Thế nào là thực hành đúng đắn minh sát tứ niệm xứ

THẾ NÀO LÀ THỰC HÀNH ĐÚNG ĐẮN MINH SÁT TỨ NIỆM XỨ

“CHỈ HAY BIẾT SUÔNG “LÀM GÌ BIẾT NẤY” THÌ ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ ĐANG THỰC HÀNH ĐÚNG ĐẮN MINH SÁT TỨ NIỆM XỨ: NẾU KHÔNG KHÔNG QUÁN ① TÍNH SINH KHỞI, ② TÍNH DIỆT TẬN, ③ TÍNH SINH DIỆT CỦA MỌI HIỆN TƯỢNG DANH HAY SẮC ĐANG XẢY RA TRÊN THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP BẰNG CÁCH ① LẶP ĐI LẶP LẠI, ② NHIỆT TÂM, ③ TỈNH GIÁC, ④ CHÁNH NIỆM ⇛⇛⇛ ĐỂ ĐOẠN TRỪ MỌI THAM, ƯU THÌ KHÔNG PHẢI LÀ ĐANG THỰC HÀNH ĐÚNG ĐẮN MINH SÁT TỨ NIỆM XỨ.”
– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc.

Trong Trường Bộ Kinh, 22. Đại kinh Tứ Niệm Xứ cũng như trong rất nhiều bài kinh khác nhau, Đức Phật đã chỉ dẫn việc thực hành đúng đắn Minh sát Tứ niệm xứ như sau:

“Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo

⚀ sống quán thân trên thân,

NHIỆT TÂM [1],

TỈNH GIÁC [2],

CHÁNH NIỆM [3],

để chế ngự tham ưu ở đời;

⚁ sống quán thọ trên các thọ,

NHIỆT TÂM,

TỈNH GIÁC,

CHÁNH NIỆM,

để chế ngự tham ưu ở đời;

⚂ sống quán tâm trên tâm,

NHIỆT TÂM,

TỈNH GIÁC,

CHÁNH NIỆM,

để chế ngự tham ưu ở đời;

⚃ sống quán pháp trên các pháp,

NHIỆT TÂM,

TỈNH GIÁC,

CHÁNH NIỆM,

để chế ngự tham ưu ở đời.”

Cũng trong bài kinh này, ngoài việc Đức Phật đã nhắc đi nhắc lại 4 yếu pháp thực hành tu tập là ⑴ LẶP ĐI LẶP LẠI – ⑵ NHIỆT TÂM – ⑶ TỈNH GIÁC – ⑷ CHÁNH NIỆM như trong trích dẫn ở trên, Đức Phật cũng nhấn mạnh trong 16 lần về việc các hành giả khi thực hành tu tập Minh sát Tứ Niệm Xứ cần phải quán ⑴ SỰ SINH – ⑵ SỰ DIỆT – ⑶ SỰ SINH VÀ DIỆT của các hiện tượng đang xảy ra liên tục trên Thân Thọ Tâm Pháp.
Đó mới chính là thực hành tu tậo đúng đắn Minh sát Tứ niệm xứ – “… con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh lý, chứng ngộ Niết Bàn.”:

“… Như vậy vị ấy

① sống quán pháp trên các nội pháp;

② hay sống quán pháp trên các ngoại pháp;

③ hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp.

⚀ Hay sống quán tánh SANH KHỞI trên các pháp;

⚁ hay sống quán tánh DIỆT TẬN trên các pháp;

⚂ hay sống quán tánh SANH & DIỆT trên các pháp.

‘Có những pháp ở đây’, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.…”

(Đại kinh Tứ Niệm Xứ https://suttacentral.net/dn22/vi/minh_chau)

Nhiệm vụ của mỗi hành giả là không chỉ thực hành đúng đắn theo Chánh pháp do Đức Phật đã chỉ dạy, mà còn phải thực hành kiên nhẫn mọi lúc mọi nơi để có cái THẤY & BIẾT về:
⚀ TÍNH SINH KHỞI,
⚁ TÍNH DIỆT TẬN,
⚂ TÍNH SINH & DIỆT
CỦA MỌI HIỆN TƯỢNG ĐANG XẢY RA TRÊN THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP BẰNG CÁCH
① LẶP ĐI LẶP LẠI
② NHIỆT TÂM,
③ TỈNH GIÁC,
④ CHÁNH NIỆM
⇛⇛⇛ ĐỂ CHẾ NGỰ THAM ƯU Ở ĐỜI
Cần thực hành tu tập các pháp đó càng nhiều càng tốt, càng sít sao liên tục càng tốt, để ngăn chặn không có chỗ cho các chướng ngại ô nhiễm sinh khởi phát triển khống chế tâm, thì mới có thể vun bồi vững chắc các tầng Minh Sát Tuệ dẫn đến Đạo & Quả tuệ thành tựu viên mãn giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não.

Mọi việc luôn luôn là vô thường và bất toại nguyện nên khi thực hành Minh sát Tứ niệm xứ mỗi khi trong tâm có mong chờ điều gì, có lý giải, có thắc mắc, có bình luận, có kể lể, có kêu ca, có phàn nàn, có mừng vui, có buồn nản, có hy vọng, có thất vọng … v. v…… – thì chớ có chấp thủ, tin bám vào chúng, hãy chỉ duy nhất bằng cách ghi nhận, ghi nhận và ghi nhận sự sinh diệt của những tâm trạng đó, hãy chỉ nên lặp đi lặp lại việc quán sát sự sinh diệt của ngũ uẩn / thân tâm – ngày ngày hôm khỏe hôm yếu, hôm chăm hôm lười, hôm bận hôm rảnh, hôm vui hôm buồn, hôm hào hứng hôm chán nản đều kiên nhẫn tu tập như vậy sẽ đoạn trừ dần dần các bất thiện tâm, vun bồi dần dần các thiện tâm: Tín Tấn Niệm Định Tuệ trở nên viên mãn.

Về thực hành đúng đắn Minh Sát Tứ Niệm Xứ chỉ có bấy nhiêu: kiên nhẫn lặp đi lặp lại việc quán sát sự sinh – sự diệt – sự sinh & diệt của thân và tâm một cách nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm.

Thực hành thuần thục Minh sát Tứ niệm xứ sẽ thấy biết liên tục sự sinh – sự diệt – sự sinh & diệt của thân–tâm là thấy biết vô thường >> thấy biết vô thường là thấy biết khổ >> thấy biết vô thường và thấy biết khổ là thấy biết vô ngã: không có “ta”, “của ta”, “tự ngã của ta”.

Thấy biết liên tục sinh–diệt tức vô thường – khổ – vô ngã thì sẽ không còn bám víu, chấp thủ, nương tựa vào bất cứ việc gì trên đời – do vậy nên nhàm chán, ly tham, đoạn diệt thân kiến – hoài nghi – giới cấm thủ, được giải thoát – Đạo Quả viên thành, Niết bàn hiển lộ, nhập lưu dòng Thánh: Cánh cửa xuống bốn đọa xứ địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ, atula được đóng lại, biển khổ khô cạn, chỉ còn tối đa là bẩy kiếp sống, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ giải thoát hoàn toàn.

