Đạo Phật Có Mâu Thuẫn Khoa Học Không

[lwptoc]

Đạo Phật có mâu thuẫn khoa học không❓

Buddhism is the Path of realizing experience for Enlightenment: the Path of Wisdom full of Compassion.

Đạo Phật là Con Đường trải nghiệm thực chứng để Giác Ngộ: là Đạo của Trí Tuệ tràn đầy Từ Bi.

– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc:

Khoa học chỉ giải quyết các vấn đề trong bình diện tương đối, giải các bài toán trên cơ sở các GIẢ THIẾT, tức trên các cơ sở không phải là sự thật (chỉ giả tạm coi như vậy) nên các kết quả của nó cũng là giả tạo, giả lập, chỉ đúng trong một phạm vi tương đối & hữu hạn, và đó chỉ là các mô hình giả lập, không bao giờ có thể đúng khớp với thực tế 100%, vì vậy khoa học chỉ cho chúng ta thấy được sự thật tương đối, không phải là sự thật tuyệt đối tức Chân lý. Và mỗi khi mô hình gặp rắc rối mâu thuẫn với thực tế thì các nhà khoa học lại phải tìm cách đưa ra mô hình mới với những giả thiết mới.

Và khoa học thật sự mới chỉ chập chững trong việc tìm hiểu thế giới vật chất, còn thế giới tâm linh tinh thần thì hoàn toàn xa lạ, không có mối liên quan gì với thế giới vật chất mà khoa học đang nghiên cứu.

Đạo Phật giải quyết các vấn đề trên cơ sở không chỉ chấp nhận thực tại tương đối & hữu hạn, mà còn chấp nhận cả thực tại tuyệt đối & vô hạn không thể chia cắt của cả vật chất lẫn tâm linh tinh thần, trùng trùng vô hạn duyên khởi, nên nó cho ra lời giải đáp đúng đắn, phù hợp chân lý tự nhiên, mà đặc biệt mối quan tâm rốt ráo cứu cánh duy nhất của Đạo Phật là con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não.

Khoa học cho lời giải tương đối của một số vấn đề trong từng giới hạn giả lập (các giả thiết) liên quan tới các giải pháp làm giảm thiểu khổ đau phiền não và làm tăng trưởng hạnh phúc tạm thời (thỏa mãn nhất thời các cảm thọ thông qua tiếp xúc của 6 giác quan) của nhân loại trong kiếp sống hiện tại.

Đạo Phật cho lời giải về giải thoát khổ đau phiền não cho chư thiên và nhân loại trong cả hai bình diện tương đối và tuyệt đối: mang lại hạnh phúc tương đối trong kiếp sống hiện tại và hạnh phúc tuyệt đối trong Niết bàn bất sinh bất diệt, đoạn tận mọi khổ đau phiền não hoàn toàn và vĩnh viễn siêu thoát luân hồi sinh tử trong Tam giới.

Đạo Phật không phải là một hệ thống triết học siêu hình chỉ dựa trên tư duy suy diễn lô gíc, một chiều bởi trí óc thuần túy.

Đạo Phật là một hệ thống các phương pháp thực hành chứng nghiệm trong từng hoạt động sinh hoạt đời sống hàng ngày của con người và chư thiên để vun bồi và phát triển viên mãn cả ba mức độ trí tuệ là Văn Tuệ, Tư Tuệ và Tu Tuệ [1] dẫn đến Tuệ giác Siêu thế là Đạo Tuệ và Quả Tuệ [2] liễu tri giác ngộ Chân lý Tứ Thánh Đế [3], chứng ngộ Niết bàn [4]: tự do thật sự, hạnh phúc thật sự, tối thượng, bất tử, vô vi.

Hệ thống các phương pháp thực hành đó, Con Đường Giác ngộ Giải thoát đó chính là Bát Thánh Đạo [5]– là Chân lý về con đường dẫn đến Khổ Diệt bao gồm: Giới (Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng) – Định (Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Định) – Tuệ (Chánh Kiến, Chánh Tư duy). Đây là đóng góp duy nhất, có một không hai, chỉ có trong Pháp và Luật do Đức Thế Tôn Phật Như Lai, Bậc Toàn Trí Chánh Đẳng Giác [6] đã tự mình thực chứng giác ngộ không thầy chỉ dạy, và trao truyền lại.

Đạo Phật là Con Đường trải nghiệm thực chứng để Giác Ngộ: là Đạo của Trí Tuệ tràn đầy Từ Bi.

