại lợi lạc cho chúng sinh, đặc biệt là những hành giả, các chư tăng chân chính, chân tu, các bậc thiện trí thức, chân nhân đã và đang ngày đêm tinh tấn, dũng mãmh, kham nhẫn trên con đường giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn, góp phần bảo trì và trao truyền Chánh pháp của Đức Thế Tôn mang lại lợi ích và hạnh phúc tối thượng cho loài người cùng chư thiên.

Qui luật tự nhiên và công minh “Nghiệp và Quả của nghiệp” sẽ thưởng phạt công bằng cho tất cả mọi chúng sinh không chỉ ngay trong kiếp sống hiện tại, mà còn trong các kiếp luân hồi cho đến ngày chứng ngộ Niết bàn, chấm dứt sinh tử trong Tam giới.

Đức Phật đã có lời khuyên rõ ràng, như trong kinh Pháp cú [4]:

61.Tìm không được bạn đường,

Hơn mình hay bằng mình,

Thà quyết sống một mình,

Không bè bạn kẻ ngu.

78. Chớ thân với bạn ác,

Chớ thân kẻ tiểu nhân.

Hãy thân người bạn lành,

Hãy thân bậc thượng nhân

Trong trường hợp khi Từ Bi Hỷ Xả của ta chưa được vững chắc, tâm vẫn còn khó chịu, bức bách mỗi khi gặp mặt tiếp xúc thì cũng không nên miễn cưỡng, mà hãy thành thực nói thẳng vào lúc thích hợp, khi tâm ta tương đối quân bình với họ rằng tốt nhất là đường ai người đó đi, nước sông không phạm nước giếng, nên tránh việc tiếp xúc trong khả năng có thể thì càng tốt cho cả đôi bên.

Trong bài kinh Tất cả các lậu hoặc [5] thì tránh tiếp xúc này chính là pháp đoạn trừ lậu hoặc, phiền não bằng “Né tránh”, một trong bảy pháp đoạn trừ phiền não có thể áp dụng, đó là:

❶ Ðoạn trừ bằng Tri kiến là không để ý chuyện không đáng để ý, và chỉ tác ý những gì cần tác ý. Cần phải tác ý như lý và thấy rõ những gì không đáng tác ý. Không đáng tác ý là những vấn đề liên hệ đến bản ngã trong quá khứ, hiện tại, vị lai, nguồn gốc của sáu tà kiến về tự ngã.

Bị trói buộc bởi những tà kiến ấy, phàm phu không thoát khỏi sinh già chết sầu bi khổ ưu não. Ngược lại, thánh đệ tử nhờ tác ý như lý “đây là khổ ” đây là nguyên nhân khổ “đây là khổ diệt ” “đây là con đường đưa đến diệt khổ” mà ba kiết sử được trừ diệt là thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Ðấy gọi là đoạn trừ bằng tri kiến.

❷ Ðoạn trừ bằng phòng hộ là giữ gìn chính niệm khi sáu căn tiếp xúc sáu trần.

❸ Ðoạn trừ bằng thọ dụng là biết đủ đối với bốn vật dụng cho ăn mặc ở bệnh.

❹ Ðoạn trừ bằng kham nhẫn là hoan hỷ chịu đựng những cảm giác khó chịu về thân tâm.

❺ Ðoạn trừ bằng tránh né là tránh những người, vật, nơi chốn nguy hiểm, có thể làm phát sinh phiền não.

❻ Ðoạn trừ bằng trừ diệt là không chấp nhận cho dục niệm, sân niệm, hại niệm khởi lên, diệt trừ chúng ngay trong mầm mống.

❼ Ðoạn trừ bằng tu tập là thường tu tập bảy giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả. Trong bảy pháp, niệm hay chính niệm cần luôn luôn có, sáu pháp còn lại thuộc vào hai nhóm: trạch pháp tinh tấn hỷ thuộc “động”, khinh an định xả thuộc “tĩnh”. Khi tâm lừ đừ, nên tu tập các pháp động, khi tâm quá hăng, nên tu các pháp tĩnh để quân bình, như thợ luyện vàng.

Sân hận là một trong những ố nhiễm của tâm, gây đau khổ phiền não, tạo thành chướng ngại cản trở tâm đắc Định, Tuệ dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử.