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

[Phần chính Bài viết thường ngắn gọn, phần còn lại là ‘Ghi chú’ và ‘Danh mục các bài viết liên quan’ dành cho những người thực sự quan tâm muốn học hỏi cụ thể đầy đủ.

Phần này không có chủ đích phục vụ làm hài lòng, thỏa mãn tất cả mọi người mọi đối tượng, nhất là những đối tượng hời hợt không quan tâm tới lời Phật dạy theo kinh điển, chỉ ưa lời hý luận; mà phần này là nhằm để giúp cho một số đạo hữu ham tìm hiểu nhưng chưa biết cách lần mò trong biển kiến thức bao la, có thể tìm được nguồn Chánh kinh và tài liệu gốc trực tiếp khi cần thiết, một cách thuận tiện và nhanh chóng.

Người đọc bình thường có thể bỏ qua phần chuyên sâu và mở rộng này.]

GHI CHÚ:

[1] Lặp đi lặp lại việc quán sát ghi nhận = anupassī.
Anu = lặp đi lặp lại

[2] Nhiệt Tâm = Tinh tấn thiêu đốt các ác pháp, các bất thiện pháp:
🍀… Này các Tỷ kheo, và thế nào là Chánh tinh tấn?
① Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
② Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
③ Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
④ Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
[Trường Bộ Kinh – 22. Đại kinh Niệm xứ
Bài viết liên quan: Bài 2/6 – TỨ NIỆM XỨ
— Hết trích dẫn —

🍀… TINH TẤN

Tinh tấn là năng lực kiên trì, liên tục hướng tâm vào đối tượng quán sát. Tinh tấn, hay viriya, được định nghĩa là viranam bhavo, “đặc tính của người hùng”. Ðiều này giúp ta hiểu được ý vị và đặc tính của việc hành thiền của chúng ta, hàm ý rằng, ta phải dũng cảm và tinh tấn trong khi hành thiền.

Người chăm chỉ và chịu khó sẽ có khả năng làm được những việc kỳ diệu. Người dũng cảm tinh tấn sẽ dấn bước vào khó khăn với tinh thần vô úy.

Chú giải cho rằng ĐẶC TÍNH của tinh tấn là sự kiên trì chịu đựng khi đương đầu với khổ đau và khó khăn. Tinh tấn là khả năng để thấy kết quả không ngại gian nguy, không sợ khó khăn.

Thiền sinh phải kiên nhẫn chấp nhận những khó khăn xảy đến ngay lúc bắt đầu hành thiền. Khi đến trường thiền, bạn để lại sau lưng mọi lạc thú quen thuộc, mọi sở thích thường ngày. Bạn phải ngủ ít lại và nằm trên một tấm đệm khiêm nhường trong một cái cốc nhỏ hẹp. Lúc thức dậy, bạn phải tập ngồi xếp bằng bất động nhiều giờ trong ngày.

Một điều khó khăn cực kỳ đối với bạn, là trong lúc hành thiền phải đương đầu với một con tâm bất mãn, vọng động, không chịu ở yên trên đề mục mà chỉ muốn đi lang bạt mọi nơi, nhất là hay hướng về những gì tốt đẹp, ưa thích tại nhà mình.

Mỗi khi bạn bắt tay vào việc hành thiền, thì dường như lúc ấy bạn cảm thấy cơ thể mình căng thẳng khó chịu hay bị cơn đau hoành hành. Bạn cố gắng ngồi xếp bằng cho được một tiếng trong tĩnh lặng, nhưng mới ngồi được chừng mươi lăm phút, một con muỗi đến quấy rầy bạn, cổ bạn bị cứng, chân bạn bị tê, bạn bắt đầu muốn nổi quạu.

Bạn muốn sống một đời sống tiện nghi sung túc, cơ thể bạn được nuông chiều, tâng tiu và đối xử dễ dãi. Bạn luôn luôn thay đổi tư thế mỗi khi cảm thấy một chút khó chịu nhỏ xíu phát sinh. Bây giờ, than ôi, cơ thể phải chịu muôn vàn đau khổ. Bạn bị hành hạ đủ điều, và vì cơ thể đau khổ nên khiến bạn đau khổ theo.

Cảm giác khó chịu có sức mạnh và khả năng kỳ lạ làm cho tâm bạn mệt mỏi và tàn tạ. Ý muốn đầu hàng luôn luôn cám dỗ bạn. Tâm bạn suy nghĩ mông lung: “Ta chỉ cần trở chân một chút thì sẽ được định tâm ngay”. Thế là chẳng bao lâu bạn chịu đầu hàng.

KIÊN NHẪN CHỊU ÐỰNG

Bạn cần phải dũng cảm tinh tấn, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn. Nếu bạn gia tăng tinh tấn, tâm bạn sẽ có đủ sức mạnh để chịu đựng với đau nhức, khó chịu, mỏi mệt một cách kiên nhẫn và can đảm. Tinh tấn có khả năng làm cho tâm tươi mát và giữ tâm mạnh mẽ, dầu cho có gặp những hoàn cảnh khó khăn.

Có hai cách để gia tăng năng lực.

Một là tự khích lệ mình.

Hai là nhờ một người bạn hay một vị thầy giúp đỡ.

Chỉ cần thêm một ít năng lực là tâm bạn sẽ trở nên mạnh mẽ.

HỖ TRỢ CHO TÂM MỆT MỎI

Các nhà chú giải nói rằng, tinh tấn có CHỨC NĂNG hỗ trợ. Nó nâng đỡ tâm khi tâm lụn bại vì sự đau nhức. Giống như những cây cột nhà to lớn nâng đỡ khiến cho căn nhà được vững chải trong gió mưa bão táp, sự dũng mãnh tinh tấn giúp cho thiền sinh tiếp tục hành thiền với một tinh thần hăng say và tươi mát, vượt qua mọi sự đau nhức khó khăn. Bạn sẽ tự mình kinh nghiệm lợi ích lớn lao của tâm dũng cảm tinh tấn này.

Thiền sinh bị đau khổ vì bệnh kinh niên có thể gặp một vài khó khăn trong lúc hành thiền.

Phải đương đầu với sự đau nhiều lần khiến năng lực của cơ thể và tâm trí suy mòn, uể oải và chán nản. Bởi thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những thiền sinh đau yếu vào trình pháp với tâm trạng thất vọng, chán nản.

Thiền sinh cảm thấy mình chẳng tiến bộ và cứ gặp chướng ngại mãi. Mọi cố gắng đều như vô vọng. Thế rồi một số tư tưởng yếu đuối đến với họ. Họ muốn chịu thua; họ muốn bỏ khoá thiền hay ngưng hành thiền một thời gian. Ðôi lúc, qua một vài lời khuyến khích, tôi có thể giải quyết được tình trạng khó khăn này của thiền sinh để giúp họ tự tin và tiếp tục hành thiền, và độ một vài ngày sau, họ trở lại trạng thái bình thường và hăng say hành thiền như trước.

Ðiều quan trọng trong lúc hành thiền là có được sự khuyến khích hay khích lệ. Sự khuyến khích và khích lệ này không phải chỉ thuần là sự tự khích lệ, tự khuyến khích, mà còn phải có sự hỗ trợ của một người bạn đạo hay một vị thầy. Những người này sẽ khích lệ bạn tiến bước khi bạn bị chùn bước, sẽ nâng đỡ bạn khi bạn vấp ngã.