“Phúc cho những ai có được phước báu nhân duyên đi xuyên qua các lớp vỏ bọc Phật giáo bên ngoài: bắt đầu bởi Mê tín dị đoan, xuyên qua lớp Tín ngưỡng dân gian, xuyên qua lớp Giáo phái Phật giáo ngụy tạo, xuyên qua lớp Nghi lễ tôn giáo, xuyên qua lớp Chấp thủ giáo điều để đến gặp và lắng nghe Diệu Pháp – những điều giảng giải cốt tủy của Đức Phật Như Lai – Bậc Chánh Đẳng Giác, dẫn đến thực hành, tự thực chứng các trải nghiệm tâm linh mà chính Đức Thế Tôn và các đệ tử truyền thừa – các tu sĩ xuất gia theo truyền thống phật giáo Nguyên thủy Theravada – đã từng tự kinh nghiệm và trao truyền lại.”

Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

[ Phần chính Bài viết thường ngắn gọn, phần còn lại là ‘Ghi chú’ và ‘Danh mục các bài viết liên quan’ dành cho những người thực sự quan tâm muốn học hỏi cụ thể đầy đủ.

Phần này không có chủ đích phục vụ làm hài lòng, thỏa mãn tất cả mọi người mọi đối tượng, nhất là những đối tượng hời hợt không quan tâm tới lời Phật dạy theo kinh điển, chỉ ưa lời hý luận; mà phần này là nhằm để giúp cho một số đạo hữu ham tìm hiểu nhưng chưa biết cách lần mò trong biển kiến thức bao la, có thể tìm được nguồn Chánh kinh và tài liệu gốc trực tiếp khi cần thiết, một cách thuận tiện và nhanh chóng.

Người đọc bình thường có thể bỏ qua phần chuyên sâu và mở rộng này.]

GHI CHÚ:

[1] Văn Tuệ, Tư Tuệ và Tu Tuệ

Ba loại Tuệ (Văn, Tư, Tu) được các văn bản cổ gọi là ba loại Tuệ Gốc mūla paññā

Văn: Study (Pali: sutamayā paññā)

Tư: Reflection (Pali: cintāmayā paññā)

Tu: Meditation (Pali: bhāvanāmayā paññā)

1. Sutamayā paññā

Văn Tuệ (wisdom by study) do thu được từ một nguồn bên ngoài như lắng nghe và hướng dẫn bởi những người khác về giáo pháp của Đức Phật (như sự đau khổ, vô thường và vô ngã). Hoặc do thu được từ sự đọc hiểu các loại kinh điển và tài liệu.

2. Cintāmayā paññā

Tư tuệ (wisdom by refletion) do thu được từ chính những gì mình đã nắm bắt bằng tư duy của riêng mình. Nó là quá trình phân tích một cái gì đó một cách minh triết và hợp lý.

3. Bhāvanāmayā paññā

Tu tuệ (wisdom by meditation) do thu được qua trải nghiệm thiền (bhavana). Cả hai loại thiền Chỉ định (samatha – bhavana) và thiền Quán tuệ (vipasana – bhavana) đều đưa tuệ. Tuệ sinh ra từ thiền Chỉ định – ngũ thần thông, khác với tuệ sinh ra từ thiền Quán tuệ – Minh Sát Tuệ & Lậu tận thông (Đạo tuệ, Quả tuệ).

[2] Tuệ giác Siêu thế: Đạo Tuệ và Quả Tuệ

🍀 Magga–ñāṇa – Ðạo Tuệ

Ðây là trí tuệ phát sanh trong tâm thường được gọi là Maggacitta – Tâm đạo. Maggacitta phát xuất, hay tiếp nhận duyên trợ tạo của nó từ Chuyển Tộc Tuệ (Tuệ 13). Tuệ này lấy Niết bàn làm đối tượng, giống như Tuệ thứ mười ba, song nó hoàn toàn diệt trừ được những phiền não nào nằm trong phận sự của nó và cả tâm lẫn đối tượng đều thuộc siêu thế.

Phiền não ở Tuệ này hoàn toàn bị thủ tiêu bởi năng lực của tâm đạo. Ðây là tâm đầu tiên trong bốn Thánh Ðạo Tâm dẫn đến Nhập Lưu Ðạo (Sotapanna). Dù Maggacitta làm phận sự diệt phiền não chỉ trong một sát–na tâm (cittakhaṇa), song nó giảm sự tái sanh trong tương lai chỉ còn tối đa là bảy kiếp nữa mà thôi.

Tuệ này còn được gọi là Sammādiṭṭhi (chánh kiến) trong Bát Thánh Ðạo và chánh kiến ở đây tức là chánh tri Tứ Thánh Ðế. Trí tuệ trong đạo tuệ này có thể so sánh với tia chớp trong một cơn bão có sấm sét, bởi nó rất mạnh, rất sáng và rất bất ngờ.

