Tưởng – saññā là gì

TƯỞNG – SAÑÑĀ LÀ GÌ, MINH SÁT VỀ TƯỞNG NHƯ THẾ NÀO

Tưởng Giống Như Ảo Cảnh

… Tưởng saññā – tri giác [nhận thức], nhớ lại và nhận ra một đối tượng xem như thật – giống một ảo cảnh. Ảo cảnh là một sự trông thấy ảo huyền không đúng sự thật do những điều kiện không khí tạo nên. Thông thường ảo cảnh được thấy trong không khí nóng bức từ đất bốc lên, vào những ngày tháng giữa mùa Hè như hình ảnh những lớp nước hay nhà cửa. Ảo cảnh là những hình ảnh không thực có. Vào mùa Hè thú rừng như nai hưu thường chạy đôn chạy đáo tìm nước uống, thấy xa xa hình như những ao nước, liền vội vã chạy đến để thấy ra chỉ là vùng đất khô cằn: những con nai, con hưu ấy lầm lạc tin ảo cảnh là thật và vì thế gặp nhiều vấn đề khốn khổ.

Cũng như ảo cảnh tạo hình ảnh ảo huyền làm cho thấy những lớp nước hay nhà cửa trong khi không có gì như vậy, cùng thế ấy, tưởng, saññā, làm cho ta lầm tưởng bất luận gì được thấy, nghe hay sờ đụng là con người, đàn ông hay đàn bà. Với những loại tưởng ảo huyền về những gì được thấy, được nghe, được sờ đụng hay được biết, con người dấn thân vào nhiều hành động liên quan đến nó, giống như hưu nai rừng rú hoang dại chạy theo những ảo cảnh xa thẳm, ngỡ rằng đó là khối nước.

Nhằm nhận chân rằng tưởng chỉ là ảo huyền và để cứu giúp mình khỏi phải khốn khổ chạy theo những gì huyền ảo, không thật có, ta phải chuyên cần thận trọng ghi nhận tất cả những hiện tượng vật lý và tâm linh, ngay vào lúc nó khởi phát. Khi tâm an định tăng trưởng dũng mãnh ta sẽ thấy rằng trong mỗi hiện tượng chỉ có đối tượng vật chất được biết và cái tâm hay biết nó; về sau ta sẽ biết rằng mỗi hiện tượng là một diễn biến liên hệ giữa nhân và quả. Sau cùng tự cá nhân ta chứng nghiệm rằng cái tâm hay biết cũng như đối tượng được hay biết liên tục hoại diệt trong khi ta ghi nhận nó.

Như vậy cái mà trước kia tưởng, saññā, tin rằng là một cá nhân, một chúng sanh, một người đàn ông hay đàn bà, một tự ngã bền bỉ lâu dài và thường còn, thì nay được thấy là một sự phỉnh lừa gian trá, một hình ảnh ảo huyền, giống như ảo cảnh. Người hành thiền chứng nghiệm rằng trong thực tế đó chỉ là một tiến trình sanh và diệt, vô thường, khổ và vô ngã.

Tưởng là Vô Thường

“Tưởng (saññā) là thường còn hay vô thường?” Ðức Thế Tôn hỏi. – “Bạch Ngài, là vô thường.”

Tưởng (saññā), hồi nhớ những sự việc đã thấy trước kia. Tưởng là yếu tố chánh trong sự học hỏi và trí nhớ. Người có tưởng uẩn tốt sẽ hồi nhớ lâu dài những gì đã thấy hay đã nghe chỉ một lần. Ðặc tính nhớ dai nầy được lầm hiểu là mãi mãi thường còn, là tốt, là tự ngã.

Nhưng khi tưởng (saññā) đã nhận ra một đối tượng, thì nó liền tan biến. Những gì mà sau đó mình nhận ra là chức năng của một tưởng (saññā) khác. Nghe cũng vậy. Những gì mình nghe và hồi nhớ nhận ra lần đầu tiên cũng nhanh chóng hoại diệt, rồi tiếp theo sau đó là sự nghe và nhận ra mới khác. Vị hành giả đã thận trọng ghi nhận những gì đã thấy hay đã nghe, nhận thức rằng hai tiến trình thấy và nhận ra, hay nghe và nhận ra, cùng tan biến một lúc. Hiểu biết như vậy hành giả đi đến kết luận rằng saññā, tưởng, cũng là vô thường. Hiểu như vậy, khi Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu được hỏi tưởng (saññā) là thường còn hay vô thường thì liền trả lời, “Bạch Ngài, là vô thường”, bởi vì các vị nầy nhận thấy rằng những tiếng nói của Ðức Thế Tôn nhanh chóng tan biến, ngay trong khi các Ngài vừa nghe và nhận ra nó.