Ðức Phật dạy: “Dầu chỉ sống trong một ngày mà tích cực hành thiền còn hơn sống trăm năm mà thiếu nỗ lực”. Trong công việc làm ăn cũng như trong chánh trị xã hội và giáo dục, chúng ta thường thấy các vị lãnh đạo đều là những người tích cực làm việc. Tích cực hăng say sẽ giúp chúng ta thành công trong mọi lãnh vực. Ðó là điều hiển nhiên trong thực tế. Trong việc hành thiền cũng vậy. Nỗ lực tinh tấn là điều kiện tối thiết yếu. Bạn phải chánh niệm liên tục và duy trì chánh niệm trong từng phút giây không để gián đoạn. Trong dũng cảm tinh tấn không có chỗ cho lười biếng giải đãi.

SỨC NÓNG LÀM BỐC HƠI PHIỀN NÃO

Ðức Phật gọi tinh tấn là một sức nóng, atapa. Khi tràn đầy sự tinh tấn, tâm trở nên nóng. Sức nóng của tâm có khả năng làm phiền não khô héo. Chúng ta có thể so sánh phiền não với sự ẩm ướt. Một tâm thiếu năng lực sẽ trở thành ẩm ướt và nặng nề bởi phiền não. Với chánh niệm mạnh mẽ, tâm sẽ làm cho phiền não bốc hơi trước khi phiền não đụng đến nó. Như vậy, khi tâm tràn đầy năng lực tinh tấn thì phiền não sẽ không thể đụng đến nó, và cũng không thể đến gần nó. Bất thiện pháp không thể tấn công nó được.

Nếu nói về phân tử lượng, thì sức nóng xuất hiện dưới hình thức gia tăng rung động, hay là giao động. Một thỏi sắt nóng đỏ thực sự đang rung động với một tốc độ hết sức nhanh chóng và trở nên mềm dẻo thích ứng. Trong việc hành thiền cũng vậy. Khi tinh tấn mạnh mẽ, sự rung động trong tâm gia tăng biểu hiện qua sự mềm dẻo dễ uốn nắn. Tâm đầy năng lực nhảy từ đề mục này sang đề mục khác một cách dễ dàng mau lẹ. Tâm vừa mới xúc chạm đã nung nóng đối tượng lên làm cho đối tượng rung động, mềm dẻo, khiến ta mất hẳn ảo tưởng về vật cô đọng và đứng yên. Do đó, ta thấy rõ được sự tan biến của đối tượng.

Ðôi lúc việc hành thiền đang trên đà tiến triển tốt đẹp, tinh tấn tự động làm việc như thỏi sắt đã được nung đỏ, được lấy ra khỏi lửa, nhưng vẫn còn giữ được sức nóng trong một thời gian. Khi phiền não cao bay xa chạy thì tâm sẽ trong sáng thanh tịnh và sắc bén. Khi tâm trong sáng, thanh tịnh và sắc bén sẽ ý thức và ghi nhận được chi tiết của các hiện tượng phát sanh một cách dễ dàng. Năng lực chánh niệm này giúp tâm thấu suốt sâu xa đề mục quán sát và trụ tại đó mà không bị tán loạn hay phân tán đi nơi khác. Khi chánh niệm và chánh định được thiết lập thì trí tuệ phát sinh.

Với sự tinh tấn kiên trì, các yếu tố tốt đẹp của chánh niệm, chánh định và trí tuệ phát sinh và trở nên mạnh mẽ kéo theo những điều tốt đẹp khác, những trạng thái an lạc hạnh phúc. Tâm trong sáng sắc bén và bắt đầu đi sâu hơn vào bản chất của sự vật.

TAI HẠI CỦA SỰ LÀM BIẾNG VÀ NIỀM VUI CỦA GIẢI THOÁT

Nếu không kiên trì tinh tấn, thì dã dượi buồn ngủ và lười biếng sẽ tấn công bạn; sự chú tâm sẽ trở nên cùn lụt, và bị độc hại lẻn vào. Bởi vì thiếu hay mất sự chú tâm nên bạn chẳng còn quan tâm đến việc bạn đang còn ở trong trạng thái thiện hảo hay xấu xa. Bạn có thể nghĩ rằng việc hành thiền của bạn đang tự động trôi chảy đều đặn mà chẳng cần đến sự cố gắng của bạn. Ðây là một loại lười biếng, thiếu dũng cảm có thể lôi bạn xuống dốc và tàn phá hủy diệt bạn. Tâm bạn sẽ trở nên ẩm ướt, sũng nước và nặng nề, đầy tiêu cực, bất thiện, như một tấm chăn bị rêu mốc vì bị vất ngoài mưa gió.

Thông thường, phiền não có thể kéo bạn vào trong dục lạc ngũ trần, đặc biệt là vào trong tham ái. Người thiếu dũng cảm tinh tấn sẽ dễ bị tham ái lẻn vào và dần dần bị chìm đắm vào trong dục lạc ngũ trần. Nếu tinh tấn được bơm vào, thì tâm sẽ vượt ra khỏi tình trạng độc hại này. Khi tâm đã được tinh tấn làm cho sung mãn sẽ trở nên nhẹ nhàng, thư thái, trơn tru, giống như một hỏa tiễn đã vượt ra ngoài sức hút của quả đất, tiến vào không gian vô trọng lực.

Khi tâm thoát khỏi sự trì đọng nặng nề của ái dục và của sân hận thì sẽ an lạc tĩnh lặng và tràn đầy các hạnh phúc khác. Những loại an lạc tịch tịnh êm dịu này chỉ có thể đạt được qua sức nóng của lửa tinh tấn do chính bạn tạo nên.

Lúc bấy giờ bạn sẽ tự mình cảm nhận tự do giải thoát. Có thể một ngày nào đó, trong khi bạn đang hành thiền, mùi thơm của bánh vừa mới chín lọt vào mũi bạn. Nếu bạn đang chánh niệm tỉnh thức hay ghi nhớ biết mình thì bạn sẽ ghi nhận hay niệm đấy chỉ là mùi, chỉ là hương trần, chỉ là một đề mục để hành thiền mà không bị ảnh hưởng bởi hương vị thơm tho này. Dầu bạn biết rằng đó là hương thơm, nhưng bạn không bị dính mắc vào hương này. Bạn sẽ không bỏ thiền, đứng dậy để tìm hiểu xem hương đã đến từ đâu, và ai đang nấu bánh, v.v…

Cũng vậy, khi bạn đang chánh niệm tỉnh thức thì một đối tượng không hài lòng đến với bạn, tâm sân hận cũng sẽ không phát sinh, và sự lầm lạc hay si mê cũng sẽ vắng mặt. Khi bạn thấy rõ ràng bản chất của thân và tâm thì những yếu tố bất thiện sẽ không điều khiển hay kiểm soát bạn được.