Cần học tập và thực hành đúng đắn và kiên nhẫn từng bước cơ bản thì mới có thể có cơ hội đoạn tận tham sân si, đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự. [Xem “Các bài viết liên quan” tại phần cuối bài viết này]

Tha thứ không thay đổi được quá khứ, nhưng chắc chắn thay đổi được hiện tại và tương lai góp phần mang lại an vui và hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát.

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não chứng ngộ Niết bàn, bình an mãi mãi.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

Hỏi & Đáp 1

– PT: Con kính xin đảnh lễ sư. Bạch sư con tên là PT. Con có một điều phân vân không thể phân biệt đúng sai. Nay con bạch sư hoan hỉ chỉ dạy ạ.

Con có đọc bài “Tha thứ như thế nào?” trong lòng con cảm thấy rất vui ạ. Vì chồng của con có một nỗi buồn thời thơ ấu… Cha chồng bạo lực đánh đuổi mẹ chồng, mẹ chồng con khi ấy ẵm chồng con về bên ngoại. Ít lâu sau, mẹ chồng con tái giá. Chồng con ở lại với người dì. Năm tháng trôi đi, mẹ chồng con xuất hiện với vẻ ngoài buồn bã. Lúc này tụi con đã lập gia đình với nhau rồi. Mẹ nói rằng mẹ đã rất hối hận vì bỏ rơi chồng con lúc nhỏ bây giờ mẹ mong được vui vẻ bên con cháu…Con nói hay là mình tha thứ và chăm sóc cho mẹ, nhưng lòng con thì cũng phân vân lắm. Còn anh nói rằng không. Mẹ lo cho ai, thì người ấy phải lo cho mẹ, anh không có nhiệm vụ…Phải chi là người dưng thì con dễ xử lý, đằng này… Mùa Vu lan đã về, phải sống sao cho trọn đạo làm người và sống đúng theo đường lối của Đức Phật… Xin sư hoan hỉ ạ.🙏🙏🙏

– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc:

Nghiệp ai làm, dù thiện hay bất thiện thì người đó phải gánh chịu quả báo không chỉ trong kiếp sống hiện tại, mà còn cả trong các kiếp sống mai sau cho đến ngày hoàn toàn giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Tha thứ, giúp đỡ, chăm sóc là nghiệp thiện cần phải vun bồi tích góp cho đời này, đời sau. Đó cũng còn là bổn phận, trách nhiệm của người con cho dù cha, mẹ có đức hạnh như thế nào: cha, mẹ phải gánh chịu quả báo của những nghiệp do mình tạo ra, nhưng con cái thì hãy làm tròn trách nhiệm, bổn phận của con cái, tránh lặp lại việc trối bỏ trách nhiệm bổn phận như người mẹ đã mắc lỗi trong quá khứ như trong trường hợp này.

Không tha thứ, không thực hiện bổn phận trách nhiệm, giữ tâm sân hận, phản ứng hành xử với tâm sân hận, trả thù thì chỉ là đang tạo ác pháp, bất thiện nghiệp mà bản thân phải chịu quả báo ngay trong kiếp sống này và cả mai sau, làm tấm gương xấu cho con cái sau này sẽ có thể đối xử đối với chính mình.

Trong một số trường hợp, như trong câu chuyện trên, không phải là yêu quí, kính trọng thì mới có thể thực hiện bổn phận và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, mà cần vun bồi dần từng bước: nguyện mong người khác tha thứ cho bản thân, tự mình chân thành tha thứ đối với người khác và tự mình tha thứ cho chính bản thân mình với tâm từ bi hỷ xả như đã phân tích trong bài viết.

Ngài Trưởng Lão Thiền Sư U Pandita có kể lại câu chuyện về việc người con trai luôn thực hiện bổn phận trách nhiệm của mình đối với người mẹ không đức hạnh như vầy:

… Cũng có trường hợp chúng ta không có dịp để đền ơn người đã giúp đỡ mình. Tuy vậy, chúng ta cũng được coi như kẻ biết ơn, nếu ít nhất chúng ta nhớ đến những việc mà họ đã giúp đỡ chúng ta trước đây. Nếu có dịp để đền ơn thì ta hãy thực hiện. Chuyện đền ơn nghĩa chẳng liên quan gì đến đức hạnh hay tư cách của người thi ơn. Dầu ân nhân có đức hạnh hơn ta, kém ta, hay bằng ta, chuyện ấy chẳng ăn nhằm gì. Một điều cần thiết để họ trở thành ân nhân của ta đó là họ đã từng giúp đỡ ta trước đây, thế thôi.