“Lại nữa, cái gì vô thường là đau khổ hay hạnh phúc?” – “Bạch Ngài, là đau khổ.” “Toại nguyện hay bất toại nguyện?” – “Bạch Ngài là bất toại nguyện.” “Giờ đây, cái gì vô thường, bất toại nguyện, phải chuyển biến, có thích hợp không nếu xem đó ‘Cái nầy là của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi’?” – “Bạch Ngài, không thích hợp.”

Ðây là những câu vấn đáp mà chúng ta đã thảo luận trước. Ðiều chỉ cần phải hiểu biết là bằng cách nào tưởng (saññā) dính mắc với tham ái và tà kiến. Thông thường, người mà không thể quán niệm những hiện tượng danh và sắc bằng lòng với tưởng (saññā), bám níu vào nó (với lòng tham ái) nghĩ “đây là của tôi”. Nghĩ rằng trí nhớ dai của ta tốt hơn của người khác và hãnh diện với điều ấy: đó là bám níu với ngã mạn. Cũng nghĩ rằng mỗi khi thấy và nghe ta hồi nhớ và nhận ra, đó là bám níu do tà kiến, “đây là tự ngã của tôi, là chính tôi.”

Trong thực tế, sự hồi nhớ (saññā) một đối tượng là vô thường, vừa khởi sanh liền nhanh chóng tan biến. Vị hành giả thận trọng có chánh niệm nhận thức rằng saññā, tưởng, là vô thường, bởi vì tự chính mình thấy nó vừa khởi sanh liền tức khắc tan biến; vị ấy nhận thức tưởng là đau khổ bởi vì nó là vô thường, vừa sanh đã diệt. Tưởng, saññā, có thể giữ lại trong trí nhớ những sự việc khủng khiếp, và như thế là có tính cách áp bức. Tưởng, saññā, không ở yên trong một hình thức mà luôn luôn chuyển biến. Tưởng, saññā, không đáng cho ta tham ái như một điều gì vừa ý đẹp lòng, không đáng cho ta lấy đó làm hãnh diện vì bền bỉ, có thể tồn tại lâu dài, cũng không đáng cho ta tin tưởng vào đó như một thực thể sống. Do đó Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu đáp rằng xem tưởng, saññā, như “của ta, ta, tự ngã của ta” là không thích đáng.

Ðức Thế Tôn nêu lên câu hỏi như thế nhằm gội rửa tình trạng dính mắc với lòng tham ái và ngã mạn trong tâm Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu, xem tưởng uẩn, vốn vô thường, khổ, luôn luôn chuyển biến, như “Ðây là của tôi, đây là tôi,” và đối với người thế gian thông thường, nhằm diệt trừ tà kiến về tự ngã, xem tưởng uẩn là chính ta.

Tưởng không phải là “tự ngã”

“Nầy chư Tỳ Khưu, saññā, tưởng, không phải là tự ngã….”

Tưởng có sáu loại: 1. Tưởng sanh khởi do nhãn xúc. 2. Tưởng sanh khởi do nhĩ xúc. 3. Tưởng sanh khởi do tỷ xúc. 4. Tưởng sanh khởi do thiệt xúc. 5. Tưởng sanh khởi do thân xúc. 6. Tưởng sanh khởi do ý xúc.

Mỗi khi một vật được thấy, được nghe, được xúc chạm, hay được hiểu biết, thường chúng ta nghĩ rằng, “Chính ta tri giác, vật ấy được tri giác, hay được ta nhớ đến.” Khi thấy một đối tượng ta nhớ ra đó là một người, nam hay nữ, hay một vật đã được biết vào một lúc nào, ở một nơi nào. Khi nghe một âm thanh, hửi một mùi, nếm một vị hay nghĩ đến một việc cũng vậy, ta nhớ lại tiếng động ấy, mùi ấy v.v… là gì. Rồi ta lầm tưởng tiến trình tri giác hay hồi nhớ ấy là chính ta: “Chính ta nhớ, trí nhớ của ta tốt lắm.” Ðức Thế Tôn giải thích ở đây rằng quan niệm như thế là sai lầm, trong tiến trình hồi nhớ không có gì là cá nhân hay của ta mà chỉ là những hiện tượng không có thực thể vững chắc, không phải là ta.