Thực phẩm cũng là một vấn đề thật khó khăn đối với thiền sinh, nhất là khi thiền sinh đang tham dự một khóa thiền. Không còn bị tham luyến vào thức ăn nữa, nhưng thiền sinh lại bị một trở ngại mới, và trở ngại lớn lao này đè nặng tâm mình, đó là sự chán ghét thực phẩm. Khi thiền sinh thật sự chánh niệm, thiền sinh sẽ thật sự kinh ngạc khi khám phá ra rằng thực phẩm không còn hương vị gì đối với mình nữa. Bởi vì việc hành thiền tiến triển thâm sâu nên thiền sinh bắt đầu thấy thực phẩm thật ghê tởm. Thiền sinh chỉ ăn vài miếng là không muốn ăn nữa. Nhiều thiền sinh, khi kinh nghiệm được sự hỉ lạc mạnh mẽ, sự hỉ lạc này trở thành thức ăn cho tâm họ, khiến họ hoàn toàn mất hẳn thích thú trong việc ăn uống. Những loại thiền sinh trên nên chế ngự phản ứng này bằng cách ăn uống cho đủ thực phẩm để duy trì năng lực của mình. Khi cơ thể thiếu chất dinh dưỡng thì sức mạnh và năng lực sẽ bị mất, và cuối cùng việc hành thiền sẽ bị sụp đổ tàn lụi.

Nhiều người mơ ước gặt hái nhiều lợi ích từ sự tinh tấn, nhưng nếu họ không chịu tận lực cố gắng, thì sẽ bị nhận chìm vào trong chán nản tuyệt vọng. Tiếng Pali chỉ hạng người này là kusita. Trong xã hội, nếu một người không chịu làm việc để tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình sẽ bị người khác chê bai khinh rẻ. Họ sẽ bị chê là kẻ lười biếng hay bị gán vào những danh từ xấu xa khác. Chữ kusita đặc biệt để chỉ những ai bị người khác nhục mạ hay phỉ báng.

Trong việc hành thiền cũng vậy. Vào lúc cần nhiều tinh tấn, thiền sinh lại không thể gom tinh tấn để đương đầu với những khó khăn, mà thu mình, rụt cổ, nhát gan, trốn chạy, thì đó là loại thiền sinh thiếu can đảm, thiếu dũng lược.

Một người lười biếng sống trong lầm than khổ sở, không những họ không được người khác kính mến, mà còn bị phiền não dễ dàng tấn công. Phiền não chờ đợi lúc tinh tấn yếu kém để tấn công. Thế là tâm bị ba loại phiền não xâm nhập, đó là dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng. Tư tưởng tham dục, tư tưởng sân hận và ý nghĩ làm hại kẻ khác sẽ tới tấp tấn công bạn. Lúc ấy tâm bị đàn áp đau đớn khổ sở. Người lười biếng dễ bị những loại tâm bất thiện này chi phối. Họ cũng dễ bị những loại bất thiện tâm khác như dã dượi, buồn ngủ chế ngự. Thêm vào đó, khi thiếu tinh tấn, thiền sinh không thể duy trì những giới luật căn bản. Khi giới luật bị hủy hoại thiền sinh sẽ bị mất niềm vui và lợi ích do giới luật thanh tịnh đem lại.

Việc hành thiền bị lười biếng phá hoại trầm trọng. Lười biếng cướp mất cơ hội để thiền sinh thấy rõ bản chất thật sự của mọi vật khiến thiền sinh không có dịp để nâng tâm mình lên cao hơn. Thế nên Ðức Phật nói rằng những kẻ làm biếng bị mất nhiều điều lợi ích và tốt đẹp.

KIÊN TRÌ

Muốn cho sự tinh tấn khai triển mạnh mẽ trở thành một yếu tố giác ngộ cần phải có sự kiên trì; có nghĩa là năng lực tinh tấn không được bỏ dở hay cô đọng mà phải được liên tục tăng cường. Với sự kiên trì tinh tấn, tâm sẽ được bảo vệ thoát khỏi những tư tưởng bất thiện sai lầm.

Phải có rất nhiều tinh tấn mới chế ngự được dã dượi buồn ngủ. Khi tinh tấn mạnh mẽ, thiền sinh sẽ cảm thấy giới luật, tâm định và trí tuệ của mình bền vững. Thiền sinh kinh nghiệm được những lợi ích do tinh tấn đem lại. Tâm thiền sinh sáng suốt, rõ ràng, đầy sức mạnh, đầy năng lực và năng động.

Thiền sinh sẽ hiểu rõ ràng những lợi ích của tinh tấn khi chính thiền sinh thưởng thức được những hạnh phúc kỳ diệu do việc hành thiền đem lại. Có lẽ thiền sinh đã quán sát theo dõi những cảm giác đau nhức tột cùng và đã chinh phục được chúng, không bị phản ứng, và cũng không bị cảm giác đau nhức này đè bẹp. Tâm đạt được một sự thỏa thích lớn lao vì cảm nhận được sự thành công hoàn hảo của mình. Thiền sinh cảm thấy biết ơn sự tinh tấn, vì chính nhờ tinh tấn mà tâm không bị những nỗi khó khăn đè bẹp, đã vượt qua những khó khăn này và chiến thắng vinh quang.

CHÚ TÂM SÁNG SUỐT LÀ NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH TINH TẤN

Ðức Phật đã tóm lược phương pháp làm cho tinh tấn hay năng lực phát sinh, đó là sự chú tâm sáng suốt. Sự chú tâm sáng suốt giúp phát sinh ba loại tinh tấn.

Ðó là TINH TẤN KHỞI ĐỘNG, TINH TẤN PHÓNG THÍCH và TINH TẤN KIÊN TRÌ.

TINH TẤN KHỞI ĐỘNG, hay tinh tấn đề khởi, là tinh tấn cần thiết ở giai đoạn đầu tiên trong khi hành thiền, đặc biệt là trong một khoá thiền. Lúc đầu tâm bị chế phục bởi công việc mới, về lâu sau, mọi việc sẽ được ổn định. Ðể việc hành thiền tiến triển, bạn phải nghĩ đến những lợi ích của công việc làm của bạn rồi bắt đầu tinh tấn chú tâm chánh niệm.

Một thiền sinh mới bắt đầu hành thiền chỉ được hướng dẫn những đề mục căn bản. Bạn chỉ chú tâm vào đề mục chính, và chỉ chú tâm vào đề mục phụ khi bạn bị phóng tâm. Lúc này, bạn chỉ cần có loại tinh tấn đầu tiên, đó là loại tinh tấn khởi động, giống như tầng đầu tiên của hỏa tiễn đẩy hỏa tiễn rời khỏi mặt đất.

Dầu khi bạn đã có thể chánh niệm trên đề mục chính một thời gian và lúc này tâm bạn đã một phần nào ổn định, nhưng không phải việc hành thiền luôn luôn trơn tru như vậy. Chướng ngại sẽ bước vào. Nào đau, nào nhức, nào buồn ngủ, v.v… Bạn cảm thấy mình là nạn nhân đáng thương của đau nhức, không kiên nhẫn, tham lam, dã dượi, buồn ngủ và hoài nghi. Có lẽ bạn đã từng hưởng thụ những cảm giác an tịnh thoải mái ở một mức độ nào đó bởi vì bạn có thể an trú trong đề mục đầu tiên một thời gian, nhưng thình lình những khó khăn tấn công bạn. Vào lúc này tâm trở nên nhu nhược, thiếu can đảm và lười biếng. Tinh tấn khởi động không đủ sức mạnh để đương đầu với những khó khăn này. Bạn cần phải có một hậu thuẫn đặc biệt để đương đầu với buồn ngủ, đau nhức, để vượt qua các chướng ngại.