Chuyện xưa có kể lại rằng, có một thanh niên nọ làm việc vất vả để nuôi mẹ, nhưng mẹ chàng thanh niên này là một người đàn bà không đứng đắn. Bà ta muốn giấu con điều này. Nhưng ngày nọ, một kẻ mách lẻo trong làng cho chàng biết rõ sự thật. Chàng thanh niên trả lời: “Ông bạn ơi, mẹ tôi muốn làm gì thì làm theo ý của bà ta. Bổn phận của tôi là phải làm việc để nuôi bà ta”. Ðây là một chàng thanh niên rất hiểu biết. Anh ta biết được phạm vi làm việc của mình, đó là đền ơn sanh thành dưỡng dục dù chỉ một ngày; còn tánh tình của bà ta thế nào đó là chuyện của bà ta. Người thanh niên này là một trong hai loại người hiếm có và quí báu trên thế gian: người thi ân và người đền ân. Người thi ân là người có hảo tâm và tử tế giúp người khác với lý tưởng cao thượng.…

Ngay Trong Kiếp Sống Này
Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho đạo hữu cùng tất cả mọi người trong gia đình luôn được khỏe mạnh, thành công, an vui, và hạnh phúc, luôn tinh tấn làm lành, lánh dữ, thanh lọc tâm, vun bồi phước thiện tạo duyên lành giúp sớm giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

Hỏi & Đáp 2

– VM: Kính thưa Sư! Con học hạnh không tha thứ có đúng không ạ? Con áp dụng chân lý vô thường đức Phật dạy. Khi gặp nghịch duyên, tâm sân sanh khởi, con nhìn tâm ấy đang sanh diệt vô thường nên con không cần phải tha thứ cho đối phương. Nhưng nó vẫn còn lợn cợn không vui với họ, con lại tiếp tục nhìn cảm giác không vui đó cho đến khi tiếp xúc lại phải mất một thời gian mới bình thường được ạ. Con chia sẻ nhưng có người khuyên con vậy là vô cảm, vô tâm, không có tâm từ. Con không biết mình thực hành như vậy có đúng không. Con kính mong Sư chỉ giúp con để con đi được đúng hướng ạ! Con kính tri ân Sư!

– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Nên tu tập đồng thời nhiều nền tảng căn bản thì mới có thể tu tập viên mãn giới định tuệ.

Từ Bi Hỷ Xả là điều kiện cần thiết, điều kiện nền tảng không thể thiếu, làm cơ sở cho các pháp tu Tâm (tức Định) và tu tuệ. Không có Từ Bi Hỷ Xả không thể có kết quả viên mãn về Định – Tuệ.

Đức Phật trước khi giác ngộ Chánh Đẳng Giác đã tu tập vun bồi đồng thời đầy đủ các Nền tảng căn bản – 10 Ba La Mật, trong đó có Từ Tâm, cả ba mức hạ trung thượng trong 20 a tăng kỳ kiếp và 100 nghàn đại kiếp (7 a tăng kỳ kiếp khi phát nguyện trong tâm, 9 a tăng kỳ kiếp khi phát nguyện thành lời, 4 a tăng kỳ kiếp và 100 nghàn đại kiếp sau khi được thọ ký).

Trong pháp tu tập thực hành thiền minh sát vipassana có pháp quán tâm. Trong pháp tu tập này Đức Phật chỉ rõ không phải chỉ cần chú tâm quan sát với Chánh Niệm, mà phải có đủ ba thành phần ⑴ Nhiệt tâm (Ngăn – Diệt bất thiện, Khởi – Phát thiện), ⑵ Chánh Niệm (Chú tâm quán sát sinh diệt trên Thân Thọ Tâm Pháp), ⑶ Tỉnh Giác (trong đó chủ yếu là Vô si tỉnh giác).

Để có thể có được thành phần Nhiệt tâm thiêu đốt các ác pháp bất thiện pháp như nêu trên, thì không thể không vun bồi từ bi hỷ xả trong đó có mặt của việc tha thứ cho chính bản thân mình và cho các chúng sinh khác.