Khi Tâm Ðạo phát sanh lần thứ nhất, nó được gọi là Sotàpattimagga (Nhập Lưu Thánh Ðạo). Ba lần phát sanh sau cho ba Ðạo cao hơn (xem chú thích*) Vị hành giả, lần đầu tiên, trở thành bậc Thánh nhân (Ariyapuggala), không còn phải tái sanh vào bốn ác đạo (apāya) nữa.

Tuệ này nằm trong tâm thiện siêu thế (lokuttara–kusala). Có bốn tuệ thuộc thiện siêu thế là:

Sotāpattimaggañāṇa: Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ.

Sakadāgāmimaggañāṇa: Nhất Lai Thánh Ðạo Tuệ.

Anāgāmimaggañāṇa: Bất Lai Thánh Ðạo Tuệ.

Arahattamaggañāṇa: Alahán Thánh Ðạo Tuệ.

🍀 Phalañāṇa – Quả Tuệ

Trong Thất Tịnh, Tuệ này là Nñāṇadassana–visudïdïhi, tức Tri Kiến Thanh Tịnh. Khi Tâm Ðạo phát sanh trong Tuệ trước (Ðạo Tuệ) và có Niết bàn là đối tượng, nó hủy diệt hoàn toàn các phiền não, liền đó, ở Tuệ này, tâm quả (phalacitta) khởi lên, hành giả cảm giác một sự an lạc sâu lắng. Kết quả này là quy luật vận hành của pháp (dhammaniyāma), nghĩa là tâm quả luôn luôn sanh tiếp sau tâm đạo vậy. Khi tâm quả phát sanh, có khi xảy ra trong ba sát–na tâm, có khi chỉ có hai. Hành giả thuộc hạng lợi căn (có trí tuệ nhạy bén), với ba sát–na tâm, bỏ qua sát–na Parikamma (Chuẩn bị) và bắt đầu với Upacāra (Cận thánh đạo tâm), tiếp đến Anuloma (Thuận thứ), Gotrabhū (Chuyển tộc), Magga (Ðạo), và Phala (Quả) ba lần, thay vì hai.

Phalacitta là Tâm Quả siêu thế, Lokuttara–vipāka. Nó là kết quả từ tâm đạo, tâm quả sanh lên, rồi diệt – không có phận sự gì cả. Sau khi nó diệt, Niết bàn không còn là đối tượng nữa. Trong Quả Tuệ (Phalañāṇa), hành giả trở thành bậc Thánh lần thứ nhì (lần đầu là ở Ðạo Tuệ – thứ 14). Lúc này, hành giả được gọi là Người–Sơ–Quả (Sotapatti–phala–puggala), và chắc chắn sẽ giải thoát hoàn toàn trong không hơn bảy kiếp tái sanh nữa.

Tuệ Quả này hoàn tất giai đoạn Sở Tác Trí (Katañāṇa) trong ba Giai Ðoạn Tuệ.

(Ba Giai Ðoạn Tuệ hay Trí (ñāṇa) là: Sự Thật Trí (Saccañāṇa), Sở Dụng Trí (Kiccañāṇa) và Sở Tác Trí (Katañāṇa).)

(Nguồn: Minh Sát tu tập)

🍀[177] Bốn thứ Đạo & Quả (Magga & Phala):

Đạo (Magga) là thánh trí đoạn trừ phiền não; Quả (Phala) là thánh trí an tịnh phiền não. Tâm Đạo là nhân, Tâm Quả là thành quả của tâm đạo. Đạo Quả là pháp siêu thế có níp–bàn là cảnh sở tri. Gồm bốn thứ:

❶ Đạo Quả Tu–đà–huờn (Sotāpattimagga, Sotāpattiphala), hay Đạo Quả dự lưu, cũng gọi là sơ đạo sơ quả. Bậc thánh trí này tuyệt trừ 3 kiết sử là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ.

❷ Đạo Quả Tư–đà–hàm (Sakadāgāmimagga, Sakadāgāmiphala), hay Đạo Quả nhất lai, cũng gọi là Nhị đạo Nhị quả. Bậc thánh trí này giảm trừ 2 kiết sử là dục ái và sân.

❸ Đạo Quả A–na–hàm (Anāgāmimagga, Anāgāmiphala), hay là Đạo Quả bất lai, cũng gọi là Tam đạo Tam quả. Bậc thánh trí này tuyệt trừ 2 kiết sử đã muội lược là dục ái và sân.