Ðức Thế Tôn tiếp tục giải thích rằng tưởng uẩn, hay tri giác, saññā, không phải là ta như sau:

“Nầy chư tỳ khưu, saññā, tưởng, không phải là tự ngã. Nếu tưởng là tự ngã ắt nó không có khuynh hướng gây đau khổ hay phiền phức khó chịu cho ta và ta ắt có thể kiểm soát tưởng như sau: ‘Hãy để tưởng của tôi như thế nầy (luôn luôn thích thú, dễ chịu), hãy để tưởng của tôi không như thế kia (khó chịu, phiền phức)’.”

Nếu tưởng là một thực thể sống, là thể chất của ta bên trong, thì không có lý do gì mà nó cưỡng chế, gây phiền phức khó chịu cho ta – thông thường người ta không làm tổn hại và tạo phiền muộn cho chính mình – và ta có thể điều khiển, thu xếp để chỉ hay biết, hay chỉ hồi nhớ những gì tốt đẹp vừa ý. Nhưng vì tưởng uẩn luôn luôn cưỡng chế ta, không tùng phục, không chiều theo ý muốn của ta, nó không phải là tự ngã.

“Nhưng nầy chư tỳ khưu, trong thực tế, tưởng không phải là tự ngã. Nó cưỡng chế ta và không ai có thể sai bảo: ‘Tưởng của tôi phải như thế nầy, tưởng của tôi phải không như thế kia’.”

Tưởng uẩn có những sắc thái tốt đẹp của nó. Nhận ra những đặc tính của sự vật mà mình đã biết quả thật là hữu ích. Trí nhớ bền dai quả thật hữu dụng. Hồi nhớ những sự việc đã xảy ra và ghi nhớ lâu dài những gì mình đã thâu thập học hỏi quả thật là một chức năng tốt của tưởng.

Nhưng hồi nhớ, đem trở lại vào tâm những kỷ niệm buồn phiền, ghê tởm và những hình ảnh khủng khiếp hải hùng là sắc thái xấu của tưởng. Nó gây nên tâm trạng căng thẳng và do đó cưỡng chế, làm cho ta khó chịu. Vài người cảm nghe rất đau khổ khi trí óc vởn vơ đi vào quá khứ rồi mang trở về những kỷ niệm của người thân đã quá vãng, con cái, chồng hay vợ đã qua đời, hoặc những tai ương về tình trạng tài chánh đã xảy đến cho mình. Những kỷ niệm diên trì dai dẳng ấy đem lại sầu khổ và khiếp đảm kinh hoàng, chỉ tan dần và biến dạng khi những ý nghĩ viễn vông trong quá khứ ấy chấm dứt.

Như vậy, saññā, tưởng, vốn là cơ năng của sự nhận ra và hồi nhớ, quả thật là áp bức. Lúc nào tưởng uẩn còn đi vào quá khứ rồi đem trở về những kỷ niệm tang tóc hay tai ương tài chánh thì sầu khổ và than van còn tạo cảnh đau khổ trầm trọng có thể đưa đến chết chóc. Ðó là đường lối mà tưởng uẩn đem trở vào tâm những kinh nghiệm buồn phiền trong quá khứ.

Trong khi ăn bỗng nhiên nhớ lại một vài vật nhơ nhớp, làm cho bửa cơm mất ngon. Nhớ đến một xác chết vừa thấy trong ngày có thể làm cho đêm ngủ không an giấc. Vài người tưởng tượng những hoàn cảnh hiểm nguy và đặt mình vào đó, rồi đâm ra hết sức lo sợ. Ðó là như thế nào sự tưởng nhớ làm khó chịu, cưỡng chế ta bằng cách đi vào quá khứ rồi đem trở về hiện tại những sự việc đau buồn. Ðó không phải là tự ngã mà chỉ là những hiện tượng phát sanh do điều kiện, tùy duyên sanh khởi. Ta không thể thu xếp sự việc theo ý muốn để chỉ tưởng nhớ những kinh nghiệm đem lại lợi lạc và hữu ích, và loại trừ những kinh nghiệm làm chán nản khổ đau. Chúng ta không thể điều khiển, sai bảo tưởng uẩn phải như thế nào, và như vậy nó không phải là tự ngã, không có một thực thể sống, mà chỉ là những hiện tượng không có thể chất, phát sanh tùy thuộc nhân duyên.