Loại tinh tấn thứ hai là TINH TẤN TRIỂN KHAI hay phóng thích, giống như tầng thứ hai của hỏa tiễn đẩy hỏa tiễn ra khỏi tầng khí quyển của trái đất. Sự khích lệ của thiền sư sẽ giúp đỡ bạn tích cực trong giai đoạn này. Bạn cũng có thể tự khích lệ bằng cách suy tư đến những lý do tốt đẹp để làm khởi dậy tinh tấn phóng thích.

Trang bị bằng vũ khí dũng cảm bên trong và bên ngoài, bây giờ bạn có một liên minh tinh tấn để quán sát sự đau nhức. Nếu bạn có thể chế ngự được sự khó khăn của mình, bạn sẽ cảm thấy thật hăng hái, phấn khởi, và nhờ thế, sự tinh tấn của bạn được tăng cường. Bạn sẵn sàng ghi nhận một cách chánh niệm mọi đối tượng hiện ra. Có thể bạn chế phục được sự đau lưng, hay bạn nhìn vào trong sự tấn công của dã dượi buồn ngủ và thấy nó biến mất giống như một làn mây mỏng. Lúc ấy tâm sẽ trở nên tươi mát và trong sáng. Bạn sẽ cảm thấy năng lực tinh tấn lên cao độ. Ðó là kinh nghiệm trực tiếp của tinh tấn triển khai. Sau đó, việc hành thiền có thể tiến triển đều đặn, trơn tru, và tâm sẽ cảm thấy thoả mãn. Lúc này, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy thiền sư bảo bạn thực tập nhiều điều đặc biệt. Chẳng hạn, thiền sư bảo bạn chú tâm vào vài điểm đụng trong cơ thể. Sự chú tâm này nhằm mục đích khích lệ tinh tấn kiên trì, loại tinh tấn thứ ba.

TINH TẤN KIÊN TRÌ rất cần thiết để hỗ trợ cho bạn duy trì thâm sâu việc hành thiền của mình, đưa bạn đến mục tiêu giải thoát. Loại tinh tấn này chẳng khác nào tầng thứ ba của hỏa tiễn giúp hỏa tiễn có đủ năng lực để hoàn toàn thoát ra khỏi sức hút của trái đất. Khi bạn phát triển tinh tấn kiên trì, bạn sẽ bắt đầu du hành qua các tầng thiền minh sát.

Sự an lạc hạnh phúc mà bạn đạt được trong lúc hành thiền sẽ tan biến khi bạn trở về đời sống thế tục, trừ phi bạn đạt được một mức độ an lạc tịch tĩnh thâm sâu hơn. Bạn có thể tự kiểm nghiệm lại việc này qua kinh nghiệm hành thiền của chính mình. Một câu hỏi cần đặt ra ở đây, là tại sao bạn hành thiền? Tôi nghĩ rằng, mục tiêu tối thiểu của bạn là để đạt được quả tu đà hườn hay nhập lưu, tầng giác ngộ đầu tiên giúp bạn khỏi tái sanh vào bốn đường ác. Dầu mục tiêu của bạn là gì đi nữa, cũng đừng tự mãn cho đến khi bạn đạt được mục tiêu. Do đó, bạn cần khai triển tinh tấn kiên trì, đừng để tinh tấn này bị giảm thiểu hay ngưng đọng. Tinh tấn kiên trì phát triển mãi mãi cho đến khi bạn đạt đến đích của mình. Khi tinh tấn được phát triển tốt đẹp theo đường lối này tiếng Pali gọi là paggahita viriya.

Cuối cùng, vào giai đoạn cuối của việc hành thiền, tinh tấn thành đạt từng mức thứ tư, đó là TINH TẤN THÀNH TỰU. Tinh tấn thành tựu giúp bạn hoàn toàn thoát khỏi sức hút của dục lạc, tiến đến giải thoát Niết Bàn. Có lẽ bạn muốn biết giải thoát Niết Bàn là như thế nào. Ðược ! Hãy tinh tấn đi rồi bạn sẽ thấy.

(Nguồn: Ngay Trong Kiếp Sống Này – Thiền sư U Pandita)

– Hết trích dẫn –

[3] Tỉnh giác

🍀… Thế nào là tỉnh giác trong khi ấy?

Trong khi ấy, pháp là trí hiểu biết, hiểu rõ, lựa chọn, cân nhắc, trạch pháp, tham khảo, phân định, khảo sát, thông thái, rành mạch, khôn ngoan, sáng suốt, suy xét, nghiên cứu, minh mẫn, mẩn tiệp, hồi quang, quán minh, tỉnh giác, sắc sảo; tuệ là tuệ quyền tuệ lực, tuệ như vũ khí, tuệ như lâu đài, tuệ như ánh sáng, tuệ như hào quang, tuệ như ngọn đèn, tuệ như bảo vật, vô si, trạch pháp, chánh kiến. Ðây là tỉnh giác trong khi ấy.

[TẠNG DIỆU PHÁP – BỘ PHÁP TỤ

https://www.budsas.net/uni/u–vdp1/vdp1–01.htm#_ednref80 ]

– Hết trích dẫn –

🍀 Ví dụ về Tu luyện “Tỉnh Giác” khi đi tới đi lui

… Đối với tỉnh giác có bốn loại, cụ thể như sau:

(1) tỉnh giác về lợi ích (sātthaka–sampajañña): đó chính là việc lựa chọn ngay sau khi suy nghĩ đi tới khởi xuất. Đó là nhờ lựa chọn giữa điều thiện và điều bất thiện như sau: điều gì sẽ diễn ra nhờ việc tôi đi tới? Liệu có đem lại lợi ích gì hay không? Và không đi tới là kết quả tức thời của chính suy nghĩ đó.

(2) tỉnh giác về thích hợp (sappāya–sampajañña): là việc lựa chọn điều thích hợp bằng cách lựa chọn giữa điều thích hợp với điều không thích hợp trong khi đang đi trên đường.

(3) tỉnh giác nơi thường lui tới (gocara–sampajañña): là việc ra đi của một người đã chọn như vậy điều gì có lợi và thích hợp và người nào, ngoài 38 đề mục thiền, lại lấy hành xứ làm đề mục thiền đem lại điều dễ chịu thoải mái cho chính tâm mình, và lại mang theo với chính mình trên đường hành xứ chính là cuộc đi khất thực của mình.

(4) tỉnh giác thông qua vô si (asammoha–sampajañña): là không bị si mê liên quan đến đi tới v.v… chúng ta nên hiểu điều này như sau: Ở đây có một vị Tỳ khưu, đang khi đi tới hay đi lui, không giống như một người mù bình thường tự si mê liên quan đến đi tới, v.v… [bằng cách tưởng tượng ra rằng:] “Có bản ngã đi tới. Việc đi tới do chính bản ngã đó tạo ra. Hay: tôi đi tới, việc đi tới đó do tôi tạo ra. Người này không tự si mê như vậy; khi tâm cho rằng “tôi sẽ đi tới” nổi lên, cùng với chính tâm đó phát sanh phong đại tâm sở sanh, giúp tạo thân biểu tri như vậy bộ xương người này được gọi là thân đi tới do cách thức khuếch tán phong đại lại do hành vi của tâm mà ra.