Cần quân bình trong tu tập nhờ thực hành đúng đắn từng bước hướng dẫn của các thiền sư thì mới có thể có được kết quả thiết thực, thật sự chứ không phải là ảo tưởng tự mãn.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

[Phần ‘Ghi chú’ và ‘Các bài viết liên quan’ dưới đây là nhằm để giúp cho một số đạo hữu ham muốn tìm hiểu chi tiết, đầy đủ, có chứng cứ, nhưng chưa biết cách tìm kiếm trong biển kiến thức bao la, có thể tìm được nguồn Chánh kinh và tài liệu gốc trực tiếp khi cần thiết, một cách thuận tiện và nhanh chóng. Người đọc bình thường có thể bỏ qua phần chuyên sâu và mở rộng này.]

GHI CHÚ:

🍀 [1] TU TẬP 4 PHẠM TRÚ TỪ – BI – HỶ – XẢ

Thanh Tịnh Ðạo – Chương IX – Mô Tả Ðịnh – Các Phạm Trú

🍀 [2] VIDEO THA THỨ, SÁM HỐI, RẢI TÂM TỪ, PHÁT NGUYỆN VÀ HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

youtu.befacebook

[3] HÃY THÂN CẬN NGƯỜI THIỆN

Tương Ưng Bộ – Tập I – Thiên Có Kệ – [01] Chương I Tương Ưng Chư Thiên – IV. Phẩm Quần Tiên – I. Với Người Thiện (S.i 16)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá–vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Ðược tốt hơn, không xấu.

4) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Ðược tuệ, không gì khác.

5) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Không sầu, giữa sầu muộn.

6) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Chúng sanh sanh thiện thú.

8) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Chúng sanh thường hưởng lạc.

9) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, trong tất cả vị ấy, ai đã nói lên một cách tốt đẹp?

– Về vấn đề này, tất cả các Ông đều nói lên một cách tốt đẹp. Tuy vậy, hãy nghe lời Ta nói:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Giải thoát mọi khổ đau.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Quần Tiên ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

🍀 [4] TÍCH TRUYỆN PHÁP CÚ

budsas.net

Tìm không được bạn đường,

Hơn mình hay bằng mình,

Thà quyết sống một mình,

Không bè bạn kẻ ngu.

Ðức Phật dạy câu này tại Xá–vệ, liên quan đến đệ tử của Trưởng lão Ðại Ca–diếp.

Trưởng lão lúc đó ngụ tại hang Pipphali, có hai đệ tử theo hầu. Một người làm tròn bổn phận, người kia luôn lẫn tránh công việc, thậm chí còn dành công trạng của bạn đồng môn. Tức là khi bạn mình đã chuẩn bị nước tắm cho thầy xong, anh ta vội báo cho thầy để lập công. Anh bạn thấy thế liền chơi khăm một vố. Khi bạn lười di ngủ sau giờ cơm trưa, anh đun nước tắm cho thầy xong đổ vào vại dựng ở nhà sau, chỉ chừa lại một ít trong nồi đun.Thức dậy, bạn lười thấy nồi đun bốc hơi, đinh ninh nước đã đun xong và mang vào phòng tắm liền chạy đi báo thầy như mọi lần.

Trưởng lão bước vào phòng tắm, chẳng thấy nước, chỉ cho bạn lười. Hoảng hồn, anh vào nhà bếp cầm vá quậy trong nồi hơi thấy cạn queo. Anh bực mình mắng bạn là đồ đểu, và lúng ta lúng túng đến chỗ tắm ngoài sông múc nước. Ðã thế trở về còn bị Trưởng lão gọi đến dạy bảo:

– Một Tỳ–kheo không được nói mình làm xong khi không phải chính mình làm. Khi ta bước vào thấy không có nước ngươi lại bực mình cầm bình đi, một vị tăng không được hành động như thế.

Tăng sinh lười đó rất mực giận dữ, cho rằng chỉ vì mấy giọt nước mà thầy la mắng mình như thế. Ngày hôm sau anh không thèm theo thầy đi khất thực nữa. Trưởng lão phải đi với tăng sinh kia. Khi cả hai đi xa, tăng sinh man trá đi đến nhà cư sĩ hay hộ cho Trưởng lão, bảo rằng ngài khó ở, không đi bát được, và xin cúng dường thức ăn. Cư sĩ làm theo, anh ta nhận lấy và ăn hết một mình trên đường về tinh xá.