Theo kinh điển, tưởng (sự tri giác) của một người có tánh chất cưỡng chế, ta không thể điều khiển và sai bảo nó phải như thế nào theo ý muốn của ta. Như vậy hiển nhiên, tưởng không phải là tự ngã, không phải là phần nòng cốt bên trong ta, hay một thực thể sống. Nhưng thông thường, khi hồi nhớ những kinh nghiệm quá khứ người ta nghĩ rằng, “Chính ta đã tàng trử những kinh nghiệm ấy trong tâm; rồi chính ta đã nhớ lại. Chính một cái ‘Ta’ đã tàng trữ, giữ nó lại, và bây giờ đem nó ra trong tâm.” Do đó người ta ôm ấp dưỡng nuôi niềm tin rằng có một cá nhân, một tự ngã, tàng trữ và hồi nhớ những kinh nghiệm quá khứ. Tin tưởng sai lầm như vậy vì thiếu chánh kiến, không thận trọng ghi nhận sự việc ngay vào lúc sự hay biết ở giác quan (ngũ quan thức) sanh khởi, và bởi vì chưa nhận thức bản chất thật sự của những hiện tượng xuyên qua tuệ minh sát (vipassanā ñāṇa). Khi ta kiên trì chú niệm và thật sự nhận thấy trạng thái liên tục phát sanh và hoại diệt của những hiện tượng hay biết qua ngũ quan (ngũ quan thức) bằng tuệ minh sát, chừng ấy ta sẽ tự mình chứng nghiệm sáng tỏ rằng tưởng uẩn cũng là một hiện tượng thiên nhiên, mãi mãi phát sanh và hoại diệt.

Nơi đây một câu hỏi có thể được nêu lên: Nói rằng bản chất thiên nhiên của tưởng uẩn là vô thường, luôn luôn biến chuyển, vậy làm thế nào ta có thể hồi nhớ những sự việc đã qua? – Năng lực hồi nhớ của chặp tưởng trước được chuyển sang qua cho chặp tưởng sau kế đó. Vì khả năng hồi nhớ nầy tăng trưởng khi được thâu nhận ở chặp tưởng sau, vài người có thể còn nhớ lại tiền kiếp. Ðó là như thế nào chặp tưởng trong luồng hộ kiếp (bhavaṅga) hay trong chặp tử tâm (cuti viññāṇa) của kiếp quá khứ chấm dứt và khởi sanh trở lại với năng lực hồi nhớ được tăng cường trong thức tái sanh (paṭisandhi viññāṇa) và luồng hộ kiếp ở kiếp hiện tại. Chính nhờ sự chuyển sang “năng lực hồi nhớ” từ chặp tưởng trước qua chặp tưởng sau kế đó mà ta có thể hồi nhớ những gì có tánh cách thiện và thích thú cũng như những gì bất thiện và không vừa lòng. Những kinh nghiệm của ngày hôm trước, dầu ta không hề nghĩ đến, đôi khi có thể trồi lên trở lại nổi bật. Khi tâm an trụ được vững chắc mạnh mẽ, người hành thiền minh sát Satipaṭṭhāna có thể hồi nhớ những diễn biến trong thời thơ ấu. Hành giả nên ghi nhận ngay lúc nó vừa khởi sanh.

Tâm ăn năn hối cải vì một điều sai lầm hay một khuyết điểm trong quá khứ có thể dẫn đến lo âu và phóng dật trong khi ngồi thiền, và có thể trở thành chướng ngại lớn lao, làm trở ngại tiến bộ trong công phu trau giồi và phát triển tâm định và tuệ minh sát. Ta phải loại trừ bằng cách giữ chánh niệm, ghi nhận liền khi nó vừa khởi sanh. Bằng cách ấy ta đè nén chặp tâm sở tưởng, hồi nhớ diễn biến đã qua và làm cho ta lo âu phóng dật. Ðiều nầy cũng cho thấy rằng tưởng không phải là tự ngã. Như đã được giải thích trong bài giảng trước, có bốn cách chấp thủ vào tự ngã, và trong bốn cách ấy tưởng uẩn liên quan đến ba: sāmi attā, nivāsī attā và kāraka attā.