[Chú Giải BỘ PHÂN TÍCH (Vibhanga Atthakathā) – Tập II – Chương Tám – PHÂN LOẠI CHÁNH TINH TẤN]

– Hết trích dẫn –

[4] Chánh Niệm

🍀… Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh niệm?

① Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; ② trên các cảm thọ… ③ trên các tâm… ④ quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

[Trường Bộ Kinh – 22. Đại kinh Niệm xứ]

Bài viết liên quan:

  • Yếu Pháp Tu Tập Tuệ Giải Thoát – Bài 2/6 – Tứ Niệm Xứ, WebFB

– Hết trích dẫn –

🍀… CHÁNH NIỆM

Chánh niệm được dịch từ tiếng Pali là Sati. Tuy nhiên phải hiểu danh từ này với nghĩa tích cực hơn.

Chánh niệm phải được hiểu theo nghĩa là tâm tiến đến đối tượng và bao phủ đối tượng toàn diện, xuyên thấu vào trong đối tượng không thiếu sót một phần nào.

Như vậy Sati phải được hiểu là: sức mạnh quán sát.

Nhưng ở đây, để giản dị ta tiếp tục dùng chữ Chánh Niệm với nghĩa năng động của nó để dịch chữ sati.

Chúng ta sẽ có một ý niệm rõ ràng hơn khi quán sát ba khía cạnh của chánh niệm: Ðặc Tính, Chức Năng và Sự Biểu Lộ. Trong vi diệu pháp đã miêu tả các khía cạnh này như sau:

KHÔNG HỜI HỢT BỀ MẶT

ÐẶC TÍNH của chánh niệm là không hời hợt bề mặt, có nghĩa là chánh niệm phải xuyên suốt và thâm sâu. Nếu ném một nút chai điền điển xuống dòng nước, nút chai sẽ nhấp nhô và nổi trôi theo dòng nước. Nếu ném xuống nước một hòn đá, hòn đá sẽ chìm xuống đáy dòng. Cũng vậy, chánh niệm sẽ đưa tâm chìm sâu vào đối tượng mà không phơn phớt trên bề mặt của nó.

Khi hành thiền, bạn lấy sự chuyển động của bụng làm đề mục theo dõi. Bạn cố gắng tập trung tâm ý dán sát vào đề mục để tâm không trượt khỏi đề mục và chìm sâu vào tiến trình chuyển động của bụng. Khi tâm xuyên suốt tiến trình này, bạn sẽ hiểu được bản chất thực sự của sự căng thẳng, sức ép, chuyển động, v.v…

GIỮ ÐỐI TƯỢNG TRONG TẦM QUÁN SÁT CỦA MÌNH

CHỨC NĂNG của chánh niệm là giữ đối tượng luôn luôn ở trong tầm quán sát của mình. Không quên, cũng không để tâm trượt ra ngoài đối tượng. Khi chánh niệm có mặt thì đối tượng xuất hiện sẽ được ghi nhận không bị quên hay bỏ sót. Muốn tránh sự theo dõi hời hợt bề mặt và để cho đối tượng được quán sát một cách kỹ càng, chúng ta phải hiểu và thực hành khía cạnh thứ ba của chánh niệm, đó là yếu tố hiển bày. Khi Yếu Tố Hiển Bày được phát triển sẽ kéo theo hai yếu tố trên, đặc tính và chức năng.

SỰ HIỂN BÀY chính của chánh niệm là tâm trực diện với đề mục, mặt đối mặt với đề mục.

ÐỐI DIỆN VỚI ÐỀ MỤC

Giống như bạn đang đi trên đường dài gặp một khách bộ hành đi ngược chiều về hướng bạn. Khi bạn hành thiền, tâm phải đối diện với đề mục một cách như vậy. Chỉ khi bạn đối diện trực tiếp với đề mục thì chánh niệm mới thực sự phát sinh. Người ta bảo khuôn mặt biểu lộ tánh tình. Nếu bạn tin như vậy và bạn muốn xét xem một người nào, bạn phải cẩn thận xem xét kỹ gương mặt của họ, sau đó bạn mới có thể phán đoán về họ. Nếu bạn có thể xem xét gương mặt của họ một cách cẩn thận và không bị các phần khác của cơ thể họ làm bạn phân tâm, thì bạn mới có thể xét đoán một cách chính xác.

Trong khi hành thiền, bạn cũng phải áp dụng phương pháp tương tự – nếu sắc bén hơn thì càng tốt – để theo dõi đối tượng quán sát. Chỉ khi nào bạn nhìn một cách kỹ càng tinh tế thì bạn mới có thể hiểu được bản chất thực sự của đối tuợng.

Khi nhìn khuôn mặt ai lần đầu, bạn chỉ nhìn thoáng qua, nhìn một cách tổng quát. Nếu nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy rõ những chi tiết như lông mày, mắt, môi, v.v…Cũng vậy, khi theo dõi chuyển động của bụng, lúc đầu, bạn nhìn một cách tổng quát các tiến trình của chúng. Ban đầu bạn chỉ đưa tâm đối diện với sự phồng xẹp. Về sau bạn nhìn kỹ càng hơn, và những chi tiết sẽ tự nó hiển bày mà không cần đến sự cố gắng của bạn. Bạn sẽ ghi nhận những cảm giác khác nhau sinh rồi diệt, như sự căng thẳng, áp lực, nóng lạnh, chuyển động, v.v…

Khi thiền sinh liên tục đối mặt với đề mục, sự tinh tấn của thiền sinh sẽ trổ quả. Chánh niệm sẽ trở nên tích cực hơn và gắn chặt hơn vào đối tượng quán sát, không bị bỏ sót, không lãng quên, không lơ là phớt qua.

Lúc tâm chánh niệm như thế thì phiền não không thể nào xen vào được.

Nếu chánh niệm được duy trì một thời gian dài, thiền sinh sẽ khám phá ra một sự trong sáng kỳ diệu của tâm, bởi vì phiền não đã vắng bóng.

Bảo vệ tâm khỏi bị phiền não tấn công là khía cạnh thứ hai của sự biểu hiện chánh niệm.

Khi chánh niệm kiên trì và liên tục tích cực thì trí tuệ sẽ phát sinh, và thiền sinh sẽ thấy rõ bản chất của thân và tâm.

Không những thiền sinh thấy được sự sinh diệt của cảm giác mà còn thấy rõ những đặc tính riêng biệt của vô vàn hiện tượng danh sắc diễn ra bên trong.

THẤY TỨ DIỆU ÐẾ

1. Thiền sinh có thể thấy trực tiếp là các hiện tượng danh và sắc, hay thân và tâm, đều đau khổ. Ðó là thiền sinh đã thấy được chân lý thứ nhất.

Khi thấy rõ chân lý thứ nhất thì sẽ thấy rõ ba chân lý sau. Ðiều này được ghi rõ trong kinh điển và chúng ta có thể kiểm chứng qua kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta.

2. Bởi vì có chánh niệm vào lúc các hiện tượng danh sắc xảy ra nên trong lúc ấy không có tham ái. Khi tham ái vắng mặt thì chân lý thứ hai sẽ hiển bày. Tham ái là gốc của đau khổ. Khi tham ái vắng bóng thì gốc của đau khổ sẽ tan biến.