Hôm sau, Trưởng lão đến nhà cư sĩ, ông ta vui mừng thấy Ngài bình phục và còn bảo là thức ăn do ông ta cúng dường. Trưởng lão không thốt một lời, về tinh xá răn đe anh đệ tử man trá:

– Ta biết hành động của ngươi hôm qua. Hạnh xấu này không phù hợp với một người đã từ bỏ thế gian. Ngươi không được ăn thực phẩm do gợi ý.

Tăng sinh lười bừng lên ác cảm đối với thầy mình. Anh nghĩ rằng chỉ vì mấy giọt nước thầy mắng mình là nói dối, bây giờ chỉ một nắm cơm của tín thí thầy cấm không cho ăn vì cho là mình đã gợi ý mưu toan, thầy còn cho huynh kia một bộ y; quả là thầy đối xử với mình quá tệ bạc, mình phải trả thù mới được. Thế rồi hôm sau trong khi Trưởng lão di khất thực, ở lại tinh xá một mình, anh ta lấy gậy đập hết đồ dùng để ăn uống, nổi lửa đốt lều cỏ của Trưởng lão, sau đó dùng búa đập nát tan những gì không cháy hết. Mạng chung anh ta đọa vào địa ngục A–Tỳ.

Dân chúng đều bàn tán chuyện trên. Có một vị tăng rời Vương–xá đến Kỳ Viên viếng Phật, được Phật hỏi thăm sức khỏe trưởng lão Ðại Ca–diếp liền thuật lại tự sự. Phật giải thích không phải lần đầu anh ta nổi giận vì bị khiển trách, mà trong tiền kiếp anh ta cũng đã từng làm như thế, và Phật kể:

Chuyện quá khứ

Con Khỉ Và Chim Singila

Thời xưa khi Phạm–ma–đạt cai trị Ba–la–nại, một con chim Sigila làm tổ trên vùng Hy–mã–lạp–sơn. Một hôm, vào mùa mưa, một con khỉ đến đó run rẩy vì lạnh. Chim thấy vậy bèn đọc kệ:

Như người, này anh khỉ!

Anh có đầu, tay chân,

Lý do gì bào chữa,

Không làm nhà che thân?

Khỉ nhận đúng như thế, nhưng biết không đủ trí khôn để cất nhà, bèn nói:

Này chim Singila,

Ðầu và tay chân ta,

Tuy là giống người thật,

Nhưng người thông minh thật,

Còn ta tìm không ra.

Chim nghe qua hiểu ngay kẻ như thế không thể nào ở trong nhà, đáp với giọng khinh bỉ:

Kẻ nào không kiên định,

Bộp chộp và gian dối,

Không giữ được giới hạnh,

Sẽ không được phúc lành.

Này anh bạn khỉ ơi,

Hãy cố gắng tới nơi,

Cố hết sức mình để

Từ bỏ những thói xưa,

Xây một lều cho khỏi

Run lạnh vì gió mưa.

Khỉ bị mắng nhiếc, bừng giận, phen này quyết ra tay cho chim biết hạnh phúc là gì. Nó phá tan nát tổ chim tung ra gió. Chim thoát được bay mất khỉ tóm lấy tổ.

Rồi Thế Tôn hợp nhất những nhân vật trong Bổn Sanh:

– Khỉ lúc đó là Sa–di đốt nhà, chim Singila là Ðại Ca–diếp. Này các Tỳ–kheo, đây không phải là lần đầu Sa–di đốt nhà vì bất bình khi bị khiển trách, trong tiền kiếp cũng đã làm như thế. Ca–diếp, đệ tử Ta, nên sống một mình hơn là với kẻ cuồng dại.

Và Thế Tôn nói với Pháp Cú:

(61) Tìm không được bạn đường,

Hơn mình hay bằng mình,

Thà quyết sống một mình,

Không bè bạn kẻ ngu.

🍀 [5] TRUNG BỘ KINH – 2. KINH TẤT CẢ CÁC LẬU HOẶC

suttacentral.net

… Thế Tôn nói: “Này các Tỷ–kheo, Ta sẽ giảng cho các Người pháp môn phòng hộ tất cả lậu hoặc”. Hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói”.:” Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Thế Tôn nói như sau

(TÓM LƯỢC)

—Này các Tỷ–kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy.

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý.

Này các Tỷ–kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.