❹ Đạo Quả A–la–hán (Arahattamagga, Arahattaphala), hay Đạo Quả ưng cúng, cũng gọi là Tứ đạo Tứ quả. Bậc thánh trí tuyệt trừ 5 thượng phần kiết sử là ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật và vô minh. Đây là bậc thánh trí cao tột, hoàn toàn giải thoát.

(Vbh. 335, Comp.78.)

(Nguồn: KHO TÀNG PHÁP HỌC -Tỳ Khưu GIÁC GIỚI [04] CHƯƠNG PHÁP BỐN CHI)

[3] Tứ Thánh Đế

🍀… Này các Tỷ kheo, thế nào là Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Tứ Thánh Đế (Bốn Sự Thật)?

Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo

❶ như thật tuệ tri: “Ðây là khổ”;

❷ như thật tuệ tri: “Ðây là khổ tập”;

❸ như thật tuệ tri: “Ðây là khổ diệt”;

❹ như thật tuệ tri: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”.

❶ Và này các Tỷ kheo, thế nào Khổ Thánh đế?

① Sanh là khổ, ② già là khổ, ③ chết là khổ, ④ sầu, ⑤ bi. ⑥ khổ, ⑦ ưu, ⑧ não là khổ, ⑨ ái biệt ly, ⑩ oan gia hội, ⑪ cầu không được là khổ, tóm lại ⑫ Năm Thủ uẩn là khổ.

… Này các Tỷ kheo, như vậy tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ.

❷ Này các Tỷ kheo, thế nào là Khổ tập Thánh đế?

Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Như ① dục ái, ② hữu ái, ③ vô hữu ái.

… Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Khổ diệt Thánh đế.

❹ Này các Tỷ kheo, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế?

Ðó là bát chi Thánh đạo, tức là ① Chánh Kiến, ② Chánh Tư duy, ③ Chánh Ngữ, ④ Chánh Nghiệp, ⑤ Chánh Mạng, ⑥ Chánh Tinh tấn, ⑦ Chánh Niệm, ⑧ Chánh Định.

… Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Khổ diệt đạo thánh đế.

Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp;

hay sống quán pháp trên các ngoại pháp;

hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp.

Hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp;

hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp;

hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp.

“Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.

Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh đế.

Này các Tỷ kheo,

vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hai là nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỷ kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong sáu năm … trong năm năm … trong bốn năm … trong ba năm … trong hai năm … trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hai là nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỷ kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỷ–kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong sáu tháng … trong năm tháng … trong bốn tháng … trong ba tháng … trong hai tháng … trong một tháng … trong nửa tháng … vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỷ–kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất

① đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh,

② vượt khỏi sầu

③ vượt khỏi bi,

④ diệt trừ khổ

⑤ diệt trừ ưu,

⑥ thành tựu Chánh lý,

⑦ chứng ngộ Niết Bàn.

Ðó là Bốn Niệm xứ.

(Nguồn: Trường bộ kinh – 22. Kinh Ðại Niệm xứ)

Bài viết liên quan 

  • Dukkha Là Gì? Phải Chăng “Đời Là Bể Khổ?”(Tứ Thánh Đế – Bài 1/4), WebFB
  • Dukkha Samudaya: Chân Lý Về Nguyên Nhân Của Khổ Là Gì? (Tứ Thánh Đế – Bài 2/4), WebFB
  • Dukkha Nirodha – Khổ Đoạn Diệt: Chân Lý Về Sự Chấm Dứt Khổ – Niết Bàn Là Gì? (Tứ Thánh Đế – Bài 3/4), WebFB
  • Magga – Con Đường: Chân Lý Thứ Tư – Đạo Đế: Con Đường Chấm Dứt Khổ Là Gì?(Tứ Thánh Đế – Bài 4/4), WebFB
  • 4 Thánh Đế, 4 Bậc Thánh, 4 Đạo & 4 Quả, 4 Bậc Alahán, WebFB
  • Giác Ngộ Có Nghĩa Là Là Gì, WebFB
  • Giác Ngộ Giải Thoát Là Giác Ngộ Tứ Thánh Đế, WebFB

[4] Niết bàn

🍀… – Này các tỳ–khưu, có sự không sinh (ajāta), không trở thành (abhūta), không được tạo ra (akata), không hữu vi (asaṅkhata). Nếu không có cái không sinh, không trở thành, không được tạo ra, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sinh, trở thành, được tạo ra, hữu vi. Vì rằng có cái không sinh, không trở thành, không được tạo ra, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sinh, trở thành, được tạo ra, hữu vi. –(Ud 8:3)

🍀… – Này các tỳ–khưu, có xứ này, tại đây không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có không vô biên xứ, không có thức vô biên xứ, không có vô sở hữu xứ, không có phi tưởng phi phi tưởng xứ; không có đời này, không có đời sau, không có mặt trăng hay mặt trời. Do vậy, Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sinh. Không có an trú, không có chuyển vận, không có sở duyên. Đây là sự đoạn tận khổ đau. –(Ud 8:1)

(Kinh Phật tự thuyết – Chương tám ) 

🍀… Khi vị ấy, này Bà–la–môn,

① cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn,

② cảm thọ sân được đoạn tận, không có dư tàn,

③ cảm thọ si được đoạn tận, không có dư tàn.