3. Chân lý thứ ba là sự chấm dứt đau khổ sẽ được thấy rõ khi si mê và các phiền não khác đều dừng nghỉ và biến mất. Khi chánh niệm hay trí tuệ có mặt, thiền sinh sẽ thấy tất cả sự vật đều xảy ra tạm thời, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác.

4. Thấy chân lý thứ tư liên quan đến sự phát triển bát chánh đạo. Sự phát triển này xảy ra cùng một lúc ở mỗi thời điểm chánh niệm. (Xem tiếp chương Chiếc Xe Ðưa Ðến Niết Bàn).

Bởi vậy, trong một phương diện nào đó, chúng ta có thể nói rằng Tứ Diệu Ðế được thấy rõ khi chánh niệm và trí tuệ có mặt. Ðiều này đưa chúng ta trở về với hai định nghĩa trên của bảy pháp trợ bồ đề. Chánh niệm là một phần của tâm chứa đựng trí tuệ quán thấu chân tướng của sự vật. Nó là một phần của trí tuệ giác ngộ. Nó có mặt trong tâm của người hiểu rõ Tứ Diệu Ðế. Thế nên nó được gọi là yếu tố của giác ngộ, một giác chi.

CHÁNH NIỆM LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA CHÁNH NIỆM

NGUYÊN NHÂN ĐẦU TIÊN của chánh niệm không gì khác hơn là sự chánh niệm. Có hai loại chánh niệm: Chánh niệm của người mới hành thiền thì yếu, và chánh niệm của người có nhiều kinh nghiệm hành thiền thì mạnh mẽ hơn. Chính sự chánh niệm mạnh mẽ này giúp đạo quả phát sinh. Thật vậy, phát triển chánh niệm là tạo nên một cái trớn, giây phút chánh niệm đầu tiên tạo nên giây phút chánh niệm tiếp theo.

BỐN YẾU TỐ ÐỂ PHÁT TRIỂN CHÁNH NIỆM

Chú giải đề cập đến bốn yếu tố giúp cho chánh niệm phát triển và trở nên mạnh mẽ cho đến khi nó xứng đáng được mang danh hiệu là trợ bồ đề.

❶ Chánh Niệm và Giác Tỉnh

Chữ giác tỉnh ở đây có nghĩa là chính xác, trọn vẹn, dùng mọi năng lực của tâm để quán sát. Bạn phải áp dụng chánh niệm và giác tỉnh (ghi nhớ và biết mình) trong khi theo dõi ghi nhận đề mục chính là sự chuyển động của bụng và các đề mục khác như đau nhức, nghe, suy nghĩ v.v… Trong khi đi, đứng hay làm các tác động khác như co duỗi tay, ngẩng đầu, cúi đầu, quay trước, quay sau…bạn cũng phải áp dụng chánh niệm và giác tỉnh.

❷ Tránh Người Không Chánh Niệm

Nếu bạn để hết tâm vào việc thực hành chánh niệm, nhưng có người không chánh niệm đến nói chuyện quấy rầy bạn. Thử nghĩ xem, sự chánh niệm của bạn sẽ bị tan biến mau lẹ đến chừng nào.

❸ Thân Cận Người Chánh Niệm

Người chánh niệm sẽ giúp bạn có sự khích lệ lớn lao. Thân cận với họ, trong một hoàn cảnh có thể giữ được chánh niệm, sẽ giúp bạn phát triển và đào sâu chánh niệm.

❹ Hướng Tâm Vào Sự Chánh Niệm

Hướng tâm vào sự chánh niệm có nghĩa là đặt chánh niệm lên hàng đầu, ưu tiên cho chánh niệm, luôn luôn nhắc nhở tâm trở về với chánh niệm trong mọi lúc. Ðiều này rất quan trọng, tạo nên thói quen không lơ là đãng trí hay quên. Bạn nên cố gắng chánh niệm càng nhiều càng tốt. Tránh mọi hoạt động không đưa đến chánh niệm sâu xa.

Là một thiền sinh, bạn chỉ có một việc để làm, đó là luôn luôn chánh niệm về những gì đang xảy ra trong hiện tại. Trong một khoá thiền tích cực, bạn phải xếp qua một bên mọi tương quan với xã hội bên ngoài. Không viết hay đọc, ngay cả đọc kinh điển. Lúc ăn nên thận trọng không rơi vào những thói quen thất niệm trước đây. Hãy xét xem thử thời gian, địa điểm và số lượng thực phẩm bạn ăn có thích nghi cho việc chánh niệm không. Nếu không thì hãy điều chỉnh.

(Nguồn: Ngay Trong Kiếp Sống Này – Thiền sư U Pandita)

– Hết trích dẫn –

🍀… Niệm là phương tiện hữu hiệu nhứt để tự kiểm soát, tự làm chủ lấy mình. Bất luận ai, khi hành chánh niệm là đã tìm ra con đường giải thoát. Niệm có bốn là: suy niệm về xác thân (Kayanupasana, niệm thân), về những cảm giác (Vedananupassana, niệm thọ), về tâm (Citanupassana, niệm tâm) và các đối tượng tâm ý (Dhammanupassana, niệm pháp).

Niệm là một đức tánh vô cùng quan trọng. Người thiếu tâm niệm không thể thành tựu được gì đáng kể. Ngay trước giờ lâm chung, lời di chúc tối hậu của Ðức Phật là:

“Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy kiên trì chăm chú để thành đạt giải thoát”.

(Vaya dhamma sankhara, appamadena sampadetha) – (Parinibbana Sutta, Digha N., Kinh Ðại Niết–Bàn, Trường A–Hàm số 16).

Và lời khuyên dạy cuối cùng của Ðức Xá–Lợi–Phất, vị đại đệ tử của Ðức Thế Tôn là:

“Hãy gia công chuyên niệm, kiên trì chăm chú! Ðây là lời khuyên dạy của ta”.

(Sampadetha appamadena esa me anusasana)

Trong cả hai trường hợp, Ðức Phật và Ðức Xá–Lợi–Phất đều dùng một danh từ rất quan trọng “appamadena”, có nghĩa là không ngừng chăm chú, chăm chú một cách kiên trì, liên tục, không gián đoạn: Luôn luôn giữ tâm niệm. Con người không thể giữ tâm niệm được nếu trong lúc thức không hoàn toàn giác tỉnh, không hay biết đầy đủ hành động bằng thân, khẩu hay ý của mình trong từng giây từng phút. Chỉ có khi nào hoàn toàn giác tỉnh và hay biết đầy đủ những hành động của mình con người mới phân biệt được điều nào thiện, điều nào bất thiện, đâu là chánh và đâu là tà. Chỉ trong ánh sáng của tâm niệm con người mới nhìn thấy cái đẹp hay cái xấu của hành động mình.