Này các Tỷ–kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.

Này các Tỷ–kheo,

❶ có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ,

❷ có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ,

❸ có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ,

❹ có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ,

❺ có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ,

❻ có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ,

❼ có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.

(❶ CÁC LẬU HOẶC PHẢI DO TRI KIẾN ĐƯỢC ĐOẠN TRỪ)

Này các Tỷ–kheo, và thế nào là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ?

Này các Tỷ–kheo, ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý; vị này vì không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý.

Này các Tỷ–kheo, và thế nào là các pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý?

Này các Tỷ–kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng, hay vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng.

Những pháp ấy là những pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý.

Này các Tỷ–kheo, và thế nào là các pháp cần phải tác ý mà vị ấy không tác ý?

Này các Tỷ–kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt.

Những pháp ấy là những pháp cần phải tác ý mà các vị ấy không tác ý.

Do vị ấy tác ý các pháp không nên tác ý, do vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.

Vị ấy không như lý tác ý như sau:

“Ta có mặt trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ?

Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào?

Ta có mặt trong thời quá khứ hình vóc như thế nào?

Trước kia ta là gì và ta đã có mặt như thế nào trong thời quá khứ?

Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai?

Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào?

Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào?

Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai?”

Hay nay vị ấy có nghi ngờ về mình trong thời hiện tại:

“Ta có mặt hay ta không có mặt?

Ta có mặt như thế nào?

Ta có mặt hình vóc như thế nào?

Chúng sanh này từ đâu đến?

Và rồi nó sẽ đi đâu?”.

Với người không như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên:

“Ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn;

“Ta không có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn;

“Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn;

“Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn.

“Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn;

hay tà kiến này khởi lên với người ấy: “Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại”.

Này các Tỷ–kheo, như vậy gọi là

tà kiến,

kiến trù lâm,

kiến hoang vu,

kiến hý luận,

kiến tranh chấp,

kiến kiết phược.

Này các Tỷ–kheo, trói buộc bởi kiến kiết sử, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói kẻ ấy không thoát khỏi khổ đau.

Này các Tỷ–kheo, và vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, tuệ tri các pháp cần phải tác ý, tuệ tri các pháp không cần phải tác ý.

Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý và tác ý các pháp cần phải tác ý.

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là các pháp không cần phải tác ý và vị này không tác ý?

Này các Tỷ–kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng;

hay hữu lậu chưa sanh … (như trên) … hay vô minh lậu chưa sanh được khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng.

Ðó là những pháp không nên tác ý và vị ấy không tác ý.

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý?

Này các Tỷ–kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh … (như trên) … hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt, đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý.

Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.

Vị ấy

như lý tác ý: “Ðây là khổ”,

như lý tác ý: “Ðây là khổ tập”,

như lý tác ý: “Ðây là khổ diệt”,

như lý tác ý: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”.

Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ.

Này các Tỷ–kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.

(❷ CÁC LẬU HOẶC PHẢI DO PHÒNG HỘ ĐƯỢC ĐOẠN TRỪ)

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ?

Ở đây, có Tỷ–kheo như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ mắt.

Này các Tỷ–kheo, nếu Tỷ–kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên.

Nếu sống phòng hộ với sự phòng hộ mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Vị ấy như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ tai … (như trên) … sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ mũi … (như trên) … sống phòng hộ với sự phòng hộ lưỡi … (như trên) … sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ thân … (như trên) … sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ ý.

Này các Tỷ–kheo, nếu Tỷ–kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ ý, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên.

Nếu sống phòng hộ ý, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ–kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ.

(❸ CÁC LẬU HOẶC PHẢI DO THỌ DỤNG ĐƯỢC ĐOẠN TRỪ)

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ?

Này các Tỷ–kheo, ở đây, Tỷ–kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng.

Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực

không phải để vui đùa,

không phải để đam mê,

không phải để trang sức,

không phải để tự làm đẹp mình,

mà chỉ để thân này được sống lâu,

được bảo dưỡng,

để thân này khỏi bị thương hại,

để hỗ trợ phạm hạnh,

nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ,

không cho khởi lên các cảm thọ mới,

ta sẽ không có lỗi lầm,

sống được an ổn”.

Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng sàng tọa,

chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng,

ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loại bò sát,

chỉ để giải trừ nguy hiểm của thời tiết,

chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.