Như vậy, này Bà–la–môn, Niết bàn là

① thiết thực hiện tại,

② không có thời gian,

③ đến để mà thấy,

④ có khả năng hướng thượng,

⑤ được người trí tự mình giác hiểu.

(Nguồn: Tăng chi bộ kinh – VI. Phẩm các bà–la–môn – 55. Niết–bàn)

🍀 “Ðoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỷ–kheo, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là ① Chánh Kiến, ② Chánh Tư duy, ③ Chánh Ngữ, ④ Chánh Nghiệp, ⑤ Chánh Mạng, ⑥ Chánh Tinh tấn, ⑦ Chánh Niệm, ⑧ Chánh Định.”

“Có tám pháp này, này Nandiya, đưa đến Niết–bàn, hướng đến đích Niết–bàn, đưa đến cứu cánh Niết–bàn. Tức là ① Chánh Kiến, ② Chánh Tư duy, ③ Chánh Ngữ, ④ Chánh Nghiệp, ⑤ Chánh Mạng, ⑥ Chánh Tinh tấn, ⑦ Chánh Niệm, ⑧ Chánh Định.” (budsas.org)

Bài viết liên quan:

  • Nibbāna – Niết Bàn Thiết Thực Hiện Tại Là Gì?, Web, FB
  • Thế Nào Là Vô Vi – Niết Bàn – Đến Bờ Bên Kia?, Web, FB
  • Niết Bàn Ngay Trong Hiện Tại: 5 Pháp An Trú Và 4 Pháp Cần Tu Tập, Web, FB
  • Dukkha Nirodha – Khổ Đoạn Diệt, Web, FB
  • Hết Luân Hồi Thì Đi Đâu, Web, FB
  • Con Đường Nào Dẫn Đến Vô Vi, Niết Bàn?, Web, FB

[5] Bát Thánh Đạo

Bát Thánh Đạo = Con Đường Cổ Xưa = Cỗ xe Pháp (Pháp Thừa) tối thượng = Con Đường Thanh Tịnh Độc Nhất = Trung Đạo = Khổ diệt đạo Thánh đế = Con Đường Dẫn Đến Bất Tử = Con Đường Dẫn Đến Niết Bàn = Tam Học Giới – Định – Tuệ.

⚅ Bát Thánh Đạo là Tam học Giới Định Tuệ. Ðó là bát chi Thánh đạo. Đạo Đế, Bát Thánh Đạo hay Bát Chánh Đạo đều là một, không có khác nhau về nội dung: Trong Bát Thánh Đạo (Ariya aṭṭhaṅgika magga – The Noble Eightfold Path) có tám chi phần đều bắt đầu bởi chữ Chánh – Sammā – nên ở Việt Nam còn gọi Bát Thánh Đạo là Bát Chánh Đạo.

Bát Thánh Đạo được gọi như vậy vì

⑴ do Bậc Thánh Alahán (Đức Phật) tự chứng ngộ và chỉ dạy, và

⑵ những ai chân chính tu tập viên mãn đạo lộ cũng sẽ trở thành bậc Thánh Alahán, bậc Thánh Ứng Cúng đoạn tận lậu hoặc, không còn tái sinh trở lại.

⚀ Bát Thánh Đạo là “con đường cũ xa xưa” đã được Đức Phật Gotama tìm thấy lại:

“Ta đã thấy một con đường cũ, một đạo lộ cũ do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua.

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là con đường cũ, đạo lộ cũ ấy do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua? Ðây chính là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định.”

Tương Ưng nhân duyên, XII–65

⚁ Bát Thánh Đạo là “đồng nghĩa với cỗ xe tối thượng, là cỗ xe Pháp (Dhammayana – Pháp Thừa), là sự chiến thắng vô thượng trong mọi chiến trận nhiếp phục tham, sân, si.”