Xuyên qua bộ Tam Tạng Kinh, danh từ “apamada” luôn luôn được dùng theo nghĩa sati, niệm. Pamada là tâm không niệm, tâm buông lung, tâm không kiểm soát. Trong bộ Tăng Nhứt A–Hàm, Anguttara Nikaya, Ðức Phật dạy:

“Nầy chư Tỳ–khưu, Như Lai không thấy gì có năng lực hùng mạnh như tâm niệm, để làm phát sanh những tư tưởng thiện chưa phát sanh, và làm tan biến những tư tưởng bất thiện đã phát sanh. Với người có tâm niệm, những tư tưởng thiện, nếu chưa phát sanh, sẽ phát sanh, và những tư tưởng bất thiện, nếu đã phát sanh, sẽ tan biến”.

Trạng thái tâm thường xuyên giác tỉnh và kiên trì tinh tấn là điều cần thiết để tránh những hành động bất thiện vì để thực hiện những thiện nghiệp. Con người luôn luôn chú tâm, con người luôn luôn tự bao trùm quanh mình bằng một cái tâm giác tỉnh (satima), con người can đảm và quyết tâm trì chí, con người ấy sẽ chạy vượt lên trước trạng thái dã dượi buông lung (pamatto), không khác nào một tuấn mã chạy vượt lên, bỏ lại phía sau đàn ngựa tầm thường, già yếu, ốm đau. Tầm quan trọng của tâm niệm (sati), trong tất cả mọi hành động của ta được diễn tả một cách rõ ràng và mạnh mẽ trong những lời sau đây của chính Ðức Thế Tôn:

“Tâm niệm, nầy chư Tỳ–Khưu, Như–Lai tuyên bố, tâm niệm là yếu tố tối cần thiết trong mọi việc, bất luận nơi nàọ Tâm niệm (trong đời sống) cũng thiết yếu như muối trong ca–ry”. (Trung A–Hàm, Majjhima Nikaya).

Ðời sống của Ðức Phật là một hình ảnh trọn vẹn của tâm niệm. Ngài là Sada sato, luôn luôn giác tỉnh, luôn luôn giữ chánh niệm. Không bao giờ có một trường hợp nào ta thấy đức Phật có dấu hiệu dã dượi tinh thần, uể oải tâm trí, hay tâm bất tại.

Nói theo một lối, có tâm niệm, tức có sự chăm chú, sự hay biết đầy đủ là quí hơn có kiến thức, bởi vì trong khi không có tâm niệm, trong khi không chú tâm, thì không thể sử dụng hữu hiệu kiến thức của mình. Dù có hiểu biết mà không chú tâm vào việc làm thì kiến thức cũng không giúp được gì. Một trí óc thông minh sáng suốt mà không có sự chú tâm thường dẫn dắt con người đi sai đường lạc nẻo và quyến rủ con người bước ra khỏi con đường chơn chánh. Chỉ đến những người hiểu biết đầy đủ và trí óc thông minh cũng không thấy được sự vật một cách chơn chánh trong giây phút dể duôi để tâm buông lung, trong khoảnh khắc không nắm vững đức tánh vô cùng quan trọng của tâm niệm. Bao nhiêu người quyền quí cao sang phải bị chỉ trích nghiêm khắc mà không thể chối cãi được chỉ vì hành động vô ý thức hay có những lời bất cẩn trong lúc không chú tâm đến hậu quả của nó. Tâm niệm là đặc điểm chánh yếu của những hành động trong sạch có khuynh hướng đem lợi lạc đến cho ta và cho kẻ khác.

“Tâm niệm dẫn đến lợi ích to lớn”.

“Appamado mahato atthaya samvattati!” (Tạp A–Hàm, Samyutta Nikaya, Sagathaka Vagga).

Ðó là sự phát triển tâm linh ở mức độ cao nhứt, và đó là con đường mà ta phải trải qua để thoát ra khỏi mọi đau khổ của vòng luân hồi. Không thể giải thoát nếu không có tâm niệm.

“Người thích thú trong sự chuyên cần chánh niệm và nhìn phóng dật với tâm sợ hãi không còn phải rơi trở xuống. Vị ấy đã đối diện với Niết–Bàn”.

(Pháp Cú Kinh, câu 32.)

Nguồn: Thất giác chi – Trưởng Lão Piyadassi

– Hết trích dẫn –

Mahasi Sayadaw Vipasana Meditation Instructions 
Hướng Dẫn Thực Hành Thiền Minh Sát Vipassana By Tharmaneykyaw Sayadaw 
English Version, Youtube
Thailand Version, Youtube

Hình ảnh thiện pháp

Bài viết liên quan

Mahasi sayadaw vipasana meditation instructions

Hướng dẫn thực hành thiền minh sát vipassana by tharmaneykyaw sayadaw

  • English version:, Youtube
  • Thailand version:, Youtube
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Thế nào là thực hành đúng đắn minh sát tứ niệm xứ?, Web Link
  • Thấy biết cái gì thì được coi là thấy biết ‘như thật’, ‘như nó đang là’ khi thực hành tu tập minh sát tứ niệm xứ Vipassnā satipaṭṭhānā?, Web, FB
  • Thế nào là không nắm giữ tướng chung, không nắm tướng riêng, Web, FB
  • Kāma – dục (tham ái) và chanda – dục (mong muốn), Web, FB
  • Quán thọ như thế nào để đạt tới ái tận giải thoát, Web, FB
  • Minh sát tuệ đầu tiên là gì, được tu tập như thế nào (bài 1/2), Web, FB
  • Minh sát tuệ đầu tiên là gì, được tu tập như thế nào (bài 2/2), Web, FB
  • Tu tập và phát triển thái độ không bám níu, Web, FB
  • Chỉ bằng chánh niệm thì không thể biết và thấy các pháp như thật, Web, FB
  • Yếu pháp tu tập tuệ giải thoát
  • Yếu pháp tu tập tuệ giải thoát. Bài 2/6 – tứ niệm xứ, Web, FB
  • QUÁN PHÁP – TỨ THÁNH ĐẾ: thực hành tu tập định & tuệ hiệp thế dẫn đến định & tuệ siêu thế như thế nào, Web, FB
  • Sắc – thọ – tưởng – hành – thức, Web, FB
  • Ngũ uẩn là gì, Web, FB

Audio bài giảng

  • (46) quán pháp: ngũ uẩn – vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly. thiền sư viên phúc, Archive
  • (47) quán ngũ uẩn: sắc – thọ – tưởng – hành – thức – không phải của ta hãy từ bỏ nó., Archive
  • (48) như lý tác ý ngũ thủ uẩn là rỗng không là trống không, Archive
  • Hiện tại lạc trú là gì, Web, FB
  • Pháp thượng nhân. Uttarimanussadhammo, Web, FB
  • Anata – vô ngã là gì, Web, FB
  • Who am I, ta là ai, Web, FB
  • Thấy chỉ là thấy, Web, FB
  • Ai đang nói, ai đang nghe, Web, FB
  • Ai ăn thức thực, ai cảm xúc, FB
  • Hết luân hồi thì đi đâu, FB
  • Điều này không thể xảy ra, FB
  • Học từ từ, tập từ từ, thực hành từ từ, FB
  • Như thế nào là lộ trình tu tập thánh đạo giác ngộ, FB
  • Trong pháp và luật này có một tuần tự học tập, FB
  • Bậc trí theo tuần tự (Pháp cú 239), Web, FB
  • Chớ quên lợi ích của chính mình (Pháp cú 166), Web, FB
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 29 tháng 11, 2020