Vị ấy như lý giác sát thọ dụng dược phẩm trị bệnh,

chỉ để ngăn chận các cảm giác khổ thống đã sanh,

để được ly khổ hoàn toàn.

Này các Tỷ–kheo, nếu vị ấy không thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên.

Nếu vị ấy thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ–kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ.

(❹ CÁC LẬU HOẶC PHẢI DO KHAM NHẪN ĐƯỢC ĐOẠN TRỪ)

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ?

Này các Tỷ–kheo, ở đây, có Tỷ–kheo như lý giác sát, kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; kham nhẫn những cách nói mạ lị phỉ báng.

Vị ấy có tánh kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người.

Này các Tỷ–kheo, nếu vị ấy không kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên.

Nếu vị ấy kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ–kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ.

(❺ CÁC LẬU HOẶC PHẢI DO TRÁNH NÉ ĐƯỢC ĐOẠN TRỪ)

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ?

Này các Tỷ–kheo, ở đây, Tỷ–kheo như lý giác sát tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn, khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước.

Có những chỗ ngồi không xứng đáng ngồi,

những trú xứ không nên lai vãng,

những bạn bè ác độc mà nếu giao du thì bị các vị đồng phạm hạnh có trí nghi ngờ, khinh thường;

vị ấy như lý giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai vãng ấy và các bạn độc ác ấy.

Này các Tỷ–kheo, nếu vị ấy không tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên.

Nếu vị ấy tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ–kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ.

(❻ CÁC LẬU HOẶC PHẢI DO TRỪ DIỆT ĐƯỢC ĐOẠN TRỪ)

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ?

Này các Tỷ–kheo, ở đây, Tỷ–kheo như lý giác sát không có chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (dục niệm ấy);

không có chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (sân niệm ấy);

không có chấp nhận hại niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (hại niệm ấy);

không chấp nhận các ác bất thiện pháp luôn luôn khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (các ác bất thiện pháp ấy).

Này các Tỷ–kheo, nếu vị ấy không trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên.

Nếu vị ấy trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ–kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn diệt.

(❼ CÁC LẬU HOẶC PHẢI DO TU TẬP ĐƯỢC ĐOẠN TRỪ)

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ?

Này các Tỷ–kheo, ở đây, Tỷ–kheo

như lý giác sát tu tập niệm giác chi, niệm giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ;

như lý giác sát tu tập trạch pháp giác chi … (như trên) … tu tập tinh tấn giác chi … tu tập hỷ giác chi … tu tập khinh an giác chi … tu tập định giác chi …

… tu tập xả giác chi; xả giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

Này các Tỷ–kheo, nếu vị ấy không tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên.

Nếu vị ấy tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ–kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.

(KẾT LUẬN)

Này các Tỷ–kheo, đối với Tỷ–kheo

❶ những lậu hoặc nào phải do tri kiến được đoạn trừ đã được tri kiến đoạn trừ,

❷ những lậu hoặc nào phải do phòng hộ được đoạn trừ đã được phòng hộ đoạn trừ,

❸ những lậu hoặc nào phải do thọ dụng được đoạn trừ đã được thọ dụng đoạn trừ,

❹ những lậu hoặc nào phải do kham nhẫn được đoạn trừ đã được kham nhẫn đoạn trừ,

❺ những lậu hoặc nào phải do tránh né được đoạn trừ đã được tránh né đoạn trừ,

❻ những lậu hoặc nào phải do trừ diệt được đoạn trừ đã được trừ diệt đoạn trừ,

❼ những lậu hoặc nào phải do tu tập được đoạn trừ đã được tu tập đoạn trừ;

này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo ấy được gọi là đã sống phòng hộ với sự phòng hộ tất cả lậu hoặc, đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, đã chánh quán kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ–kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Bài viết liên quan