– Tương Ưng, 45.4

⚂ Bát Thánh Đạo là “con đường thanh–tịnh độc nhất (ekayāno maggo visuddhiyā)” đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn: đoạn tận tham sân si không còn dư sót, hoàn toàn và vĩnh viễn thoát khỏi mọi khổ đau phiền não, chấm dứt sinh tử luân hồi, xuất ly tam giới:

“Nầy Subhadda, nếu pháp và luật nào mà không hàm chứa Bát Chi Thánh Đạo thì pháp và luật đó không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu–đà–hoàn), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư–đà–hàm), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A–na–hàm), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A–la–hán).

Nầy Subhadda, nếu pháp và luật nào có hàm chứa Bát Chi Thánh Đạo thì pháp và luật đó sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu–đà–hoàn), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư–đà–hàm), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A–na–hàm), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A–la–hán).

Nầy Subhadda, pháp và luật của Ta có hàm chứa Bát Chi Thánh Đạo nên pháp và luật đó đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu–đà–hoàn), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư–đà–hàm), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A–na–hàm), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A–la–hán). Các hệ thống pháp và luật khác đều không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thánh, đắc tuệ giải thoát. Nầy Subhadda, khi nào các vị sa môn tu tập một cách đúng đắn thì thế giới nầy sẽ không bao giờ trống vắng các bậc A–la–hán.”

(Đại kinh Bát–Niết–Bàn – Trường Bộ Kinh, 16)

⚃ Bát Thánh Đạo là Trung Đạo (majjhima magga), con đường lìa bỏ hai cực đoan là lợi–dưỡng (ham thích hưởng–thụ trần–dục) và khổ–hạnh (những pháp làm hành hạ thân xác).

– Kinh chuyển pháp luân.

⚄ Bát Thánh Đạo là Khổ Diệt Đạo Thánh Đế: Chân Lý về Con Đường Dẫn Đến Chấm Dứt Khổ, chấm dứt sinh tử luân hồi.

“Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Đế về Con Đường Diệt Khổ, đó chính là Con Đường Tám Chánh.”

– Kinh chuyển pháp luân.

“Vì không thông hiểu Sự Thật về Khổ (Khổ Đế) mà chúng ta luân hồi, không thông hiểu Sự Thật về Nguồn Gốc của Khổ (Tập Đế), không thông hiểu về Sự Thật về Đoạn Diệt Khổ (Diệt Đế), không thông hiểu Sự Thật về Con Đường Diệt Khổ (Đạo Đế), mà chúng ta đã phải luân hồi trong vòng sinh tử. Bằng cách thông hiểu, bằng cách thấu đạt Sự Thật về Khổ, Sự Thật về Nguồn Gốc của Khổ, Sự Thật về Đoạn Diệt Khổ, Sự Thật về Con Đường Diệt Khổ, lòng tham thủ về sinh hữu được đoạn tận, sự hỗ trợ để sinh hữu được phá hủy, và từ đó không còn phải tái sinh nữa.”

– Đại Kinh Bát Niết Bàn (Trường Bộ, 16)

Bát Thánh Đạo là con đường dẫn đến Bất tử, đưa đến Niết Bàn:

“Ðoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỷ–kheo, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là chánh tri kiến… chánh định.”

“Có tám pháp này, này Nandiya, đưa đến Niết–bàn, hướng đến đích Niết–bàn, đưa đến cứu cánh Niết–bàn. Tức là chánh tri kiến… chánh định.” (budsas.org)

🍀… Ðó là bát chi Thánh đạo, tức là ① Chánh Kiến, ② Chánh Tư duy, ③ Chánh Ngữ, ④ Chánh Nghiệp, ⑤ Chánh Mạng, ⑥ Chánh Tinh tấn, ⑦ Chánh Niệm, ⑧ Chánh Định.

① Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh tri kiến?

Này các Tỷ kheo, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tri kiến.

② Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh tư duy?

Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này các tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tư duy.

③ Này các Tỷ kheo thế nào là Chánh ngữ?

Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh ngữ.

④ Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh nghiệp?

Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh nghiệp.

⑤ Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh mạng?

Này các Tỷ kheo, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh mạng.

⑥ Này các Tỷ kheo, và thế nào là Chánh tinh tấn?

⚀ Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.

⚁ Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.

⚂ Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.

⚃ Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tinh tấn.

⑥ Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh niệm?

Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo

⚀ sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

⚁ trên các cảm thọ …

⚂ trên các tâm …

⚃ quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh niệm.

⑦ Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh định?

⚀ Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ.

⚁ Tỷ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

⚂ Tỷ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.

⚃ Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh định.