Nghĩ rằng có thể kiểm soát tưởng, có thể hồi nhớ những chuyện trong quá khứ theo ý muốn và không nhớ đến nếu không muốn, là sāmi attā, chấp vào tự ngã kiểm soát, tức tin rằng có một tự ngã, một cái “ta”, kiểm soát tiến trình hồi nhớ. Kinh Anattalakkhaṇa Sutta bác bỏ quan niệm chấp ngã ấy và dạy rằng ta không thể nói, “Tưởng phải như thế nầy, tưởng phải không như thế kia.”

Nghĩ rằng có một tự ngã thường xuyên hiện hữu trong thân, làm nhiệm vụ hồi nhớ những chuyện quá khứ là nivāsī attā, chấp vào tự ngã liên tục. Chấp thủ nầy có thể được loại trừ bằng cách giữ chánh niệm, ghi nhận mỗi hiện tượng tâm linh ngay vào lúc nó vừa khởi sanh. Niệm như vậy ta tự mình nhận thức rằng trí nhớ liên tục khởi sanh rồi tức khắc tan biến. Bằng cách ghi nhận những gì đã xảy diễn trong kiếp sống nầy, ngay vào lúc nó khởi sanh ở ý môn, ta cũng nhận thức rằng không có chi như sự tưởng nhớ, mà thường còn. Chỉ có những hiện tượng luôn luôn đổi mới không ngừng sanh và diệt. Thực nghiệm nầy loại trừ niềm tin có một tự ngã thường còn hay một thực thể sống bên trong thân ta, làm nhiệm vụ truy hoài, hồi nhớ hay nhận ra.

Nghĩ rằng chính ta, hay tự ngã, làm phận sự hồi nhớ hay nhận ra là kāraka attā, chấp vào tự ngã chủ động, và chấp thủ nầy cũng có thể được loại trừ bằng cách giữ chánh niệm.

Khi tưởng nhớ hình ảnh hay âm thanh, hành giả quán sát xem những hình ảnh và âm thanh ấy khởi sanh và tan biến như thế nào. Khi nhận thấy rằng sự tưởng nhớ đến hình ảnh hay âm thanh luôn luôn khởi sanh rồi tan biến, hành giả thực nghiệm rằng tưởng uẩn chỉ là một hiện tượng tâm linh mãi mãi lặp đi lặp lại chớ không phải là hành động hay việc làm của một tự ngã hay thực thể sống nào bên trong thân. Và cũng trùng hợp với lời dạy trong kinh Vô Ngã Tướng, Anattalakkhaṇa Sutta, ta không thể điều khiển hay làm thế nào để chỉ mãi mãi tưởng nhớ những điều thích thú, tinh khiết, có tánh cách thiện, và không bao giờ nhớ đến những gì bất thiện và không vừa lòng. Vì nhận thấy rằng không thể kiểm soát và điều khiển trí nhớ theo ý mình hành giả nhận thức rằng trí tưởng nhớ không phải là tự ngã hay thực thể sống, mà chỉ là một tiến trình thiên nhiên khởi sanh do điều kiện, luôn luôn tự đổi mới và tan biến. Ðức Thế Tôn ban dạy Kinh Vô Ngã Tướng, Anattalakkhaṇa Sutta, nhằm mục đích loại trừ sự chấp thủ vào tự ngã, attā, bằng cách tự cá nhân mình chứng ngộ bản chất thật sự của các uẩn (khandhas).

Nơi đây một thắc mắc có thể được nêu lên: Có sự khác biệt nào giữa sự hiểu biết của thời hiện đại về chức năng của tri giác, như trí nhớ, và năng lực hồi nhớ của sati, niệm, như được mô tả trong kinh Tứ Niệm Xứ, Satipaṭṭhāna Sutta? Có sự khác biệt rộng lớn như cả một bầu trời giữa hai ý niệm; trong thực tế có thể nói rằng mục đích và đối tượng của hai ý niệm ấy hoàn toàn đối nghịch với nhau. Tri giác nhận thức đối tượng để giữ lại trong trí nhớ, nhằm mục đích nhớ trở lại trong tương lai; đối tượng có thể là hình sắc hay điều kiện của đối tượng được ghi nhận.