  • Phê Phán Ngoại Đạo (Và Cả Trong Nội Bộ) Có Nên Chăng?, Web, FB
  • Tha Thứ Như Thế Nào, Web, FB
  • Sám Hối Như Thế Nào? Để Làm Gì, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức:, Web, FB
  • Đàn Gẩy Tai Trâu, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Trả Lời Ngoại Đạo, Web, FB
  • Hâm Mộ Ngoại Đạo, Web, FB
  • Lưu Ý Về Tu Tập Bi – Hỷ – Xả Trong Khi Tu Tập Rải Tâm Từ, Web, FB
  • “Từ Bi Hỷ Xả Vô Lượng” Có Thể Hiện Phật Tính Hay Không?, Web, FB
  • Mang Tâm Từ Bi Hỷ Xả Tới Tất Cả Chúng Sinh, Web, FB
  • Vun Bồi Tâm Từ (Và Cả Bi Hỷ Xả), Web, FB
  • Tu Tập Vun Bồi Tứ Vô Lượng Tâm, Web, FB
  • Hiềm Hận Cần Được Trừ Khử Như Thế Nào?, Web, FB
  • Xóa Tan Sân Hận 1/2, Web, FB
  • Xóa Tan Sân Hận 2/2, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định Với Đề Mục Từ Tâm – Phần 1, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định Với Đề Mục Từ Tâm – Phần 2, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định Với Đề Mục Từ Tâm – Phần 3, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định Với Đề Mục Từ Tâm – Phần 4, Web, FB
  • Niệm Chết Như Thế Nào, Web, FB
  • Quán Niệm 32 Thể Trược, Web, FB
  • Thân Hành Niệm – Quán Thân Bất Tịnh 32 Thể Trược, Web, FB
  • Đến Như Thế Nào Là Không Biết Đủ Đối Với Thiện Pháp Và Không Thối Chuyển Đối Với Tinh Cần?, Web, FB
  • Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Ba: Tinh Tấn (Phần 2: 11 Cách Ðể Phát Sanh Tinh Tấn), Web, FB
  • Khi Thiền, Nếu Chúng Ta Cứ Duy Trì Việc Quan Sát Cái Đau, Sự Nóng Bức Hay Tê Cứng Mà Không Chịu Thay Đổi Oai Nghi Liền, Thì Thực Sự Đó Có Phải Là Tự Ép Xác Hay Khổ Hạnh (Atta-Kilamatha-Nuyoga) Không?, Web, FB
  • Kiên Nhẫn Và Nghị Lực Để Đương Đầu Với Đau Khổ, Đặc Biệt Là Cảm Giác Đau Nhức Trong Khi Hành Thiền, Web, FB
  • Thế Nào Là Tám Pháp Đối Trị Dã Dượi Buồn Ngủ (Hôn Trầm Thụy Miên) Trong Khi Hành Thiền?, Web, FB
  • (09) Đối Trị Đau Nhức Và Buồn Ngủ, Archive
  • Thánh Lạc Và Phi Thánh Lạc Khác Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • Phước Thiện – Puñña, Web, FB
  • Nhà Bao Việc, Web, FB
  • 10 Thiện Nghiệp Là Gì, Web, FB
  • Thỉnh Mời Chư Tăng Tới Cúng Dường, Trai Tăng Tại Gia Để Làm Gì? Nên Như Thế Nào? , Web, FB
  • Cúng Dường Là Gì, Web, FB
  • Mọi Việc Rồi Sẽ Qua, Web, FB
  • Từ Thiện – Bố Thí – CúNg DườNg – Dāna Với Sự Hiểu Biết, Web, FB
  • Suy Xét Làm Phước Thiện Bố Thí, Web, FB
  • Xây Chùa, Tháp, Dựng Tượng Phật Có Thuộc Vào Thí Sự Không, Web, FB
  • Bỏ Công Trực Tiếp Bố Thí Có Lợi Ích Gì?, Web, FB
  • Sai Khác Giữa Có Bố Thí Và Không Bố Thí?, Web, FB
  • Bố Thí Xứng Bậc Chân Nhân, Web, FB
  • Bố Thí Ba-La-Mật, Web, FB
  • Bố Thí Là Việc Dễ Làm, Song Bố Thí Để Tạo Được Phước Thiện Không Phải Là Việc Dễ, Mà Được Phước Thiện Vô Lượng Càng Khó Hơn…, Web, FB
  • Năm Pháp Đại Thí , FB
  • Video 2A/4: Dāna – Charity – Bố Thí Cúng Dường, Web, FB
  • Phước Nghiệp Bố Thí Cúng Dường, Youtube
  • Quả Báu Và Phân Loại Phước Nghiệp Bố Thí Cúng Dường, Youtube
  • Tích Truyện Về Quả Báu Phước Nghiệp Bố Thí, Youtube
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB

Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube

Bài viết trên Facebook, 3 tháng 9, 2020