(Nguồn: Trường bộ kinh – 22. Kinh Ðại Niệm xứ)

Bài viết liên quan:

  • Bát Thánh Đạo, WebFB
  • Bát Chánh Đạo Là Con Đường Tối Thượng, WebFB

[6] Đức Thế Tôn Phật Như Lai

⚀ MỘT NGƯỜI – KHÔNG HAI

… —Một người, này các Tỷ–kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.

Một người ấy là ai?

Chính là Thế Tôn, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ–kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.

Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ–kheo, khó gặp được ở đời.

Của người nào ?

Của Như Lai, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ–kheo, khó gặp được ở đời.

Một người, này các Tỷ–kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu.

Một người ấy là ai?

Chính là Thế Tôn, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ–kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người vi diệu.

Sự mệnh chung của một người, này các Tỷ–kheo, được đa số thương tiếc.

Của một người nào?

Của Như Lai, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự mệnh chung của một người này, này các Tỷ–kheo, được đa số thương tiếc.

Một người, này các Tỷ–kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.

Một người ấy là ai?

Chính là Như Lai, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác. Một người này, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.

Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ–kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A–la–hán.

Của một người ấy là ai?

Chính là Như Lai, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ–kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A–la–hán.

(Nguồn: Tăng chi bộ kinh – Chương một pháp XIII. Phẩm Một Người – 1–7. Như Lai 

⚀ LÀM KHỞI DẬY CON ĐƯỜNG

… —Như Lai, này các Tỷ–kheo, là bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác, làm cho khởi lên con đường (trước kia) chưa khởi, là bậc đem lại con đường (trước kia) chưa được đem lại, là bậc tuyên thuyết con đường (trước kia) chưa được tuyên thuyết, bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo. Còn nay, này các Tỷ–kheo, các vị đệ tử là những vị sống theo đạo, tiếp tục thành tựu (đạo).

Này các Tỷ–kheo, đây là sự sai biệt, sự đặc thù, sự sai khác giữa Như Lai, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác và bậc Tỷ–kheo được giải thoát nhờ trí tuệ.

(Nguồn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 22: Tương Ưng Uẩn – I: Phẩm Tham Luyến – 58. Chánh Ðẳng Giác )

⚀ THÀNH TỰU VIÊN MÃN TẤT CẢ CÁC PHÁP

… —Có thể chăng, một Tỷ–kheo thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Tôn giả Gotama, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác đã thành tựu?

—Không thể có một Tỷ–kheo, này Bà–la–môn, thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế Tôn, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác đã thành tựu.

Này Bà–la–môn, Thế Tôn là bậc làm khởi dậy con đường trước đây chưa được hiện khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa từng được nói; là bậc hiểu đạo, biết đạo và thiện xảo về đạo.

Và nay các đệ tử là những vị sống hành đạo và tùy hành, và sẽ thành tựu (những pháp ấy) về sau.

(Nguồn: Trung Bộ Kinh – 108. Kinh Gopaka Moggallāna)

⚀ MƯỜI NHƯ LAI LỰC

… Này Sāriputta, Như Lai có đầy đủ mười Như Lai lực, chính nhờ thành tựu mười lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sư tử trong các Hội chúng và chuyển Pháp luân. Thế nào là mười?

(1) Ở đây, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri xứ là xứ, phi xứ là phi xứ (Tri thị xứ phi xứ lực). Này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri xứ là xứ, phi xứ là phi xứ.

Như vậy là Như Lai lực của Như Lai. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống lên tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, và chuyển Phạm luân.

(2) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các hành nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại (Tri tam thế nghiệp báo lực.)

(3) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri con đường đưa đến tất cả cảnh giới (Tri nhứt thiết đạo trí lực).

(4) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri thế giới với mọi cảnh giới, nhiều chủng loại, nhiều sai biệt (Tri thế gian chủng chủng tánh lực).

(5) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri chí hướng sai biệt của các loại hữu tình (Tri tha chúng sanh chưởng chưởng dục lực).

(6) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri những căn thượng hạ của các loài hữu tình, loài Người (Tri tha chúng sanh chư căn thượng hạ lực).

(7) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của các Thiền, chứng về Thiền, về giải thoát, về định (Tri chư Thiền tam muội lực).

(😎 Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều thành hoại kiếp. Ngài nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, Như Lai nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

(9) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Như Lai tuệ tri rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Các chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, về lời và về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, về lời và về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Như Lai tuệ tri rằng, chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.

(10) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc tự mình chứng tri, chứng ngộ, thành tựu và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này Sāriputta, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Này Sāriputta, Như Lai có đầy đủ mười Như Lai lực. Chính nhờ thành tựu mười lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống sư tử trong các Hội chúng và chuyển Phạm luân.