Niệm, theo phương pháp Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) chỉ ghi nhận tình trạng trôi qua của những hiện tượng vật lý (sắc) và tâm linh (danh), nhằm chứng nghiệm đặc tướng vô thường, bất toại nguyện và vô ngã.

Mười Một Cách Phân Tách Tưởng Uẩn

Ðức Thế Tôn dạy:

Yā kāci saññā, atītānāgatapaccuppannā ajjhattā vā bahiddhā vā oḷārikā vā sukhumā vā hīnā vā paṇītā vā yā dūre santike vā sabbā saññā netaṁ mama neso hamasmi na meso attāti. Eva metaṁ yathābhūtaṁ sammappaññāya daṭṭhabbaṁ.

“Tất cả tưởng uẩn, dầu trong ① quá khứ, ② vị lai hay ③ hiện tại, ④ bên trong hay ⑤ bên ngoài, ⑥ thô kịch hay ⑦ vi tế, ⑧ thấp hèn hay ⑨ cao thượng, ⑩ xa hay ⑪ gần phải được xem với sự hiểu biết của chính mình, đúng như thật sự nó là vậy, như thế nầy: ‘⚀ Ðây không phải là của tôi, ⚁ đây không phải là tôi, ⚂ đây không phải là tự ngã của tôi’.”

Ðây là lời dạy nên phân tách tưởng uẩn dưới mười một tựa đề – quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô kịch, vi tế, thấp hèn, cao thượng, xa hay gần – nhằm vạch rõ cho thấy bản chất vô thường, khổ và vô ngã của nó. Nơi đây tưởng uẩn trong quá khứ có nghĩa là những sự hồi nhớ mà mình kinh nghiệm trong những kiếp sống quá khứ hay trong thời gian đã qua trong kiếp hiện tại. Những sự hồi nhớ mà ta kinh nghiệm trong quá khứ ấy, dĩ nhiên đã chấm dứt, không còn tồn tại hiện hữu. Tuy nhiên, đối với người chấp thủ mạnh mẽ vào tự ngã, điều nầy không phải là dĩ nhiên bởi vì họ quan niệm rằng chính cái ta mà nhận ra và hồi nhớ (tưởng) những sự việc trong quá khứ tiếp tục nhận ra và hồi nhớ sự việc trong hiện tại; rằng tất cả những hành động nhận ra và hồi nhớ đã có trong những kiếp quá khứ hay trong thời gian đã qua trong kiếp sống nầy là do chính một cái ta; và trong kiếp hiện tại nầy cũng vậy. những gì đã được nhận ra và hồi nhớ lúc còn trẻ thơ hay trong thời gian gần đây đều là công việc của một cái ta, chính một cái ta ấy.

Vị hành giả chuyên cần giữ chánh niệm, luôn luôn để tâm theo dõi di động phồng xẹp của bụng và những hiện tượng ngay vào lúc cảm thọ, thấy rằng cái tưởng uẩn lúc nghe (tức sự nhận ra và hồi nhớ những âm thanh mà mình đang nghe) tức khắc tan biến vừa lúc được ghi nhận. “nghe, nghe”; cái tưởng uẩn lúc thấy tan biến ngay khi ta ghi nhận, “thấy, thấy”, cùng thế ấy sự hồi nhớ và nhận ra ý nghĩ cũng nhanh chóng hoại diệt vừa khi ta ghi nhận.

Quán sát như vậy xuyên qua kinh nghiệm bản thân hành giả nhận thức rằng tưởng không thường còn, nó không tồn tại đến một giây đồng hồ và bản chất thiên nhiên của nó là không ngừng hoại diệt. Nói chi đến những sự việc mà ta hồi nhớ trong kiếp quá khứ, ngay trong đời sống nầy, những sự việc mà ta nhớ lại trong giây phút vừa qua cũng đã chấm dứt và biến tan. Ðiều nầy, người hành thiền tự mình có thể nhận thấy. Chí đến những tưởng uẩn vừa khởi sanh trong khoảnh khắc vừa qua cũng đã hoại diệt. Như vậy, hãy hay biết và nhận ra những gì mà ta thấy, nghe và sờ đụng trong giây phút hiện tại. Những sự việc ấy luôn luôn khởi sanh rồi tan biến, lặp đi lặp lại, không ngừng sanh diệt. Chúng ta cũng có thể kết luận rằng những tưởng uẩn (tri giác) trong tương lai cũng sẽ sanh và diệt, tan biến ngay lúc khởi sanh.

Trong lúc hành thiền, phân tách tưởng uẩn như sau:

1. Tưởng uẩn, nhận ra những đối tượng vừa cảm thọ trong khoảnh khắc vừa qua, không còn tồn tại đến khoảnh khắc hiện tại, nó tan biến ngay trong khi ta nhận ra. Do đó, nó là vô thường, khổ và vô ngã.

2. Tưởng uẩn, nhận ra và hồi nhớ sự việc trong hiện tại, cũng biến tan trong khi ta thật sự nhận ra. Do đó, nó cũng là vô thường, khổ và vô ngã.

3. Tưởng uẩn, sẽ nhận ra và hồi nhớ sự việc trong tương lai, cũng sẽ biến tan trong khi ta ghi nhận. Như vậy, nó là vô thường, khổ và vô ngã.

Những tưởng uẩn trong quá khứ và vị lai của toàn thể thế gian cũng được kết luận bao hàm như những tưởng uẩn phát hiện ngay vào lúc được ghi nhận. Cũng giống như những tưởng uẩn, chấm dứt và biến tan vào lúc được ghi nhận trong hiện tại, cùng thế ấy những tưởng uẩn trong quá khứ hoại diệt và tan biến lúc vừa khởi sanh và như vậy là vô thường, khổ và vô ngã. Cùng thế ấy, những tưởng uẩn trong tương lai cũng sẽ hoại diệt và tan biến vào lúc sanh khởi, và như vậy là vô thường, khổ và vô ngã.

Những tưởng uẩn, nhận ra và hồi nhớ những đối tượng trong một người, trong người khác, và trong toàn thể thế gian cũng hoại diệt và tan biến lúc khởi sanh và như vậy là vô thường, khổ và vô ngã.

Bản chất vô thường của tưởng uẩn, hay tri giác, (vốn có đặc tính nhận ra và hồi nhớ sự vật), quả thật hiển nhiên nếu chúng ta chỉ suy gẫm và nhớ lại những điều đã học và đã nhớ trước kia, giờ đây mình quên đi dễ dàng như thế nào.

Những tưởng uẩn, nhận ra và hồi nhớ những đối tượng trong thân mình không tồn tại đến tưởng uẩn nhận ra những đối tượng bên ngoài; những tưởng uẩn nhận ra các đối tượng bên ngoài không tồn tại kéo dài đến lúc hồi nhớ các đối tượng bên trong thân – nó chấm dứt và tan biến ngay lúc khởi sanh, và như thế là vô thường, khổ và vô ngã.

Những tri giác nhận ra và hồi nhớ các đối tượng ham muốn và tham ái, sân hận và bực mình, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi và ngờ vực, tất cả đều bất thiện. Ðó là những tưởng uẩn thuộc loại thô kịch. Những tri giác liên quan đến tâm đạo nhiệt thành, tin tưởng nơi Ðức Thế Tôn, hồi nhớ một thời Pháp, nhớ lại những lời khuyên bảo và dạy dỗ của thầy hay của cha mẹ là tưởng uẩn thuộc loại tinh tế, tốt đẹp. Ðó là những tưởng uẩn cao thượng. Những tưởng uẩn thô kịch thuộc loại thấp hèn. Nói cách khác, nhận ra và hồi nhớ những đối tượng thô kịch là tưởng uẩn thô kịch, nhận ra những đối tượng tốt đẹp là tưởng uẩn vi tế.

Những tưởng uẩn thô không tồn tại đến khoảnh khắc mà tưởng uẩn vi tế khởi sanh; tưởng uẩn vi tế không kéo dài đến khoảnh khắc mà tưởng uẩn thô khởi sanh. Mỗi chặp tưởng uẩn biến tan ngay vào lúc vừa khởi sanh và do đó là vô thường, khổ và vô ngã.

Tưởng uẩn thấp hèn không tồn tại kéo dài đến khoảnh khắc mà tưởng uẩn cao thượng khởi sanh; cùng thế ấy, tưởng uẩn cao thượng không kéo dài đến khoảnh khắc mà tưởng uẩn thấp hèn khởi sanh. Nó biến tan ngay vào lúc khởi sanh và do đó, là vô thường, khổ, và vô ngã.

Nhận ra và hồi nhớ những đối tượng vi tế ở xa được gọi là tưởng uẩn xa (tri giác những đối tượng ở xa); nhận ra những đối tượng thô, gần, bên trong người, được gọi là tưởng uẩn gần. Tưởng uẩn xa không tồn tại kéo dài đến khoảnh khắc mà tưởng uẩn gần khởi phát; một tưởng uẩn gần không kéo dài đến khoảnh khắc mà tưởng uẩn xa khởi phát. Nó biến tan ngay vào khoảnh khắc vừa phát sanh và do đó, là vô thường, khổ, và vô ngã.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Giảng giải Kinh Vô Ngã Tướng – Mahasi Sayadaw

Bài viết liên quan

  • Thế nào là hão huyền, thế nào là vọng tưởng, Web, FB
  • Thế nào là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo, Web, FB
  • Quán thọ như thế nào để đạt tới ái tận giải thoát, Web, FB
  • Tưởng – saññā là gì, Web, FB
  • Cái gì là vô thường, khổ, Web, FB
  • Sắc – thọ – tưởng – hành – thức, Web, FB
  • Cái gì là vị ngọt – sự nguy hiểm – sự xuất ly, Web, FB
  • Từ bỏ, Web, FB
  • Không chánh định không thể có bát thánh đạo, Web, FB
  • Mở rộng hiểu biết về chánh định là gì, Web, FB
  • Chỉ bằng chánh niệm, Web, FB
  • Thấy biết cái gì thì được coi là thấy biết ‘như thật’, ‘như nó đang là’ khi thực hành tu tập minh sát tứ niệm xứ Vipassnā satipaṭṭhānā?, Web, FB
  • Như thế nào là hiểu biết một cách như thật❓thấy như chúng đang là❓, Web, FB
  • Như nó đang là, Web, FB
  • Lộn ngược là thế nào, Web, FB
  • Tham khảo các bài viết liên quan:
  • Sám hối như thế nào? Để làm gì, Web, FB
  • Sám hối có thể diệt ngã được không, Web Link
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Vì sao không còn thèm muốn các lý thuyết của những người khác, Web, FB
  • Như thế nào là người đang thấy Pháp đang thấy Như Lai, Web, FB
  • Tám đặc tính nhận biết pháp và luật thật sự, Web, FB
  • Pháp Âm: yếu pháp tu tập tuệ giải thoát, Web, FB
  • Yếu pháp tu tập tuệ giải thoát. Bài 5/6 – anatta – vô ngã, Web, FB
  • Sayādaw U Sīlānanda – Myanmar.
  • Vô ngã trong phật giáo, Web Link
  • Vô ngã là vô thường & khổ, Web, FB
  • Vô ngã: hiểu biết đúng đắn và hiểu biết sai lầm, Web, FB
  • Anata – vô ngã là gì, Web, FB
  • Who am I? Ta là ai?, Web, FB
  • Ta không do một ðấng tạo hóa sanh, cũng không phải vô nhân, Web Link
  • Anata – vô ngã là gì, Web, FB
  • Có phải vô ngã là không nên phân biệt, Web, FB
  • Thấy chỉ là thấy, Web, FB
  • Ai đang nói, ai đang nghe, Web, FB
  • Cái gì trống không, tất cả thảy đều trống không, Web, FB
  • Trống không là thế giới, Web, FB
  • Có và không: con đường trung đạo, Web, FB
  • Ai ăn thức thực, ai cảm xúc, Web, FB, Web Link
  • Vô ngã là vô thường & khổ, Web, FB
  • Sắc – thọ – tưởng – hành – thức, Web, FB
  • Cái gì là vị ngọt – sự nguy hiểm – sự xuất ly, Web, FB
  • Từ bỏ, Web, FB
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 6 December 2021