⚀ BỐN PHÁP KHÔNG SỢ HÃI

… Này Sāriputta, có bốn pháp vô sở úy (vô sợ hãi) chính nhờ thành tựu bốn pháp này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sử tử trong các hội chúng và chuyển Phạm luân.

Thế nào là bốn?

❶ Này Sāriputta, Ta thấy không có lý do gì, một Sa–môn, Bà–la–môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: “Các pháp này chưa được chứng ngộ hoàn toàn, mà quý vị tự xưng đã chứng ngộ hoàn toàn”.

Này Sāriputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.

❷ Này Sāriputta, Ta thấy không có lý do gì … có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: “Các lậu hoặc này chưa được đoạn trừ mà quý vị tự xưng đã đoạn trừ”.

Này Sāriputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.

❸ Này Sāriputta, Ta thấy không có lý do gì … có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: “Những pháp này được gọi là các chướng ngại pháp khi được thực hành thời không có gì gọi là chướng ngại pháp cả”.

Này Sāriputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.

❹ Này Sāriputta, Ta thấy không có lý do gì một Sa–môn Bà–la–môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: “Pháp do quý vị thuyết giảng không đưa đến mục tiêu đặc biệt, không có khả năng hướng thượng, không có thể dẫn người thực hành đến diệt tận khổ đau”.

Này Sāriputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.

Này Sāriputta, có bốn pháp vô sở úy, chính nhờ thành tựu bốn pháp này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sử tử trong các hội chúng và chuyển Phạm luân.

(Nguồn: Trung Bộ Kinh – 12. Ðại kinh Sư tử hống)

⚀ ÂN ĐỨC PHẬT

🍀… Ở đây, này các Tỷ–kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai:

“Thật vậy, Ðức Thế Tôn là bậc

⑴ Ứng Cúng A–la–hán,

⑵ Chánh Ðẳng Chánh Giác,

⑶ Minh Hạnh Túc,

⑷ Thiện Thệ,

⑸ Thế Gian Giải,

⑹ Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu,

⑺ Thiên Nhân Sư,

⑻ Phật,

⑼ Thế Tôn.”

Khi nào, này các Tỷ–kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này các Tỷ–kheo, là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Do lấy cái này làm đối tượng, này các Tỷ–kheo, ở đây một số các loài hữu tình được thanh tịnh.

(Nguồn: Tăng chi bộ kinh – Aṅguttara Nikāya, III. Phẩm Trên Tất Cả – (V) (25) Tùy Niệm Xứ

Bài viết liên quan

  • Buddha – Đức Phật – Như Lai Phần 1, Web, FB
  • Buddha – Đức Phật – Như Lai Phần 2, Web, FB
  • Tại Sao Không Có Hai Đức Phật Xuất Hiện Một Lần?, Web, FB
  • “Từ Bi Hỷ Xả Vô Lượng” Có Thể Hiện Phật Tính Hay Không?, Web, FB
  • Phật Pháp, Phật Giáo, Đạo Phật Là Gì?, Web, FB
  • Phật Pháp Dành Cho Ai, Web, FB
  • 969 Là Gì, Web, FB
  • Địa Ngục Có Hay Không, Web, FB
  • Như Thế Nào Là Thế Giới Quan Theo Kinh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy?, Web, FB
  • Bốn Khả Năng Ðắc Ðạo, Ba Loại Bệnh Nhân, Web, FB
  • Quả Của Nghiệp Là Công Lý Vũ Trụ Không Có Mắt, Web, FB
  • Không Chỗ Nào Trên Đời, Trốn Được Quả Ác Nghiệt., Web, FB
  • Nghiệp Và Quả (Kamma Và Vipaka), Web, FB
  • Nghiệp Và Quả Của Nghiệp, Web, FB
  • , Web Link
  • Quả Của Thiện Và Ác Nghiệp Rất Lạ Lùng, Web, FB
  • Quả Của Nghiệp (Kammaphala), Web, FB
  • Thế Nào Là Nghiệp Trọng Yếu (Garukakamma), Web, FB
  • Các Chúng Sinh Là Chủ Nhân Của Nghiệp Do Mình Tạo Ra., Web, FB
  • Hồi Hướng Công Đức Phước Báu Tới Thân Nhân Quá Vãng Như Thế Nào?, Web, FB
  • Như Nắm Muối Bỏ Chén, Web, FB
  • Phước – Tuệ Đồng Tu, Web, FB
  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
  • Tôi Nguyện, Web, FB
  • Tại Sao Myanmar, Web, FB
  • Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
  • Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB

Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

  • Youtube, Youtube
  • Archive, Archive
  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
  • Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
  • Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
  • 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB